Thứ Năm, 18 Tháng Tư 2024
Phật họcNghiên cứuGía trị lịch sử các bức hoành phi chùa Bửu Hưng

Gía trị lịch sử các bức hoành phi chùa Bửu Hưng

  Hoành phi là bảng nằm ngang, thường được chạm trổ bằng gỗ, chữ viết chính và phụ đều dùng bằng chữ Hán. Câu trên hoành phi được viết từ trái sang phải, phần lạc khoản ở hai bên viết theo chiều dọc từ trên xuống dưới. Hoa văn được dùng để chạm trổ trên hoành phi là những mẫu hoa văn thể hiện sự trang nghiêm như hoa cúc, hoa sen, phú quý như hoa mẫu đơn, hoa mai… động vật thường là tứ linh (long, lân, quy, phụng) ngoài ra còn có dơi, điểu,…
Chùa Bửu Hưng ở Lai Vung – Đồng Tháp1 có tất cả 13 bức hoành phi, 7 bức trên chính điện và 6 bức được thờ ở nhà Tổ, phần lớn các bức hoành phi này đều do Phật tử cúng dường. Riêng có một bảng được chạm khắc giống như hoành phi nhưng lại được dùng để khắc tên các mạnh thường quân đã dâng cúng tịnh tài cúng dường trùng tu Chùa Bửu Hưng vào đời HT. Như Lý Thiên Trường, được treo ở vách phía sau chính điện.

Tượng Phật Di Đà được triều đình cúng.

Bức hoành phi 黃金寶殿 (Huỳnh Kim Bửu Điện) được treo phía trước bàn Phật A Di Đà có chiều dài 2,12m, cao 0,76m, dưới chân có bệ đỡ là 2 đầu rồng, được chạm hoa văn và khắc chữ nổi, sơn son thếp vàng. Bốn cạnh của bức hoành có hai lớp nẹp viền xung quanh. Lớp viền thứ nhất, cạnh trên và cạnh dưới được chạm “lưỡng long chầu ngọc”, hai cạnh hai bên đều chạm chim phượng đuôi xòe trong điệu vũ, bốn góc chạm 4 chiếc lá và mẫu hình hoa cúc. Lớp viền thứ hai, chạm diềm bằng dây lá uốn quanh, làm cho bức hoành có đường nét nhẹ nhàng, thanh thoát. Nền chính của tấm hoành được chạm mẫu hoa văn làm nền chìm, trên mặt chạm bốn chữ Hán thếp vàng rất đẹp, xen kẽ trên dưới những chữ Hán là họa tiết hoa mẫu đơn cùng các loài chim và bướm bay lượn xung quanh tạo thành một bức tranh hữu tình, tươi đẹp như mùa xuân.

Hoa cúc và mẫu đơn là biểu tượng của hai loài hoa quý và giàu ý nghĩa, cúc tuy là loài hoa giản dị nhưng lại gần gũi, cao thượng, đồng thời chứa đựng sự lạc quan và hoan hỷ. Còn mẫu đơn tượng trưng cho sự vương giả, cho thành công, phúc đức và may mắn. Hai hình ảnh này được dùng trong nghệ thuật điêu khắc là biểu thị cho sự hân hoan, tin tưởng, lòng lạc quan và trân quý tôn thờ. Chính những biểu tượng này càng làm cho giá trị của các bức hoành phi thêm phần tươi sắc và tràn đầy ý nghĩa.

Ngọc là vật báu vô giá dùng ý này để chỉ cho Tam bảo, cho trí tuệ sáng suốt trong Phật giáo. Rồng tượng trưng cho loài có sức mạnh, cho hàng vua chúa. Hai hình ảnh này dùng để biểu thị cho những gì cao quý nhất. Biểu tượng “lưỡng long chầu ngọc” hay “lưỡng long chầu nhật” là hình ảnh dùng để ca ngợi trí tuệ của Phật giáo, một trí tuệ siêu việt khiến cho những bậc quân vương, những con người có sức mạnh đến đâu cũng phải cúi đầu kính ngưỡng.

