Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024
Phật họcVươn lên chính mình

Vươn lên chính mình

  Chỉ còn mấy mươi ngày nữa là bước sang năm mới. Dòng thời gian êm đềm trôi, cuốn phăng bao khổ lụy của kiếp người. Sanh, lão, bệnh, tử hủy diệt chúng ta từng sát na, nhưng chúng được bảo bọc quá ư khéo léo trong kiếp sống, có ai hay biết? Khác nào những người con của ông trưởng giả năm xưa, vui đùa trong nhà lửa cũ mục, nào biết mình sắp bị lửa đốt cháy!


Mỗi độ xuân sang vô thường biến đổi
Thần sắc tinh anh trả lại cho đời
Nỗi ưu tư theo năm tháng đầy vơi
Thế Tôn dạy: “Chúng sanh nên tỉnh mộng”.

Vâng! Đức Thế Tôn thị hiện ra đời, hòa mình trong Tam giới khổ đau đầy triền phược, không ngoài việc mong chúng sanh mau thức tỉnh quay về.

Ta đọa đày, bắt óc ta suy nghĩ
Hãy về đi, nên thật sự trở về
Bước khoan thai, thân lữ khách về quê
Thuyền tách bến, đò chiều qua bến giác.

Ngài đã dùng bao nhiêu phương tiện, bao nhiêu pháp môn đi dần từ thấp đến cao. Ngài đem thân mình ra thực hành những hạnh nguyện của người xuất sĩ, cũng “nhất bát thiên gia phạn” như bao nhiêu phàm Tăng khác. Ngài tiếp cận nhiều thành phần trong xã hội, mặc cho sự khen chê hay gièm xiểm của thế nhân.

Gót vàng vượt suối băng ngàn
Linh Sơn, Xá Vệ xóm làng hóa duyên
Nhà nhà gieo giống phước điền
Bát cơm muôn dặm, hóa duyên đạo mầu.

Ngài bước đi vững chắc trên đôi chân của mình, mặc cho phong ba bão táp của cuộc đời. Ngài vươn mình rẽ sóng, vượt qua dòng sông sanh tử, dòng sông ấy đã nhận chìm bao anh hùng cái thế, hiển hách xông pha đánh phá giặc thù, đem lại vinh quang cho đời. Nhưng đứng trước thất tình, lục dục, thì bị nó cuốn phăng, trôi dạt, nhận chìm trong dòng sông ái dục.

Còn Thái tử Sĩ Đạt Ta, đã vươn lên và vượt khỏi dòng sông oan nghiệt của kiếp người một cách hiên ngang và Ngài đã chiến thắng. Nay Ngài đem gia tài mà Ngài đã đạt được sau bốn chín ngày hạ thủ công phu tu tập, truyền trao cho hàng đệ tử Ngài làm hành trang đi về bảo sở. Nơi khởi nguyên thể tánh của chúng sanh chưa bị đồng hóa, luôn luôn sống với chơn tâm sáng suốt trong ngần, như ánh trăng vằng vặc trên bầu trời xanh thẫm. Bất giác một niệm vô minh sanh khởi, nên chúng sanh trôi dạt xuống lên trong ba cõi sáu đường, không còn đủ sức vươn lên, tìm về thể tánh tịnh minh, chơn tâm thường trú của chính mình.

Còn sự vui mừng nào hơn khi một vị Thánh xuất hiện vào đời, như mặt trời mùa đông phá tan sự rét mướt giá lạnh. Đón chào mùa xuân đến, cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa muôn màu khoe sắc thắm muôn nơi.

Xuân về gió thoáng qua mành
Lắng nghe pháp vũ âm thanh nhẹ nhàng
Xuân về tươi đẹp trần gian
Hòa trong vũ trụ lời vàng chân như.

Thế Tôn bước vào đời với chánh báo của Ngài tuyệt vời, với thân hình ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp nào ai sánh bằng! Với y báo tràn đầy sức sống, sanh trong cảnh nhung lụa giàu sang, từ vua quan cho đến thần dân đều hết lòng yêu mến, vợ đẹp con xinh, nhưng Thái tử không hề tham đắm. Thái tử vượt thành đi tìm chân lý, để đưa chúng sanh thoát khổ trầm luân. Ngài đã vực dậy bao mảnh đời bất hạnh như Ưu-ba-ly vốn làm nghề hớt (cạo) tóc. Sau khi được Đức Như Lai ra tay tế độ, Tôn giả cố công tu tập, đoạn trừ các kiết sử, lìa bỏ vô minh hoặc, trần sa hoặc, cuối cùng đắc Thánh quả và được Đức Như Lai ấn chứng cho vào hàng Thập đại đệ tử, với danh hiệu “Trì luật đệ nhất”, cũng như Tôn giả Ni Đề xuất thân là người gánh phẩn… Còn nhiều và rất nhiều vị xuất thân từ hàng bần tiện trong xã hội thời bấy giờ, nhưng khi gặp đủ thiện duyên, các Ngài đã cố vươn lên như những cọng sen còn ở trong bùn, cố gắng vươn lên khỏi mặt nước, cố vươn lên mãi, đến thời gian hội đủ, bông sen kia trổ ra thơm ngát, hòa lẫn theo làn gió nhẹ bay, hiến tặng cho đời một chất liệu yêu thương. Dù bông đã nở, bông búp, hay bông bé tí, trong hoa sen ấy đã có sẵn gương, hạt, nhụy, ví như chúng sanh vốn sẵn có hạt giống từ bi và Phật tánh nhiệm mầu vi diệu, nay được uống những dòng pháp nhũ của Như Lai, thì thiện căn ấy trỗi dậy và lớn dần theo năm tháng.

