Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024
Chưa được phân loạiTruyền thông - Báo chí Phật giáo

Truyền thông – Báo chí Phật giáo

  Như chúng ta đã biết, dù bất kỳ ai sống trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, dẫu là tu sĩ cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của chúng. Vậy sử dụng công nghệ thông tin như thế nào, để đúng với tinh thần Phật dạy, chư Tổ nhắc nhở, quý thầy không ưu tư…? Đó mới là việc thiết yếu và cần lưu tâm. Như câu nói: “Khi mê bùn chỉ là bùn, ngộ rồi mới biết trong bùn có sen. Khi mê tiền chỉ là tiền, hiểu rồi mới biết trong tiền có tâm”.

Được sự chỉ dạy của quý Ni sư trong Tòa soạn Đặc san Hoa Đàm và sự cho phép của Sư phụ Trụ trì Thiền viện Bảo Hải, Thiền sinh chúng con đã đến với: “Khóa Tập huấn thông tin, báo chí 2019” do Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN – Báo Giác Ngộ và Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức. Bước đến nơi đây, trong tâm với sự tiếp thu học hỏi những tinh hoa mà khóa học mang lại từ những vị giảng viên, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, những người có kinh nghiệm dày dặn trong ngành báo chí, thông tin trên hai năm kinh nghiệm và các nhiếp ảnh gia trên mấy chục năm cầm máy, trong khóa học thật sự hạnh phúc và cảm động, chúng con vinh hạnh được sự quang lâm chứng minh của Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ.

Khóa học có 133 học viên tham dự, đến từ 24 quận, huyện trong thành phố, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao – Trung Phật học Thành phố Hồ Chí Minh. Sở dĩ số lượng học viên giới hạn tại địa bàn thành phố, không mở rộng các tỉnh thành, nhằm mục đích đào tạo chuyên sâu những học viên đang làm công tác thông tin, truyền thông báo chí tại thành phố.

Nguyện kết thành đài hoa
Xiển dương dung diện Phật.

Đã là tu sĩ trong thời đại 4.0, thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, tu sĩ trẻ chúng ta cần và rất cần hiểu biết đúng để có cách ứng xử phù hợp là điều cần thiết trong hiện tại. Ngày nay, càng nhiều những thông tin đồi trụy, dục lạc, hưởng thụ, tệ nạn của xã hội… tràn lan trên mạng truyền thông, thay vào đó, những mảng truyền thông – báo chí về tinh túy của đạo Phật, những cái hay, cái đẹp trong môi trường Phật giáo nên được chia sẻ đến mọi người. Thật sự, một ngôi chùa được xây lên thì một nhà tù bớt đi, một tu sĩ hình thành cũng đồng thời giảm đi một tội đồ. Chúng ta hãy hiểu đúng hành đúng, tùy theo hoàn cảnh và môi trường quốc độ mà xiển dương Chánh pháp Phật Đà. Nên tiếp thu một cách trí tuệ sáng suốt, hòa nhập chứ không hòa tan. Mục tiêu của khóa tập huấn là giúp Tăng Ni tham dự ý thức về việc sử dụng truyền thông như một kênh hoằng pháp, phù hợp với chủ trương Nhà nước và phương châm của Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.
Lúc đầu, khóa học dự kiến chỉ có 100 học viên, đại diện cho Phân ban Ni giới các quận huyện TP.HCM, trường Cao Trung Phật học, Học viện Phật giáo, nhưng thực tế đến 133 học viên đều là những vị đang công tác chuyên môn trong ngành báo chí Phật giáo, nội dung mà các học viên được tiếp cận gồm 5 chuyên đề.

Chuyên đề 1: Quan điểm của Giáo hội về thông tin truyền thông và báo chí (do Thượng tọa Thích Thiện Quý, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đảm trách).

Chuyên đề này giúp học viên nhận thức được vai trò thông tin báo chí nhằm truyền tải thông tin, là bộ phận tham mưu. Chức năng của Ban Thông tin Truyền thông báo chí là cơ quan ngôn luận, điển hình như Báo Giác Ngộ là cơ quan ngôn luận duy nhất của GHPGVN từ trước đến nay. Tất cả nội dung đều thuận theo pháp luật của Nhà nước Việt Nam, vì tu sĩ cũng là một công dân, hoàn thiện tư cách của công dân trước pháp luật và làm tròn trách nhiệm của tu sĩ trong GHPGVN, vận dụng trí tuệ và khả năng chuyên môn, bản chất của Giới luật, pháp luật đều phải tuân theo.

