Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024
Lối sốngGọi tên món chay như món mặn nên hay không?

Gọi tên món chay như món mặn nên hay không?

<HĐ> Ngày nay ăn chay không còn là của các vị tu sĩ hay nói riêng của một tôn giáo nào. Khoa học đã chứng minh được rất nhiều sự lợi ích từ việc ăn chay. Cho nên, không ít người đã chuyển chế độ ăn mặn sang hẳn ăn chay, gọi nôm na là ăn chay trường. Nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến cũng như phản bác chuyện lấy tên món mặn đặt tên món chay. Không ít người nếu cho rằng làm như vậy vô tình sẽ tác động tâm lý của người ăn chay khiến họ sẽ phải thèm đồ mặn. Điều nầy cũng có phần đúng, vì hiện nay trên thế giới đang kêu gọi mọi người hãy ăn chay để bảo vệ môi trường, nên có rất nhiều hoạt động khuyến khích ăn chay, làm sao để mọi người giảm bớt lượng thịt cá trong bữa ăn hàng ngày, nên điều trước tiên phải làm sao cho con người quên đi thói quen là trong mâm cơm nhất thiết phải có thịt hoặc cá.

Có nhiều người ăn chay vì sức khỏe, có người ăn vì tôn giáo, có người vì khấn vái điều gì đó nay được ân trên phù hộ nên ăn chay trả lễ, thậm chí có người ăn vì cảm thấy quá chán ngán thịt cá quá nên ăn chay đổi khẩu vị. Và cũng có người ăn chay vì đang có bệnh bác sĩ khuyên nên kiêng đạm động vật nên bắt buộc họ phải ăn chay. Thế mà ta thấy món chay có lắm tên gọi như: Bún mắm chay, bún bò Huế chay, bún riêu chay, bún măng vịt chay, bún thịt xào chay, hủ tiếu xào chay, mì chiên giòn chay, cà ri gà chay, dưa mắm chay, mắm thái chay, tôm kho tàu chay, tôm rim chay, cá kho tộ chay, canh chua tôm chay, chả cá chiên chay, thịt heo quay  chay, bánh tằm bì chay, bì chay, chả giò chay, paté thịt nguội chay, bò nướng lá lốt chay… Tuy nhiên, kinh Lăng Nghiêm có chép: “Nếu nhân địa không chân thật, thì quả sẽ cong vạy”. Mặc dầu những thức ăn nêu trên đều là những súc sanh giả, song bên trong nó vẫn tồn tại mối liên hệ nhân quả hết sức vi tế.

Ở quyển 6 của kinh Lăng Nghiêm, trong đó Đức Phật dạy rằng: “Này A Nan, Ta cho phép Tỳ-kheo ăn năm loại thịt thanh tịnh (ngũ tịnh nhục). Nhưng thịt này thật sự là do thần lực của Ta biến hóa ra, chứ căn bản không có mạng căn. Các ông những người Bà-la-môn sống trong khí hậu quá nóng và ẩm và trong vùng đầy cát nhiều sỏi đá như vậy, rau cải không mọc được. Do đó, Ta phải giúp cho các ông bằng thần thông và lòng từ bi. Do lòng từ bi to lớn này, những gì các ông ăn và nếm giống như thịt và nói đó là thịt, thật ra không phải vậy. Sau khi Ta nhập diệt, làm thế nào những kẻ ăn thịt của chúng sanh lại được gọi là đệ tử của Thích Ca?” Như đã nói, năm loại “ngũ tịnh nhục” này chỉ là do thần thông của Đức Phật biến hóa ra nên chúng vốn không có mạng căn.

