Thứ Tư, 27 Tháng Ba 2024
Chưa được phân loạiVô tự thị chân kinh (Luân hồi)

Vô tự thị chân kinh (Luân hồi)

Luân hồi

Mấy ngày nay, trên báo nhiều tin buồn thuộc loại khó tin nhưng có thật. Nhắc lại hết ở đây, e người đọc buồn quá, không còn muốn …..ăn Tết nữa, nên người viết chỉ đề cập đến mẩu tin ngắn ở xa, tận Jordan lận. Đó là chuyện hai vợ chồng đang sống ly thân, dùng tên giả, “lên lưới” truyện trò tâm sự hơn 90 ngày, cảm thấy hợp nhau, thương nhau rồi …..muốn lấy nhauCuối cùng, bèn hẹn gặp nhau để bàn chuyện tiệc cưới. Và giây phút “hãi hùng” đã xẩy ra nơi điểm hẹn. Anh chồng hét đến bể phổi: “Cô bị ly dị, bị ly dị, bị ly dị…”. Bà vợ thì chỉ thều thào được câu: “Anh là thằng xạo”, rồi té xỉu!!!!

Bản tin viết, họ theo đạo Hồi. Tôi không biết gì về đạo Hồi nhưng biết một điều, nếu họ theo đạo Phật và hiểu đôi chút về luân hồi thì đoạn kết câu chuyện sẽ khác hẳn. Luân hồi, dịch từ tiếng Phạn Samsara có nghĩa là luân chuyển; từ tiếng Hán thì luân là bánh xe, hồi là xoay tròn. Hình ảnh bánh xe xoay tròn mãi thì đến bao giờ dứt!

Phật dạy, chúng sinh nếu không thức tỉnh tìm đường giải thoát khỏi sanh tử luân hồi thì nghiệp sẽ tiếp tục dẫn đi; tùy theo nghiệp nặng, nhẹ mà lại đầu thai kiếp khác, kiếp đó có thể là người, là vật, là cỏ cây hoa bướm ….v…v….nên cánh bướm ta nhìn ngắm chiều nay có thể là mẹ, là chị của ta kiếp nào. Bông hoa này là ngọn cỏ năm xưa, con nai ngơ ngác giữa rừng lá vàng thu có thể là người tình ta thuở nọ ..v..v..

Từ hình ảnh luân hồi đó, Phật dạy ta phải có lòng thương đến mọi loài. Đó là luân hồi nhìn theo con mắt duy thức. Với cái nhìn thiền tông thì không đợi khi thân tứ đại tan rã, trở về trong kiếp khác mới là luân hồi, mà luân hồi xảy ra trong từng sát na. Phút trước mê, phút sau tỉnh, hôm qua động hôm nay tĩnh, chiều nay vui chiều mai buồn, ngay cả một cái chớp mắt cũng là đã qua một vòng luân hồi.

Trở lại chuyện cười ra nước mắt của hai vợ chồng ở Jordan, nếu họ là Phật tử và chỉ cần hiểu hai chữ luân hồi một cách đại cương cỡ Phật tử sơ cơ như tôi, dù bằng cái nhìn duy thức hay thiền tông, họ cũng không quá bẽ bàng khi gặp nhau ở điểm hẹn. Con người khó thương mà họ đang ly thân là người ở kiếp khác. Con người đó, theo một nghĩa nào đó, đã chết, đã “diệt”, đã qua một vòng luân hồi rồi. Bằng cớ là sau hơn 90 ngày trò chuyện, cả hai đều không thấy vết tích gì của con người khó thương đó. Trái lại, cả hai đều tìm được đối tượng mới, vừa “sinh”, rất dễ thương, rất cần thiết cho nhau, cần tới mức cùng quyết định sẽ chung sống với nhauVậy mà khi gặp nhau, họ lại nhìn nhau bằng con người cũ khó thương (đã diệt), thay vì chấp nhận con người mới dễ thương (vừa sinh). Khó thương hay dễ thương, tên là AB hay CD đều do chính ta tự đặt ra. Ấy thế mà lúc thì ta khó thương, khi ta lại dễ thương; lúc ta tên AB, khi ta lại thành CD. Vậy cái TA nào mới chính là TA?

Phải chăng “cái ta” đích thực chính là “không ta”, là VÔ NGÃ. Với tâm vô ngã ta dễ chấp nhận mọi trạng huống vì không còn gì để đối đãi.

Cả vạn hữu chỉ còn một trời bao dung.

Tháng Hai 2005
Diệu Trân

Tin khác

Cùng chuyên mục