Thứ Hai, 29 Tháng Năm 2023
Phật học Vượt qua và sống cùng Covid-19

Vượt qua và sống cùng Covid-19

  Theo Bộ Y tế, tính từ 18 giờ 35 phút ngày 17/9/2021 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.521 ca nhiễm mới. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 667.650 ca nhiễm, trong đó có 433.465 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh và 16.637 ca tử vong1. Bên cạnh đó giãn cách xã hội đã làm cho nền kinh tế trì trệ, các hoạt động sản xuất hàng thiết yếu ngưng lại, giao thông vận tải bị hạn chế tối đa. Đặc biệt, chất lượng đời sống tinh thần con người bị sụt giảm và bao phủ bởi đau khổ, căng thẳng, bất lực, tuyệt vọng, bất như ý trước sự mất mát người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Do đó, trước tác động của Covid-19, con người cần thời gian, phương pháp đúng đắn để vượt qua những khó khăn trước mắt về vật chất lẫn tinh thần và dần tiến đến sống chung cùng với Covid-19 trong tương lai.

Trong Tiểu bộ kinh bài kinh Mũi tên, Đức Phật tách khổ đau này làm hai đau đớn trên thân xác và trong tâm, đồng thời dạy phương pháp tu tập tâm để ứng phó trước sự vô thường, bất toại nguyện của đời sống.

Trước hết Đức Phật chỉ rõ: “Mạng sống của loài người ở đây là không có sự báo hiệu, không được biết chắc, khó khăn, ngắn ngủi và nó bị gắn liền với khổ đau2”. Hôm trước chúng ta, cha mẹ, người bạn thân thiết của mình còn khỏe mạnh chỉ vài hôm sau nhận tin có người đang thở oxy trong Bệnh viện, có người ra đi do Covid-19. Không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào. Nghịch cảnh (Covid-19) giương mũi tên bắn phập vào chúng ta một cách mạnh mẽ đầy chính xác. Nhưng thường mũi tên này chỉ gây ra vết thương có thể chữa lành. Cảm thọ đau khổ, bàng hoàng, sợ chết khởi lên mạnh mẽ trong tâm mới chính là mũi tên độc đủ khả năng khiến chúng ta mất mạng. Một người biết tu tập tâm là người không để cho mũi tên độc bắn trúng mình, khi này họ chỉ chịu sự đau đớn trên thân xác do mũi tên nghịch cảnh gây ra mà thôi. Từ nhận thức này chúng ta thực hành theo lời dạy của Đức Phật để có được sự an tịnh của tâm trước biến động của Đại dịch Covid.


Ngưng than vãn, sầu muộn và học cách chấp nhận. Những hậu quả về người, về của gây ra bởi Đại dịch trong bốn tháng qua thật to lớn. Nhưng nó cũng là kinh nghiệm là cái biết cho mỗi con người về bản chất vô thường, bất toại nguyện trong cuộc sống. Trong hoàn cảnh này, chúng ta hãy thực hành việc quán sát ghi nhận mọi sinh hoạt khác nhau của tâm thức (tất cả những gì thích và không thích) mà không phản ứng, chống trả. Những tâm trạng không ưa thích ngăn cản không cho tâm chúng ta được tự do và ngăn che không cho chúng ta hiểu sự thật lời dạy của Đức Phật và thường đưa đến bất an đau khổ “hiển nhiên với việc khóc lóc, với sự sầu muộn thì không đạt được sự an tịnh của tâm, khổ đau sinh lên cho người này còn nhiều hơn, cơ thể của người này bị tổn hại3“. Những bất ổn xã hội đang diễn ra bởi sự vận hành của nhân quả, không cần quá bi lụy, âu sầu là điều cần chấp nhận. Thực sự những lúc như thế này mới chính là thời điểm thực tập các pháp tốt nhất, bởi nhàn sanh hưởng thụ chỉ trong khó khăn, đau khổ, bất trắc mới phát khởi ý muốn tu tập. Với việc thực hành quán sát tâm thức chính là đang đi đến con đường thực hành thiền định, con đường hạnh phúc tĩnh lặng. Khi nào đóa hoa tĩnh lặng bừng nở bên trong tâm thức thì tôi, bạn, chúng ta mới có khả năng đương đầu với sự xáo trộn bất ổn của xã hội. Sự rối ren đã kết thúc.

