Thứ Tư, 1 Tháng Năm 2024
Truyện ngắnGiá như thời gian quay ngược trở lại

Giá như thời gian quay ngược trở lại

  Chiều nay, cả bầu trời mênh mông im lìm không một cánh nhạn bay qua, những hạt mưa mịn màng nghiêng mình bay theo chiều gió trông như tấm màn nước mờ mờ, ảo ảo đang phủ lên vạn vật, tạo nên khung cảnh như sương, như khói trên mảnh đất miền Trung. Bà Vương, hầu như chẳng cần quan tâm đến vẻ đẹp mê hồn, nhưng không kém phần lạnh giá của thời tiết đang bao phủ lấy mình, chỉ cảm giác trong trái tim đang nhói lên từng hồi, các khúc ruột như muốn xoắn lấy nhau đau lên cuồn cuộn. Tiếng gió rít não nuột trên cánh đồng hòa quyện với âm thanh réo rắt tự trách, hối hận, dằn vặt trong lòng khiến bà đau đớn bất giác gọi tên con. Bà ngửa mặt hướng đôi mắt hoen đỏ của mình nhìn lên bầu trời cao xăm diệu vợi, như tỏ bày sự ăn năn sám hối tột cùng với Phật trời và khao khát chờ đợi một sự nhiệm mầu nào đó xảy ra, mặc cho những hạt mưa chan hòa cùng nước mắt tuôn nhanh xuống gò má thẳng đến bờ môi tái sậm. Bà ngồi phịch xuống đất, dang rộng hai cánh tay ôm ngôi mộ vừa mới đắp chưa kịp mọc cỏ non vào lòng, mong được sưởi ấm cho con và lẩm bẩm trong từng tiếng nấc ngẹn ngào:“Con gái yêu của mẹ, giá như thời gian quay ngược trở lại, mẹ sẽ cùng con vào chùa để tu. Do mẹ cố chấp, ích kỷ, ngu si nên con ngày nay mới ra nông nổi thế này. Nếu ngày trước, mẹ biết tôn trọng lý tưởng của con thì giờ này mọi việc sẽ không như vậy. Mẹ ngàn vạn lần xin lỗi con. Con hãy niệm Phật cho lòng thanh thản để sanh sang một kiếp khác con nhé! Mẹ sẽ phát nguyện ăn chay trường đồng thời vào chùa xin quý Sư cô cầu nguyện cho con kiếp sau làm được những điều con muốn”. Những lời xin lỗi con của bà Vương tuy chỉ lờ mờ, nhưng nếu người trong làng vô tình đi qua nghe được thì chẳng ngạc nhiên gì. Chuyện con gái của bà thích đi tu từ ba năm trước cho đến gần đây, từ người lớn đến kẻ nhỏ trong làng ai ai đều biết. Thế nhưng, đùng một cái mọi người ngỡ ngàng nhận thiệp hồng bà Vương gả con. Chỉ một tuần sau, cô dâu non trẻ, xinh xắn sụt sùi bước lên xe hoa về nhà chồng và trên dưới một tháng sau, hình hài cô gái ấy lại lên xe tang ra nghĩa địa. Sự diễn tiếp nhanh như chong chóng quay tròn, khiến không ai tránh khỏi bàng hoàng thương cảm.

Ngược dòng thời gian 18 năm về trước, trong một năm mà bà Vương đón nhận hai sự kiện vui buồn lẫn lộn: Người chồng yêu thương bà rất mực không may bị tai nạn đột ngột qua đời. Sau một tháng, bà hạ sanh được nàng vô cùng kháu khỉnh. Vì yêu quý chồng, bà thề ở vậy nuôi con không bước thêm bước nữa. Vì thế bà đặt tên cho con gái là Thủy (suốt đời chung thủy với chồng). Mỗi ngày con gái lớn lên càng xinh đẹp, ngoan hiền, học giỏi khiến bà Vương rất hài lòng, hảnh diện với bà con. Ngoài công việc làm ăn ra, đi đâu bà cũng cho con gái yêu đi cùng, chưa bao giờ bà rời con một đêm. Đối với bà, Thủy là một khối tài sản vô giá không thể đem gì so sánh được. Song, lạ một điều, khi lớn lên sở thích của Thủy chỉ vào chùa tụng kinh, học hỏi giáo lý Phật Đà, không tham gia vui chơi cùng chúng bạn. Ngoài những bộ áo dài trắng để đi học ra, em chỉ thích mặc những bộ màu lam, nâu giống quí Sư cô ở chùa, dù mẹ đã nhiều lần may cho em những chiếc đầm đắt tiền, quần áo theo mốt tân thời đủ loại, dép, giày, nón mũ không thiếu thứ gì mà chẳng bao giờ em đụng đến. Một hôm, em thưa với mẹ:

-Mẹ ơi, mai cho con tiền may mấy bộ đồ nghe mẹ!