Chúng ta cần tiếp nhận và nắm bắt thông tin một cách chính thống, không mất thời gian với những thông tin không cần thiết. Nên quan tâm đến sự phát triển của tập thể cộng đồng Phật giáo.

Không đưa những thông tin để dư luận phải ném đá và những tin mang tính khiếm nhã, tiêu cực, ta nên cố gắng kiềm chế những biểu cảm của cá nhân, mình phải quản lý kiểm soát được cảm xúc của mình, nếu thiếu cân nhắc, đó là sự nguy hiểm trong Phật giáo. Thông tin đăng tải phải có tính chất giáo dục, ích đạo, lợi đời, còn không thì thôi, tránh một con sâu làm sầu nồi canh.

Đừng tạo những thông tin hiềm khích xung đột và thiệt hại về đạo đức nhân văn của xã hội, xây dựng đời sống Tăng đoàn, phát triển văn hóa Phật giáo, cộng đồng tập thể đều phát triển, lợi ích chân thật không ngoài giáo lý của Đức Từ Phụ.

Đối với thông tin chúng ta cần phải:
– Nắm bắt
– Thiết lập
– Quản lý

Đó là quy trình, hệ thống xử lý, bảo mật được thông tin, chúng ta đừng bị rơi vào cái bẫy của truyền thông giăng ra, không phải người ta ném đá thì mình ném lại, mà hãy quy những thông tin về một mối, xin ý kiến chỉ đạo của Giáo hội có thẩm quyền để có cách xử lý cho hợp tình hợp lý, hợp đạo hợp đời, nếu như chúng ta không có quy trình, trật tự để tổ chức thì sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại lớn cho Phật giáo nói chung. Chúng ta nên tôn trọng người có vị trí trách nhiệm, làm gì cũng nên có trên, có dưới, có trước có sau, chớ ỷ tài mà làm càng, không được “cầm đèn chạy trước ô – tô, không cầm cái cày trước con trâu… ” nên tôn trọng xử lý thông tin phù hợp với Đạo pháp, Giới luật của Phật giáo. Chúng ta hãy ứng dụng một cách trí tuệ, xây dựng những thông tin phản biện với những hình ảnh tốt đẹp làm phát triển đạo Phật, có lợi cho xã hội và giúp ích cho con người, đó là câu trả lời tuyệt vời nhất.

Hai điểm phát triển truyền thông gồm có:
– Thông tin truyền thông, qua thông tin kỹ thuật số.
– Thông tin truyền thông, qua báo chí, văn bản giấy.

Bảy điểm quan trọng của một vị làm truyền thông:
1. Đặc thù của thông tin truyền thông và báo chí.
2. Phát triển xã hội bùng nổ thông tin (ai cũng có thể làm một nhà báo, nên ý thức ta là Tăng Ni, phải làm sao cho xứng đáng, ảnh hưởng tốt đến tập thể cộng đồng Phật giáo).
3. Quản lý thông tin có ý thức “khôn ngoan trong việc chọn tin tức”.
4. Nghiệp của báo chí: Rất cực, làm việc phải có tâm, biết chọn lọc thông tin, phải có tâm và có tầm mới đạt.
5. Quy chế phát ngôn (không tùy tiện).
6. Nên chủ động truyền thông, những thông tin tốt của Phật giáo.
7. Phải có kỹ năng: Viết có tâm và có tầm, có hình ảnh lưu niệm, dẫn chứng tốt đẹp.

Chuyên đề 2: Luật báo chí và quy chế người phát ngôn.

Ở chuyên đề này học viên được tiếp cận với ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Báo chí và Xuất bản, Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, và nắm được, cơ quan báo chí là cơ quan tham mưu của Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân thuộc quyền quản lý của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đảm bảo quyền tự do ngôn luận, nhưng không ai được xâm phạm ảnh hưởng đến Nhà nước hoặc tổ chức của nhân dân, cần nói đúng sự thật, không xuyên tạc.
Những điều cấm kỵ: Không được kinh động nhân dân, chống phá nhà nước CHXHCNVN, không được cổ động chiến tranh xâm lược, không được khuyến khích dâm ô, trụy lạc, không được đưa tin sai sự thật, xúc phạm nhân dân và nhân phẩm của mọi người, không được đưa tin huyền bí.