Hai bên bức hoành có dòng lạc khoản: “Bửu Hưng Thiên Trường Yết Ma trùng tu phạm vũ. Long Xuyên hạt, Cai tổng Ngô Văn Nhung phụng cúng” (nghĩa là: Yết Ma Thiên Trường Chùa Bửu Hưng trùng tu chốn phạm vũ. Cai tổng là ông Ngô Văn Nhung cúng dường). Như vậy, đây là bức hoành phi có niên đại đầu thế kỷ XIX, được tặng để chúc mừng sau khi trùng tu Chùa Bửu Hưng.

Hoành phi 南國至尊 (Nam Quốc Chí Tôn) được treo gian bên phải bàn phải của chính điện, phía trước bàn thờ Phật Thích Ca, và hoành phi 西方大聖 (Tây Phương Đại Thánh) được treo gian bên trái của chính điện, phía trước bàn thờ Phật Di Lặc, có số đo bằng nhau với chiều dài 2,12m cao 0,76m. Hai bức hoành phi này có mẫu kiến trúc và mỹ thuật chạm trổ giống với bức hoành “Huỳnh Kim Bửu Điện”, tuy nhiên không có hai đầu rồng làm bệ đỡ.
Bức hoành “Nam Quốc Chí Tôn” câu cú tuy ngắn gọn mà xúc tích, dùng để bày tỏ tấm lòng yêu nước của dân tộc Việt đối với quê hương đất nước, đồng thời như một lời nhắc nhở đến trách nhiệm và sứ mạng của những người con đối với Tổ quốc trong sự nghiệp xây dựng và gìn giữ. Trên tấm hoành có dòng lạc khoản: “Nhâm Tý niên, quý đông, cát nhật lập. Sa Đéc, An Thới Cai tổng Dương Văn Hổ phụng cúng.” Nghĩa là: bức hoành này được khắc vào ngày lành tháng chạp năm Nhâm Tý (1912). Cai tổng xã An Thới của tỉnh Sa Đéc – ông Dương Văn Hổ cúng dường.

Bức hoành “Tây Phương Đại Thánh” dùng để ca ngợi về các bậc Thánh ở cõi Tây phương Cực Lạc, trên bức hoành đề: “Nhâm tý niên quý đông, cát nhật lập. Sa Đéc bang biện Phó Tổng Lê Vinh Hiển phụng cúng.” Nghĩa là: lập vào ngày lành tháng Chạp năm Nhâm Tý (1912). Ông Lê Vinh Hiển – Phó Tổng bang biện tỉnh Sa Đéc cúng dường. Như vậy, hai bức hoành “Tây Phương Đại Thánh” và bức “Nam Quốc Chí Tôn” tính đến nay đã được 108 năm.
Căn cứ vào lạc khoản ba bức hoành nêu trên, đặc biệt là hai bức đề tặng vào năm 1912, có thể thấy năm này là năm chùa Bửu Hưng vừa được trùng tu xong. Hơn nữa, người cúng các bức hoành này đều là các vị có chức vụ làm trong chính quyền với các chức danh như Cai tổng xã An Thới, Phó Tổng bang biện Sa Đéc,… Như vậy, đây có thể là dịp lễ lạc thành của Chùa Bửu Hưng dưới sự tham dự chứng minh của chính quyền tại địa phương. Điều này chứng tỏ rằng, giai đoạn từ năm 1909 đến 1911, HT. Như Lý Thiên Trường đã cho trùng tu Chùa Bửu Hưng như tác giả Nguyễn Hiền Đức đã đề cập2.

Đặc biệt bức hoành 寶興寺 (Bửu Hưng Tự) có chiều dài 1,65m và chiều cao là 0,65m, có một lớp nẹp viền chạm nổi hình “lưỡng long chầu ngọc” ở hai nẹp trên và dưới, nẹp hai bên chạm chim phượng, nền sơn màu đỏ chữ thếp vàng, được treo ở hàng cột trên phía trước bức “Tây Phương Đại Thánh”, có dòng lạc khoản hai bên ghi là: “Minh Mạng nhị niên mạnh xuân cát nhật sơn khai. Tuế thứ Giáp Ngọ niên trọng thu cát nhật tạo.” Nghĩa là: Ngày lành tháng giêng năm Minh Mạng thứ hai (1821) khai sơn. Ngày tốt tháng 8 năm Giáp Ngọ (1824) tạo. Đây là bức Hoành có cùng thời với tượng Phật A Di Đà tại chùa Bửu Hưng. Bức hoành này được tạo vào năm 1824, tức là sau ba năm để kỷ niệm ngày HT Tiện Thiện Từ Lâm về trụ trì và trùng tu chùa Bửu Hưng cũng như nhắc lại việc vua Minh Mạng cúng dường tượng Phật A Di Đà vào năm thứ hai (1821) sau khi lên ngôi. Đây là bức hoành mang giá trị lịch sử rất cao tại chùa Bửu Hưng, tính đến nay đã được 196 năm.

