Thứ Bảy, 20 Tháng Tư 2024

Từ Đạo Hạnh

Bàn thờ Thiền sư ở kiếp Phật tại chùa Thượng

Từ Đạo Hạnh (chữ Hán: 徐道行, 1072 – 1116), tục gọi là Đức thánh Láng, là một thiền sư người Việt Nam thời nhà Lý. Cuộc đời ông được ghi lại dưới nhiều màu sắc huyền thoại. Trước khi truyền thuyết về Liễu Hạnh phổ biến, ông thường được liệt vào hàng thánh nổi tiếng trong tín ngưỡng Việt Nam, gọi là Tứ bất tử.

Truyền thuyết nổi tiếng nhất về ông chính là việc ông trút xác, hóa thân thành con trai của Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán, chính là Lý Thần Tông sau này. Chính vì truyền thuyết nổi tiếng này, cùng sự huyền diệu của các câu chuyện dân gian về ông đã khiến trong một thời gian ông có tên trong danh sách Tứ bất tử của người Việt Nam. Cho đến khi truyền thuyết về Bà Chúa Liễu Hạnh trỗi dậy.

Dân chúng lập đền thờ ông tại chùa Thiên Phúc (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội), tục gọi là chùa Thầy và chùa Láng, chùa Nền ở Hà Nội. Hàng năm, lễ hội chùa Thầy được mở vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, tương truyền là ngày ông viên tịch

Tiểu sử

Tương truyền ông tên là Lộ (路), con của quan đô sát Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan. Do Từ Vinh bị giết bởi một pháp sư có tên là Đại Điên, Từ Lộ đã có ý đi sang Tây Thiên tu luyện phép thuật giết Đại Điên để trả thù cho cha nhưng đi nửa đường đã quay lại và chọn núi Sài Sơn chùa Phật Tích để tu hành. Ngài chuyên trì kinh “Đại Bi Tâm Đà La Ni” của đức Quán thế Âm tới khi cảm ứng, có vị thần tự xưng Trấn Thiên vương hiện lên và xin làm đệ tử để cho ngài sai khiến. Sau đó ngài dùng gậy đánh chết Đại Điên.

Đại Điên cũng là người tu hành nên sau đó tái sinh làm đứa trẻ, tuy 3 tuổi mà chuyện gì cũng biết, được gọi là Giác Hoàng. Vua Lý Nhân Tông biết chuyện kỳ lạ bèn đón về Kinh Sư cho nó ở chùa Báo Thiên. Vua muốn nhận đứa trẻ làm con nhưng quần thần và dân chúng không nghe, nên vua lập đàn cầu nguyện pháp hội kéo dài 7 ngày để đứa trẻ linh dị kia đầu thai trở lại vào nơi cung cấm !

Từ Đạo Hạnh biết đứa bé là Đại Điên đầu thai để mê hoặc quần chúng, rối loạn chính pháp nên nhờ người chị mang lá bùa của mình, giả làm người đi xem hội rồi treo ở tấm rèm của đứa bé. Tới ngày thứ ba của pháp hội, đứa bé Giác Hoàng bị ốm và nói: “Khắp biên giới trong nước đều có lưới sắt vây che, tuy muốn thác sinh nhưng không có lối”. Sau đó đứa bé chết, Lý Nhân Tông truy ra và bắt Từ Đạo Hạnh đem về Hưng Thánh lâu.

Từ Đạo Hạnh xin với em vua là Sùng Hiền Hầu cứu thoát và hứa sẽ làm con của Hầu để trả ơn, tuy nhiên phải báo cho sư biết trước khi vợ của Hầu sắp sinh. Đạo Hạnh dặn rằng:“Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì báo cho tôi biết trước để cầu khấn với sơn thần”.

Lại nói chuyện năm xưa đi cầu đạo cùng 2 người bạn Nguyễn Minh Không và Giác Hải, Từ Đạo Hạnh từng có lúc biến ra con hổ để dọa Nguyễn Minh Không, bị Nguyễn Minh Không nhắc nhở, Từ Đạo Hạnh ăn năn và biết kiếp sau sẽ bị hóa hổ nên nhờ Nguyễn Minh Không khi đó ra tay giúp chữa trị.

