Thứ Năm, 2 Tháng Năm 2024
Sức khỏeCần biếtBệnh huyết áp cao, lo âu và thoái hóa cột sống cổ

Bệnh huyết áp cao, lo âu và thoái hóa cột sống cổ

<HĐ>Bệnh nhân Tuấn Kiệt hỏi:
Thưa Bác sĩ,

Tôi xin được tư vấn bệnh như sau:

Năm nay, tôi 37 tuổi, nặng 70kg và bị thoái hóa 4-5 đốt sống cổ.
Có ngày tôi thấy khỏe mạnh bình thường, có ngày tôi ngủ dậy lại cảm thấy choáng váng có lẽ do thiếu máu lên não. Bây giờ tôi không xác định được biểu hiện này là bệnh gì: Mỗi khi tôi lo nghĩ hay nhạy cảm với cảm giác của mình, huyết áp sẽ tăng 133-140/70-75 mmHg. Tôi nằm nghỉ 1-2 phút, đo lại thì lại bình thường. Thậm chí, khi tôi tập thể dục, huyết áp cũng bình thường. Nhưng khi tôi ăn dầu mỡ hay ở chỗ ồn ào là cảm giác lại tăng, nhưng lúc đó uống rượu cũng không thấy gì… Hoặc đang bình thường mà tôi phải tranh luận gì đó nhẹ nhàng cũng cảm thấy nóng tai, nóng mặt…

Đa phần, huyết áp của tôi là 116-123/65 mmHg. Tuy nhiên, tôi hay buồn ngủ lúc chiều và khi đó mà nằm thiu thiu thì huyết áp lại hạ 110/58 mmHg. Đôi khi, tôi thấy nặng gáy, choáng váng, nhưng huyết áp lại ổn định.

Vậy bệnh của tôi là do thiếu máu lên não do chèn ép và lo sợ gây tăng huyết áp, hay là do bệnh cao huyết áp làm lo sợ?

Trân trọng cảm ơn Bác sĩ.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Trước hết, tôi xin nói rõ tôi không thể tư vấn cho cá nhân trên mục y học thường thức này. Tôi chỉ xin có một số nhận xét chung chung sau đây:

A. Về vấn đề huyết áp được bệnh nhân nhắc đến 7 lần trong thư, có lẽ là mối ưu tư lớn nhất

1. Áp huyết chúng ta đo thông thường là áp huyết trong động mạch cánh tay (brachial artery) và bình thường có hai con số: áp huyết lúc thu tâm (systolic blood pressure, SP), lúc tim đang bóp lại cho máu phọt ra (systolic ejection) và áp huyết lúc trương tâm (diastolic pressure, DP), lúc hai tâm thất đang giãn ra (diastole) để nhận máu vào từ hai tâm nhĩ. Người lớn, SP dưới 120 mmHg (milimet thuỷ ngân), DP dưới 80 mmHg.

2. Hồi hộp, lo sợ, kích thích do tuyến nội tiết (ví dụ tuyến giáp làm việc quá nhiều, tuyến thượng thận tiết chất epinephrine/norepinephrine quá nhiều) làm tim đập nhanh hơn, mạnh hơn, mạch máu co lại có thể làm áp huyết tăng trong một thời gian.

3. Áp huyết có thể cao hơn vì vừa uống thuốc, nước uống có chất kích thích như cà phê, trà, thuốc cường dương, thuốc ho có chất kích thích, co mạch máu như pseudoephedrine, phenylephrine, sau khi tập thể thao nặng nhọc, lúc xúc động, sợ sệt lo âu. Nếu áp huyết lên xuống thất thường, nên đo lại nhiều lần cách nhau chừng 30 phút (đo lại ngay không đúng, vì mạch máu vừa bị bóp mạnh vào); bác sĩ có thể theo dõi bằng máy đo mang theo trong người để đo áp huyết 15-30 phút một lần trong 24 giờ (24 hour ambulatory blood pressure monitoring – ABPM). Bệnh nhân ghi chép những chuyện xảy ra trong ngày, ghi những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, hồi hộp, mệt.

4. Bệnh áp huyết cao: Nói chung, bác sĩ đo huyết áp bệnh nhân hai lần hoặc nhiều lần hơn và nên đo hai bên phải và trái. Nếu cộng lại lấy số trung bình; áp suất lúc thu tâm (systolic pressure) trên 140 mmHg; áp suất trương tâm (diastolic pressure) trên 90 mmHg thì định bệnh áp huyết cao. Theo những tiêu chuẩn trên thì những con số áp huyết mà bệnh nhân nêu ra không thuộc về nhóm huyết áp cao.