Còn ngày nay các món ăn chay được người ta chế biến chuyên dùng “thịt chay” như là một phương tiện để tiếp dẫn người ăn thịt trở thành ăn chay, song như vậy họ có thể rơi vào vấn đề nhân quả “bất tịnh” vì có sự nguy hiểm trầm trọng là sau khi ăn đồ giả một thời gian, người ta lại muốn ăn đồ thật! Dù sao, con người ta khi đã chấp nhận ăn chay như thế tức là đã chấp nhận ăn một món giả, cũng hiển nhiên họ đã cứu được một con vật thật khỏi bị chết. Như đã nói, không ít những người ăn chay ngày nay trên khắp thế giới thật ra không phải là Phật tử. Mục đích ăn chay của họ là bảo vệ sức khỏe mang tính vị kỷ cá nhân nhiều hơn. Họ ăn chay không vì thương yêu loài vật, nhưng lại vô tình cứu loài vật bớt bị giết chóc và cũng giúp cho dòng nghiệp lực sinh tử, tử sinh của họ bớt nợ mạng, mặc dù họ không biết hoặc không hề quan tâm đến điều này. Cho nên, đối với những người này, món ăn chay giả mặn nếu có chỉ làm cho họ cảm thấy hấp dẫn, thích ăn, bớt thèm thịt, thì quả vẫn có ích lợi cho cả hai phía người và vật.

Còn nói đến thành phần ăn chay vì lòng thương yêu loài vật, vì tôn trọng và bảo vệ sự sống. Thành phần này bao gồm những người theo đạo Phật và một vài đạo khác, kể cả những người không tôn giáo. Họ tránh ăn thịt chỉ vì lòng thương xót loài vật, cũng là những sinh vật có đầy đủ tình cảm, xúc động như con người. Đối với họ khi nhìn tôm thịt cá giả trên bàn, thì họ cũng cảm thông với những người đang từ từ chuyển hướng sang ăn chay, và mừng rỡ rằng một con tôm, con cá, con gà giả trên bàn ăn kia là đã cứu một con tôm, con cá, con gà thật khỏi bị chết, bị giết. Họ quan niệm rằng: “Nếu như tập quán ăn thịt cá đã bám rễ sâu xa trong con người, thì những món chay giả mặn này đã cứu sống những con vật thật”.

Đối với chốn già lam, nơi chùa chiền, trong các khuôn viên tự viện, đối với những Phật tử đang tu hành đạo giải thoát; ngoài ý nghĩa tôn trọng và bảo vệ sự sống, ăn chay còn là trợ duyên cho việc tu tâm giải thoát, tu hành trai giới tinh nghiêm. Cửa chùa vốn là nơi truyền bá đạo Phật, tu sĩ ở chùa là trưởng tử Như Lai, đem chánh pháp dạy chư Phật tử. Một trong những lời dạy quan trọng, cốt tủy của Đức Phật là phải dùng tâm từ bi và bình đẳng để đối xử với mọi loài chúng sinh, cả con người lẫn con vật. Vì thế, sẽ càng tốt hơn xiết bao nếu như chúng ta nên tránh dùng những hình ảnh và từ ngữ có thể gợi hình, có thể ảnh hưởng đến tâm chúng ta. Chúng ta ăn chay là tự nguyện, là tự đoạn tuyệt với cá thịt, là quay lưng với giới sát, huân tập từ bi, huân tập chủng tử Phật, và dĩ nhiên không thể nào cần phải “núp bóng” hay “vọng niệm” món mặn. Ý kiến riêng của chúng tôi nghĩ rằng trong chốn già lam, chúng ta nên bỏ hình thức giả thịt cá, cả tên gọi lẫn cách trình bày, nên tự biến chế từ rau đậu ngũ cốc mà đặt tên cho các món ăn chay này bằng tên gọi hoa quả, rau đậu hay tên của các vị thuốc Đông y để tránh ngộ nhận. Nói tóm lại, đạo Phật là đạo Tâm, giữ thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh chưa đầy đủ mà còn phải giữ tâm thanh tịnh mới thật sự vẹn toàn!

Thiện Tâm

Tin khác

Cùng chuyên mục