Chủ Nhật, 24 Tháng Chín 2023
TIN TỨC Tin tức Phật sự Yêu rừng cây là yêu sự sống còn của nhân loại

Yêu rừng cây là yêu sự sống còn của nhân loại

  Liên tông Tịnh độ Non Bồng trong những năm gần đây được biết đến với những hoạt động trồng rừng, phủ xanh… Phóng viên Đặc san Hoa Đàm đã có cuộc trao đổi với Ni sư Thích Nữ Lan Nhã tại Bửu Hoa Ni viện (huyện Long Thành, Đồng Nai) về hoạt động đầy ý nghĩa này.

Kính thưa Ni sư, phong trào trồng rừng của Quý viện đã gây được nhiều tiếng vang lớn, xin Sư cho biết phong trào trồng rừng của mình đã được bắt đầu bởi những cơ duyên nào?

NS. Thích Nữ Lan Nhã: Trước đây, khu vực này khá hoang vu, cây cối chưa có nhiều. Nhà nước có chủ trương trồng rừng để phủ xanh những vùng đất trống, vừa tạo ra nguồn lợi, vừa tạo ra môi trường sống xanh cho nhân dân. Trước đó, vào những năm 80, Ni trưởng đã trồng cây ở Long Phước, giờ có phong trào của Nhà nước phát động, cộng thêm sự chung tay của nhiều người và sự khuyến khích của địa phương nên Ni trưởng đã khởi xướng việc trồng rừng. Phong trào sau đó lan rộng, việc trồng rừng của Ni trưởng được hưởng ứng ở nhiều nơi như Phước Thái, Long Phước,…

Quý Sư đã vác từng cái giỏ với khoảng 70 chục cây trong giỏ, theo Ni trưởng đi trồng rừng với tinh thần cứ làm theo Ni trưởng và vì bản thân cũng rất yêu rừng. Giờ nhìn thấy cây xanh mát là mình nhớ ơn Ni trưởng và các huynh đệ đã chung tay. Trên chùa Ni sư Lan Nhã có tượng Phật gỗ dâu 1400 năm, thân cây to, một thân dâu đủ duyên làm 9 tôn tượng Phật Bổn Sư, trong đó 5 tượng lớn và 4 tượng là 4 vị Tổ. Trong kinh Phật có nói rằng tượng đồng, tượng vàng tuy quý giá nhưng không bằng tượng gỗ. Gỗ quý có giá trị như vàng vì đó là từ cây có sự sống.

Quá trình trồng cây cũng lắm gian nan. Mình trồng rồi người ta phá đi lấy củi đốt, chặt trộm hoặc cây không lớn, lúc đó phải trồng lại. Đến khoảng năm thứ hai, năm thứ ba thì cây rừng đã có lá, các Sư đều rất vui mừng. Cây lớn rồi lại phải lo phòng cháy rừng. Ni trưởng và các Sư phải nghĩ nhiều cách để phòng cháy. Chắc Đức Phật đã hộ trì nên cây rừng xanh tốt, cũng không có hỏa hoạn gì.

Có một số Phật tử đã gợi ý chùa giúp việc khai hoang các ruộng sình để làm ruộng trồng trọt, cấy cày lấy lương thực. Ni trưởng nói: “Việc này sẽ rất cực nhọc, nhưng mấy cô đã thân hành qua tới đây rồi thì nhà chùa sẽ hết lòng.” Ni trưởng làm đơn xin khai thông thủy lợi. Thế rồi mình mở đường suối ngang 3 thước dài khi nào hết cánh đồng thì thôi. Khai tới đâu nước thông tới đó, đất hạ xuống, cây nổi gốc lên. Mình còn nhớ khai đường mương đó xong tới khai ruộng thì nhận được sự giúp đỡ của nhiều người như ông Tư và các thanh niên trẻ ở Tân Hiệp.

Trải qua một thời gian, nhìn cây xanh, ruộng xanh, Ni trưởng đã ứng khẩu thành bài Bửu Hoa thân thương:

Rừng tràm xanh xanh lá xanh màu thắm
Tung tăng nhịp nhàng múa ca thì thầm,
Gió thoảng đưa hương hoa dâng ngào ngạt
Lung linh nắng vàng những tia nhạt nhòa
Rừng hương Bửu Hoa gió lam thơm xa
Trên khắp ruộng đồng tình thắm chan hòa
Dưới ánh hồng ai gieo mầm thương mến
Mênh mông cây trái xinh xinh nặng cành
Tôi yêu quỳnh hương Bửu Hoa chiều tà
Áo nâu nhẹ lay theo gió tung bay
Tiếng cười bên suối rửa tay ai về
Gió mây la đà cày trên nhành cây
Tôi mến tôi thương rừng hương Bửu Hoa
Hoàng hôn ấp ủ sương lam bay bay
Tiếng A Di Đà lòng nghe thanh thoát
Trì Đà La Ni đại bi của ai
Rừng hương Bửu Hoa thơm xa khắp vùng
Hòa ca thôn xóm điểm đón thêm hoa
Tô thắm sơn hà nét đẹp quê hương
…nghĩa nặng yêu thương.

Hiện nay, Phật giáo bắt đầu triển khai ký kết việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc trồng rừng mà môn phong mình đã đi trước mấy chục năm, xin Ni sư chia sẻ thêm về việc này.

