Thứ Sáu, 19 Tháng Tư 2024
Chưa được phân loạiVô tự thị chân kinh (Núi rừng hợp tấu)

Vô tự thị chân kinh (Núi rừng hợp tấu)

Núi rừng hợp tấu

“Anh cúi xuống, nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông Phương.

Chưa cần biết tác giả là ai, nếu chỉ tình cờ nghe hai câu thơ này, bạn cảm thấy gì? Có đang xúc động như tôi không?”

Điện thư gửi cho bạn chỉ có thế, tôi tưởng đã là ngắn. Năm phút sau, bạn gửi lại, còn ngắn hơn “Tuyệt vời! Hùng tráng!”

Nhận hồi âm ngắn ngủi này tôi đã buột miệng thốt lên “Ôi hạnh phúc!” vì tôi biết tâm hồn chúng ta đang cùng phím tơ rung. Như con ong say mật, tôi chẳng thể không gọi bạn để chúng ta cùng lắng nghe nhau. Mà chúng ta đã nghe gì? Bạn điều chỉnh tôi chính xác lắm! Chúng ta đâu có nghe nhau nói, chúng ta đang cùng nghe núi rừng hợp tấu bản tình ca vô tận của Đông Phương.

Khi xưa, trong tăng đoàn của Phật có Đại Đức Baddhiya từng là quan tổng trấn quyền uy tột bực nhưng đã rũ bỏ hết giầu sang danh vọng để theo Phật tu học. Tại rừng Trúc Lâm, Đại Đức Baddhiya cùng Đại Đức Kassapa phát nguyện chỉ thiền quán và ngủ ngoài rừng cây chứ không dựng am thất. Một đêm, sau giờ thiền tậpĐại Đức Kassapa nghe bạn mình thốt lên: “Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc!” Một vị sa môn đạo hạnh thường lặng lẽ chuyên cần thiền định mà thốt lên lời bộc phát niềm hân hoan là điều khá bất thường. Hạnh phúc nào mà lớn lao đến thế? Hạnh phúc đó chính là phút nhận chân được sự tự dotự tạithanh thản mênh mang tuyệt đối.

Đại Đức đã nhận ra khi còn là quan Tổng trấn quyền uy nhưng lúc nào cũng mơ hồ thấy sự hiểm nguy, sợ hãi vây quanh. Bây giờ, ngủ giữa rừng cây, bao quanh là núi, trên trời là sao, tâm chánh định an nhiên nên chẳng có gì để sợ, bạc tiền danh vọng không buộc ràng nên chẳng có gì để mất. Vững chãi như núi rừng, vằng vặc như trăng sao, mênh mông như vạn hữu, tất cả, tuy thầm lặng mà quyện vào nhau, hùng tráng vô song, làm sao mà núi rừng ấy, trăng sao kia chẳng hợp tấu thành bản tình ca vô tận?

Không biết khi xưa, Đại Đức Baddhiya thốt lên “Ôi hạnh phúc!” ngài có hạnh phúc như chúng ta không? Bạn phát biểu rằng tác giả hai câu thơ này phải là người chứa trong lồng ngực trái tim lớn mầu hồng. Tôi giả ngây thơ mà hỏi “Sao thế?” Bạn vội vã nói ngay “Núi vẫn đó, rừng vẫn đây tự ngàn năm hùng vĩ nhưng có phải ai cũng nghe thấy núi rừng hợp tấu đâu! Người nghe được bản trường ca vô tận của Đông Phương là người còn phải thấy, núi không chỉ là núi, rừng không chỉ là rừng mà rừng núi đó chính là quê hương, là dân tộc, là tình người, là những gì thiêng liêng bất diệt như muôn sông ra biển, như sóng vỗ bờ lại trở ngược đại dương”

Bạn yêu cầu tôi đọc nguyên bài thơ và khoan nói tác giả là ai. Bạn không dặn tôi cũng không vội nói vì biết tên tác giả có thể vô tình tạo ra phần nào định kiến trước khi đọc tác phẩm. Tôi chậm rãi nhấp một ngụm trà. Đầu giây bên kia bạn kiên nhẫn đợi. Vị trà sen rất thanh khiến tôi tự tin là giọng mình sẽ không đến nỗi tệ khi diễn tả. Và tôi đọc bài thơ “Những năm anh đi” với xúc động tràn đầy như lần đầu đã đọc:

Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn
Triều đông hải vẫn thì thầm cát trắng
Chuyện tình người và nhịp thở của

Trường Sơn

Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị
Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng
Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ
Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu giữa đồng hoang
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi
Từng con sông, từng huyết lệ lan tràn
Mười năm đó anh quên mình sậy yếu
Đôi vai gầy từ thủa dựng quê hương
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông Phương
Rồi ngày ấy anh trở về phố cũ

