Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024
Hành trạng chư NiNi trưởng thượng Như hạ Bổn

Ni trưởng thượng Như hạ Bổn

NGUYÊN THÀNH VIÊN BAN QUẢN TRỊ NI TRƯỜNG DƯỢC SƯ

VIỆN CHỦ TỔ ĐÌNH KIM SƠN, PHÚ NHUẬN, TP.HCM

TRỤ TRÌ CHÙA DƯỢC SƯ, HUYỆN TÂN THÀNH, TỈNH BR-VT


(1926-2006)

I. THÂN THẾ

Ni trưởng thế danh Đặng Thị Thiện, sinh năm 1926 (Bính Dần) nguyên quán tại tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương). Thân phụ là cụ ông Đặng Văn Tố, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Mầu. Gia đình gồm ba chị em, Ni trưởng là con cả.

II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC

Được sinh trưởng trong gia đình trung lưu, tin Phật nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời Ni trưởng lúc ấu thơ. Năm 13 tuổi, Ni trưởng được thân mẫu dẫn đi lễ Phật tại chùa Pháp Giới (Cây Mai – Chợ Lớn), chủng duyên xuất trần hiển lộ, thầy xưa mấy độ hóa thầy nay, Ni trưởng gặp Sư trưởng Diệu Tấn người khai sáng Ni trường Kim Sơn – Gia Định, cho làm lễ thế phát xuất gia với Pháp húy Nhựt Thiện, tự Như Bổn, hiệu Viên Như, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 41, hệ truyền thừa của cụ Tổ Phi Lai.

Bấy giờ, Ni trường Kim Sơn là Ni trường đầu tiên của vùng Sài Gòn – Gia Định, nơi đào tạo các bậc Ni lưu. Ni trưởng đã được tu học tại đây trong thời gian hưng thịnh nhất của trường (1941-1945). Tuy xuất gia nhập chúng sau, nhưng trong không khí thiền môn cùng nhau sách tấn tu học của các Ni chúng đã giúp Ni trưởng học xong phần giáo lý cơ bản, Ni trưởng lần lượt được thọ giới Sa-di-ni và Thức-xoa-ma-na. Có thể nói, Ni trường Kim Sơn với bậc thầy khả kính là dấu ấn rất đậm trong cuộc đời tấn tu đạo nghiệp của Ni trưởng để hình thành những bản nguyện trong tương lai.

Bổn sư viên tịch sớm (1947), các Ni trưởng đồng học lần lượt rời trường, còn lại bảy huynh đệ sớm hôm bảo bọc lẫn nhau, lớn nhất là Ni trưởng Như Đức (còn được gọi là Sư Bác Năm – tịnh thất Kiều Đàm, Long Thành), Ni trưởng Như Huy (chùa Từ Vân), Ni trưởng Kim Quang, Ni trưởng Như Hoàng (tịnh thất Thanh Quang – Thủ Đức), Ni trưởng Như Bổn và người nhỏ nhất là Ni trưởng Như Chiếu. Thời gian này có Sư trưởng Huê Lâm là bậc tôn túc Ni mẫu mực cho vùng Chợ Lớn – Gia Định, các huynh đệ Ni trường Kim Sơn cùng về Huê Lâm y chỉ với Sư trưởng, đây cũng là Ni trường thứ hai để Ni chúng thực nghiệm sự tu học, Ni trưởng Như Bổn được thêm một lần đào luyện tinh thần và ý chí. Tại Huê Lâm, Ni trưởng được đăng đàn thọ Cụ túc giới lúc ấy vừa tròn 21 tuổi.

