Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024
Phật họcDi sản văn hóaLịch sử - văn hóa chùa Huê Lâm với Phật giáo Sài...

Lịch sử – văn hóa chùa Huê Lâm với Phật giáo Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh

  Đạo Phật là một tôn giáo lớn được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm với hơn 2.000 năm. Riêng ở vùng đất Nam Bộ, các Thiền sư theo dòng người Nam tiến cũng đã mang Phật giáo truyền bá rộng khắp trên vùng đất này. Tại vùng đất mới, Phật giáo đã dần xác lập vị thế và có bước phát triển nhanh chóng. Qua hơn 300 năm lịch sử, từ một vài ngôi chùa đầu tiên được xây dựng, thì hiện nay toàn Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.162 ngôi tự viện.1 Trong sự phát triển đó, các ngôi chùa Ni của vùng đất Sài Gòn như: chùa Hải Ấn, chùa Kim Sơn, chùa Huê Lâm, chùa Từ Nghiêm, chùa Từ Vân… cũng để lại nhiều dấu ấn đáng kể trên các mặt hoằng pháp, văn hóa, xã hội, đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, đối với chùa Huê Lâm còn mang một dấu ấn lịch sử to lớn đối với lịch sử phát triển của Phật giáo, đó là sự kiện Đại hội hình thành Ni bộ Nam Việt (sau là Ni bộ Bắc tông) diễn ra tại chùa vào năm 1956. Ngoài ra, nhắc đến chùa Huê Lâm còn phải nhắc đến Sư trưởng Như Thanh – Vị Trưởng lão Ni có công đầu trong việc đào tạo nhiều thế hệ Ni chúng. Ngoài dấu ấn về mặt lịch sử, chùa Huê Lâm còn lưu giữ nhiều giá trị về kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, đóng góp cho sự phong phú của Phật giáo Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Sư trưởng Như Thanh

1. Dấu ấn lịch sử

Chùa Huê Lâm tọa lạc tại vùng Cây Gõ, Chợ Lớn, nay là số 680 Hồng Bàng, phường 2, quận 11. Khởi thủy, chùa do các bà Trần Thị Nhiều, Trần Thị Ngàn, Trần Thị Lễ, Trần Thị Xuyến xây dựng vào khoảng năm 1900 và đây là ngôi chùa tư của dòng họ Trần quản lý nên một thời gian dài không có Trụ trì2. Mãi đến năm 1945, Tri huyện Nguyễn Kỳ Sắc3 mới thỉnh Sư trưởng Như Thanh chính thức Trụ trì chùa Huê Lâm. Lúc bấy giờ, Huê Lâm chỉ là một ngôi chùa nhỏ, mang dáng dấp cổ xưa với cột kèo gỗ, mái ngói âm dương. Từ khi về chùa, Sư trưởng đã có nhiều hoạt động chăm lo Phật sự và từng bước xây dựng chùa trở thành một Ni trường cho chư Ni tu học.

Dấu ấn đầu tiên của Sư trưởng đối với chùa Huê Lâm đó là việc tái thiết lại ngôi chùa này. Do chùa Huê Lâm cũ nằm trong lộ giới quy hoạch nên Sư trưởng đã mua một khu đất liền kề để xây dựng lại ngôi chùa cho khang trang hơn.4

Năm 1959, ngôi chánh điện theo kiến trúc hiện đại đã được khánh thành, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Ni chúng và Phật tử. Đến năm 1970, một dãy nhà lầu 5 tầng được dựng lên phía sau tòa chánh điện để làm Ni xá và trường học Kiều Đàm. Ngoài ra, một số công trình phụ trợ khác cũng dần được xây dựng và hoàn thiện để biến ngôi Huê Lâm trở thành một trung tâm đào tạo Ni tài và Ni chúng có chỗ an tâm tu học. Với uy tín và đạo hạnh của mình, số lượng Ni chúng và Phật tử khắp nơi đến chùa Huê Lâm thọ giáo với Sư trưởng ngày càng đông và ngôi chánh điện xây năm 1959 dần trở nên nhỏ hẹp. Do đó, năm 1993, Sư trưởng Như Thanh tiếp tục đại trùng tu chùa Huê Lâm bằng việc xây thêm tòa chánh điện và giảng đường mới rộng rãi hơn, công trình này được hoàn thành năm 19955. Từ đó, ngôi chùa Huê Lâm có diện mạo như ngày nay với 2 ngôi chánh điện cũ và mới được sử dụng song song cùng nhiều cơ sở hoàn chỉnh khác… Tất cả đều do công lao và sự kiến tạo của Sư trưởng Như Thanh.

