Thứ Bảy, 20 Tháng Tư 2024
Phật họcXuân an lạc

Xuân an lạc

  Nhật nguyệt chầm chậm trôi
Tọa thiền hương thơm ngát
Ngoài trời ô cửa nhỏ
Rực rỡ sắc vàng tươi.

Năm cũ đã qua năm mới lại đến, thời gian cứ mãi dần trôi mọi việc đều đổi thay, đều trưởng thành. Thật là chớp nhoáng, thoáng khẽ từng giờ từng ngày bước qua, ta lại đón một mùa xuân mới, cây mai bên vườn đã ra nụ như muốn hối hả giục quý cô lặt lá để chúng nó mau khoe sắc để chào đón một năm mới tốt lành tươi đẹp.
Mỗi con người Việt Nam chúng ta năm nào cũng đều chào đón vị khách “Tết Nguyên đán” một cách rất nồng nhiệt! Mọi người tất bật các công tác hằng năm như trang trí nhà cửa, gói bánh tét, bánh chưng và chuẩn bị mứt quả. Nhà nhà người người đều làm, dù có bận rộn đến đâu thì trên môi cũng đều nở một nụ cười vui vẻ mong một cái Tết đầm ấm yên lành. Dịp lễ cúng đón vào thời khắc khởi đầu buổi sáng ban mai mùng một mang một niềm ước mơ mới, hy vọng mới với tất cả, đến cho mọi người, mọi nhà cùng muôn loài những gì tốt đẹp nhất.

Nhớ năm nào khi con còn là một đứa trẻ ngây ngô lòng đầy khao khát chờ đón mùa Tết đến để được mẹ dắt đi sắm đồ mới, nhận những bao lì xì và ăn những món bánh mứt thật ngon, thật ngọt ngào. Tết của ấu thơ là những cái Tết đáng trân trọng nhất, bởi lẽ vào tuổi đó chúng con không bị ràng buộc về tiền tài hay lo lắng cho tuổi tác ngày một tăng lên, ngược lại là chúng con lúc đó chỉ ước sao cho thật mau lớn khôn để thực hiện được những điều mà lúc bấy giờ khi còn là con nít chúng con không thực hiện được. Lúc đó con ước bản thân mình trở thành người lớn để có tiền thật nhiều mua sắm đồ Tết, mua bánh kẹo mà thôi. Đúng là vô tư đến ngỡ ngàng!

Tết đối với mọi người đều rất quan trọng, ở quê người người đi làm ăn xa cố gắng dành dụm để tiêu trong những ngày đầu năm, mua quà tặng lễ cho gia đình người thân và cùng nhau đón một cái Tết an lành. Đối với xã hội, năm mới an lành chính là vui vẻ sum vầy cùng thân bằng quyến thuộc, gạt bỏ những muộn phiền từ công việc đến danh lợi tiền tài. Ngày Tết thật sự là sống không lo, ưa việc gì thì làm, vui chơi thì thỏa thích, tìm đến niềm hạnh phúc, vui vẻ đối với họ chỉ đơn giản là như vậy.

Còn đối với người trong Đạo pháp, Tết có ý nghĩa rất đặc biệt. Nó không phải là mùa để vui chơi hay sum họp mà ngày mùng một Tết là ngày vía – ngày đản sanh của Đức Di Lặc. Ngài chính là vị Giáo chủ tương lai của thế giới Ta bà, người kế thừa sự nghiệp độ sanh do Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã thọ ký. Người xưa từng nói rằng: “Ngày mùng một tháng giêng là ngày kỷ niệm vía đức Di Lặc Bồ tát và sau này Ngài sẽ là người giáo hóa chúng sanh ở Hội Long Hoa.”

Danh hiệu Di Lặc là chữ phiên âm từ tiếng Phạn (Sanskrit) là Maitreya, Trung Hoa gọi là Từ Thị (Thị: họ; Từ: từ bi). Qua phương Tây, người ta gọi Ngài là Future Buddha (Đức Phật tương lai) hay là Smile Buddha (Đức Phật hoan hỷ). Bồ tát Di Lặc là người khởi xướng hệ phái Duy thức của Đại thừa – Maitreyanatha (sa.maitreyanâtha), thầy truyền giáo lý Duy thức cho Vô Trước (sa.asaga). Truyền thống Phật giáo Tây Tạng cho rằng, Ngài là tác giả của năm bài luận, được gọi là Từ Thị ngũ luận:

1. Đại thừa tối thượng luận hoặc
Cứu cánh nhất thừa bảo tính luận
(sa.mahâyânottaratantra).
2. Pháp pháp tính phân biệt luận
(sa.dharmadharmatâvibanga).
3. Trung biên phân biệt luận
(sa.madhyântavibhâga-úâstra).
4. Hiện quán trang nghiêm luận
(sa.abhisamayâlankâra).
5. Đại thừa kinh trang nghiêm luận
(sa.mahâyânasutralankâra).