Quy định người phát ngôn: Tư cách của nhà báo, phải đảm bảo được một nhà báo có tâm. Đối với nhà báo thì chẳng khác “lưỡi gươm treo sợi lông ngựa”, nhà báo được quyền phát ngôn và được quyền đưa tin nhưng phải đúng sự thật.

Chuyên đề 3: Các thể loại tin và hướng dẫn cách viết tin, nhận xét, góp ý về bài tập viết tin.

Phần này học viên được nhà báo Lưu Đình Triều, nguyên Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ, Trợ lý Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, giảng viên thỉnh giảng khoa Báo chí Đại học).

Tầm quan trọng của tin tức, ảnh hưởng rất lớn đến con người và xã hội. Đối với nhà báo, không được cắt ghép tùy tiện nội dung để sai sự thật, đối với điều này phải chịu một cái giá rất đắt, khi viết tin, phóng viên cần lấy nguồn tin đáng tin cậy, chủ đề là quan trọng nhất, địa điểm cũng là phần hấp dẫn người đọc.

Quá trình viết tin:
1. Nhận yêu cầu của nơi chỉ đạo rồi tác nghiệp.
2. Đến sự kiện thực tế.
3. Gặp người tổ chức.
4. Nắm thông tin chính thống và thông tin liên quan.
5. Bám sát sự kiện xảy ra và có thể thay đổi cho đúng với sự kiện tổ chức.
6. Ảnh minh họa cho sự kiện viết.

Đối với viết tin, người viết tránh dùng các ý kiến của cá nhân làm lời bình, tin thì không có lời bình, tránh úp chụp ý của mình vào sự kiện, sự việc sẽ không còn chính xác.

Cách viết tin cần có sáu yếu tố căn bản:
1. What: Sự kiện, vấn đề (cái gì, chuyện gì).
2. Where: Địa điểm, vị trí, không gian (ở đâu).
3. When: Thời gian (lúc nào).
4. Who: Đối tượng tham gia quan trọng nhất (Ban Tổ chức, giảng viên…).
5. Why: Nguyên nhân, lý do (tại sao diễn ra?).
6. How: Kết quả, diễn biến (xảy ra như thế nào?).

Công thức: 5W + H

(Ai, cái gì, ở đâu, khi nào và tại sao, như thế nào?)
*Lưu ý: Một tít (tiêu đề) không quá 12 chữ, cần ngắn gọn súc tích, hấp dẫn người đọc tin.
Chuyên đề 4: Vài điều lưu ý về ảnh báo chí.

Học viên được tiếp cận với nhiếp ảnh gia Đồng Đức Thành làm trong chuyên ngành báo và cầm máy ảnh gần 40 năm, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam và cũng là nhà báo thực thụ.

Đến với chuyên đề này, ta biết được sức mạnh của nhiếp ảnh là khoảnh khắc, nhiệm vụ của nhiếp ảnh là bằng chứng, tốc độ 1/8.000s. Khi đến với nhiếp ảnh gia Đồng Đức Thành chúng ta học được rất nhiều điều bổ ích, giới thiệu về các loại máy ảnh về khẩu độ, tốc độ, chụp ảnh cần phải rõ qui luật Tam giác vàng:
1. ISO: độ nhạy sáng
2. Tốc độ.
3. Khẩu độ: lưu ý nguồn sáng và ánh sáng.
– Sức sống của nhiếp ảnh là ánh sáng.
– Ánh sáng có 2 loại: Ánh sáng thiên nhiên và ánh sáng nhân tạo, trong ánh sáng, có ánh sáng phẳng và ánh sáng chếch.
– Đặc thù của ảnh: Có các loại như: ảnh dân dụng, ảnh nghệ thuật, ảnh khoa học, ảnh báo chí.
– Các thể loại báo chí: ảnh tin, ảnh tài liệu, ảnh bình luận, ảnh minh họa, ảnh bộ, ảnh ký sự, ảnh phóng sự (một vài ảnh), phóng sự ảnh (một chùm ảnh: nhiều ảnh cùng một chủ đề).
* Đặc thù khác biệt lớn nhất giữa ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí: ảnh báo chí cần theo 6 yếu tố: 5W + H.