Dấu ấn thứ hai của Sư trưởng Như Thanh gắn với chùa Huê Lâm đó là việc thành lập các cơ sở tự túc cho chùa. Với quan niệm muốn được chủ động hơn trong đời sống của chư Ni, cải thiện kinh tế cho tự viện, từ năm 1959, Sư trưởng Như Thanh đã mở cơ sở sản xuất nước tương Hoa Sen Trắng, phòng may pháp phục Phật giáo, phòng phát hành kinh sách, xưởng sản xuất nhang6. Hiện vẫn còn duy trì phòng phát hành kinh sách và phòng nước tương hoạt động tại chùa Huê Lâm, vừa đáp ứng nhu cầu của Phật tử, vừa thực hiện đúng tôn chỉ và ý nguyện của Sư trưởng.

Bên cạnh hoạt động Phật sự, Sư trưởng cũng để lại dấu ấn qua hoạt động từ thiện xã hội. Nhận thấy khu vực Cây Gõ còn nhiều gia đình khó khăn, trẻ em không được đến trường, Sư trưởng Như Thanh đã thành lập trường học Kiều Đàm ngay tại chùa Huê Lâm dưới hình thức bình dân học vụ miễn phí. Trong quá trình hoạt động, quy mô của ngôi trường này liên tục được mở rộng: Nếu như vào năm 1952 chỉ là trường tiểu học với 200 học sinh thì đến năm 1967, trường đã phát triển lên cấp tiểu và trung học với 14 lớp, giảng dạy cho khoảng 800 học sinh7. Điều đó cho thấy hiệu quả hoạt động của nhà trường và từ mái trường này, nhiều trẻ em đã được học chữ và nên người.

Sư trưởng Như Thanh phát biểu tại Đại hội Ni bộ Nam Việt 1956-1972.

Đặc biệt, nhắc đến chùa Huê Lâm là phải nhắc đến một sự kiện quan trọng bậc nhất, đó chính là Đại hội thành lập Ni bộ Nam Việt (sau là Ni bộ Bắc tông). Để có được thành quả này, Sư trưởng Như Thanh đã không ngại gian khó để lo liệu chu toàn mọi việc từ trước, trong và sau đại hội. Trước khi đại hội chính thức diễn ra, Sư trưởng đã ngược xuôi khắp các tỉnh thành miền Đông và Tây Nam Bộ để thuyết phục, vận động chư Ni đồng lòng hợp nhất. Đại hội chính thức được diễn ra vào ngày 6 và 7/10/1956, chư Ni khắp nơi đã vân tập về chùa Huê Lâm rất đông để thống nhất thành lập Ban Lãnh đạo lâm thời. Trong kỳ đại hội này, với tư cách là vị đứng đầu Ban Quản trị Ni bộ Nam Việt, Sư trưởng nhận trách nhiệm lãnh đạo Ni chúng. Ban Quản trị Ni sau đó đã đề ra nội quy, tổ chức hành chánh và thống nhất trụ sở Ni bộ sẽ đặt tại chùa Huê Lâm. Có thể nói, đây là một dấu son huy hoàng của Ni bộ, chính Sư trưởng Như Thanh cũng đã phát biểu trong diễn văn khai mạc đại hội như sau: “Cuộc đại hội này, đã đánh dấu một thời kỳ đặc biệt cho Ni chúng ghi chép một trang lịch sử vẻ vang, trong ngày thành lập Ni bộ, bầu cử Ban Quản trị chánh thức, là ngày tươi sáng đã đáp lại triển vọng của Ni giới, từ lâu mong mỏi có một tổ chức hoàn thiện để làm khuôn mẫu”8. Trong bản tuyên ngôn của mình, Ni chúng Nam Việt đã khẳng định tôn chỉ hoạt động: “Tiếp tục trên bước viễn hành, mỗi người Ni sẽ là một gương lành sáng chói trong Giáo hội Ni, tất cả bản dự thảo công tác sẽ là một bức gấm sắp dệt thành, do bàn tay siêng sắn của Ni chúng đáng kính yêu”.9

