Chủ Nhật, 14 Tháng Tư 2024
Hành trạng chư NiNi trưởng thượng Từ hạ Hương

Ni trưởng thượng Từ hạ Hương

VIỆN CHỦ CHÙA LINH PHONG – ĐÀ LẠT


(1917 – 2006)

I. THÂN THẾ
Ni trưởng thế danh là Hoàng Thị Phù Dung, Pháp danh Tâm Hồng, tự Từ Hương, hiệu Diệu Hòa, sinh năm Đinh Tỵ (1917) trong một gia đình trung lưu tại Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Hoàng Đình Phong, Pháp danh Tâm Thể, thân mẫu là cụ bà Hoàng Thị Hiệp, Pháp danh Tâm Hòa.

Vốn sanh trưởng trong gia đình Nho học, lại có lòng sùng mộ Phật pháp nên từ thuở nhỏ Ni trưởng đã sớm có ý định xuất gia.
Trong sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây, Ni trưởng là người cầu tiến muốn tiếp thu cái mới nhưng không muốn nền văn hoá, đạo đức Á đông bị lấn át bởi văn hoá ngoại lai, đồng thời đả phá tư tưởng phong kiến “trọng nam, khinh nữ”, nêu cao tinh thần bình đẳng, tự chủ cho giới nữ.

Bản hoài cao đẹp khó mà thực hiện được nếu không thoát ly đời sống gia đình vốn nhiều ràng buộc và hệ lụy. Nhiều lần Ni trưởng muốn xuất gia và cũng nhiều lần bị song thân ngăn cản nên đã có lần Ni trưởng phải trốn đi rồi được tìm về. Tuy nhiên những sợi dây tình cảm thế tình cũng không sao buộc được chân người con gái đã có tâm nguyện lợi tha vô ngã của bậc xuất trần thượng sĩ ấy.

II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Thế rồi, chí nguyện vượt qua bể mê đến bờ giải thoát của Ni trưởng cũng trở thành hiện thực. Với ý chí sắt son cuối cùng song thân cũng chấp nhận cho Ni trưởng xuất gia tại chùa Phổ Thiên – Đà Nẵng với Đại lão Hòa thượng Tôn Thắng.
Tu học tại Đà Nẵng một thời gian, nhờ đêm ngày nỗ lực tinh tấn nên được Bổn sư gửi ra Ni trường Diệu Đức – Huế để tu học. Năm 1943, Ni trưởng tốt nghiệp Trung đẳng Phật học Chuyên khoa.

III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Sau khi tốt nghiệp Trung đẳng Phật học Chuyên khoa tại Ni trường Diệu Đức – Huế, Ni trưởng trở về lại Đà Nẵng và được quần chúng Phật tử tại đây rất mến mộ, thỉnh nguyện Ni trưởng lập chùa Ni và tổ chức đạo tràng cho Phật tử tu học.
Nhưng với bản tánh khiêm tốn, Ni trưởng nhận thấy tuổi đạo cũng như tuổi đời còn ít không kham nổi công việc lớn lao mà cần phải có thời gian hạ thủ công phu, nghiêm trì tịnh giới mới có đủ nghị lực và năng lực hoằng pháp độ sanh.

Trong nhiều lần tháp tùng chư vị Tôn túc vào ra Phan Rang, Phan Thiết thực hiện Phật sự, Ni trưởng tâm nguyện:
” Đời tu sĩ pháp luân thường chuyển,
Tình thâm giao cảm khắp muôn nơi “.
Và chính nhờ mối thâm giao đạo tình này, nên giữa Ni trưởng và Ni trưởng Diệu Ấn có sự hiểu biết lẫn nhau và sự thỉnh cầu Ni trưởng lên Đà Lạt hoằng pháp độ sanh của một số Phật tử Đà Lạt khi có mặt ở Phan Rang.

Đây cũng chính là thiện duyên để đưa bước chân người nữ lưu một lòng vì đạo có cơ hội hoằng dương Chánh pháp tại cao nguyên Lâm Viên Đà Lạt, đó là vào năm 1947.
Lúc này tại Đà Lạt chưa có cơ sở Ni bộ, năm Giáp  Thân (1944) tại Trại Hầm – Đa Lợi, Hòa thượng Bích Nguyên có dựng một thảo am để hướng dẫn cho một số bà con Phật tử từ miền Trung vào sinh cơ lập nghiệp có nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng sau những ngày lao động. Bà con Phật tử rất mến mộ uy đức của Hòa thượng và thỉnh cầu Hòa thượng phát động bà con cùng hợp lực chẻ đá để xây dựng một cổng Tam quan ngay trước thảo am. Cổng Tam quan thật uy nghiêm, hoành tráng được giới kiến trúc sư lúc bấy giờ đánh giá là một tuyệt tác, một công trình thế kỷ ở thời điểm đó.

