Thứ Năm, 28 Tháng Ba 2024

Sư quản viện

  Kính bút viết về Ni sư Quản viện Ni trường TCPH Đồng Nai

Tụi con biết không, đời người Quản viện bạc lắm. Cả đời dành tâm sức cho việc nuôi dạy chúng, học trò có đến hàng trăm hàng ngàn nhưng đến lúc cuối cùng thì không có một ai bên cạnh. Học trò cũng như những áng mây tụ tán trên bầu trời kia, chỉ là đến đi theo từng khoá học, không phải đệ tử mình nên cũng không có trách nhiệm bổn phận với mình… Đã có lần, Sư kể câu chuyện về một vị Quản viện ngày xưa rồi nói điều này như một sự đồng cảm hay dường như Sư đang nói với chính mình.

Ấy vậy mà Sư vẫn chọn gắn bó cuộc đời mình với Ni trường, trong vai trò Quản viện. Được sự cho phép của Hòa thượng, vâng theo sự chỉ dạy của quý Ngài trong Ban Giám hiệu, Sư thừa hành công việc coi sóc Ni chúng. Rời xa Thiền viện, Sư không nhận đệ tử (kể cả y chỉ), không lãnh trụ trì bởi Sư không muốn có bất kỳ điều gì riêng tư, Sư chỉ muốn dành trọn vẹn tâm ý mình vào việc giáo dục chúng Ni trẻ. Sư với chúng con, hai thế hệ cách nhau hàng thế kỷ, nếp sống thời đại thể hiện trong ngôn ngữ, việc làm và những thói quen sinh hoạt của chúng con đã không ít lần khiến Sư như lạc vào một hành tinh khác… Học trò chúng con từ khắp nơi tựu về, mỗi đứa một tính cách, một môi trường gia giáo và cả những tập khí khác nhau, vậy mà Sư hiểu, Sư biết từng đứa rồi phương tiện nhiều cách để nhắc nhở, dạy dỗ, uốn nắn chúng con. Hằng đêm, khi chúng con đã say giấc thì Sư một mình lặng lẽ cầm đèn pin đi tuần khắp các dãy liêu, coi đứa nào lén thức khuya, đứa nào ngủ gục trên bàn không tắt đèn, đứa nào ngủ không mắc màn… có hôm con trùm mền lén bật đèn đọc sách, nghe tiếng bước chân Sư dừng nơi cửa sổ, con vội tắt đèn nằm im chờ Sư đi qua, bữa đó con thấy bóng Sư qua ánh trăng in xuống con đường nhỏ, con chợt nhận ra chiếc bóng Sư đã già. Bất chợt con tự hỏi, phải chăng chính chúng con đã làm cho chiếc bóng ấy bớt tinh anh, bớt nhanh nhẹn… bốn bề yên lặng, chỉ chiếc bóng ấy lặng thầm thao thức vì chúng con.

Sư Quản viện cùng chư Ni

Chúng con còn nhắc đến Sư là “Sư luật” bởi Sư giám luật, dạy luật ở Ni trường. Luật là môn học khô khan, chán ngắt nhất với chúng Ni trẻ bởi dường như những điều luật Phật chế định ngày xưa cho cuộc sống của các vị Tỳ kheo trong rừng với chúng con thời này không còn thích hợp nữa, nhưng qua từng con chữ Hán viết trên bảng, Sư giảng giải ý nghĩa, đưa điều luật ấy vào thực tiễn, cuộc sống hàng ngày cho chúng con soi lại chính mình, thấy được tập khí xấu dở của mình mà sửa đổi. Con vẫn thích nhất môn Quy Sơn Sư dạy, Sư kể về thời Phật ngày xưa, thời Sư còn trẻ, thời chúng con bây giờ. Sư bắt buộc phải thuộc lòng âm, nghĩa Quy Sơn bởi đó như là “chiếc roi” quất vào tâm giải đãi của chúng con, khuyến tấn chúng con trong cuộc đời tu học. Làm bài kiểm tra hàng tuần ngoài chép lại nguyên văn, Sư còn cho làm luận để ứng dụng lời dạy vào thực tiễn của bản thân. Qua bài viết, Sư sẽ biết và hiểu tâm tư suy nghĩ của từng đứa học trò. Nhờ cách truyền dạy đó mà luật và Cảnh Sách Sư dạy, tất cả chúng con luôn nằm lòng, để giờ đây khi xa trường, mỗi khi đối duyên xúc cảnh hay khi đối diện với chính mình chúng con có điều tâm niệm, khuyến tấn và nhắc nhở mình trong việc học, sự tu.

Sư Quản viện nhưng không bao giờ Sư nghĩ mình làm lớn mà dùng quyền uy để răn dạy, áp đặt, ra lệnh. Ngược lại, Sư đem nếp sống lục hòa trong lời kinh Phật dạy, ý giáo, khẩu giáo và thân giáo mỗi ngày để răn dạy chúng con. Những buổi chấp tác sau giờ học, Sư đội mưa đội nắng cùng chúng con lao động. Giữa rừng tràm xanh thẫm, bên cạnh tiếng nói cười của chúng Ni, luôn có bóng áo vàng thấp thoáng đang khom lưng cào từng đám cỏ, cuốc từng luống đất, rong phát cành tràm. Sư nói: “Cây tràm mới lớn, phải cắt bỏ bớt những cành tua rua xung quanh chỉ để một thân chính thôi thì tràm mới dồn sức nuôi thân, sau này thân tràm mới cao khỏe và thẳng được. Tụi con cũng giống như mấy cây tràm non này, tập khí thế gian còn nhiều lắm, Sư phải la rầy, phải làm đủ cách để cắt bỏ những gai góc ấy thì tâm tụi con mới nhu nhuyến, sau này mới là người có lợi cho Phật pháp. Tụi con sai, Sư dạy một lần để biết sợ, biết tỉnh giác hơn, để cả đời không bao giờ vi phạm lỗi này nữa”.