Thêm vào đó, trong suốt quá trình hành đạo của mình, Sư trưởng còn sáng tác, dịch thuật nhiều tác phẩm Phật học, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc hoằng truyền chánh pháp. Hiện nay, bản gốc của một số các tác phẩm cùng những tài liệu, kỷ vật gắn với cuộc đời và đạo nghiệp của Sư trưởng vẫn đang được bảo quản ở hai căn phòng tại lầu 1 của khu Ni xá chùa Huê Lâm, nơi đây vốn là phòng làm việc hội họp nội bộ và thiền phòng của Sư trưởng trước đây10. Có thể nói, chùa Huê Lâm là nơi gắn bó nhiều nhất với Sư trưởng Như Thanh, nơi đây cũng chứng kiến sự kiện thành lập Ni bộ Nam Việt – một tổ chức đầu tiên của Ni giới ở miền Nam, đã ghi đậm nét son trong dòng phát triển của lịch sử Phật giáo Nam Bộ, chính vì thế, chùa Huê Lâm xứng đáng là một ngôi tổ đình của Ni giới miền Nam.11

2. Dấu ấn kiến trúc

Ngôi chùa Huê Lâm hiện nay là một tổng thể gồm nhiều công trình được xây dựng và hoàn thiện qua các thời kỳ. Trong số đó, tòa chánh điện cũ được xây năm 1959 là công trình có giá trị kiến trúc nổi bật hơn cả. Tòa nhà này được xây dựng theo bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện12 và người anh của Sư trưởng là kiến trúc sư Nguyễn Minh Đạt (Hòa thượng Hồng Đạo). Ngôi chánh điện này có phong cách theo trào lưu kiến trúc hiện đại (modernist) rất phổ biến trong giai đoạn 1950 – 1970. Trường phái này ở Việt Nam có những đặc trưng cơ bản là: Tuy theo phong cách hiện đại nhưng vẫn sử dụng hoa văn mang tính dân tộc trong việc trang trí. Ở ngoại thất thường sử dụng vật liệu mới lúc bấy giờ là đá rửa, đá mài tạo nên vẻ đẹp bền vững cho công trình. Nội thất lại có thiết kế đơn giản, sử dụng nhiều ô gió, cửa sổ để điều hòa ánh sáng và không khí bên trong.13

Tòa chánh điện cũ chùa Huê Lâm cũng tuân thủ theo những nguyên tắc nêu trên, mặt bằng tổng thể được thiết kế theo dáng một chiếc thuyền rồng, chiều ngang tuy hẹp nhưng phát triển về chiều sâu. Mặt tiền chùa được thiết kế vươn cao, hai mái đổ ra hai bên, giữa đỉnh mái gắn motif chữ 卐 “Vạn” tạo điểm nhấn cho kiến trúc. Phía dưới là phần tường tô đá rửa làm nền cho motif trang trí hình ảnh bàn tay nâng đỡ bánh xe Chánh pháp. Trước chùa có phần mái đón nhô ra được lợp ngói âm dương tiểu đại có phong tô, bờ mái được vuốt cong nhẹ nhàng tạo nét thanh thoát cho công trình. Dưới mái đón là 3 cửa chính để vào chánh điện, cửa được làm bằng sắt uốn với motif hoa sen là chủ đạo. Hai bên mặt chính còn có 2 khối kiến trúc hình tháp được thiết kế nhỏ nhắn, đây là nơi đặt trống và đại hồng chung của chùa. Hai khối tháp này có cấu trúc giống nhau, tạo thế đăng đối cho tổng thể công trình, trang trí tại đây cũng rất đơn giản với đỉnh mái gắn motif búp sen, mặt trước gắn các ô gió đúc hình chữ 福 “Phúc”.