Phân loại: (Thu tâm và trương tâm, đơn vị mmHg)
– Tối hảo (Optimal): < 120 và < 80.
– Bình thường (Normal): < 130 và < 85.
– Bình thường cao (High normal): 130-139 và 85-89.
– Huyết áp cao (Hypertension):
+ Giai đoạn 1 (nhẹ, mild): 140-159 và 90-99.
+ Giai đoạn 2 (vừa, moderate): 160-179 và 100-109.
+ Giai đoạn 3 (nặng, severe): ≥ 180 và ≥ 110.
– Áp huyết thu tâm đơn độc (Isolated systolic hypertension): ≥ 140 và < 90.
– Áp huyết thấp (hypotension), thường được định nghĩa như là áp suất kỳ thu tâm: ≤ 90.
– Áp suất trương tâm: ≤ 60.

Tuy nhiên, cũng tuỳ theo bệnh nhân, tuổi bệnh nhân, áp huyết thông thường của người đó. Có nhiều nguyên nhân, đơn giản như bệnh nhân thiếu nước, bị xúc động, ngâm nước nóng quá lâu (mạch máu dãn nở), có thai, ít vận động,… Phức tạp hơn, ví dụ bệnh nhân thiếu máu (anemia, bần huyết, lượng hồng cầu quá thấp), chảy máu đâu đó (ví dụ rong Kinh, chảy máu bao tử, ruột) hay suy cơ năng tuyến giáp (hypothyroidism), nang thượng thận (adrenal glands, bệnh Addison: đi đôi với da sậm màu [hyperpigmentation], các vùng niêm mạc như miệng cũng đen hơn bình thường), nhiễm trùng máu, phản ứng thuốc, dị ứng, phản vệ (anaphylaxis = huyết áp hạ nhanh, sốc kèm theo khó thở, nổi mẫn ngoài da). Cũng nên nêu rõ áp huyết thấp (hypotension) và thiếu máu (anemia) là hai bệnh khác nhau, mặc dù thiếu máu có thể gây ra áp huyết thấp, chóng mặt, xỉu.

Nói chung, chúng ta không muốn áp huyết cao, và áp suất thấp là mục đích của chữa trị bệnh cao áp huyết. Tuy nhiên, nếu áp huyết thấp kèm theo các chứng như chóng mặt, muốn xỉu, mờ mắt, ói, tay chân lạnh, xanh xao, thở khó hay yếu, chán nản, trầm cảm (depression), nên đi đến bác sĩ.

B. Chứng thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ và lưng

Xương sống chúng ta gồm những đốt xương sống (vertebra) nối liền với nhau bằng những cái đĩa đệm (intervertebral disc) để giảm thiểu tác dụng các va chạm trên các đốt xương đó (shock absorbers). Mỗi cái đĩa nhìn vào có thể so sánh như một lát bánh tét: ở vòng ngoài có một vỏ sợi hình tròn bao bọc, tiếng Anh gọi là annulus fibrosus (chiếc nhẫn), chỉ có ít mạch máu nuôi dưỡng nên dễ bị hư hại; ở giữa chúng có cái nhân mềm hơn, chứa nhiều nước, không có mạch máu nuôi dưỡng nên cũng dễ thoái hóa, tác dụng như một cái nệm nước, gọi là nucleus pulposus. Càng về già, cái nhân này càng dễ bị khô hơn, ít dẻo dai hơn. Nhờ các đĩa này xương sống lúc còn trẻ mới cử động một cách êm ái và uyển chuyển được.

Xương sống lưng (lumbar spine) và cổ (cervical spine) là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các động tác đi đứng, khiêng nặng, cúi lên cúi xuống của chúng ta. Ngoài ra, còn có thể có tác hại do tai nạn, chấn thương, bệnh béo phì cũng như tác dụng do yếu tố di truyền (có những người mang gien có tác dụng làm cho đĩa đệm của họ yếu hơn bình thường). Do đó, ít nhiều, nhanh chóng tùy theo trường hợp, trong mỗi chúng ta, các đĩa đệm đều từ từ sẽ có những dấu hiệu hư hại qua thời gian và bắt đầu rất sớm, từ tuổi thanh niên (khoảng 20 tuổi). Tuy nhiên, mặc dù gọi là bệnh “thoái hóa”, có hai điểm cần chú ý:
– Trong số người đĩa thoái hóa thấy trên MRI, chỉ một số ít người là đau lưng thật sự.
– Trong số người đau do thoái hóa đĩa, đa số tương đối trẻ (45-55 tuổi), người già hơn nữa (trên 60 tuổi) thì lại ít đau hơn, dù là đa số cột sống thoái hóa, vì những nơi đau có thể đã tự ổn định (stabilized).

