Thứ Ba, 16 Tháng Tư 2024
Chưa được phân loạiVô tự thị chân kinh (Khuất thân cho trọn một đời luân...

Vô tự thị chân kinh (Khuất thân cho trọn một đời luân lưu)

Khuất thân cho trọn một đời luân lưu

Tôi đang đọc một bài thơ thì có tiếng gõ cửa. Người bạn đạo đến thăm như đã hẹn. Chắp tay xá nhau xong, tôi sẵn trớn, đọc tiếp luôn cho hết hai câu cuối:

Tình chung không trả thù người

Khuất thân cho trọn một đời luân lưu.

Bạn có vẻ muốn đổi đề tài. Tôi hiểu rằng bất cứ ai, nếu bất chợt nghe những câu thơ như thế này thì đều có ngay cảm nghĩ rằng thơ ủy mỵ quá, buồn quá, mang tinh thần nhẫn nhục quá. Có lẽ bạn muốn chúng ta nói chuyện gì vui hơn, thực tế hơn hoặc là ta trải tọa cụ cùng ngồi thiền cũng được. Tôi chiều bạn, đề nghị tọa thiền ngoài vườn bưởi.

Chiều xuống rất mau, nắng đã tắt và bầy chim xôn xao rủ nhau về tổ. Vườn im lắng thoảng hương bông bưởi ngọt ngào quyện hương ngâu ngan ngát. Cùng ngồi trong thế kiết già, bạn nhìn tôi, mỉm cười:

– Cảnh nên thơ quá, làm sao để “tâm không xúc cảnh” được đây.

Tôi cố tình làm nghiêm, khi nhắc:

– “Ngoài dứt muôn duyên, trong bặt nghĩ tưởng, tâm như vách tường, mới là vào đạo”

Tuy nói vui với nhau như thế, nhưng chúng tôi cũng đã truyền được năng lượng cho nhau để thời thiền đó lắng sâu trong chánh niệm và ngồi lâu hơn chúng tôi tưởng. Khi xả thiền thì trăng non đã trải quanh vườn những giải lụa ngà mềm mại. Bạn đưa cả hai tay lên không như muốn vuốt ve ánh trăng bạc huyền ảo này. Tôi không cầm lòng được, đã trở lại chuyện cũ và đọc hai câu đầu của bài thơ:

Nằm ôm một bóng trăng gầy

Vai nghiêng tủi nhục hờn lay mộng tàn

Bây giờ thì bạn có vẻ không từ chối nói chuyện thơ với tôi. Không biết bạn đổi ý vì thiền hay vì trăng? Nhưng tôi ngạc nhiên khi bạn xác định:

– Không, vì thơ đấy. Thơ đang tự nói rồi, có phải bài lục bát “Một Bóng Trăng Gầy” của Thiền sư Tuệ Sỹ không?

Để trả lời bạn, tôi đọc tiếp:

Rừng sâu mấy nhịp Trường Sơn

Biển đông mấy độ triều dâng ráng hồng

Bạn ngắt một bông hoa ngâu, bối rối mân mê trong tay và nói, như tự trách mình:

– Đọc thơ của Thầy Tuệ Sỹ mà hững hờ như tạt qua quán nước đầu làng, ta sẽ tưởng rằng thơ của Thầy bi lụy quá; nhưng đọc bằng tâm ân cần mới thấy ẩn dụ sau những giòng lệ từ bi đó là sự “im lặng sấm sét” của dũng khí Như Lai. Thơ của Thầy đúng là những tiếng khóc. Nhưng Thầy khóc cho ai??? Khi xưa, Thái Tử Tất Đạt Đa đi thăm ngoài bốn cửa thành, chứng kiến bốn cảnh khổ não của chúng sinh là sinh, lão, bệnh, tử, ngài đã rơi lệ trên đường về hoàng cung. Chính những giọt lệ từ lòng xót thương đó đã thúc đẩy Thái Tử quyết cắt ái ly gia tìm con đường giải thoát.