Năm 1957, Ni trường Dược Sư được thành lập dưới sự lãnh đạo của quý Hòa thượng trong Giáo hội Tăng già Nam Việt, phong trào tham học tại Phật học viện đã tác động rất lớn đến Ni giới khắp vùng miền của đất nước, quý Ni trưởng lần lượt xin về nhập học, Ni trưởng Như Bổn cùng Ni trưởng Như Chiếu đã rời Huê Lâm để vào Ni trường Dược Sư tham học Phật pháp, đây là ngôi Ni trường thứ ba mà Ni trưởng theo học. Ni trưởng học xong các khóa Trung đẳng I (1960-1963), Trung đẳng II (1964-1967). Với cốt cách mô phạm, độ lượng khiêm cung, tánh hạnh ôn hòa chất trực, Ni trưởng được đề cử vào Ban lãnh đạo Ni trường Dược Sư trực tiếp gánh vác nhiệm vụ do quý Hòa thượng giao phó.

III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO

Năm 1968, Ni trường Dược Sư khai giảng lớp Phật học chuyên khoa do quý Sư trưởng thuộc Ni bộ Bắc tông đảm nhiệm điều hành, Ni trưởng nằm trong Ban Quản trị Ni trường với chức vụ Thủ quỹ.

Tấm lòng hiền hòa cần mẫn, trên làm tròn bổn phận, dưới hòa thuận và thương yêu Ni chúng, Ni trưởng gắn bó bền vững với Ni trường như cây cổ thụ bắt đầu tỏa cành đâm nhánh.

Sau năm 1975, Ni trường Dược sư nhận một phần đất trong khu vực Đại Tòng Lâm (Bà Rịa – Vũng Tàu), Ni trưởng nhận trách nhiệm đưa một số Ni chúng đi làm công tác nông thiền. Ni trưởng rất tích cực trong việc cuốc đất trồng rau, đồng cam cộng khổ với Ni chúng trên vùng đất hoang sơ. Trải qua thời gian, Ni trưởng thay nhọc cho Ban Quản trị nhận lãnh trách nhiệm trụ trì chùa Dược Sư tại khu vực Đại Tòng Lâm – đây là cơ sở thứ hai của Ni trường trong giai đoạn kinh tế khó khăn.

Song song với việc duy trì sinh hoạt tại Ni trường Dược Sư, cùng với quý Ni trưởng trong Ban Quản trị lèo lái, gánh vác trách nhiệm để Ni trường giữ vững sinh hoạt tu học nhưng Ni trưởng cũng không quên trách nhiệm đối với Tổ đình Kim Sơn. Từ thập niên 80 trở đi, Ni trưởng thường xuyên về chùa Từ Vân, Kim Sơn, việc đầu tiên khi về là Ni trưởng cùng Ni trưởng Như Huy, Ni trưởng Như Chiếu bắt tay trùng tu lại chùa Từ Vân, chấn hưng tinh thần tu học cho Ni chúng. Một tay không thể vỗ nên kêu, quý Ni trưởng trong Tông môn Kim Sơn đã đồng tâm hiệp lực xây dựng lại chốn Tổ, Ni trưởng đã đóng góp rất nhiều công sức,khả năng của mình trong việc phát triển chùa Từ Vân.

Năm 1990, Ni trưởng chính thức nhận trách nhiệm trụ trì chùa Kim Sơn, bấy giờ Tổ đình đã xuống cấp, tường xiêu vách nứt, mái ngói rêu phong, tháp Bổn sư mờ dần trong sương lạnh. Ni trưởng về đây trong tinh thần người đệ tử noi dấu chân thầy, một mặt nhận giáo dưỡng Ni chúng tu học, mặt khác tính bề mở rộng cơ nghiệp chùa Kim Sơn. Với đức bao dung của Ni trưởng, Ni chúng các nơi nương về để theo học tại các trường Cao cấp, Chuyên khoa hoặc các khóa Giảng sư, lớp phiên dịch tại thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù chỗ ngụ chật hẹp nhưng với sự thu xếp khéo léo của Ni trưởng, Ni chúng cảm nhận nơi đây như một mái ấm cửa thiền, không khí tu học nghiêm minh, thắm tình đạo vị, sự có mặt của Ni trưởng khiến cho Tổ đình Kim Sơn thêm đầm ấm và quý Ni trưởng trong tông môn yên tâm hơn.