Vì Ngài tu tập hạnh từ bi Tam muội, tâm luôn tỏa chiếu ánh sáng của tình thương yêu trong lành, rộng lớn và phát nguyện cứu độ mọi người. Khi lòng thương yêu tràn đầy thì sự hiểu biết chân thật sẽ chiếu sáng, cho nên, tâm hồn luôn an vui tự tại trước mọi biến thiên, đổi thay trong cuộc đời.

Trong kinh Di Lặc Hạ Sanh có nói về tương lai của Ngài rằng: “Hiện nay, đức Di Lặc là một trong bốn vị Bổ Xứ Bồ tát đang ở nội viện cung trời Đâu Suất. Đợi đến khi thế giới này hết kiếp giảm thứ chín, đến kiếp tăng thứ mười, lúc ấy Ngài sẽ hóa thân xuống cõi trần này trong nhà của một vị Bà-la-môn tên là Tu Phạm Na. Thân mẫu của Ngài tên là Phạm Na Bạt đề. Khi sanh ra Ngài có nhiều tướng tốt, đức hạnh vẹn toàn, thông minh xuất chúng. Lớn lên, Ngài xuất gia tu hành, đến núi Kê Túc để nhận lãnh y bát của Đức Phật Thích Ca, do Tổ Ma Ha Ca Diếp trao lại. Sau đó, Ngài đến ngồi dưới gốc cây Long Hoa dùng Kim Cang trí trừ sạch vô minh, chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Rồi Ngài bắt đầu thuyết pháp tại Giảng đường Hoa Lâm dưới cây Long Hoa. Hội thứ nhất độ được 96 ức người thành A-la-hán. Hội thứ hai độ được 94 ức người thành A-la-hán, Hội thứ ba độ 92 ức người thành A-la-hán. Do vậy mà gọi là “Long Hoa Tam Hội”. Ngài thuyết pháp đến sáu vạn năm, hóa độ vô số chúng sanh tu hành thoát biển khổ.

Trong Kinh thường nói rằng: “Bồ tát dĩ lợi sanh vi bổn hoài”, nghĩa là Bồ tát lấy sự nghiệp lợi ích cho chúng sanh, làm bổn phận và trách nhiệm của mình. Như vậy, tùy theo căn cơ chúng sanh, Đức Di Lặc Bồ tát đã vô số lần hóa thân trong lịch sử để giáo hóa muôn loài. Tiêu biểu như câu chuyện về Ngài Tăng Can vào đời nhà Tùy (thế kỷ thứ VI), hay vị Thiền sư Trung Hoa Bố Đại ở thế kỷ thứ X với những phép màu và hạnh ngôn mang đậm tinh thần thiền tông! Bố Đại Thiền sư như danh tự của Ngài, với một chiếc túi vải bố to cùng với tài tiên tri mưa nắng, Ngài còn có thể ngủ ngoài tuyết, tuyết không rơi vào mình. Đến đời Lương, niên hiệu Trình Minh năm thứ ba, Ngài nhóm chúng tại Chùa Nhạc Lâm, ngồi ngay thẳng nói bài kệ:

Di Lặc, chân Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức.

Dịch nghĩa:

Di Lặc, chân Di Lặc
Phân thân trăm ngàn ức
Luôn luôn bảo người đời
Người đời tự chẳng biết.

Nói xong Ngài viên tịch, mọi người mới vỡ lẽ ra rằng Ngài là hiện thân của Di Lặc, vị Phật tương lai. Sau này, nhiều vị thường thấy Thiền sư Bố Đại hay xuất hiện ở những nơi khác nhau với bộ dáng tự tại mang túi vải lớn nên người đời thường truyền nhau cùng vẽ những bức họa miêu tả Di Lặc Bồ tát cười tay xách một túi to.

Ngày Đức Di Lặc khánh đản, Ngài xuất hiện giữa mùa xuân của thế nhân với chân tướng:

Bụng to, má lúm đồng tiền
Vây quanh sáu trẻ ngửa nghiêng reo hò.