Cái vỏ sợi hình nhẫn có thể bị rách một vài nơi ngoại biên, rồi rách rộng ra, làm đĩa yếu đi, phình ra ngoài giới hạn cột sống, bề dày đĩa giảm xuống, chứng thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ và lưng (cervical and lumbar degenerative disc disease, D.D.D.) người ta gọi là đĩa thoát vị (disc herniation) nếu cái đĩa biến dạng phình ra khỏi vị trí bình thường của nó. Do các chất gây viêm từ trong trung tâm nhân của đĩa bị xì ra phía ngoài, kích thích, làm khó chịu (irritate) các dây thần Kinh nhỏ nằm trong lớp ngoài vỏ đĩa, làm chúng ta cảm thấy đau lưng vùng đó. Cột sống dần dần mất tính ổn định (stability) của nó, các đốt xương sống phản ứng bằng cách mọc ra những mấu xương (osteophytes) để chống đỡ phụ, các mấu xương này có thể đè lên các sợi dây thần Kinh, làm đau hai chân và hai vai, cánh tay. Đồng thời, các bắp cơ (bắp thịt) hai bên sống lưng cũng co rút lại để chống đỡ.

Cách phòng ngừa D.D.D.: Dinh dưỡng đầy đủ (calcium, vitamin D), tránh hút thuốc, tránh chấn thương cột sống (ngồi xe hơi có bộ phận nâng đầu cổ), vận động, thể thao, tránh những môn thể thao quá sức chịu đựng bình thường của mình (như cử tạ quá nặng, gymnastics: vận động quá khó, các vận động viên gymnastics thường bị hư các xương cột sống, tránh ngồi quá lâu ở những tư thế không lành mạnh và đáng kể nhất là đừng để cơ thể quá mập.

Có hai mạch máu hai bên xương sống nằm trong ống xương đi từ dưới lên trên gọi là động mạch xương sống (vertebral arteries) đi vào sọ nhập lại thành một (động mạch đáy, basilar artery) phụ trách nuôi phần sau não bộ kể cả tiểu não (cerebellum) là nơi phụ trách về thăng bằng, nếu rối loạn gây chóng mặt. Đối với người rất già, thoái hóa các đốt xương sống cổ có thể ảnh hưởng đến động mạch xương sống, làm cho những người này hay chóng mặt, mà dù trong những trường hợp này, chỉ chóng mặt lúc quay đầu (cổ) qua bên này hay bên kia.

Đối với người mạnh khỏe 37 tuổi, trừ trường hợp ngoại lệ chuyện này khó xảy ra. Bác sĩ có lẽ sẽ nghĩ đến những nguyên nhân khác như tai biến, huyết áp thấp, lo âu,…
C. Rối loạn lo âu (anxiety disorders)

Bình thường cơ thể chúng ta được trang bị để tự giữ nó trong tình trạng quân bình nào đó (homeostasis). Nếu các tín hiệu cho biết tình thế yên ổn, cơ thể cảm thấy mình có thể thoải mái được, thì hệ đối giao cảm (parasympathetic system) nắm quyền “trưởng ban nhạc”, làm cho tim đập chậm lại, dịch vị ra nhiều, bao tử và ruột làm việc gia tăng để dễ tiêu hóa,… Ngược lại, nếu cơ thể nhận được những tín hiệu cho biết nó bị đe dọa, nói chung là hiện diện các stress và nó cần phải “chiến đấu hoặc chạy trốn”, hệ thần Kinh giao cảm tự động kích hoạt: cuống phổi nở ra, tim đập nhanh, bóp mạnh hơn, áp huyết lên cao, mồ hôi tay vã ra, mạch máu ngoài da co lại để ưu tiên máu vào tim, óc, cơ bắp, con ngươi giãn to hơn để ánh sáng vào mắt nhiều hơn, thấy rõ hơn trong đêm tối.

Nếu người bệnh bị rối loạn trong nhận thức và cảm thấy sự đe dọa không có thật hoặc đe dọa nhỏ nhưng bị phóng đại quá mức, cảm thấy đang xảy đến hoặc có thể xảy đến cho mình một cách dai dẳng, người đó sẽ ở trong tình trạng stress mãn tính (Kinh niên) và gây ra trường hợp mà y khoa gọi là “rối loạn lo âu”. Thường gặp nhất là rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder).

Về tâm lý, bệnh nhân thấy tinh thần căng thẳng, sợ sệt, khó tập trung, lo lắng.