Trút xác

Truyền thuyết lưu rằng, sau khi Từ Đạo Hạnh chết, ông cho thiền sư Nguyễn Minh Không biết mình sẽ đầu thai thành con của Sùng Hiền Hầu – em trai của vua Lý Nhân Tông. Vị vua này không có con nên đã nhường ngôi cho con của Sùng Hiền Hầu là Lý Dương Hoán, người con này chính là Từ Đạo Hạnh đầu thai, trở thành vua Lý Thần Tông.

Tương truyền ông viên tịch vào ngày 7 tháng 3 năm Bính Thân (1116), tại chùa núi Thạch Thất. Thạch Thất là tên huyện, tức là huyện Ninh Sơn ngày nay, tên núi là Phật Tích. Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng: tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác. Trước là phu nhân của Sùng Hiến Hầu là Đỗ thị đã có mang, đến đây trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy. Hàng năm, mùa xuân, cứ đền ngày mồng 7 tháng 3, con trai, con gái hội họp ở chùa, là hội vui có tiếng một vùng. Người đời sau ngoa truyền là ngày giỗ của sư (xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng ấy lại đắp tượng lại thờ như cũ, hiện nay hãy còn).

Đến tháng 6 thì Lý Dương Hoán, con trai của Sùng Hiền Hầu ra đời, đây chính là vị vua tương lai Lý Thần Tông. Sau này Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, người vua mọc lông cọp và gầm như cọp, quần thần phải dùng cũi vàng nhốt Vua. người cứu chữa được là đại sư Nguyễn Minh Không.

Tại Hà Nội có chùa Láng, tên chữ là Chiêu Thiền Tự được xây dựng đời vua Lý Anh Tông (con của Lý Thần Tông). Chùa thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông. Bên cạnh đó có chùa Nền, tên chữ là Đản Cơ Tự dựng trên nền ngôi nhà cũ của Từ Đạo Hạnh.

Nam bang Tứ Bất Tử

Từ Đạo Hạnh là một trong những danh Tăng nổi tiếng và nhiều truyền thuyết linh dị nhất trong lịch sử Việt Nam, Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngài cũng chính là người mở đầu cho một tín ngưỡng hòa trộn vào Phật giáo sau đó có sức ảnh hưởng lớn đối với người Việt thời Lý – Trần, tín ngưỡng thờ Thánh Tổ.

Thánh Tổ là các vị sư, cuộc đời có nhiều công hạnh kỳ bí linh thiêng, sau khi viên tịch được nhân dân dựng đền thờ riêng hoặc lập nơi thờ ở sau điện Phật. Thánh Tổ vừa đại diện cho Phật vừa gần gũi với cuộc sống của nhân dân, tuy vẫn thuộc đạo Phật nhưng lại như một thế lực thần thánh bảo trợ cho nhân dân. Các chùa dạng này thường có mô hình “Tiền Phật – Hậu Thánh ” và đặc trưng là thường rất to lớn về quy mô, ảnh hưởng tâm linh đến cả một vùng miền, xứ sở xung quanh như: Chùa Thầy, Chùa Keo – Nam Định, Chùa keo – Thái Bình, chùa Láng, Chùa Trăm Gian, Chùa Bối Khê, Chùa Bái Đính cổ, đền Nguyễn Minh không, chùa Ngũ Xã, Chùa Thiên Vũ – Dương Nội – Hà Đông – Hà Nội,….

Ban đầu các Thánh Tổ tập trung vào 3 vị: Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Giác Hải sau có thêm Nguyễn Bình An chùa Trăm Gian cuối đời Trần.

Tứ Bất tử là 1 phạm trù cổ của người Việt về các vị thần thánh trong nước. Tương truyền từ xưa khi Mẫu Liễu hạnh chưa xuất hiện thì vị trí của bà là của Từ Đạo Hạnh Thiền Sư, sau thế kỷ 15-16 người ta mới gắn Mẫu liễu vào vị trí thứ 4 sau 3 vị thần từ đời viễn cổ

Tin khác

Cùng chuyên mục