Thứ Tư, 17 Tháng Tư 2024
Truyện ngắnVườn cải hoa vàng

Vườn cải hoa vàng

  Trong ký ức tuổi thơ khô cằn của Ngọc Châu, chỉ có một bóng mát duy nhất, tuy nhỏ nhoi nhưng quý báu vô cùng. Đó là hình ảnh bà ngoại lui cui tưới đám cải ngọt hay chăm sóc dây bí xanh mướt đầy hoa vàng leo trên giàn tre cạnh hàng rào cây bằng gỗ tạp.
Căn nhà mái tôn ở vùng ven Sài Gòn vào mùa hè nóng nung như lò than, là nơi Ngọc Châu chào đời – sống qua suốt thời gian mười mấy năm – không khắc ghi được một kỷ niệm êm đẹp nào trong lòng nàng.

Nếu không có bà ngoại làm nơi nương tựa tinh thần chắc Ngọc Châu đã hóa điên với người cha lúc nào cũng say sưa nhậu nhẹt và nổi nóng thường xuyên vì sự túng hụt của gia đình.
Mẹ nàng tảo tần ngoài chợ để vừa nuôi con vừa nuôi chồng, thêm bà mẹ đã ngoài 60. Có lẽ vì gánh nặng của cả nhà đè nặng trên vai mẹ nên trông mẹ già sụm dù chỉ mới ngoài 40.
Sáng ra chợ sáng, chiều ra chợ chiều, mẹ tất tả ngược xuôi như người đàn ông tháo vát, về đến nhà thì mệt nhoài. Để trút cái lo, cái mệt, bà chỉ biết càu nhàu, trách móc chuyện nọ, chuyện kia: “Tụi bây để nhà dơ quá; sao áo quần phơi để khô cháy mới đem vô; thằng Hai lại trốn học, trường gởi giấy về đây nè, sao ổng không chịu để mắt tới giùm; còn thằng quỷ nhỏ đâu rồi…”

Bà tuôn ra một loạt những lời nghe chẳng chút êm tai. Nếu cả nhà im lặng chịu trận thì yên nhưng nếu hôm nào thiếu rượu, ba Châu sừng sộ lại thì thế nào cũng có trận ẩu đả giữa hai người.

Căn nhà không tiếng cười. Nơi đó ba mẹ gấu ó đánh nhau; anh Hai thì lêu lỏng; còn hai đứa em thì đánh lộn hoài, nếu không đánh nhau vì giành miếng bánh trong nhà thì ra đường cũng đập lộn với hàng xóm.

Châu chỉ cảm thấy dễ chịu khi vào trường học nhưng dù vậy, mặc cảm thua sút vẫn làm cô bé rụt rè, thu mình trong vỏ óc nín câm.

Bà ngoại thì tìm an ủi trong mấy luống cải mà tự tay bà đã lên giồng. Dù mắt bắt đầu kéo mây chỉ thấy lờ mờ, bà vẫn đủ sức cuốc đất. Như người làm rẫy chuyên nghiệp, bà biến khoảnh đất chai cứng, nứt nẻ ở sau nhà thành nơi trồng trọt. Chính bà đi lượm cứt bò, cứt ngựa ở xóm trên về ủ làm phân rồi chặt rơm trộn chung vào. Đó là thức ăn mầu mỡ cho đất. Và đất vì nặng ơn săn sóc, đã cho bà những luống cải xanh tươi. Bà lên liếp trồng được bốn luống cải, chừa một luống cải làm giống thì số còn lại đủ ăn cho cả nhà. Chính những cây cải chừa làm giống đã trổ hoa vàng làm cho mảnh vườn có vẻ tươi mát. Nhưng đốm hoa vàng tí xíu nổi bật trên những lá cải xanh già, đong đưa theo những cơn gió hiếm hoi của mùa Hạ làm mát rượi tâm hồn cô bé đang tuổi dậy thì. Thỉnh thoảng vài chú bướm vàng nhởn nhơ đùa cùng hoa cải, giúp cô bé được vài phút mộng mơ.

Ngọc Châu không dám trách cha cũng không nỡ phiền mẹ. Đầu óc đơn giản hiền hòa khiến Châu chỉ biết an phận. Nhưng đôi khi nàng cũng thầm mong cha tìm được việc làm để không có thì giờ nhậu nhẹt và mẹ cô, ước gì bà gọi tên những đứa con trong nhà một cách dịu dàng, thay vì gọi Châu là “con ma lờ đờ”, anh Hai là “thằng trời đánh”, em kế cô – thằng Chiến “quỷ lớn” và em út – Thắng là “quỷ nhỏ”.

