Thứ Bảy, 20 Tháng Tư 2024
Phật họcTìm hiểu khái niệm Trung đạo từ Phật giáo Nguyên thủy đến...

Tìm hiểu khái niệm Trung đạo từ Phật giáo Nguyên thủy đến Đại thừa sơ kỳ

  Trung đạo (S. Madhyamāpratipad, P. majjhimāpaṭipadā, H. 中道) là con đường tu tập tránh hai trạng thái cực đoan: “Hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh ép xác”. Chính sự thực tập con đường Trung đạo Đức Phật đã đạt được sự giác ngộ, giải thoát.

Đến thời Đại thừa Phật giáo sơ kỳ, khái niệm Trung đạo trong phẩm Quán về Tứ đế của Long Thọ không nói đến các quan điểm cực đoan sai lầm, mà đơn thuần diễn tả ý nghĩa Trung đạo tương đồng với nguyên lý Duyên khởi, tánh Không (Sūnyatā) và Giả danh (Prajñāptiupādāya). Kết cấu này có khác biệt so với định nghĩa thông thường Trung đạo trong Kinh văn A-hàm, phải có đủ hai vế: Những điều nên tránh và những điều phải thực hành theo. Tuy nhiên, những tư tưởng cực đoan trong Trung quán luận không chỉ có quan điểm Bát bất mà còn có những quan điểm lầm chấp về giáo pháp của các bộ phái Phật giáo đương thời, đặc biệt phái Nhất thiết Hữu bộ. Bằng phương pháp biện chứng, Long Thọ phủ định các quan điểm chấp các pháp thật có, chứng minh sự không hợp lý trong mệnh đề do đối phương đưa ra; Đồng thời, xiển dương tư tưởng Thật tướng tánh Không của Đại thừa. Đó cũng là ý nghĩa Trung đạo của Long Thọ.

Trên đây là tìm hiểu ý nghĩa khái niệm Trung đạo trong kinh điển A-hàm và Trung quán luận, tiêu biểu cho tư tưởng Phật giáo trong giai đoạn từ Phật giáo Nguyên thủy đến Phật giáo thời sơ kỳ Đại thừa. Phần tiếp theo, bài viết làm rõ ý nghĩa khái niệm này dựa trên các văn bản Kinh tạng và Luận tạng.

Trung đạo trong kinh điển A-hàm

Những câu chuyện trong Kinh điển A-hàm được biên tập từ các bài pháp Đức Phật giảng cho chúng đệ tử xuất gia, cũng như tại gia; Các cuộc đối thoại giữa Đức Phật và ngoại đạo, hay những buổi thảo luận của các vị Tỳ-kheo. Tất cả vẽ nên bức tranh tổng thể của giáo đoàn Phật giáo, không phải của riêng Đức Thế Tôn thuyết giảng. Thông qua bức tranh đó, chúng ta không chỉ có thể thấy được sự siêu việt của tư tưởng Phật giáo đối với quan điểm ngoại đạo mà còn thấy được điểm tương đồng và khác biệt giữa lời dạy của Phật với lời giảng giải mở rộng của các Thánh đệ tử như Xá-lợi-phất (Sāriputta), Mục-kiền-liên (Moggallāna) trong các bài kinh như Kinh Đẳng tâm (số 21), Kinh Thành tựu giới (số 22), Kinh Phân biệt thánh đế (số 31) thuộc Kinh Trung A-hàm. Trước sự khác nhau giữa các quan điểm này, khái niệm Trung đạo, có thể giúp người học Phật phân định điều nào nên tránh xa và điều nào nên thực hành theo để đạt được sự an lạc-giải thoát.

Như thế, trong Kinh điển Phật giáo không chỉ có riêng lời Phật dạy, mà còn có cả lời của các vị đệ tử; Không chỉ riêng thời Phật tại thế mà còn kéo dài đến kỳ kết tập lần 3. Có thể gọi đây là bức tranh tổng thể của Tăng đoàn trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thuỷ, được biên tập thành Kinh A-hàm (hoặc kinh Nikāya), và lưu truyền cho đến ngày nay. Tiếp nối quá trình biên tập Kinh và Luật tạng, Luận tạng ra đời, nhằm mục đích giải thích Kinh điển, nhưng lại qua lăng kính của mỗi bộ phái Phật giáo, nên tạng này xuất hiện nhiều sự bất đồng giữa các bộ luận với nhau.