Chùa Bửu Hưng – Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Ngoài ra, chùa Bửu Hưng còn có các bức hoành như: Liên Trì Hải Hội, Phật Nhật Tăng Huy, Pháp Luân Thường chuyển, Tăng Tu Bửu Sát, Vạn Thế Trường Hưng, Vô Sở Trụ Tâm, Tây Thập Đông Hổ… dùng để chỉ về điển tích, điển cố và các câu Phật ngữ trong nhà Thiền, nhằm ca ngợi, tán dương Tam bảo. Với nghệ thuật chạm nổi tinh xảo bằng những hình ảnh quen thuộc như mẫu đơn, sen, cúc, trúc, long ẩn vân, phụng, sóc – giác,… Các hình ảnh dân dã của quê hương miền Tây như dây bầu, trái bí, cánh bướm, chuồn chuồn,… cũng được các nghệ nhân khéo léo đưa vào các tác phẩm điêu khắc của mình tạo nên một nét đặc trưng về văn hóa của người dân Nam Bộ, đồng thời thể hiện là tình cảm gắn bó với ruộng đồng, yêu thiên nhiên hoa lá.

Phần lớn các hoành phi treo ở nhà Tổ đều không có phần lạc khoản hai bên, đây có thể là do sự tàn phá của chiến tranh khiến cho các bảng chính ngày xưa đã bị cháy mất. Các bảng được treo hiện nay có thể mới được khắc lại vào năm 1950, khi HT. Nguyên Nghiêm – Thiện Truyền cho phục dựng lại nhà Tổ sau khi bị thực dân Pháp ném bom vào năm 1947.
Có thể nói, hoành phi là một trong những nhân chứng lịch sử, đánh dấu rất rõ sự hình thành và phát triển của các ngôi chùa. Qua đó, giúp ích rất lớn cho các nhà nghiên cứu cũng như học giả trong việc tìm hiểu về niên đại cũng như lịch sử của các ngôi chùa cổ. Tuy nhiên, do trải qua bao biến cố của chiến tranh, cũng như sự hủy hoại của thời gian mà các hoành phi đã bị cháy hoặc mất chữ, phai màu chữ. Vì thế, vấn đề gìn giữ và bảo quản các hoành phi tại các ngôi chùa cổ cần được quan tâm hơn nữa để giữ gìn được nền di sản mà bao đời Tổ sư để lại.

Thích Nữ Huệ Liên


  1. Chùa Bửu Hưng tên chữ Hán là 寶興寺 (Bửu Hưng Tự) hay còn gọi là 寶興古寺 (Bửu Hưng Cổ Tự), vì nằm gần rạch Cả Cát nên đồng bào đạo hữu và những người dân quanh vùng thường gọi là Chùa Cả Cát. Di tích lịch sử – văn hóa Chùa Bửu Hưng dưới thời phong kiến thuộc thôn Hòa Long, huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh. Trước năm 1975, chùa thuộc xã Hòa Long, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc. Sau 30/4/1975, chùa thuộc xã Hòa Thắng, huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng Tháp. Từ tháng 8/1989 đến nay, Chùa Bửu Hưng tọa lạc tại ấp Hòa Ninh, xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
  2. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong – tập 1,2, NXB. TP. Hồ Chí Minh, tr. 364.


    Thư mục tham khảo:

    1. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập 1,2, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh.
    2. Lê Thị Vân Thanh (chủ biên) (2020), Địa danh lịch sử – văn hóa huyện Lai Vung, Ủy ban Nhân dân huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp ấn hành.
    3. Trần Hồng Liên (2008), Chùa Giác Lâm, Di tích lịch sử – văn hóa, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Tin khác

Cùng chuyên mục