Thứ Bảy, 20 Tháng Tư 2024
Hành trạng chư NiNI SƯ thượng DIỆU hạ HỮU (1915 – 1986)

NI SƯ thượng DIỆU hạ HỮU (1915 – 1986)

SÁNG LẬP CHÙA BẠCH LIÊN

I. Thân thế

Ni sư Thích Nữ Diệu Hữu thế danh Dương Viên Hữu, sinh năm Ất Mẹo (1915), tại làng Vĩnh Lợi, huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu.

Ni sư là người Việt gốc Hoa, xuất thân trong một gia đình trung thương, thân phụ là cụ ông Dương Văn Tý, thân mẫu là cụ bà Quách Thị Nói.

Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống kính tin Phật pháp, nhiệt tâm với đạo nên những lời Kinh tiếng kệ, mõ sớm chuông chiều đã thúc giục chí xuất trần tìm về bến giác. Ni sư xin phép song thân đến chùa Phước Hậu, Trà Ôn, Vĩnh Long xin quy y với Tổ Khánh Anh.

II. Thời kỳ xuất gia tu học

Năm Canh Ngọ (1930), Ni sư thế phát xuất gia tại chùa Giác Hoa, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.

Sau khi xuất gia, Ni sư vừa học vừa tu làm tròn công quả cúng dường Tam Bảo giữ vững chí nguyện tinh tấn tu hành.

Năm Đinh Sửu (1937) được Bổn sư cho phép, Ni sư thọ giới Sa-di-ni tại chùa Phật Quang, Trà Ôn, Vĩnh Long.

Năm Giáp Thân (1944) thọ giới Thức-xoa-ma-na tại chùa Bảo An, Cần Thơ.

Năm Bính Thìn (1956) thọ giới Tỳ-kheo-ni tại chùa Từ Nghiêm, đường Bà Hạt, Sài Gòn.

III. Thời kỳ hành đạo 

Khi trở thành Tỳ-kheo-ni, Ni sư tiếp tục phát nguyện trở lại quê nhà xây dựng chùa Bạch Liên để thu nhận đồ chúng, phát triển đạo vàng, hoằng dương Chánh pháp, giữ gìn mạng mạch Như Lai để đền đáp từ ân.

Năm 1958, với sự chứng minh của Hòa thượng Bổn sư và các bậc Cao tăng bấy giờ, Ni sư khởi công xây dựng chùa Bạch Liên và trụ trì cho đến lúc viên tịch (1986).

Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bạc Liêu thành lập, Ni sư được cử làm Trưởng Ni bộ Bắc tông kiêm Phó hội trưởng hội Từ thiện Phật giáo tỉnh Bạc Liêu. Ở vị trí này, Ni sư tiếp tục phát nguyện phục vụ xã hội bằng nghĩa cử vận động “Quỹ cơm tù”, đích thân Ni sư tổ chức nấu cơm chay và xin quà vật đem tặng và giảng pháp cho các phạm nhân ở trại giam Bạc Liêu lúc bấy giờ. Ngoài ra, hàng tháng vào ngày Rằm, ngày 30 và các ngày lễ vía truyền thống của Phật giáo, Ni sư đem tài vật giúp đỡ đồng bào đang gặp khó khăn trong cuộc sống.

Hoạt động Phật sự của Ni sư xuyên suốt từ năm 1965 đến năm 1975. Nghĩa cử của Ni sư đã gây một ấn tượng sâu đậm trong lòng Tăng Ni và đồng bào Phật tử Bạc Liêu. Bởi trong giai đoạn này hàng ngàn tù nhân là những người yêu nước, hoạt động Cách mạng bị chế độ cũ bắt giữ giam cầm. Tuy những món quà của Ni sư không lớn nhưng đã tạo thêm động lực đấu tranh yêu nước của những người Cách mạng.

IV. Thời kỳ viên tịch

Với tâm nguyện bao la muốn luôn được dấn thân vào đời cho “Hoa đạo ngát hương, cho rừng thiền rợp bóng” nhưng lực bất tòng tâm, đời người có hạn, Ni sư cũng không nằm ngoài định luật vô thường và người đã xả báo thân sanh về cõi Phật trong sự nuối tiếc mến thương của mọi người. Trụ thế 71 năm, 56 tuổi trong đạo và 30 mùa An cư Kiết hạ.

Sự nghiệp tu hành của Ni sư Diệu Hữu là thiết thực phục vụ đúng với tinh thần đền đáp tứ trọng ân của đạo Phật, là tấm gương sáng cho Tăng Ni, Phật tử.

Hơn nửa thế kỷ từ ngày Ni sư Diệu Hữu viên tịch, khi nhìn lại cảnh chùa mới thấy công sức cống hiến cho đạo pháp của Người thật lớn lao. Trong hiện hữu, hàng hậu  học nguyện tiếp bước theo hạnh nguyện của người để làm cho đạo pháp trường tồn, chúng sanh an lạc.

“Tát cạn sông mê là việc khó,
 Lấp bằng bể khổ dễ gì đâu,
 Tuy nhiên dễ khó đâu do cảnh,
 Chỉ tại lòng người quyết hay không. ” 

(Theo tư liệu của Hội khoa học lịch sử – Chi hội Phật giáo Bạc Liêu)

Tin khác

Cùng chuyên mục