Lòng Sư là thế mà chúng con đâu có hiểu, mỗi khi Sư rầy, Sư dạy đứa nào cũng xụ mặt, nước mắt ngắn dài, có lúc còn giận hờn cho là Sư không thương, Sư khó chịu. Con vẫn nhớ, có lần Sư dạy sắp xếp việc chúng, con đã không nghe lời, tự theo ý mình, Sư gọi lên phòng rồi nghiêm giọng nói: “Từ nay, tôi để con lên làm Quản viện, tôi không làm nữa, con muốn làm gì làm, chúng nên hay hư là tại con, tôi về Thiền viện”. Nói rồi Sư quay lưng lạnh lùng, mặc con quỳ đó với hai hàng nước mắt rơi. Thật lâu cho đến khi Sư thấy được tâm thành nhận ra lỗi và cần cầu sám hối, Sư mới dạy: “Sư biết con không cố ý nhưng việc làm của con lại thể hiện như vậy, Sư dạy để con biết nhận ra cái vi tế nhất trong tâm ý mình, nó là chủng tử huân tập lâu đời mình khó thấy.”

Bây giờ, rời Sư rồi, sống ở môi trường mới, phải tự ý thức bổn phận trách nhiệm của mình, không còn được sự nhắc nhở, chỉ dạy từng chút một như ngày đó, chúng con mới nhớ, mới biết trân quý và đôi lúc thèm được Sư rầy, Sư phạt và câu trách mắng: “Tôi cho con làm Quản viện” ngày nào của Sư, con xem như một lời thọ ký để nuôi dưỡng ước mơ của mình sẽ trở thành một người Quản viện giống như Sư Quản viện của chúng con.

Có một điều Sư luôn tâm niệm và luôn nhắc chúng con là dù đi đến nơi nào, ở đâu chỉ một ngày thôi thì nơi ấy cũng là ngôi Tam Bảo, cần phải hết lòng với nơi đó đừng nghĩ chùa mình mới làm, mới lo. Đừng để cái tâm vị kỷ, chỉ biết lo cho cái riêng của mình xen vào cuộc sống và đối đãi, đó là tật xấu của người nữ, sẽ không thể làm việc lớn được. Phải biết hi sinh vì đại chúng, vì lợi ích của đại chúng. Chỉ cần chân tu thật học thì phước đức, công đức tự nhiên có, chư Phật sẽ hộ trì, thiện thần, hộ pháp sẽ che chở. Lời dạy ấy chúng con vẫn luôn nhớ và thực hành.

Bốn năm Trung cấp, chúng con đã có phước duyên được sống nội trú, được sự chỉ dạy và nhắc nhở của Sư trong từng bữa ăn, giấc ngủ, việc học, việc tu. Chính những tháng năm ấy là hành trang vững chãi cho chúng con trên con đường tu học suốt cả cuộc đời. Mỗi lần có dịp trở về trường thăm Sư, trước khi đi Sư đều dặn: “Tụi con cố gắng học tốt sau này trở về trường phụ Sư lo cho các em. Cái quan trọng nhất vẫn là giữ gìn giới hạnh, người tu phải nhớ lấy đức hạnh làm đầu, dù học cao mà đạo đức dở thì cũng bỏ đi”. Hễ có ai về trường lên lại, Sư đều gói ghém chút quà bánh đôi khi chỉ là mấy ký bánh lọc “đặc sản của trường” cho chúng con chia nhau. Ở đây, không thiếu thứ gì nhưng món quà Sư gửi chúng con cần lắm, vì nó mang theo cả hương vị, kỷ niệm của trường xưa và hơn thế là cả tình thương của Sư Quản viện.

Đã bao khóa học đi qua, cánh tràm xanh đã mấy mùa rụng lá, kết hoa, Ni sinh bao lớp đã đến đã đi hàng trăm đứa nhưng vẫn trầm mặc còn đó bóng chiếc áo vàng vẫn sớm chiều qua bao ngày mưa nắng, lặng lẽ cúi mình sửa lại những gốc tràm non. Hình ảnh ấy đã để lại cả một miền ký ức trong cuộc đời tu học của con mà có lẽ trọn kiếp này không bao giờ con quên để khắc kỷ tự thân trở thành một Tỳ kheo ni xứng đáng là người con gái Phật, mong đền đáp bốn ân trọng thọ nhận trong đời.

Ngày 20/11 năm nay, chúng con không trở về bên Sư, để dâng Sư quà, hoa hay lời ca câu chúc nhưng chúng con xin được một lần ôn lại những lời dạy và những tháng năm sống bên cạnh Sư như sự sách tấn cho mình. Sư không thích những lời hoa mỹ, tán dương, Sư lúc nào cũng chỉ mong chúng con lớn khôn sẽ trở thành long tượng thiền môn, là bậc Ni lưu tài đức vẹn toàn trong Đạo pháp để không cô phụ ân đức của Chư Phật, chư Tổ và tấm lòng của quý chư Tôn đức đã một đời hi sinh vì sự nghiệp giáo dục thế hệ Tăng, Ni kế thừa mạng mạch Phật pháp. Chúng con chỉ xin một lần ghép chữ, xếp thành câu thầm niệm ân đức người và xin cho con được một lần gọi “Sư Quản viện” bằng một tiếng Thầy bằng lòng kính thương của một người đệ tử ở nơi xa.

Thuần thanh như liên đóa
Ẩn đức tợ mai hoa
Ni lưu trung Thích chủng
Trưởng tú tại tinh hà.

Huệ Quang

Tin khác

Cùng chuyên mục