Chẳng biết có phải vì ngày nào mẹ cũng kêu réo quỷ ma như vậy nên cảnh nhà lục đục hoài, không lúc nào được êm ả thuận hòa dù họ chỉ gặp nhau trong bữa ăn chính. Mỗi người có một chỗ để tìm sự yên thân.

Ngoài giờ học ở trường anh Hai là cà nơi nhà bè bạn, Chiến và Thắng thì đánh đáo, tạt lon, đá banh ở khu nghĩa địa; bà ngoại lui cui miết ở sân sau; riêng Ngọc Châu với chiếc xe đạp cũ kĩ thường tới chùa Giác Viên ngồi dưới mái hiên mát rượi để học bài, làm bài.
Đôi khi cô bé tựa đầu vào tường vách rêu phong, tận hưởng sự im vắng mát mẻ và ngủ quên. Mãi đến khi tiếng chuông công phu chiều thong thả tan trong gió, dịu dàng đánh thức cô dậy, cô bẽn lẽn dụi mắt lên xe trở về.

Chiều nay Châu về nhà hơi trễ, chưa nấu cơm, chưa làm cá, lặt rau sẵn cho ngoại nấu ăn. Cô bé gò lưng nhấn mạnh bàn đạp. Xe lại sút dây sên. Xui thật! Loay hoay mãi. Tới đầu hẻm, trời đã nhá nhem tối.

Trái với lệ thường, hôm nay mọi người tụ tập xôn xao, có vẻ nghiêm trọng, chợt có người nhận ra Châu, họ la lớn:
– Châu ơi, em mầy bị xe đụng chết rồi! Cô bé quăng đại chiếc xe và tập vở, ùa chạy vào nhà.

Căn nhà trống trơn chỉ còn bà ngoại ngồi ôm đầu cúi mặt, cái khăn rằn đỏ vắt lệch trên vai run run theo tiếng nấc. Bà ngẩng mặt lên, đôi mắt kéo mây giờ đỏ au, sưng húp. Mặt bà co rúm lại, các nếp nhăn hằn sâu như trái táo tàu phơi khô.

Bà nắm tay Châu mếu máo:
– Xe hơi cán nó bể đầu… chở vô nhà thương chợ Rẫy, cứu không được con ơi! Nó mê trái banh chạy ra đường bất tử, xe nào thắng kịp, tội quá!

Cái chết thình lình của Thắng càng làm gia đình Châu thêm khó thở. Ba của Châu có cớ đi uống rượu nhiều hơn để “giải sầu”. Uống ghi sổ, cuối tháng chủ quán đòi tiền mẹ, thế là ông bà có dịp gây gổ đập lộn định kỳ.

Anh Hai bỏ học đăng lính thủy, lại bắt đầu uống rượu y như ba. Thằng Chiến cũng bỏ học luôn đi bán cà rem để tự kiếm sống.

Mẹ Châu giờ như bà điên. Bà nói năng lộn xộn không đầu không đuôi, lắp ba lắp bấp, mở miệng là sẵn sàng để chửi rủa. Bà mắng Châu luôn miệng đã đành còn đổ tội cho bà ngoại: “Cháu hư tại bà. Bà không coi chừng, coi đổi, để nó đi chơi lu bù xe cán nó. Thử cột chân thằng quỷ nhỏ ở nhà, xe nào vô đây cán được!”

Ngoại lặng câm như hến. Nhiều lần Châu thấy ngoại ngồi khóc sau hè, cạnh mấy luống cải giờ đã còi cọc. Hình như cây cỏ sầu úa cùng với nỗi đau của ngoại. Ngoại khóc vì bị buộc tội oan? Vì thương thằng cháu út của bà? Thương bà quá! Châu bỗng nảy sinh ra ý định chở bà đi chùa mỗi khi Châu đến đấy học bài. Ít ra phải cho bà một nơi mát mẻ dễ chịu như hiên chùa để tránh cái oi nồng của căn nhà lợp tôn.

Thấy bà ngần ngại, Châu thuyết phục:
– Bà ốm nhom nhẹ hều à, chở ngoại như chở cái cặp táp của con vậy, không sao đâu ngoại à!

Và quả nhiên, cảnh tĩnh mịch của ngôi chùa cổ nằm giữa nhưng cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm, có tiếng chim ríu rít trên cành quả là cảnh giới lý tưởng, là thiên đường hạ giới cho bà lão. “Mát quá” Bà đi tới đi lui hít thở không khí dễ chịu ở chung quanh tưởng chừng như chưa bao giờ được hạnh phúc như vậy.

Sau khi đi lòng vòng quanh chùa chiêm ngưỡng mấy cái tháp đen xám bám đầy rêu xanh, bà xem xét những vùng đất còn trống liệu xem có thể trồng trọt được gì hay không? Rồi bà lân la vào bếp mượn cây chổi quét sân.