Sáu đứa bé (lục tặc) ngồi trên người của Ngài là chỉ cho sáu căn – tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý của ta, chúng tiếp xúc, va chạm với lục cảnh bên ngoài là màu sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, xúc cảm (hoạt động của giác quan, tâm lý) và hiện tượng sự vật, để rồi sanh ra những trạng thái tâm như vui, mừng, giận dữ, thương yêu, sợ hãi, sầu khổ, chán ghét… Một khi sáu căn ở trong tiếp xúc với sáu cảnh bên ngoài, nếu ta không làm chủ được chính mình, chúng ta sẽ bị chi phối rồi sanh ra nhiều ưu phiền đau khổ.

Mắt trông thấy sắc thì thôi
Tai nghe thấy tiếng nghe rồi thì không
Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng
Nhẹ nhàng ta bước trong vòng trần ai.

Tuy nhiên, đối với người khi đã thâm nhập vào niềm vui kỳ diệu của bản tánh chân thật tự nhiên của mình, tức làm chủ được mình sẽ trở thành một sức mạnh kỳ diệu để duy trì niềm an lạc, linh động và tỏa sáng của tự tâm. Song, an vui do chúng ta quyết định, giữ nguyên tánh biết thể thể hư không, đừng đem suy nghĩ phân biệt để rồi bị chi phối, phải từ bi hỷ xả thì mọi việc tất yên bình, cũng như hoa sen có tánh thể ngẫu không, tuy là thân ngay thẳng nhưng ruột thì rỗng không. Chúng ta cũng nên như hoa sen, mọi việc đến và đi đừng nên dính mắc, Đức Phật Di Lặc đối với chuyện vô thường này cũng giống như một nụ cười. Đến an nhiên, đi cũng an nhiên:

Đức Di Lặc ngồi trơ bụng đá
Bao bụi trần bám đã rồi rơi
Mặc cho thế cuộc đầy vơi
Dửng dưng như một nụ cười an nhiên.

Lại nữa, trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài từng phát lời nguyện cầu: “Các bậc dũng mãnh vĩ đại đó, đã thành tựu vô số hạnh, an trụ nơi tháp này, tôi chắp tay kính lễ, đức Di Lặc tôn quý là con trưởng chư Phật, mong Ngài đoái tưởng tôi.” Con người chúng ta vào dịp Tết hay cùng nhau đi chùa cầu mong ước nguyện, thế nhưng tiền tài và danh vọng là những điều mà đa phần người mong mỏi cầu xin, nếu đạt được thì thế nào khi tâm ta chưa yên bề hạnh phúc? Vì vậy, khi lễ bái các Ngài chúng ta không chỉ mong mỏi những thứ phù vinh như thế mà hãy cố vững tâm chánh niệm cầu Phật gia hộ cho gia đạo an lành, phát tâm rộng lớn mạnh mẽ tu hành để sớm ngày được thân cận chư Phật, chư Bồ tát và đại Thánh chúng.

Nhắc đến mùa xuân, ngoài những sự vui vẻ trăm hoa đua nở, vạn vật sinh sôi chúng ta cũng phải nên nhận biết đến sự vô thường trong những mùa xuân đến. Thiền sư Mãn Giác đã viết nên bài thơ “Cáo tật thị chúng”:

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch:

Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một nhành mai.

Rõ đúng như lời Phật dạy: “Có sanh ắt có diệt.” Con người của chúng ta luôn chỉ để ý đến một bên. Thử hỏi để có sự nảy mầm hay nở hoa chẳng phải nó phải trải qua một vòng tuần hoàn hay sao? Trước mùa xuân tươi đẹp, chính là mùa đông hanh khô và lạnh lẽo. Những sinh vật nấp mình chờ ngày phát triển nhưng trong khoảng thời gian đó cái gì tạo điều kiện cho chúng ấp ủ? Là mùa đông hoang liêu đấy. Cũng như con người, chúng ta hay tiếc nuối và đau khổ cho những cuộc chia ly nhưng chưa biết rằng đó chính là quy luật của tự nhiên. Ai cũng vậy, thích những điều tốt đẹp chẳng muốn có muộn phiền mà chán ghét sự đau thương. Ai dằn vặt mình? Tự bản thân mình mà thôi, cảnh tỉnh chính mình thoát khỏi vòng trầm luân hãy nhớ đó là lẽ thường thì sẽ dễ chấp nhận và mọi việc ngày càng tốt đẹp.
Thiền sư nhắn nhủ đệ tử cũng như là chúng ta, việc cứ đi mãi, nếu lo nghĩ hoài thì có ích chi? Thời gian trôi qua vô thường càng cận kề, người trẻ thì già, vết thời gian in đậm trên thân xác mỗi sinh linh. Chúng ta không thể chuyển dời, duy tâm ta thì có thể, giữ vững bản tâm chân thật, vui vẻ mà sống, vui vẻ mà đi. Tuy đã mất rồi nhưng còn thứ bất diệt vẫn còn hiện hữu, chúng ta cứ nghĩ đến chết là hết rồi nhưng bản tánh tự không vẫn còn đó nào có đi đâu? Có như vậy chúng ta mới có thể vững tâm mà sống một cách an nhiên, tu tập một cách đúng đắn thì mới mạnh mẽ vượt qua sóng gió bước thẳng đến chân trời tự tại!