Bà Vương nghe vậy mừng rỡ, sợ con đổi ý bèn hỏi nhanh:

– Ừ, con muốn đồ gì? Ngày mai mẹ sẽ dẫn con vào tiệm áo quần lớn nhất trên thành phố cho con tha hồ mà chọn nhé!

– Dạ không, con chỉ cần mẹ cho con 300.000 thôi ạ”. Thủy thưa.

Thấy con cần ít tiền bà Vương hỏi:

– Áo quần gì mà ít tiền vậy con?

– Dạ, con mua hai bộ đồ lam mẹ ạ, mỗi bộ chỉ có 150.000 thôi.

Thấy con đòi mặc áo quần nhà chùa, bà Vương thất vọng quát:

-Áo quần ấy có gì đẹp mà con cứ đòi mặc nó hoài vậy? Sao con không nhìn con Hằng, con Hiếu, con Linh… các bạn của con đi! Chúng nó mặc toàn áo quần đủ mốt đúng thời moden hiện đại, nên mỗi ngày xinh xắn hẳn ra, riêng con lúc nào cũng lam với nâu. Tục ngữ có câu: “Người đẹp nhờ lụa, lúa tốt nhờ phân”. Con cứ mặc những áo quần như thế dù con có xinh đẹp đến đâu cũng giảm xuống, riết rồi thanh niên tưởng con muốn đi tu, ai dám để ý đến con, ế chồng thì khổ.

– Như vậy càng tốt chứ sao mẹ? Con đâu muốn lấy chồng, con chỉ muốn đi tu thôi”.

Nghe con nói thế, bà Vương giật nảy mình quát lớn:

– Con nói cái gì vậy hả? Từ nay mẹ cấm con nói những câu không hay như thế nghe chưa! Và cũng từ nay, con muốn mua sắm thứ gì, tốn bao nhiêu tiền mẹ đều cho hết, chỉ trừ đồ lam và nâu ra, nếu con còn mua về mẹ sẽ bằm nát ra đấy!

Nghe mẹ nói thế, Thủy tỏ ra bướng bỉnh trả lời:

– Vậy từ nay con không mua sắm gì hết, con mặc hai bộ này đến rách luôn.

Thấy con say mê đi chùa, không tha thiết đua đòi mua sắm như những bạn bè, nay lại dám cãi lời mình chỉ vì mấy bộ đồ lam, bà Vương cảm giác lo âu sợ hãi,vội vàng đi tìm thầy bói đoán xem sự thể ra sao? Có phải“mối gặm cây tình cờ ra chữ” hay không mà ông Tư phán:

– Con bé này có căn tu, nên sau này nó phải đi tu mới sung sướng được bà ạ!

Nghe thầy Tư nói đúng tính cách con mình, gương mặt bà Vương từ hồng chuyển sang tái nhợt, bà cảm giác nền đất mình đang ngồi bỗng nhiên quay tròn, đầu óc choáng váng, lê từng bước chân khập khiễng về nhà. Muốn ngăn chặn hậu quả chẳng lành cho con sau này, bà Vương quyết định không cho Thủy đến chùa dù bất cứ lý do gì. Hai bộ quần áo lam con đang mặc, không những bà đem ra đốt hết mà còn cấm Thủy tuyệt đối không được nhắc đến áo lam kể cả chùa chiền. Lâu nay, Thủy vốn là đứa con hiếu thảo, em chẳng bao giờ làm mẹ buồn dù một lỗi nhỏ. Thế nhưng, nay mẹ vô cớ đốt hai bộ quần áo lam mà em yêu thương, nâng niu như báu vật nên bị sốc mạnh. Ba ngày liền, em không nói với mẹ dù chỉ một câu. Học về, em đi thẳng vào phòng đóng kín cửa không ăn, chẳng uống. Mặc dù, nhìn con nước da xanh xao, tái nhợt bà Vương như đứt từng khúc ruột, nhưng sợ mình xuống nước lần này con sẽ bướng bỉnh lần khác, nên gọi em ra và đánh một trận vì tội cãi lời mẹ và bỏ ăn. Trải qua thời gian dài, không nghe con nhắc đến chùa nữa, bà Vương ngỡ con mình đã từ bỏ ý định đi tu thì mừng thầm trong bụng. Thế nhưng, vào một buổi tối, sau khi ăn cơm, tắm rửa xong, Thủy hớn hở đưa tấm bằng Trung học phổ thông cho mẹ. Thấy trên tấm bằng của con phê toàn điểm tốt, bà Vương mặt mày hân hoan nói:

– Con của mẹ ngoan quá! Con thích gì mai mẹ sẽ thưởng cho con thật xứng đáng?

– Mẹ nói phải giữ lời đó nha! Thủy nũng nịu thưa.

– Ừ, mẹ giữ lời, con thích gì mẹ cũng cho được hết, con là con cưng của mẹ, không cho con thì cho ai?

Không để mất cơ hội, Thủy quỳ xuống trịnh trọng thưa:

– Thưa mẹ, con muốn mẹ cho con đi tu! Con biết, con đi rồi mẹ sẽ buồn lắm. Nhưng tâm trạng con chỉ muốn được đi tu thôi, con không tha thiết gì với những niềm vui ở đời cả. Trong kinh Pháp Cú Đức Phật có dạy:

“Con ta, tài sản ta
                                   Kẻ ngu mãi lo xa,
                                  Chính ta còn không có
                                  Tài sản, con đâu ra?
                                            Người hái hoa dục lạc,
                        Tâm tham nhiễm say sưa,
                          Tử thần sẽ kéo bừa,
                     Như lụt cuốn làng ngủ”.

-Nếu mẹ thương con thì hãy cho con đi theo con đường mà con thích. Con sẽ cố gắng tu thật giỏi, sau này con rước mẹ vào chùa ở với con. Được không mẹ?

Đang vui vẻ, bỗng nghe những lời con nói, bà Vương biến sắc mặt đùng đùng nổi giận:

-Thủy! Tại sao con vẫn còn chống đối mẹ vậy Thủy ?Mẹ bảo con đừng bao giờ nhắc đến chuyện chùa chiền trước mặt mẹ, mẹ không muốn nghe, con hiểu chưa?

Sợ mẹ giận, Thủy không dám nói thêm gì nữa, đứng dậy rút nhanh vào phòng. Sáng hôm sau, bà Vương thấy Thủy dậy sớm hơn mọi ngày. Ăn cơm sáng xong, em xin mẹ đến nhà mấy người bạn tìm tài liệu ôn thi Đại học. Đến nhà bạn cả ngày để trao đổi việc học đối với Thủy là chuyện bình thường, nên bà Vương không hề phản đối. Thế nhưng, hôm nay đã đến 8giờ tối mà Thủy vẫn chưa về. Lòng bồi hồi lo sợ những điều không may xảy đến với con, bà Vương muốn gọi điện thoại, nhưng con mình không có, điện thoại các bạn của Thủy thì không biết số.Bà vội vàng lên xe ôm đi đến từng nhà những cô bạn mà Thủy thường đến, nhưng đều nghe câu trả lời giống nhau: “Hôm nay Thủy không đến nhà con thưa bác!”.Chợt nhớ đến tối qua Thủy xin đi xuất gia. Dù trời về khuya, bà Vương vẫn tìm đến những ngôi chùa gần nhà mà Thủy thường đến, nhấn chuông xin làm phiền hỏi tung tích của con nhưng đều vô vọng. “Có lúc nào Thủy đã về nhà rồi không nhỉ?” Bà nghĩ thầm và hi vọng như thế nên quay nhanh về nhà. Đến cổng, thấy nhà vẫn im lìm hiu vắng, tia hi vọng sụp đổ, bà nhấc từng bước chân rã rời đi vào với tâm hồn nặng trĩu ngàn cân. Bỗng chuông điện thoại reo lên. Bà cuống cuồng nhấc máy. Bên kia, tiếng Thủy run run:

-Thưa mẹ, con đã vào chùa tu rồi, mẹ hãy tha lỗi cho con! Con biết thế nào mẹ ở nhà cũng đi tìm, nên con vừa tới nơi là gọi điện cho mẹ hay. Ngày nay con bỏ đi chắc mẹ lo buồn nhiều lắm? Nhưng mẹ ơi, cuộc đời con người sẽ nhiều chuyện bất ngờ xảy đến và còn đau lòng hơn gấp ngàn lần việc con ra đi. Như mẹ không muốn cha con mất, nhưng cha con đã mất, nỗi đau đớn của mẹ đến giờ vẫn còn nguyên. Cuộc đời vô thường lắm mẹ ạ, sống ngày nay, không biết được ngày mai. Mới nghe con nói đến đây, bà Vương bủn rủn tay chân đến nổi bất giác rơi chiếc điện thoại. Bà cuống cuồng nhặt lên: A lô! A lô… Bà quỵ xuống đất khi không còn nghe tiếng con nữa. Từ đó, bà không ăn, chẳng uống, ngã bệnh nằm mãi trên giường. Thấy chị bệnh, em trai họ gọi tổng đài xin số điện thoại của Thủy đã gọi tối hôm ấy và lặn lội vào Nam tìm được cháu dẫn về. Thấy con đã về bệnh bà Vương mừng rỡ, căn bệnh thuyên giảm rất nhanh. Bà Vương Sợ con trốn thêm lần nữa, “trong trăm kế chỉ có kế lập gia đình là thượng sách”. Biết cậu Huy ở xóm trên trồng cây si với Thủy từ lâu nhưng không dám mở lời, gia đình ấy khá giả, Huy học vấn khá cao và tướng phong độ, bà vội vã tìm đến mở lời cho Huy cưới Thủy làm vợ với yêu cầu sau khi đám cưới xong sẽ cho Thủy thi vào Đại học, thế là tiệc cưới được chuẩn bịt ổ chức. Dù rất đau khổ, nhưng mẹ đưa ra hai con đường chọn một: “Nếu con đi tu mẹ sẽ chết, muốn mẹ sống con phải lấy chồng”. Trận bệnh nhất sanh thập tử của mẹ vừa qua, khiến Thủy không còn con đường nào khác là lên xe hoa.

Sau khi gả được con rồi, bà Vương thấy trong lòng nhẹ nhõm, mĩm cười thầm nghĩ: “Con lấy chồng gần nhà, mình chạy qua chạy lại cũng vui, chỉ vài năm sau sẽ có cháu ngoại mà bồng, mà nựng… Còn nó đi tu thì coi như đã chết, tự nhiên mất đi đứa con mình từng mang nặng, đẻ đau, nuôi dưỡng khổ nhọc”. Trong cuộc đời, không phải lúc nào cũng màu hồng như con người mong muốn, bà Vương có ngờ đâu, chàng rể quý của bà là một con nghiện ma túy nặng. Sau khi cưới vợ, hạnh phúc được gần 1 tháng, Huy hết tiền hút chích. Biết cơn nghiện chuẩn bị bộc phát, Huy cố tỉnh táo dùng lời lẽ ngọt ngào năn nỉ Thủy đưa hết số tiền vàng mà ba mẹ hai bên cho trong ngày cưới, với lý do cậu hùn vốn cùng bạn làm ăn. Thấy cử chỉ lúng túng, úp mở thiếu chân thật của chồng, Thủy nghi ngờ nên quyết không đưa. Khi cơn nghiện đã lên cơn hoành hành khổ sở tột cùng, Huy không làm chủ được mình lăn lộn vật vã, run lên cầm cập. Lúc Thủy vừa kịp nhận ra chồng mình là một con nghiện ma túy, cũng là lúc Huy lao mạnh tới lỡ tay xô Thủy té ngã, đầu đập vào tường chết ngay tại chỗ. Thế là chàng rể nhanh chóng bị công an đưa vào trại giam chờ ngày xét xử. Còn con gái cưng của bà Vương thêm một lần nữa lên xe. Nhưng lần này không phải xe hoa về nhà chồng mà xe tang ra nghĩa địa. Khuông mặt bà Vương lần này không còn hồ hởi vui vẻ tay bắt, mặt mừng chào đón bà con hai họ như lần trước, mà áo quần tả tơi, giàn giụa nước mắt, chân bước thấp, bước cao, té lên, xỉu xuống theo xe con gái đi về hướng nghĩa địa trên cánh đồng hoang.

Thích nữ Huệ Ngạn

Tin khác

Cùng chuyên mục