Theo từng năm, từng khóa học khai giảng rồi kết thúc, từng lớp Ni chúng Kim Sơn trưởng thành, tốt nghiệp các trường, đi du học và nhận công tác Phật sự các nơi. Chí nguyện đào tạo Ni lưu của Bổn sư ngày xưa đã được Ni trưởng kế thừa, phát huy trọn vẹn.

Bản chất của Ni trưởng rất trầm lặng, hằng chuyên lo công việc của mình. Đối với Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, tuy Ni trưởng không nhận lãnh chức vụ gì, nhưng đối với quý Ni trưởng trong Ni bộ vẫn tôn trọng Ni trưởng như là bậc tùng lâm thạch trụ. Các Đại giới đàn tổ chức cho Ni chúng, quý Ni trưởng Ni bộ đều cung thỉnh Ni trưởng vào Tôn vị Giới sư, hàng hậu học Ni lưu ngưỡng vọng về Ni trưởng như một bậc thầy khả kính, một bóng mát trong vườn hoa Phật pháp, như mảnh đất lành ươm giống Bồ-đề.  Ni trưởng luôn tận tụy trong chí nguyện tiếp dẫn hậu lai nhưng không quên hàng Phật tử, Ni trưởng thành lập đạo tràng Pháp Hoa, mở khóa tu Bát Quan Trai tại chùa Kim Sơn cho thiện tín tu tập, tổ chức các công tác từ thiện, cứu trợ xã hội góp phần xoa dịu nỗi đau của chúng sanh.

Năm 2000, đường Phan Xích Long mở rộng khang trang, bộ mặt thành phố thay da đổi thịt, càng nung nấu tâm nguyện trùng tu ngôi Tổ đình. Thời gian ở đây đã 10 năm, từng ngày từng giờ sống trong đạo tràng của Bổn sư, chỉ với tự sức mình phát huy Phật sự, Ni trưởng mong báo đền Ân sư bằng cách xây dựng nghiêm trang ngôi Tam Bảo. “Khi nên, trời cũng chìu người”, với sự vun vén từng chút một, năm 2003 Ni trưởng khởi công trùng tu chùa Kim Sơn với quy mô lớn thay đổi hoàn toàn cấu trúc. Sau một thời gian, ngôi chùa Kim Sơn trở thành chốn Phật đường trang nghiêm, cảnh trí thêm phần tráng lệ để Ni giới an tâm tu học và hàng Phật tử sớm hôm kính lễ. Tâm nguyện của Ni trường đã thành tựu vào lúc xế chiều.

IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH

Đầu năm 2006 bệnh tim tái phát, hàng môn đệ đưa Ni trưởng vào bệnh viện điều trị, thấy Ni trưởng dần bình phục mọi người đều vui mừng, những tưởng Ni trưởng kéo dài tuổi thọ để hoàn tất việc chỉnh trang chùa Kim Sơn. Lúc ấy vừa mừng lễ an vị tôn tượng Phật tổ, vừa khánh chúc Ni trưởng công viên quả mãn. Đến cuối mùa An cư năm 2006, Ni trưởng lại một phen trở bệnh, các y bác sĩ tận tình điều trị nhưng cũng không thể duy trì được
thân tứ đại đến hồi phân ly. Ni trưởng mãn nguyện Ta-bà
vào lúc 17 giờ 15 ngày 23 tháng 7 năm Bính Tuất (16/08/2006), trụ thế 81 tuổi, 60 tuổi hạ.

Cuộc đời của Ni trưởng từ lúc sơ tâm xuất gia cho đến khi đôi vai gánh nặng việc đạo, việc đời là bài học vô giá, nêu gương sáng ngàn thu để hàng hậu học ngưỡng vọng và thừa hành đạo nghiệp của người trên bước đường tu học, phụng sự đạo pháp.

Tin khác

Cùng chuyên mục