Giữa con đường còn ngợp khói tang thương
Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương

Tôi đã đọc hết bài thơ, chờ 5 giây không nghe bạn nói gì. Tôn trọng niềm xúc động của bạn, tôi cũng lặng thinh. Chúng ta không cần nói gì nữa vì nghe nhịp thở của nhau cũng như đang nghe nhịp thở của Trường Sơn. Ôi, Trường Sơn từng oằn mình gánh chịu bao mưa gió phũ phàng của đất trời, bao oan khiên vùi dập của lòng người vô minh, nhưng Trường Sơn vẫn sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt. Chúng ta có thể thấy ngay tại sao tác giả bài thơ lấy hình ảnh Trường Sơn làm bối cảnh. Trường Sơn là “xương sống” của giải đất hình chư S mà tiền nhân chúng ta đã đổ bao xương máu dựng nên và gìn giữ.

Trường Sơn như người cha dũng cảm, như người mẹ nhu hòa luôn có đó, vì con và cho con. Nhưng người con là ai? đi đâu mà đi miệt mài thế? Chúng ta đã cùng lúc nhận ra người đó chính là chúng ta, là muôn triệu người Việt Nam đang quẩn quanh, thống khổ ngay trong lòng đất mẹ! Cùng với muôn triệu bóng đen âm thầm, lầm lũi đi giữa lòng quê cha đất mẹ mà sao như đi giữa âm ty? Sao phố thị ngột ngạt? Sao rừng sâu cạm bẫy? Sao suối cạn? Sao máu lệ tuôn tràn tức tưởi những con sông? Chỉ bởi một kẻ thù duy nhất. Kẻ đó tên là Vô Minh. Vì ngu si, vì tăm tối, kẻ mang tên Vô Minh đã chưa từng thấy được trời xanh, mây trắng, chưa từng nghe được gió chiều hát khúc thương yêu, chưa từng biết tận hưởng quà tặng tuyệt vời mà bông hoa ven đường đang trân trọng hiến dâng …… Thế nên, những kẻ vô minh đó đã ngỡ cái vô thường là thường, vô ngã là ngã, khổ là lạc, không là tịnh.

Chính vì bị tam thược ràng buộc nên kẻ vô minh đã sợ hãi, đã cuồng loạn vơ vét ảo vọng, vùi dập, tàn phá những gì trên đường chúng đi. Chúng đã biến quê cha đất mẹ thành nhà tù vĩ đại, biến đồng bào ruột thịt thành những tù nhân không bản án, biến đồng xanh thành cỏ dại, biến cánh bướm mùa hè thành sâu mọt mùa đông. Chúng không ngại mà hiện nguyên hình Vô Minh vì đang có quyền sinh sát trong tay. Nhưng thương thay, quyền sinh sát đó là gì? Chúng thường nhìn chặng cuối của đời sống là sự chết mà không biết rằng CHẾT XỨNG ĐÁNG LÀ SỰ SỐNG BẤT DIỆT.

Tác giả bài thơ “Những năm anh đi” là nhân chứng suốt thời vô minh tàn độc đó. Đi giữa máu lệ oan khiên, người ấy thanh thản mà dũng mãnh, thầm lặng mà pháp loa vang dội, áo mỏng chân trần mà làm run rẩy binh đao vì người ấy đang mang hình ảnh thiền sư “thõng tay vào chợ” để cứu độ chúng sinh. Chính hình ảnh bình tâm thanh thản giữa chốn xôn xao đã giúp chúng sinh đang quằn quại thống khổ đạt được hạnh vô úy.

Khi không còn gì để sợ hãi thì dù nơi địa ngục ta vẫn nghe vang dội âm thanh núi rừng hợp tấu bản tình ca vô tận.

Bản tình ca này chưa từng rời nhịp bước đoàn lữ hành tự đốt đuốc trên đường tìm về Trung Đạo.

Tác giả bài thơ này chưa từng rời thế-gian-pháp.

Tự nguyện tải đạo cứu đời, ngài đã bước vào nhà Như Lai từ tuổi ấu thơ. Ngài là Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, là vị Thiền-sư đang thõng tay vào chợ. Qua chính bản thân mình, Ngài đã và đang gửi một thông điệp đơn giản: “Không sức mạnh nào ngăn nổi âm thanh mênh mông vô tận trên không gian bát ngát. Đó là âm thanh của núi rừng hợp tấu.”

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

 Tháng 5, 2005
Mùa Phật Đản lần thứ 2629
Diệu Trân

Tin khác

Cùng chuyên mục