Cỏ cây chờ Thánh gọi hồn
Đợi Ngài Chánh giác bổn tôn cứu đời
Hào quang tỏa sáng muôn nơi
Tỳ ni viên ấy, một thời sử ghi.

Một trận mưa rơi xuống, từ loài hữu tình như vạn loại hàm linh, cho đến loài vô tình như cỏ cây hoa lá, đều được tưới tẩm, không hề sai khác, nhưng sự hấp thụ thì không đồng nhau. Cũng như căn tánh của mỗi chúng sanh đều có sai khác, nên khi giáo hóa, Đức Như Lai tùy thời, tùy cơ mà dạy giáo lý không đồng.

Ví như chế định giới luật, đối với các chú Sa-di, Đức Phật biết tuổi trẻ tính hay hiếu kỳ, thích đùa giỡn, nên Đức Như Lai ban hành:

– Giới thứ nhất: không được sát sanh, vì lòng từ bi, bình đẳng, tôn trọng sự sống của muôn loài. Người tham sống, vật cũng tham sống, người sợ chết, vật cũng sợ chết. Do đó, chúng ta không được sát sanh. Nhưng đến khi tuổi trưởng thành, đến 20 tuổi khi hội đủ nhơn duyên thọ Cụ túc giới (tức thọ Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni giới).

– Giới thứ hai: không được dâm dục, thuộc giới nặng nhất, người phạm rồi bị diệt tẩn không được sống chung trong Tăng đoàn…”

Ở giới thứ nhất của Phật tử tại gia hay Sa-di hoặc Sa-di-ni, Đức Thế Tôn dạy: “Không được sát sanh mà phải phóng sanh.” Nhưng khi thọ giới Cụ túc, bước vào hàng Chúng trung tôn, thì Đức Phật lại dạy: “Sát sanh lên cõi trời, nhưng phóng sanh lại xuống địa ngục.” Mới nghe dường như mâu thuẫn, nhưng phải hiểu chúng sanh mà Đức Phật nêu ra đây là chúng sanh tâm. Nếu mình không giữ tâm thanh tịnh, mãi chạy theo trần cảnh bên ngoài, buông lung tâm ý, dễ bị sa hầm sụp hố, lún sâu vào tội lỗi, phải vào đường tù tội. Đó chỉ mới là địa ngục trần gian. Sau khi ra tù, tuy cuộc sống bình thường nhưng đã mất hết phẩm cách của Tăng lữ, chỉ còn hình thức cư sĩ mà thôi, khi chết phải vào địa ngục, không thể nào tránh khỏi.

Chính lòng từ bi, bình đẳng của Như Lai, độ mọi thành phần trong xã hội, mà Vua Ba-tư-nặc đã bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, Ngài thâu nhận kẻ hèn vào Tăng đoàn, không ngại lẫn lộn sỏi đá với châu ngọc, làm mất giá trị của chúng Tăng hay sao?” Đức Phật dạy rằng: “Người hèn hạ mà biết phát tâm Bồ-đề, xuất gia tu hành, chứng được quả Thánh thì quý báu vô cùng.” Đức Thế Tôn không chỉ thuyết pháp cho vua chúa nghe mà còn thuyết pháp độ cho Ưu-ba-ly. Không những thọ phẩm vật cúng dường của Trưởng giả Tu-đạt-đa, mà còn thọ nhận người nghèo khổ cúng dường như ông Thuần Đà. Không những thuyết pháp cho người kính tin Tam bảo như Mạt Lợi phu nhân, mà còn thuyết pháp cho dâm nữ Liên Hoa Sắc nghe. Lòng từ bi của Ngài vô hạn, không thể nào dùng ngôn từ chuyển tải hết được. Ngài cũng từng dạy rằng: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy thắp lên ngọn đuốc Chánh pháp, để phá tan ngục tù vô minh tăm tối, tự tìm cho mình một hải đảo bình an”.
Chính những câu dạy ngắn gọn ấy, là bài học vô vàn quý báu, Ngài đã chỉ thẳng rằng: “Hãy nỗ lực, hãy tinh tấn, hãy vươn lên, tự mình là nhân tố quyết định đời mình, không ai có thể ban cho ta hạnh phúc hay khổ đau”.

Khoảnh khắc giao thoa lúc xuân về
Sương rơi phủ kín lạnh tái tê
Hoa xuân nở rộ khoe sắc thắm
Vươn mình hé nở nụ hoa lê.

TKN. Phước Giác

Tin khác

Cùng chuyên mục