Bước vào nội điện, không gian mở ra rất thông thoáng và rộng rãi với trần nhà được thiết kế cao ráo. Điểm nhấn của chánh điện là điện thờ Phật được thiết kế cao hơn một bậc cấp, xung quanh giới hạn bằng 4 cây cột tròn – cách thiết kế này mang dấu ấn của kiểu thức tứ trụ trong kiến trúc truyền thống của đình chùa Nam Bộ. Trần nhà nơi điện Phật được thiết kế thông tầng với dạng thức chồng diêm để ánh sáng xuyên qua các ô gió giữa hai tầng mái. Với kiểu thức này, ánh sáng tự nhiên sẽ được chiếu sáng xuống không gian thờ tự, tạo ấn tượng đối với thị giác của Phật tử đến lễ bái. Trang trí xung quanh điện Phật lại quay về với những đề tài truyền thống Việt Nam như: Hồi văn cánh sen, hồi văn hình học, bánh xe pháp cách điệu, hoa sen, chữ “Thọ”. Đáng chú ý, các ô gió tại chánh điện được đúc trang trí các motif rất quen thuộc như: hoa sen và chữ Hán theo dạng chữ triện: 福 “Phúc”, 祿“Lộc”, 壽 “Thọ” thể hiện yếu tố “tam đa”.

Có thể nói rằng, ngôi chánh điện cũ của chùa Huê Lâm là nơi mà các yếu tố Đông Tây kết hợp, tân cựu giao hòa, tạo nên một kiến trúc đẹp và có giá trị. Sự hiện diện của ngôi chánh điện tại vòng xoay Cây Gõ còn đóng góp giá trị cảnh quan, tạo điểm nhấn kiến trúc cho khu vực này. Đặc biệt hơn, với giá trị kiến trúc đặc sắc và vị trí là ngôi tổ đình nên kiểu thức của ngôi chánh điện này đã được nhiều ngôi chùa Ni mô phỏng và xây dựng theo như chùa Từ Nghiêm (quận 10), chùa Từ Vân (Phú Nhuận), chùa Long Nhiễu (Thủ Đức).

3. Dấu ấn văn hóa – nghệ thuật

+ Hoành phi và liễn đối:
Sau nhiều lần trùng tu, số lượng hoành phi và liễn đối còn lại không nhiều, toàn chùa hiện còn 2 hoành phi và 3 cặp liễn đối. Ngoài một bức hoành phi và hai cặp liễn được đắp bằng vữa ở hai bên cổng tam quan và chánh điện cũ thì hoành phi, liễn đối còn lại tại chánh điện mới đều làm bằng gỗ.

Cặp câu đối tại cổng tam quan:
Cột phải:

華 開 般 若 萬 德 莊 嚴 弘 正 法

HUÊ khai Bát – nhã vạn đức trang nghiêm hoằng Chánh pháp.

Cột trái:

林 長 菩 提 一 心 清 淨 入 玄 門

LÂM trưởng Bồ – đề nhất tâm thanh tịnh nhập Huyền môn.

Bức hoành phi tại chánh điện cũ có khắc 4 chữ Hán: 法界 藏 身 “Pháp giới tàng thân” và cặp liễn thể hiện tinh thần pháp môn Thiền Tịnh song tu:

自 性 彌 陀 了 悟 眞 常 歸 極 樂
惟 心 净 土 融 通 妙 理 到 西 方

Phiên âm:

Tự tánh Di Đà, liễu ngộ chân thường quy Cực Lạc, Duy tâm Tịnh độ, dung thông diệu lý đáo Tây phương.

Tạm dịch:

Tánh vốn Di Đà, giác ngộ chân thường về Cực Lạc, Ngay Tâm Tịnh độ, hiểu rành diệu lý đến Tây phương.

Tại chánh điện mới có treo bức hoành phi được làm năm 1994 nhân dịp khánh thành trùng tu chùa: 大 雄 寳 殿 “Đại Hùng bảo điện”. Hai bên là cặp liễn đối gỗ do chính Sư trưởng Như Thanh chế tác, TT. Thích Tâm Mãn viết chữ, được khắc chế tại xưởng gỗ chùa Đông Hưng, Q.9.

