HĐ Mùa hạ, những cơn mưa bất chợt rơi trên những khóm mồng tơi nơi vườn rau Học viện, rau xanh thẫm mọng nước, vỏ nhẵn bóng, lá mồng tơi màu xanh non, dày, hình trái tim hoặc hình trứng, nhìn căng mọng, trên thân điểm những nụ hoa xen giữa các kẽ lá, ban rau đất gieo hạt vào mùa xuân khoảng 3-4 tháng thì thu hoạch những sọt mồng tơi xanh mượt. Nếu để lâu không thu hái kịp có thể tìm thấy những bông hoa sắc trắng hoặc tím đỏ, từ đó kết thành những quả mồng tơi hình cầu màu xanh, lúc chín chuyển sang sắc tím đen, mưa gió nơi rừng tràm không xô ngã được những luống mồng tơi rễ chùm, ăn sâu vào lòng đất thanh lọc những dưỡng chất thiết yếu giúp cây phát triển để Ni sinh Học viện thu hái cúng dường những bữa canh ngọt lành đến đại chúng.
Có thể, nhắc đến rau mồng tơi quá quen thuộc với mọi người dân Việt, nhưng loại rau dân dã đó lại có rất nhiều vi chất dinh dưỡng như Vitamin C, A, PP, B1, B2, Saponin, chất nhầy, tinh bột, chất đạm, tro, nước… Trong Đông y dùng mồng tơi làm thuốc vì cây tính mát, vị ngọt, hơi nhạt, lá tính mát, vị chua ngọt, về quy kinh mồng tơi có khả năng tác động vào 5 kinh gồm: Kinh tâm, can, tiểu tràng, tỳ, đại tràng. Chính vì vậy Y học cổ truyền sử dụng rau mồng tơi làm dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng, giảm đau, thông tiện, chủ trị táo bón, đau mỏi xương khớp. Theo Tây y công dụng của mồng tơi giúp giảm mỡ máu, hạ cholesterol trong máu, chữa mụn nhọt, say nắng, làm đẹp da,… Sau đây là một số bài thuốc dân gian dùng rau mồng tơi chữa bệnh:
1. Cách điều trị bệnh trĩ nhẹ:
Xay nhuyễn 1 bó mồng tơi với 1 cốc nước đun sôi để nguội, lọc nước cốt uống mỗi ngày 1 lần trong vài tuần liên tục các triệu chứng sẽ cải thiện rõ rệt.
2. Chữa tức ngực bồn chồn:
Lấy 60g mồng tơi sắc kỹ lấy nước 200ml nước đặc, thêm một chút rượu trắng vào uống khi còn ấm, mỗi ngày 1 lần.
3. Trị táo bón, nóng trong người, giải độc cho cơ thể:
Có thể nấu canh ăn với cơm hàng ngày có tác dụng nhuận tràng, ngăn ngừa táo bón, hoặc dùng 1 nắm lá mồng tơi giã nát, đổ thêm vào 300ml nước đun sôi để nguội, lọc nước uống hằng ngày.
4. Trị say nắng:
Lấy 4-5 lá mồng tơi giã nát, đắp vào trán và 2 bên thái dương, dùng băng gạc y tế cố định, nằm yên nghỉ ngơi.
5. Trị bỏng, làm mau lành vết thương:
Giã nát cây mồng tơi với vài hạt muối, vắt nước cốt chấm lên vết bỏng hoặc đắp cả bã lên khu vực tổn thương.
6. Chữa đầy bụng ăn không tiêu:
Rau mồng tơi, rau đay mỗi thứ 100g và 1 củ khoai sọ, tất cả đem nấu canh, ăn vài ngày sẽ thấy bụng dễ chịu, hoặc kết hợp 4 loại rau mồng tơi, ngọn khoai lang, rau đay và rau má nấu canh ăn thường xuyên.
Thông qua những tác dụng chữa bệnh đã nêu, có thể nhận thấy việc sử dụng rau mồng tơi trong thực đơn hàng ngày thật sự rất tốt cho người ăn chay, vì rau chứa chất nhầy có thể bổ sung dịch nhầy tự nhiên trong xương khớp, cung cấp các loại vitamin từ rau củ cho người ăn thuần chay, là nguồn cung cấp nước tự nhiên cho cơ thể con người nhất là vào mùa hè khi tiết trời oi ả, nóng bức rất dễ gây nên tình trạng thiếu nước, say nắng v.v… Tuy nhiên, không nên nấu phô mai cùng với rau mồng tơi vì cả hai nguyên liệu rất giàu chất đạm nên khi ăn dẫn đến dư thừa năng lượng làm tăng gánh nặng tiêu hóa cho đường ruột. Hơn nữa, nếu tỳ vị yếu cũng hạn chế sử dụng rau mồng tơi vì dễ đau bụng, tiêu chảy. Nên khi sơ chế rau mồng tơi theo kinh nghiệm dân gian là ngắt bỏ 1 chút xíu phần đọt non của rau để khi nấu canh hay luộc rau, thì khi chế biến thành thức ăn sẽ không bị sôi bụng.
Rau mồng tơi, mùng tơi hay lạc quỳ (Basella alba L) rất tốt cho sức khỏe người ăn chay nên luôn là loại rau thường xuyên được chăm sóc trong vườn rau tại Học viện, ban rau đất đã gieo hạt mồng tơi vào những ngày đầu xuân để hạ về, trong những bữa trưa nắng nóng Ban Quản viện cùng toàn thể đại chúng thưởng thức chén canh mồng tơi nấu cùng nấm rơm tươi, bắp non, thơm ngọt, thanh nhiệt. Món canh mồng tơi đơn giản giải nhiệt ngày hè giúp Tăng Ni sinh Học viện mạnh khỏe hơn để thực hành thời khóa An cư kiết Hạ, ẩn sau đoàn thể hòa hợp đó chính là tu sĩ thầm lặng, luôn nở nụ cười hỷ lạc trên môi của những người gieo hạt trồng rau.
Như Hội