Về triệu chứng cơ thể, một số lớn triệu chứng gây ra do bộ phận giao cảm của thần Kinh thực vật kích thích mãn tính nói ở trên: tim đập nhanh, hồi hộp thở nhanh, tay chân vã mồ hôi, khó ngủ, mệt mỏi,… Ngoài ra, còn sinh ra vòng lẩn quẩn: hồi hộp gây ra lo sợ đau tim, hồi hộp, khó thở làm hoảng hốt, sợ chết, làm khó thở thêm. Một trong những tiêu chuẩn định bệnh này là triệu chứng kéo dài hơn 6 tháng, triệu chứng đầu tiên xuất hiện ở khoảng 20-25 tuổi, nữ giới nhiều hơn nam giới một chút. Tuy nhiên, người lớn tuổi cũng thường bị chứng rối loạn lo âu mà không được chẩn đoán, chăm sóc.

Về thư giãn, người Á Đông chúng ta có những phương pháp như yoga, thiền, tụng Kinh. Thuần túy về sinh lý học, các biện pháp này dùng những phương tiện sau:

– Một nơi yên tĩnh.
– Một “phương tiện/mẹo tâm trí”, theo Bennon và Klipper, tạo nên tiêu điểm cho mình tập trung: một chữ hay câu nói, lặp đi lặp lại đều đều (tương tự như thần chú hay Kinh, không cần hiểu nghĩa của các chữ cũng được, có thể tập trung vào hơi thở để các ý tưởng ra vào đầu óc tự do, nhưng ý nào vào thì cứ tự nhiên thải đi, không bận tâm.
– Thái độ thụ động trong lúc thư giãn, sau 20 phút thì bắt đầu nhúc nhít tay chân, vận động thân thể để về tình trạng linh hoạt bình thường.
– Tư thế thoải mái.

Người Việt chúng ta cũng áp dụng phương pháp “Thiền định” và “Chánh niệm”. Theo Bác sĩ Huỳnh Văn Thanh (Đại học Hawaii), một bác sĩ chuyên về bệnh ung thư, dùng chánh niệm để áp dụng cho bệnh nhân ung thư của ông: “Phần lớn các phương pháp thiền là định: tập trung tâm trên một đề mục cố định (cụ thể như nhìn ngọn nến hoặc trừu tượng như niệm chú) giúp cho tâm được tạm thời an lạc và có thể đạt tới nhiều tầng thiền cao. Chánh niệm, ngược lại, có tính cách linh động để ý tới cảm nghiệm rõ ràng nhứt mà không lựa chọn đối tượng. Vì vậy, trong thực tập chánh niệm, tâm ít bị xao động bởi những kích thích. Chánh niệm có đặc tính chú tâm đến những gì đang xảy ra trong hiện tại một cách không phê phán hoặc so sánh để thấy nó thật sự ra sao.”

Trước đây, ở Việt Nam có quyển Quẳng gánh lo đi mà vui sống do Nguyễn Hiến Lê dịch từ quyển How to stop worrying and start living (1948) của Dale Carnegie, rất có ích cho người đọc giảm bớt sự lo âu của mình. Trên internet, vẫn còn phổ biến quyển sách này. Ở Mỹ, quyển sách này vẫn bán rất chạy, có lẽ vì chúng thực tế và thời nào cũng vậy, sự tìm kiếm tĩnh lặng trong cuộc sống cạnh tranh vẫn là những mối bận tâm của mọi người.
Bệnh nhân cũng như sinh viên y khoa mới vào ngành có khuynh hướng nghĩ đến những lý do, nguyên nhân hiếm hoi, ghê gớm, Kinh điển, khảo sát khó khăn, tốn kém trước một trường hợp bệnh lý với những triệu chứng nào đó (con ngựa vằn). Trong trường Y cũng như trong chương trình huấn luyện bác sĩ, người ta thường khuyên các bác sĩ trẻ nên đi tìm con ngựa thường trước khi nghĩ đến con ngựa vằn. Phân biệt giữa con ngựa thường (định bệnh thông thường, hay gặp trước) và nhớ đến con ngựa vằn (bệnh hiếm có, tuy có thể xảy ra) lúc cần thiết là nghệ thuật hành nghề y khoa hợp tình hợp lý của các bác sĩ có Kinh nghiệm hơn. Tốt hơn hết, bệnh nhân nên tìm đến một bác sĩ chịu khó lắng nghe nỗi ưu tư của mình, khám bệnh kỹ lưỡng và từ đó cho biết ý kiến về trường hợp của mình.

Chúc bệnh nhân may mắn!

Tin khác

Cùng chuyên mục