慈 父 釋 迦 示 現 應 境 度 生
世 尊 至 聖 臨 凡 隨 緣 濟 衆

Phiêm âm:

Từ phụ Thích Ca, thị hiện ứng cảnh độ sinh.
Thế Tôn chí thánh, lâm phàm tùy duyên tế chúng,

Tạm dịch:
Đức Từ phụ Thích Ca, hiện cõi phàm ứng cảnh độ sanh. Bậc Thế Tôn chí thánh, đến trần gian tùy duyên cứu chúng,

+ Hệ thống tượng thờ:
Hệ thống Phật tượng của chùa hiện nay gồm 2 nhóm chính:
Nhóm thứ nhất là các pho tượng được chế tác bằng thạch cao và sơn thếp bên ngoài. Đây là những tượng có niên đại gần đây, gắn với 2 lần trùng tu chùa và hiện đang được thờ cúng tại cả chánh điện cũ và chánh điện mới. Nhìn chung, các pho tượng này đều được chế tác theo đúng các hình tướng, tư thế của quy tắc đồ tượng học Phật giáo, ví như tượng Di Đà tại chánh điện cũ trong tư thế đứng tiếp dẫn cứu độ chúng sinh, với tay trái thể hiện ấn thuyết pháp, tay phải bắt ấn vô úy thí.14

Nhóm thứ hai là các tượng Phật cổ của chùa Huê Lâm trước đây. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được 24 pho tượng Phật cổ, trong đó có 3 tượng tiếp tục được thờ tự tại Giảng đường là tượng Bồ tát Quán âm, tại chánh điện cũ là tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện. Những tượng còn lại đang được bảo quản và thờ tự tại Tịnh Tâm viện, là một căn phòng nhỏ trên tầng 4 khu Ni xá. Số tượng cổ này tuy không còn đầy đủ nhưng khá đa dạng về loại hình: Tượng Phật Trung Tôn, Ông Thiện, Ông Ác, Địa Tạng cưỡi đề thính, Chuẩn Đề, Già Lam, Đạt Ma, bộ La Hán, bộ Diêm Vương… Hầu hết các pho tượng được làm bằng gỗ và sơn son thếp vàng. Niên đại của những tượng này có thể được tạo tác cùng thời với chùa Huê Lâm xưa, tức khoảng đầu thế kỷ XX. Phong cách tạo tác, kỹ thuật chạm khắc và thủ pháp trang trí của các pho tượng này đạt đến trình độ điêu luyện, mỗi pho tượng có một nét biểu cảm khác nhau thể hiện qua tư thế, nét mặt. Trong số các pho tượng cổ, đáng chú ý hơn cả là tượng Tiêu Diện, đây là pho tượng duy nhất của chùa được chế tác bằng gốm với kỹ thuật tạo hình và gia công rất độc đáo. Qua phong cách tạo tác, có thể khẳng định đây là sản phẩm của dòng gốm Sài Gòn được sản xuất tại khu vực Xóm Lò Gốm. Đặc biệt, thờ Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở hậu Tổ mà không phải là Tổ Đạt Ma như các chùa khác. Chùa Từ Nghiêm cũng vậy.


+ Đồ thờ và pháp khí:
Tại chùa Huê Lâm, đồ thờ có giá trị nghệ thuật phải nhắc đến đó chính là những chiếc bàn thờ. Hiện nay, chùa còn giữ được một số bàn thờ cổ được làm bằng gỗ, chạm khắc nhiều đề tài: Dây giác, trái lựu (bàn thờ Tổ – chánh điện cũ); Hoa văn hình học, nút thắt cát tường, giỏ hoa (bàn Tam bảo – chánh điện mới); Hình tượng chim, nai, sư tử (bàn Quan Âm – giảng đường), hoặc bàn thờ được khảm xà cừ tinh tế với đề tài dây hoa lá quả (bàn thờ Sư trưởng Như Thanh). Các bàn thờ này có lẽ là từ chùa Huê Lâm cũ để lại, tuy chúng có kích thước không lớn nhưng lại có phong cách rất đặc biệt, hầu như chưa thấy ở các cổ tự khác. Một nhóm khác chiếm số lượng nhiều hơn, đó là các tủ thờ được làm theo phong cách modernist, cùng với đợt trùng tu chùa năm 1959. Các bàn thờ này chung nhất ở đặc điểm là không trang trí hoa văn, thay vào đó là sử dụng chính hình khối giản dị để tạo nên sự trang trọng cho các gian thờ.