Trung đạo trong Trung quán luận

Trung Quán luận (S. mūlamadhyamakakārikā, H 中觀) được trước tác bởi Tổ Long Thọ là bộ luận nổi tiếng xiển dương tinh thần của Phật giáp Đại thừa. Tinh thần của Trung Quán Luận bác bỏ quan điểm của luận sư bộ phái, cũng như chủ trương các trường phái ngoại đạo. Đó cũng là những quan điểm sai lầm cần nên tránh, thuộc vế thứ nhất theo khái niệm Trung đạo trong kinh Nguyên thủy. Vế thứ hai, bài kệ Trung đạo trong Trung quán luận, Long Thọ cho thấy định nghĩa ‘Tánh Không’ của Đại thừa chính là thuyết Duyên khởi của Phật giáo Nguyên thuỷ. Có thể nói, Long Thọ đã ứng dụng pháp Trung đạo đúng với lời Phật dạy, góp phần giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp về quan điểm giữa các luận sư bộ phái, cũng như giữa các bộ luận với nhau.

Nổi bật trong mười một bộ phái thuộc hệ Thượng tọa bộ phải nói đến phái Thuyết nhất thiết Hữu bộ với bộ luận tạng đồ sộ. Nội dung các bộ luận, ban đầu mang hình thức giảng giải kinh điển, nhưng về sau các bộ luận thể hiện rõ nét chủ trương ‘Tam thế thật hữu, pháp thể hằng tồn’ (三世實有, 法體恆存). Theo nghiên cứu của Thích Hạnh Bình, có ý nghĩa đối kháng với quan điểm ‘quá khứ vị lai vô, hiện tại vô vi hữu’ (過去位來無£¬現在無為有) của phái Hóa địa bộ (化地部, S. Mahasasaka); Và tư tưởng ‘ngã hằng hữu’ (我恆有) của phái Độc Tử Bộ (犢子部, S. Vātsīputrīya1). Quá trình tạo luận của phái Hữu bộ thực hiện trong thời gian dài, Lữ Trừng chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn một, sáu bộ luận túc được tạo trong khoảng thời gian sau Phật Niết-bàn 200 năm; giai đoạn hai, Phát trí luận ra đời khoảng 400 – 600 năm sau Phật Niết-bàn; giai đoạn ba, từ 600-1000 năm sau Phật Niết-bàn, là thời kỳ của Tỳ-ba-sa luận2. Luận tạng của phái Nhất Thiết Hữu bộ tuy phát triển mạnh mẽ nhưng cũng đến lúc suy yếu, tạo điều kiện cho hướng đi mới xuất hiện. Khi nói đến luận điểm của phái Nhất thiết Hữu bộ, các luận sư thường sử dụng quan điểm trong tác phẩm Đại Tỳ-ba-sa luận3 (大毗婆沙論, S. Mahavibhāsā – sàstra). Nguyên nhân ra đời của bộ luận này, theo nghiên cứu của Lữ Trừng, là do nội bộ Hữu bộ xuất hiện nhiều quan điểm cạnh tranh lẫn nhau. Từ thực tế cho thấy, Đại Tỳ-bà-sa luận không những không đạt được mục đích thống nhất quan điểm trong nội bộ luận sư Hữu bộ, mà còn là tiền đề cho các hướng rẻ mới xuất hiện, như bộ phái Kinh lượng bộ (tách ra từ phái Hữu bộ); Hoặc làm nền tảng cho các bộ luận mới ra đời như Câu-xá luận (Abhidharmakośa) của Thế Thân (世親, S. Vasubandhu) ra đời; hoặc là điều kiện cho Đại thừa Phật giáo xuất hiện. Các hướng đi mới này nằm trong xu hướng quay về với cách giảng giải của các bộ luận xưa, thoát khỏi sự rối ren trong các luận giải của Tỳ-ba-sa. Đặc biệt, Đại thừa Phật giáo xuất hiện với các bản Kinh xiển dương trí tuệ Bát-nhã Ba-la-mật (般若波羅蜜多, S. prajñāpāramitā), với chủ trương ‘tất cả các pháp đều không’. Hẳn đây là quan điểm đối đầu trực diện với tư tưởng ‘các pháp thực có’ của Hữu bộ. Luận sư Long Thọ ủng hộ tư tưởng Đại thừa qua các bộ luận nổi tiếng của mình, trong đó Trung quán luận được xem như là một đấu trường tư tưởng giữa Long Thọ và các luận sư bộ phái và ngoại đạo.