Hãy nương tựa vào Đức Phật, vào Giáo pháp, vào Tăng đoàn. Nhìn vào Tam tạng Thánh điển: Kinh – Luật – Luận chúng ta thấy có điểm chung là: “Tất cả phục vụ cho mục đích rèn luyện tâm”. Tâm thường ưa thích với cảm giác thoải mái, những điều tốt đẹp, như ý. Khi hoàn cảnh sống đưa lại sự bất toại nguyện, sân giận liền sanh khởi, ta hiểu rằng trong những lúc như thế này ta đang không đi theo bước chân của Đức Phật. Con đường của Ngài là con đường Trung đạo, khi đi vào con đường giữa này ta không để cho hạnh phúc hay khổ đau làm cho dao động, buông xả và hãy đặt chúng xuống. Covid-19 hay những khó khăn do Đại dịch này đưa đến đều buông xuống, hướng tâm chú ý đến những điều tốt đẹp mình đang có như: Thức ăn, được tiêm vắc xin, điện nước vẫn đủ dùng, được xem ti vi theo dõi tin tức mỗi ngày, không thể đến chùa tụng kinh nhưng nhờ các trang mạng chúng ta vẫn theo dõi được các bài pháp thoại, thời kinh phát trực tiếp.

Việc rèn luyện sự chú tâm vào những điều tốt đẹp trong hoàn cảnh hiện nay thường đem đến sự nóng bức, âu sầu. Nhưng đây là phản ứng thông thường của tâm khi bị rèn giũa, nên tận tâm tận lực thực hành cảm giác mát mẻ xuất hiện đau khổ sẽ rút lui. Như vậy, an vui giữa nghịch cảnh là điều có thể thực hiện được nhờ vào sự nương tựa vào Phật – Pháp – Tăng, hãy hãy thực hành thật tinh tấn, kiên trì không lay chuyển.

Tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều đặt dấu chấm hết trước vô thường. Đại dịch tuy kéo dài hủy hoại nhiều điều tốt đẹp nhưng nó sẽ chấm dứt bởi đặc tính của các pháp (tốt hoặc xấu) là vô thường. Hiểu đúng như vậy sự bình an phát khởi từ tâm thức giúp chúng ta đứng vững trong trận Đại dịch này.

Tuy nhiên, Đại dịch kết thúc cần có thời gian cũng như một vết thương không thể lành ngay lập tức mà phải được chăm sóc bởi bác sĩ, thuốc men để chúng khép miệng kéo da non rồi mới lành. Nếu không chịu hiểu đúng như vậy, chúng ta sẽ quay cuồng chống trả, vì nghĩ rằng chỉ khi Covid-19 kết thúc thì ta mới có thể sống hạnh phúc, vui vẻ được. Điều này cũng giống như lời dạy của Thiền sư Ajahn Chah đến vị đệ tử nổi tiếng Ajahn Bram khi ông bị bệnh hơn một tháng không hết “Sư phải ráng hết bệnh nếu không Sư sẽ chết”. Cũng vậy, chúng ta phải hiểu hoặc cố gắng để hiểu đặc tính vô thường của các pháp và chấp nhận để có phản ứng phù hợp với nghịch cảnh hiện tại hoặc chúng ta sẽ bị nó bao phủ nhấn chìm.
Cuối cùng chúng ta cần xem loại virus mới này như một phần của cuộc sống, đến hay đi là việc của nó. Việc của mình là sống như bình thường, ai có phận sự của người nấy. Như chúng ta thấy đó Đại dịch hay không thì mỗi sáng mặt trời cũng mọc đúng phía Đông và lặn về phía Tây, nó đâu có làm khác. Người còn lại mới là quan trọng, hiện tại mới là quan trọng.

Chẳng ai có thể sống một cuộc đời chỉ toàn hạnh phúc, kể cả Đấng Toàn Giác cũng thị hiện cảnh chịu sự tấn công của ngoại đạo, chịu nạn đói phải ăn cả lúa dành cho ngựa. Nếu loại suy nghĩ này có thể khiến tâm tư ta an ổn đôi phần hãy tiếp tục tư duy như vậy và quay về nương tựa vào Tam bảo để hòa mình vào dòng năng lượng của chánh niệm tỉnh giác.

Nếu hạnh phúc kéo dài, mọi người luôn cười to thoải mái nhảy múa tưng bừng thì thế gian trông quá kỳ lạ. Chông gai, gập ghềnh có mặt chính là nốt trầm điều chỉnh mọi thứ về đúng vị trí và giúp con người tập trung tu tập quay về với bản thể của mình, thấy được quy luật sự vận hành của Duyên khởi, thấy bản chất vô thường, bất toại nguyện, vô ngã của vạn pháp.

Giác Nguyện


  1. Cổng thông tin của Bộ Y tế về Đại dịch Covid-19, https://covid19.gov.vn, xem ngày 18/09/2021, lúc 07h30 AM
  2. Tỳ khưu Indacanda dịch (2016), Tiểu bộ, bài Kinh Mũi tên, tr.133, Nxb Tôn giáo.
  3. Tỳ khưu Indacanda dịch (2016), Tiểu bộ, bài Kinh Mũi Tên, Nxb Tôn giáo, tr.134.

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!