Một pháp khí quan trọng cũng cần phải kể đến, đó là chiếc đại hồng chung trong gác chuông tại chánh điện cũ. Chuông được đúc bằng đồng có kích thước trung bình, quai chuông tạo hình hai con bồ lao đang giữ chuông rất sống động và nghệ thuật. Trên chuông còn có dòng minh văn mang giá trị lịch sử: 丙 申 年 十 一 月 十 五 日, 華 林 寺, 憍曇 學 堂 “Bính Thân niên thập nhất nguyệt thập ngũ nhật, Huê Lâm tự, Kiều Đàm học đường” (Ngày 15 tháng 11 năm Bính Thân – 1956, Chùa Huê Lâm, Trường học Kiều Đàm). Chiếc chuông này tuy niên đại không cổ xưa nhưng mang giá trị lịch sử gắn với chùa Huê Lâm và trường học Kiều Đàm – một cơ sở từ thiện xã hội do Sư trưởng Như Thanh sáng lập.

4. Một số đề xuất – kiến nghị

Có thể thấy rằng, chùa Huê Lâm là một ngôi chùa đã để lại nhiều dấu ấn về lịch sử, văn hóa cho Ni giới thành phố nói riêng và Phật giáo thành phố nói chung. Để bảo tồn và phát huy những giá trị vô giá ấy, chúng tôi có 3 kiến nghị gắn với 3 dấu ấn của chùa Huê Lâm:
– Thứ nhất, với giá trị lịch sử: Chùa Huê Lâm là nơi ghi dấu sự kiện thành lập Ni bộ Nam Việt nên chùa hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu, hình ảnh gắn với sự kiện trên. Bên cạnh đó, chùa cũng là tự viện gắn với quá trình hành đạo của Sư trưởng Như Thanh lâu nhất nên kỷ vật của Sư trưởng để lại chùa rất nhiều. Với hai nguồn di sản quý giá đó, chùa Huê Lâm và Ni giới thành phố cần chung tay thành lập một nhà trưng bày lưu niệm kết hợp giới thiệu cả hai nội dung trên. Với cách làm này, chúng ta sẽ phát huy giá trị của những hiện vật, tư liệu một cách hiệu quả nhất. Thông qua đó, chư Ni thành phố có nơi để tìm về với cội nguồn, để ôn lại quá trình hình thành Ni bộ và tri ân công đức lớn lao của Sư trưởng Như Thanh.

– Thứ hai, với giá trị kiến trúc: Tổng thể các công trình kiến trúc tại chùa Huê Lâm nhìn chung có sự hài hòa và đồng bộ, riêng tòa chánh điện cũ là một tác phẩm kiến trúc đẹp tạo điểm nhấn trong cảnh quan đô thị tại khu vực vòng xoay Cây Gõ. Tuy nhiên, khi thành phố cho xây dựng cầu vượt Cây Gõ đã vô tình làm che lấp một phần kiến trúc chùa Huê Lâm. Thêm vào đó, phía trước tòa chánh điện cũ còn có các cột đèn và trụ biến điện được dựng ngay chính diện đã gây cản trở tầm nhìn và làm giảm giá trị của một di sản kiến trúc quý giá. Do đó, trong việc trùng tu và bảo tồn thì chùa Huê Lâm cần được tôn tạo và giữ gìn nguyên trạng khu chánh điện cũ.

Bên cạnh đó, nhà chùa cần phối hợp với các ngành chức năng di dời các trụ điện để trả lại vẻ mỹ quan và tôn nghiêm cho ngôi Tổ đình của Ni giới.
– Thứ ba, với giá trị văn hóa – nghệ thuật: Những hiện vật qua các thời kỳ mà chùa Huê Lâm còn lưu giữ được đều là những di sản quý gắn với văn hóa Phật giáo của vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, chùa cần tiếp tục giữ gìn bảo quản những hiện vật này. Bên cạnh đó, nhà chùa cũng cần giữ nguyên cách bài trí như hiện trạng lưu giữ lại cốt cách của chư Ni tiền bối. Riêng đối với những pho tượng cổ của chùa cần được trưng bày trong phòng trưng bày lưu niệm (nếu được thành lập trong tương lai) để không chỉ bá tánh có dịp chiêm bái mà còn giúp cho sinh viên, nhà nghiên cứu dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về nghệ thuật tạc tượng của vùng đất Sài Gòn xưa.