Bạn đã khai quặng, thấy được hạt ngọc rồi! Thơ đã theo bạn vào thiền. Bạn đã quán chiếu, đã nhìn thấy Bồ Tát. Một vị chân tu từng mang bản án tử hình vì không thể nói sai, nói khác về đạo lý, về tư cách, về giá trị tâm linh, phải là người đã liễu ngộ hạnh vô úy. Vị ấy không thể khóc vì buồn rầu sợ hãi cho mình. Vị ấy đang khóc cho toàn thể chúng sinh. Nước mắt của vị ấy là nước mắt Quán Thế Âm khi nghe tiếng kêu thương:

Khóc tràn cuộc lữ long đong

Người đi còn một tấm lòng đơn sơ?

Máu người pha đỏ sắc cờ

Phương trời xé nửa giấc mơ dị thường

Quân hành đạp nát tà dương

Khúc ca du tử bẽ bàng trên môi

Bạn thấy gì ở đây? Bi đát và cay đắng nhường bao! Quê hương và Dân tộc ta đó! Như đàn chim vỡ tổ, chúng ta lìa nhau, kinh ngạc trước sự tàn khốc vô lường đổ ập xuống. Xương máu bao sinh linh đã pha đỏ sắc cờ ma vương đó, máu từ KẺ Ở rừng sâu tù ngục, máu từ NGƯỜI ĐI biển đông hãi hùng, máu từ lòng mẹ, thân cha, máu nhuộm sơn hà, máu loang hồn đất ….. Vậy mà, vị sứ giả Như Lai vẫn thể hiện Tứ Vô Lượng Tâm và hạnh thứ ba trong Lục Độ Ba La Mật để nói rằng:

Tình chung không trả thù người

Khuất thân cho trọn một đời luân lưu.

Câu kết của bài lục bát đẹp như nét thảo trên bức tranh lụa Sơn Lâm. Núi rừng hùng vĩ nhưng sương mây thì nhẹ nhàng mờ ảo. Người ngắm tranh sẽ thấy núi chưa cao, rừng chưa rậm nếu sương không rủ và mây không bay! Trong tương phản luôn ẩn dụ những hài hòa cần thiết, giữa tàn phá luôn có vun bồi, giữa ác độc luôn có từ bi, giữa vô minh luôn có trí tuệ. Sự hài hòa thể hiện tùy theo hạnh nguyện mỗi đối tượng. Người con Phật tất đi theo đường Phật dạy, dùng TRÍ tuệ nhìn ra sự sai tráiDŨNG cảm nói lên điều sai trái và đem lòng từ BI chuyển hóa ác nghiệp.

Khi xưa, Đức Phật đã bao lần bị người em họ là Devadatte mưu hại mà ngài không hề thù hận, ngay cả lần Devadatte quyết hạ độc thủ bằng cách đón đường Đức Phật nơi ven núi để từ trên cao lăn đá xuống! Tiếng động kinh hoàng khi tảng đá lớn băng băng lăn xuống khiến tăng đoàn hốt hoảng. Đại Đức Anan không còn kịp suy nghĩ, chỉ thét lên rồi nhào tới, mong dùng thân mình che chở Đức Phật. Nhưng trước khi tới đích, tảng đá đó đã va vào một tảng khác, tạo thành sức mạnh làm cả hai vỡ tung ra. Chỉ những mảnh vụn thôi, mà khi văng xuống trúng chân trái Đức Phật cũng đủ làm máu tuôn thấm ướt chéo áo ca-sa.

Đức Phật và tăng đoàn cùng nhìn lên thì chỉ còn thấy bóng một người đang thoát chạy. Ai cũng biết đó là Đại Đức Devadatte! Vậy mà Đức Phật đã ngăn đệ tử thân tín là Đại Đức Moggallana khi Đại Đức định chạy lên núi bắt Devadatte để trị tội. Đó có phải là “Tình chung không trả thù người”, nhưng “khuất thân” kham nhẫn chẳng phải để ẩn tránh mà là đem trọn cuộc đời đã phát nguyện này, cùng luân lưu chìm nổi với chúng sinh mới tạo cơ duyên hóa độ.

Rót tách nước trong, đặt trên ban thờ Phật, bạn chắp tay, cúi đầu. Nhìn sự im lặng thành khẩn, tôi biết chắc lòng bạn đang nức nở với câu “Khuất thân cho trọn một đời luân lưu”.

Có bài pháp nào sống động hơn cho Phật tử ngày nay khi chúng ta còn được nhìn thấy hình ảnh những Trưởng Tử Như Lai như thế?

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tháng tư 2005
Diệu Trân

Tin khác

Cùng chuyên mục