– Ảnh báo chí có chú thích
* Chú ý: Khi chụp ảnh từ dưới lên, chứng tỏ sự tôn trọng, đồng tình, tôn quý sự việc chủ đề cần nêu lên.
Chuyên đề 5: Phỏng vấn và nhận xét bài tập phỏng vấn.
Phỏng vấn là hỏi đáp, có tính thực tế và hấp dẫn người nghe, xem, đọc.
Có các loại phỏng vấn như:
– Phỏng vấn tuyển dụng.
– Phỏng vấn báo chí (trực tiếp).
– Phỏng vấn trực tuyến (gián tiếp).
Có nhiều cách phỏng vấn: nhiều người phỏng vấn một người hay còn gọi là cuộc họp báo. Phỏng vấn trực tiếp vẫn hay hơn phỏng vấn gián tiếp vì phóng viên trên cơ sở trao đổi người đối diện.

Nếu câu trả lời quá dài, chúng ta cắt bớt thêm những câu hỏi vào, để câu hỏi và câu trả lời trở nên ngắn gọn súc tích, có nội dung trong từng câu hỏi và câu trả lời. Phỏng vấn không sợ đụng hàng, độc quyền.

Chúng ta chọn đề tài, tít (tựa) cần phải có tính thời sự, nhân văn, khi bắt đầu một cuộc phỏng vấn, cần chuẩn bị câu hỏi và gặp người phỏng vấn liên quan đến sự việc mình cần trao đổi. Học viên đến với chuyên đề phỏng vấn của nhà báo Lưu Đình Triều giúp cho khóa tập huấn biết thế nào là phỏng vấn và cách thực tập phỏng vấn tại hội trường, làm cho buổi học. Ngoài ra, nhà báo Lưu Đình Triều còn nhận xét từng bài phỏng vấn của các học viên, rút ra những ý hay và ý chưa đạt, các học viên được thực tập tại hội trường.
Thông qua năm chuyên đề trong chương trình “Khóa Tập huấn thông tin báo chí 2019”, các học viên biết được:

– Quan điểm của Giáo hội về thông tin truyền thông và báo chí.
– Luật báo chí và qui chế người phát ngôn.
– Các thể loại tin và hướng dẫn cách viết tin báo chí.
– Vài điều cần lưu ý về ảnh báo chí
– Phỏng vấn, học viên được thực tập tại hội trường và được nhận xét báo các nhà báo, nhà nhiếp ảnh gia trên mấy chục năm kinh nghiệm về viết, cầm máy.
Khóa tập huấn đã đem lại rất nhiều lợi ích về kỹ năng chuyên sâu cho các học viên, đặc biệt là những vị Tăng Ni đang làm công tác thông tin báo chí Phật giáo. Thật hạnh phúc là một trong những học viên được trực tiếp tham gia khóa tập huấn này, chúng con cảm nhận được rất nhiều tinh túy, kinh nghiệm từ chư Tôn đức và các vị giảng viên nhà báo, nhà nhiếp ảnh truyền tải với mục đích và tâm tư của Giáo hội, nhằm mong muốn các học viên đặc biệt là Tăng Ni, ý thức được vai trò trách nhiệm của người con Phật trong tinh thần từ bi trí tuệ khi làm công tác thông tin truyền thông, để sử dụng được công nghệ thông tin như một kênh truyền pháp, trong thời đại bùng nổ thông tin, thời đại 4.0. Hiểu và biết được vai trò trách nhiệm của chính mình là vị tu sĩ thì trong chúng ta chắc hẳn ai cũng ý thức được rằng, ta cần làm gì và làm với mục đích gì, sử dụng chúng như thế nào? Được như vậy mới mong phương châm của Giáo hội được thực hiện “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” sống một kiếp người tốt đạo đẹp đời. Thật chẳng dám mong gì xa xôi, nguyện đem tất cả tinh hoa từ sự tiếp thu học tập làm cho ngôi nhà Phật giáo được phát triển trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là mảng văn hóa tinh thần, phi vật thể… được nhiều người tiếp cận và tu học theo Chánh pháp Như Lai, để đạt đến mục đích chân thật cuối cùng là giác ngộ giải thoát.

Xin được làm chút muối trong đại dương, như cho hoa thêm lá, cho tuyết thêm sương, cho nắng lên, khi bình minh ló dạng. Thêm chút phần nào trong Chánh tạng Như Lai. Vì cuộc sống này có chờ đợi một ai, làm gì được tốt đời đẹp đạo, thì xin chớ từ lao!

Đoan Nhu

Tin khác

Cùng chuyên mục