Nếu tính từ thời điểm được dòng họ Trần tạo lập vào năm 1900 cho đến hiện nay (2020) thì chùa Huê Lâm đã tròn 120 năm tuổi. So với nhiều cổ tự danh tiếng khác ở vùng đất Sài Gòn thì chùa Huê Lâm vẫn còn khá trẻ. Từ khi Sư trưởng Như Thanh về trụ trì vào năm 1945 thì chùa Huê Lâm đã bước sang một trang sử mới. Đặc biệt, với sự kiện thành lập Ni bộ Nam Việt, chùa Huê Lâm đã trở thành một ngôi Tổ đình của Ni giới Nam Bộ và từ mái chùa này trong suốt 75 năm qua, nhiều thế hệ Ni chúng đã tiếp bước Sư trưởng trong các hoạt động Phật sự và xã hội để góp phần làm rạng danh cho Ni giới Phật giáo Việt Nam.

Nguyễn Hữu Lộc – Bảo tàng Lịch sử – Thành phố Hồ Chí Minh.


  1. Gia Trúc (tổng hợp), Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh qua những con số, https:// giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=1F541A, truy cập ngày 25/12/2019.
  2. Trương Ngọc Tường, Võ Văn Tường (2006), Những ngôi chùa nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, tr.126.
  3. Hiện chưa rõ tiểu sử của Tri huyện Nguyễn Kỳ Sắc. Chúng tôi chỉ mới tìm được dấu ấn của ông tại đình Linh Đông (Thủ Đức) qua cặp long trụ được ông phụng cúng cho đình vào năm Mậu Thân (1908).
  4. Trương Ngọc Tường, Võ Văn Tường (2006), sđd, tr.127.
  5. Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh – cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.25.
  6. Tổ đình Huê Lâm (1999), sđd, tr.28 – 29.
  7. Tổ đình Huê Lâm (1999), sđd, tr.29.
  8. Ni bộ Nam Việt (1957), Kỷ niệm Đại hội Ni bộ Nam Việt, Ni bộ ấn bản và phát hành, tr.13.
  9. Ni bộ Nam Việt (1957), sđd, tr.9.
  10. Nguyễn Hữu Lộc (2019), “Bảo tồn và phát huy giá trị những hiện vật liên quan đến Sư trưởng Như Thanh qua mô hình phòng trưng bày lưu niệm”, Di sản Sư trưởng Như Thanh: Kế thừa – phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.221 – 231.
  11. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), Những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.105.
  12. Theo: Nguyễn Hữu Thái (2002), Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội, tr.110: Nguyễn Hữu Thiện là một kiến trúc sư danh tiếng ở Sài Gòn trước đây, tên tuổi của ông gắn với một công trình nổi tiếng là Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp). Ngoài ra, ông còn là một Phật tử thuần thành nên đã dành tâm huyết để thiết kế rất nhiều ngôi chùa như: Ấn Quang (quận 10), Huê Lâm (quận 11), Huệ Nghiêm (quận Bình Tân), Hải Vân, Quy Sơn (Vũng Tàu), Khánh Quang (Cần Thơ)… Đối với công trình Phật giáo, ông luôn chú trọng về bố cục mặt bằng, không gian hợp lý, nơi lễ bái thoáng đãng nhưng cũng không quên tạo dáng công trình theo kiểu truyền thống dân gian với mái cong, hoa gió, điêu khắc theo motif xưa.
  13. Thông tin do KTS Nguyễn Trần Trọng Nghĩa – Công ty NAGECCO cung cấp. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!
  14. Trương Ngọc Tường, Võ Văn Tường (2006), sđd, tr.130.


    Tài liệu tham khảo
    1. Nguyễn Hữu Lộc (2019), “Bảo tồn và phát huy giá trị những hiện vật liên quan đến Sư trưởng Như Thanh qua mô hình phòng trưng bày lưu niệm”, Di sản Sư trưởng Như Thanh: Kế thừa – phát triển Ni giới Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
    2. Ni bộ Nam Việt (1957), Kỷ niệm Đại hội Ni bộ Nam Việt, Ni bộ ấn bản và phát hành.
    3. Nguyễn Hữu Thái (2002), Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội.
    4. Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh – cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
    5. Gia Trúc (tổng hợp), Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh qua những con số, https://giacngo.vn/PrintView. aspx?Language=vi&ID=1F541A, truy cập ngày 25/12/2019
    6. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), Những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
    7. Trương Ngọc Tường, Võ Văn Tường (2006), Những ngôi chùa nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin khác

Cùng chuyên mục