Bồ tát Long Thọ tạo Trung quán luận không ngoài mục đích xiển dương chủ trương của Đại thừa Phật giáo, bằng các thủ thuật biện chứng công phá quan điểm ngoại đạo, cũng như các luận giải dị biệt của bộ phái Phật giáo. Đặc biệt, Long Thọ nhắm đến các luận sư thuộc phái Nhất Thiết Hữu Bộ, là bộ phái đang có sức ảnh hưởng lớn trong giáo đoàn Phật giáo trong xã hội đương thời. Có thể nói, Bồ tát Long Thọ là một luận sư ‘cứng tay nghề’, khi dám công khai đưa các chất vấn của đối phương vào trong tác phẩm và trình bày quan điểm riêng của mình đối với các luận đề đó. Thông qua pháp biện chứng của Long Thọ, đối phương có thể tự nhận ra tính đúng sai của vấn đề. Tuy nhiên, sự chỉ ra điều không hợp lý trong luận đề đối phương chưa phải là mục tiêu cuối cùng của Long Thọ. Bởi lẽ, luận giả muốn đề cập đến tư tưởng Tánh Không của vạn pháp, cũng là chủ trương tối hậu của các nhà Đại thừa dựa trên nền tảng giáo lý nguyên thuỷ. Điều này thể hiện rõ trong bài kệ Trung đạo, liên hệ đến giáo lý Duyên khởi của Phật giáo Nguyên thủy và định nghĩa Tánh Không của Đại thừa Phật giáo.


Có thể nói, Bồ-tát Long Thọ đã khéo léo trùng tuyên lại ý nghĩa lời Phật dạy, tương thích với hoàn cảnh hiện tại (trong thời kỳ chuyển giao từ bộ phái sang Đại thừa Phật giáo) nhưng không làm mất đi đặc tính của giáo nghĩa đã có trong Kinh điển nguyên thủy A-hàm (hay Nikāya). Đó cũng chính là sự tiếp nối và phát triển của Phật giáo trong mọi thời đại, nhưng không xa rời nguồn gốc giáo lý nguyên thủy ban đầu. Bước ngoặt thành công này trở thành nền tảng cho việc gìn giữ và truyền bá Phật giáo khắp trong và ngoài đất nước Ấn Độ, đến với nhiều nền văn hóa khác trên khắp năm châu nhưng vẫn mang hương vị giải thoát riêng của Phật giáo.

Thích Trúc Thạnh Châu


  1. Thật tế, chủ trương của Độc Tử bộ là ‘Ngã Pháp hằng hữu’. Tuy nhiên, đối với Hữu bộ chỉ có ‘pháp hữu’, còn lại ‘Ngã vô’. Như thế, phái Hữu bộ chấp nhận một phần, và phủ nhận phần còn lại đối với quan điểm Độc tử bộ. Ngoài ra, Độc tử bộ không sử dụng từ Ngã (我) mà thay thế nó bằng từ ‘Pudgala’ (補特伽羅, dịch âm Bổ-đặt-già-la), cũng là linh hồn hay chủ thể nhận thức.
    (Thích Hạnh Bình, (2008). Triết học Có và Không của Phật giáo Ấn Độ, Hà Nội: NXB Phương Đông, tr. 114).
  2. Lữ Trừng, “A-tỳ-đạt-ma phiếm luận”, trong Trương Mạn Đào (chủ biên), Thích Hạnh Bình và Thích Huệ Hải (dịch Việt), Bộ phái Phật giáo và A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma), (2019). Hà Nội: NXB Hồng Đức, tr. 322.
  3. Luận này có tên đầy đủ là A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa (阿毗達磨大毗婆沙論, S.Abhidharma – mahavibhāsā – sàstra) được Ngài Tuệ.

Tin khác

Cùng chuyên mục