Đến năm Đinh Hợi (1947), Ni trưởng từ Phan Rang lên Đà Lạt với tâm nguyện mong muốn xây dựng một Ni tự. Và “Cảm ứng tùy thời hiện” , “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, Ni trưởng đã được gặp Hòa thượng Bích Nguyên và tỏ bày nguyện vọng của mình. Hòa thượng rất hoan hỷ cúng lại thảo am này cho Giáo hội và giao Ni trưởng xây dựng cơ sở của Ni. Còn Hòa thượng trở về làm trụ trì chùa Tỉnh hội Linh Sơn và đảm đương nhiệm vụ Chánh Hội trưởng Phật giáo tỉnh lúc bấy giờ.

Với ấp ủ hoài bão từ lâu, nay cơ duyên lại đến, trung thành với lý tưởng lợi tha vô ngã của Sứ giả Như Lai “Nơi nào Đạo pháp cần con đến, chúng sanh mời con đi; không quản gian lao, chẳng từ khó nhọc”, từ một thảo am trên đồi cao gió lộng hoang sơ nhưng với tâm nguyện và bàn tay khéo léo, Ni trưởng đã trùng tu để Linh Phong Ni tự trở thành một danh lam thắng cảnh, một trung tâm tu học và đào tạo Ni tài đầu tiên tại vùng đất được gọi là “hoàng triều cương thổ” ngày xưa và nay là “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt, Lâm Đồng.

Qua nhiều lần trùng tu, Linh Phong thật xứng đáng là ngôi phạm vũ huy hoàng, nghiêm cẩn, trầm hùng. Được như hôm nay, có một phần công đức không nhỏ của Ni trưởng đóng góp.
Không thể phủ nhận công đức lớn của Ni trưởng là người đầu tiên trong việc khai tâm mở trí, dẫn dắt, đào tạo hàng Nữ lưu trên vùng đất cao nguyên Lâm Đồng này.

Quả là một tấm gương sáng cho hàng Ni giới và tín đồ nói chung quy ngưỡng, thật xứng đáng là bậc trưởng tử Như lai. Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vì sự nghiệp truyền đăng tục diệm, báo Phật ân đức, Ni trưởng đã đứng ra tổ chức và làm Đàn đầu Hòa thượng cho ba Đại giới đàn Ni để truyền trao giới pháp cho biết bao giới tử Ni khắp nơi trong nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng.

Không những thế, Ni trưởng còn quan tâm đến việc đào tạo Tăng tài hiện tại và mai sau với học phong và đạo phong phải kiêm ưu. Ni trưởng đã đảm đương trách nhiệm Phó Ban bảo trợ trường Cao Trung Phật học Lâm Đồng từ khi thành lập đến nay, lúc nào cũng có sự gia tâm hộ trì và đóng góp của Ni trưởng. Biết bao lớp Ni chúng do Ni trưởng giáo dưỡng và đào tạo đã đóng góp rất nhiều công sức trong việc hoằng dương Chánh pháp và phục vụ nhân sanh tại tỉnh nhà và khắp vùng miền đất nước.

III. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Tuổi đời dày tuổi đạo cao, vô thường hằng chuyển từng sát-na, thành-trụ-hoại-không là điều hiện thực, Ni trưởng nhuốm bệnh, Ni chúng hết lòng phụng dưỡng thuốc thang, các y – bác sĩ bệnh viện Lâm Đồng săn sóc chu đáo vẫn  không cưỡng lại được sát-na dị thế. Và Ni trưởng đã thâu thần viên tịch một cách an nhiên tự tại vào ngày mùng 4 tháng 10 năm Bính Tuất (2006). Trụ thế 89 năm, hơn 60 pháp lạp. Sự ra đi của Ni trưởng đã để lại cho Ni chúng Linh Phong và Ni bộ Lâm Đồng một niềm tiếc kính khôn nguôi.
” Từ đây ngàn kiếp rong chơi,
Người ôm trăng ngủ trên đồi mây bay,
Trăng Bát-nhã trên nền trời không in dấu,
Hoa Ưu-đàm tuy rụng vẫn còn hương”.
Công đức của Ni trưởng đối với sự nghiệp hoằng pháp, độ sanh thật cao dày, làm sao nói hết được những điều đáng nói về công viên quả mãn của Người.

 

Tin khác

Cùng chuyên mục