NS. Thích Nữ Lan Nhã: Thường vào ngày 19/5, ở đâu biểu ngữ cũng sẽ trưng lớn: “19/5 trồng cây nhớ Bác”, các địa phương tổ chức trồng cây rầm rộ. Ni trưởng trồng cây nhớ ơn Bác, không cần quay phim không cần chụp hình hay treo biểu ngữ, mình chỉ cần làm với tấm lòng là góp công với đất nước rồi. Mình nhớ có năm ngày 19/5 trời mưa, Ni trưởng dắt đi trồng cây. Ni tưởng nói: “Nay trăng tròn, cũng là sinh nhật Bác, hãy trồng cây để chúc mừng sinh nhật Bác.” Ni trưởng còn nói với mình: “Rừng là tài sản quý báu của nước ta, rừng là tài nguyên giàu mạnh của nước nhà.” Mặc dù, lúc đó việc trồng rừng chưa được chú ý nhiều.

Bây giờ, mình có cây xanh bóng mát thì biết ơn Ni trưởng rất nhiều, có thể nói Ni trưởng là ông Tổ trồng rừng. Hễ Ni trưởng nghe ở đâu có đồi hoang là đi lên xem và mang cây lên trồng. Giờ Ni trưởng đã 80 tuổi mà vẫn minh mẫn lắm. Hồi đó, có một cây mít gần chánh điện bị sâu trái mít, lá rụng đầy, mình xin cắt, nhưng Ni trưởng nói trồng mít có trái rồi cắt thì cây sẽ đau lắm. Mới đây thôi, có cây bàng trồng bị nghiêng xấu lắm, một cây khác cũng già cằn cỗi, ở phía trước nhà Cửu Huyền. Mình xin Ni trưởng cắt và nhờ chú Thành Phật tử cưa một nhánh để cây lớn hơn. Ni trưởng nói: “Thắp nhang xin đi, xin mấy ông thần cây đi, vì có cây thể hiện nơi cuộc đất đó có sự sống mãnh liệt.” Ông Cố hay nói: “Một cây không gọi là rừng, muôn cây ngàn cội mới gọi là rừng, muôn màu muôn sắc mới gọi là cuộc sống.” Độ chúng sanh không phải lựa người tài là được mà là tất cả chúng sanh… mà chúng sanh nó đủ thứ hết. Nhận cái tốt chỉ là giọt nước thôi thì cái xấu cả một nhà, mình nhận cái tốt, mình cũng phải nhận cả cái xấu để hóa giải, chấp nhận cái hay thì phải nhận cái dở của người ta. Cho nên, ai nhìn vào cũng không hiểu, ai cũng thắc mắc tại sao có đủ thành phần.

Lúc mình còn nhỏ, khi tịnh tâm mình lại muốn cúng dường cho cửa Phật, nửa đêm cứ đi lạy Phật. Một sáng, ông Cố hỏi: “Con muốn làm con Phật phải không? Con quỳ xuống đây, giờ nghe 3 điều này, con thực hiện được thì sẽ trở thành con của Đức Phật:

Thương kẻ nghịch lòng ta
Trăm vui muôn tốt ngàn đẹp không ham thích gì hết
Hứa với ai thì tán mạng vong thân cũng phải làm xong.”

Mình nghe Thầy dạy mà trong lòng không khỏi cảm động, bởi vậy có thể nói người dẫn dắt mình đến cửa Phật là do ông Cố. Còn cơ duyên trồng rừng đối với mình là nhờ Ni trưởng, trồng lên mới thấy mới thấy giá trị của rừng. Ni trưởng thường nói có rừng rồi chim chóc sẽ đến. Cứ khuya là thấy chim hót là thấy âm thanh của cuộc sống. Có rừng thì cũng có củi mà Sư đâu cho cưa, ngay cả lúc cây rừng bị cháy thì Sư cũng vì đau lòng mà suy nghĩ. Mình bây giờ trồng cây cũng luôn nghĩ về tình yêu cây của Ni trưởng. Sự trân quý cây của Ni trưởng luôn thôi thúc mình trồng cây… Khi mà cắt một cái cây là bản thân mình cũng thấy thương xót lắm… Cái cây của mình nhiều công chăm sóc mới to lớn vậy, mà người ta chặt cây làm các dụng cụ. Dẫu biết cũng là phụng sự cuộc đời nhưng trong lòng mình day dứt lắm. Vậy nên mình và các huynh đệ càng phải cố gắng trồng nhiều cây hơn nữa.
Mình nghĩ lại thì thấy rất đúng, bởi vì mình làm cúng dường thì làm cho tâm mình vui, cũng là trở về với thiên nhiên, với sự an bình của trời đất. Đức Phật thường dạy yêu thương muôn loài, mình yêu thương cây cối cũng là yêu thương chúng sinh của cuộc đời này. Mỗi người đều có cách dấn thân riêng, cống hiến cho Phật giáo theo những cách khác nhau… Môn phong của mình chọn cách trồng rừng, vì đây là truyền thống được tạo lập đã lâu, là tâm huyết và sự đồng chí hướng của các thế hệ Sư môn và hơn hết là lòng thương yêu với thiên nhiên, mong sự cứu vớt với tất cả chúng sinh, mong muốn chúng sinh được sống trong bầu không khí trong lành.

Các thế hệ Sư môn của mình mong rằng việc trồng rừng bảo vệ môi trường không chỉ là việc ký kết trên văn bản mà phải được hiện thực hóa và nhân rộng nhiều hơn nữa trong toàn xã hội. Mong muốn của cá nhân của mình là được nhìn thấy nhiều hơn những cánh rừng xanh mướt ở Đồng Nai cũng như trên cả nước. Bởi vì yêu cây xanh chính là yêu sự sống còn của nhân loại.

Xin cám ơn các ý kiến của Sư, kính chúc Sư sức khỏe và hoàn thành tốt các Phật sự của mình. Kính mừng những rừng cây mà môn phong của mình đã trồng.

Nhật Thu

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!