Qua vài dòng trên đây, chúng ta đại khái đã biết được ý nghĩa của mùa xuân Di Lặc, song song đó, việc tổ chức cho ngày Tết ở chùa cũng trở nên đặc biệt hơn. Đối với người Việt Nam, Tết chẳng thể nào thiếu những chiếc bánh chưng, bánh tét xanh thơm cùng trà bánh ngọt ngào đúng không? Với truyền thống tốt đẹp ấy, vào các ngày cuối năm, quý Sư cô trong chùa lại tất bật với những tàu lá chuối cùng với hương khói bếp hồng không bao giờ lạnh lẽo. Gói bánh, cắm hoa cùng bày mâm ngũ quả dâng cúng chư Phật, Bồ tát để đại chúng cùng nhau ngồi thiền, tụng kinh đón Giao thừa chào mừng năm mới.

Chùa con đêm Giao thừa gió thật sự rất lạnh nhưng lòng con lại ấm áp đến lạ kỳ. Cả Đại chúng trang nghiêm cúng lễ Giao thừa, đi lễ bái tượng Phật Di Lặc trên đồi, nhìn ngắm những đóa pháo hoa được bắn lên trên khung trời huyền ảo. Cảnh sắc đẹp động lòng nhưng cũng thật trống rỗng, bởi lẽ đời người cũng như pháo hoa, chuẩn bị tất cả rồi một mồi lửa đốt sáng phóng thẳng lên trời nở rộ chỉ một lần rồi vụt tắt đi, đó chẳng phải là hình ảnh đời người trên thế gian này hay sao? Thanh xuân thì tươi đẹp nhưng thế nào cũng sẽ qua! Còn những quả pháo bị lép đi chẳng phải là hình ảnh những kẻ lười biếng không cố gắng sống để rồi một lần tỏa sáng đẹp nhất trong cuộc đời của mình cũng không thực hiện được hay sao? Rốt cuộc phải sống như thế nào để không bị phai mờ, đạt được thành tựu viên mãn, không để đời mình sớm sáng sớm tàn như pháo hoa đây?

Cũng như lời Phật dạy: “Có lúc chúng ta muốn thầm hỏi mình, chúng ta đang đeo đuổi cái gì? Chúng ta sống vì cái gì?” Tự suy ngẫm và dần sẽ thấy được ta mê muội đến dường nào, bản tánh sẵn ở đó, bình yên ngay tại bên trong mà mỗi con người chúng ta luôn tìm kiếm những thứ ở bên ngoài.

Tết an bình trong chùa, ba mươi mùng một mà qua thì những ngày khác chẳng khác bình thường là bao. Khách đến rồi khách đi, thời khóa rồi sự tu tập chúng ta phải từng bước nhẹ nhàng mà nhận thức tiến lên! Thế mới rõ là người con của Phật, của Đạo pháp!
Hồng trần đầy những sự não khổ bị vùi lấp trong những bọc giấy mang tên hoan lạc. Nhìn bên ngoài toàn là những thứ vui trong ngũ dục, chớp nhoáng liền tan, chỉ có sự an định, bình an biết rõ lẽ vô thường, nhận ra bản tánh chân thật thì chúng ta mới thật sự là sống hoàn toàn.


Xuân an lạc chính là vui trong cái vui hiện tại, an trong bản tánh tự thân. Một mùa xuân không chứa những sự khổ thế gian khi ta hiểu rõ lẽ thường! An nhiên đối mặt với tất cả, nở một nụ cười chào đón mọi sự thì mọi người tất đạt mùa xuân an lạc của mình!
Cuối lời con xin kính chúc quý Sư cùng quý Phật tử mùa xuân Di Lặc an lành, tràn đầy tinh thần thong dong, tự tại của thiền môn!

Thích Nữ Chân Mỹ

Tin khác

Cùng chuyên mục