Mỗi ngày tình nguyện quét chùa, dần dần bà trở thành quen mặt với mọi người. Từ sư cụ hiền hòa có đôi mày bạc trắng như tiên ông đến các vị sư trẻ và chú tiểu Minh.

Tiểu Minh chỉ có ba vá tóc trên đầu, là cậu bé lý lắc và thích chuyện trò. Trước đây hay mon men làm quen với Ngọc Châu nhưng cô nàng chỉ ậm ừ cho qua chuyện khiến chú cụt hứng, tìm qua nhóm học trò khác dễ bắt chuyện hơn.

Từ ngày có cụ đến quét sân chú như gặp được một người bạn sẵn sàng nghe chú nói, hơn nữa, chú còn có dịp xổ những câu đạo lý – mà chú từng nghe lóm được khi hầu quạt Sư cụ khiến bà lão phục sát đất.

Có lần chú thắc mắc hỏi bà:
– Sao bà không ở nhà nghỉ cho khỏe? Vô chùa quét sân mệt thấy mồ!
Bà ngưng tay quẹt mồ hôi trên trán, nhìn cái sân dài và rộng phủ đầy lá trước mặt:
– Làm công quả vừa vui vừa được phước chú à. Như chú đó, chắc kiếp trước đã tu rồi nên kiếp này còn nhỏ mà được nương cảnh Phật. Còn tôi vụng tu, đời tôi khổ quá!
Tiểu Minh buông ra một câu mà chú đã nằm lòng.
– Đời là bể khổ mà!
Rồi chú tình thật tâm sự:
– Ở chùa cũng khổ, tại bà không biết đó! Kỷ luật gắt lắm. Lớp đi học chữ trong trường, lớp học kinh, học chữ Nho trong chùa, không thuộc phải quỳ hương. Tôi không được đánh đáo, bắn bi, đá dế buồn lắm!
Bà lão mến sự trong sáng, chân thật của Minh, hơn nữa chú cũng trạc tuổi thằng Thắng. Bà muốn giải thích cho tiểu Minh biết là chú đang hưởng phước:
– Ờ thì chịu buồn chút xíu thôi mà khỏi khổ. Chứ như tôi suốt đời gánh gồng buôn bán, tuổi già tuy đỡ nhọc nhằn nhưng mà khổ tâm lắm!
Minh tròn xoe đôi mắt sáng:
– Sao vậy?
Bà ngoại cười buồn:
– Chú còn nhỏ, lại ở trong chùa, đâu hiểu chuyện đời! Tôi ước gì được sống luôn trong chùa để tai khỏi nghe những lời thô lỗ cọc cằn, mắt khỏi phải nhìn những cảnh éo le bực bội, như vậy đủ hạnh phúc rồi.

Tiểu Minh chợt nhớ Sư cụ mới giảng giáo lý tuần rồi, nói về cảnh giới Cực Lạc. Nhân dân trong nước đó không biết đau khổ là gì. Khí hậu mát mẻ dễ chịu, thức ăn uống, đồ dùng muốn gì có nấy, tuổi thọ thì vô lượng, nhà cửa đường sá làm bằng bảy báu, đẹp ghê lắm. Ai được sanh về Cực Lạc rồi thì khỏi trở lại trần gian này, không chịu cảnh sanh già bệnh chết nữa. Họ tu riết thành Phật luôn.

Bà lão há mồm lắng nghe. Đây là một hình ảnh kỳ diệu, một đất nước lý tưởng, theo bà nó chỉ có trong sự ao ước, trong tâm tưởng của những người đang khổ thôi. Nhưng Sư cụ đã nói như vậy lẽ nào không có thật sao?

Ngoại thắc mắc muốn hiểu thêm nhưng tiểu Minh dường như không biết gì hơn, chỉ nhăn răng súng ra cười khi bà hỏi dồn: “Làm sao về đó được?” Rồi chú nhún nhảy bước chân chim, tấp vào nhóm học sinh gần đó.

Chỉ sau mấy tháng được ở luôn trong chùa để làm công quả, bà Tư đã trồng được những luống cải bẹ trắng, cải ngọt, cải làm dưa xanh mướt mượt. Cải ngọt đang đúng lứa, mơn mởn xếp hàng trên những luống đất xốp có phủ rơm, chờ nhổ.

Trưa chủ nhật Ngọc Châu lom khom phụ ngoại cắt bỏ rễ cải cho chùa. Những cây cải bụ bẫm, khỏe và tươi chong khiến nàng mơ tưởng đến một bữa ăn gia đình đông đủ vui vẻ có tô canh cải nóng hổi do chính tay ngoại nấu và nồi cơm gạo mới thơm lừng cộng thêm món trứng chiên tôm khô, củ hành hay vài con cá chiên tỏi.

(còn tiếp)

Diệu Nga

Tin khác

Cùng chuyên mục