Thứ Bảy, 20 Tháng Tư 2024
Truyện ngắnCõi tịnh (phần 2)

Cõi tịnh (phần 2)

<HĐ>Bác sĩ Nguyên có vẻ đắn đo suy nghĩ nhưng rồi ông quyết định, nói:
– Dù anh tu theo Pháp môn nào trong đạo Phật, chúng ta cũng có chung một vị Bổn Sư là Thích Ca Mâu Ni Phật, phải không? Nếu tôi không lầm thì chính Ngài đã dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy là chỗ nương tựa của chính mình.” Vin vào lời dạy ấy, tôi nghĩ rằng chúng ta tu là để thanh tịnh tâm ý. Nếu tâm tịnh thì Phật độ tịnh, đó là Niết Bàn thiết thực tại thế mà chúng ta được hưởng ngay trong cuộc sống này, đâu đợi khi chết về Cực Lạc mới được an hưởng, mà biết chắc cõi Cực Lạc có thật không hay chẳng qua đó chỉ là cảnh giả dụ, tượng trưng thôi?

Nhóm trẻ vốn chịu ảnh hưởng nhiều của khoa học thực nghiệm lại được học Thiền tại hội Phật học mấy năm nay nên gật gù có vẻ đồng ý với lập luận của bác Hội trưởng. Tuy nhiên, Nghiêm thắc mắc, giơ tay hỏi:
– Cháu cũng nghĩ vậy, nhưng đối với những trường hợp vãng sanh có thật mà bác Khá kể đó thì nên hiểu như thế nào?

Nguyên đáp không do dự:
– Niệm danh hiệu Phật cho đến mức thuần thục, nhất tâm không loạn thì cũng như người tu thiền đạt đến chánh định. Có định thì sinh huệ; đắc huệ thì thấu rõ việc sinh tử nên chuyện giải thoát không có gì trở ngại. Trong Thiền tông cũng rất nhiều vị biết trước ngày chết, làm kệ lưu lại đời sau. Trăm sông đều đổ về biển. Bao nhiêu Pháp môn cũng dẫn đến một cứu cánh là giải thoát mà thôi. Nên tùy theo thời thế và căn cơ mà chọn lựa pháp cho xứng hợp thì sự tu học mới có kết quả.

Khá gật đầu:
– Tôi đồng ý với anh về vấn đề này nhưng khi nãy anh nói: “Biết đâu cảnh Cực Lạc chỉ là sự giả dụ hay tượng trưng.” Tôi cũng đã đọc nhiều sách giải thích kinh A Di Đà bằng lý, cho rằng Cực Lạc là trạng thái an vui của tự tâm; Tịnh Độ là trở về được với sự thanh tịnh của trí huệ và sự an lạc của lòng từ bi; Liên hoa hóa sinh là biết giữ thân tâm không nhiễm sự ô trọc như sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” thì mới hưởng được trạng thái lâng lâng thoát tục của tự tâm. Rồi từ đó, muốn tiến tu thêm, phải thường quán chiếu, thấy chung quanh mình, từ rừng cây, suối nước, tiếng chim kêu… đâu đâu cũng là đạo mầu; lại phải tu Thất Bồ Đề phần (ao bảy báu) và thành tựu Bát chánh đạo (nước tám công đức) thì dần dần sẽ chứng quả Vô sanh (hoa nở thấy Phật chứng Vô sanh).
Xét về lý giải thì không có sai nhưng nếu giảng kinh như vậy là chấp Lý bỏ Sự. Đó là một sơ sót lớn nếu không nói là sai lầm.Tôi tin cảnh giới Cực Lạc là cảnh thật, không phải là sự giả dụ đâu. Vì sao? Vì Phật, Tổ không bao giờ nói dối. Kinh A Di Đà tả rõ cảnh trí, đời sống cùng sự tự tại thảnh thơi của người dân nước Cực Lạc, nhiều vị sư trước khi viên tịch cũng nói lên cảnh vi diệu được Quán Âm, Thế Chí đến rước. Còn Ngài Huệ Viễn là một Thiền sư chứng ngộ mà lại ra công hoằng dương Tịnh Độ, khuyên người người niệm Phật cầu vãng sanh thì đó chẳng phải là lời nói suông.

Hơn nữa, nếu có chánh báo thì phải có y báo, như chánh báo của Phật Thích Ca là thân có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, y báo của Ngài là cõi Ta Bà; còn y báo của Phật A Di Đà là cõi Cực Lạc. Hễ có chánh báo tất nhiên phải có nơi để quả báo ấy nương tựa, sinh ra và lớn lên. Người gieo nhân Tịnh Độ lẽ nào không được quả Tịnh Độ sao? Người chuyên tâm niệm Phật thì quyết định về xứ Phật, không đi nơi nào khác.
Ở thế gian, một vị tu sĩ còn có thể lập đạo tràng hóa độ chúng sanh, lẽ nào oai đức như chư Phật mà không có một cõi an lành để nhiếp độ chúng sanh sao?
Tôi tin lòng từ bi và nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, người không bao giờ làm ngơ trước bất cứ ai hết lòng kêu cứu, mong thoát khỏi bể khổ sinh tử, cầu vãng sinh về cõi Tịnh của Ngài.

Hằng xen vào, nhắc khéo chồng:
– Nãy giờ anh toàn nói về Sự, còn Lý thì sao?
Khá thầm cám ơn vợ, anh tiếp:
– Là Phật tử hẳn chúng ta tin rằng ai cũng có Phật tánh nhưng sở dĩ chúng ta không hội nhập và không diệu dụng được như Chư Phật, chư Bồ tát, bởi vì từ vô thỉ đến nay, Phật tánh ấy bị vô minh che lấp. Nay nhờ Phật chỉ dạy, mình biết rõ nơi bản tâm có kho tàng vô giá liền tự quay về, bỏ trần hiệp giác. Không chạy theo trần cảnh mà biết quay về sống với Phật tánh chơn như bằng cách nhất tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì chẳng khác nào đem giọt nước nhỏ bé của mình hòa vào biển pháp giới của Tàng thân A Di Đà Phật, giọt nước này cũng thành biển cả mênh mông mà sông ngòi ao rạch không thể nào sánh được.
Nếu không nhờ nguyện lực của Đức Phật A Di Đà thì kẻ phàm phu đầy nghiệp chướng khó thể trong một đời mà có thể giải quyết xong việc sinh tử. Như bậc Tu Đà Hoàn còn phải trải qua 7 lần sanh lên trời, 7 lần trở lại nhân gian mới tiêu hết hai món kiến hoặc, tư hoặc mà chứng quả A La Hán. Người tu thiền dù một phen tỏ ngộ nhưng nếu không chứng đắc cũng khó lòng thoát ra khỏi vòng luân hồi.
Bỗng một giọng ồ ồ cất lên:
– Thưa, căn cứ vào đâu mà bác nói như vậy?
Khương có dịp thay thế cha trả lời cho người bạn trẻ:
– Ấn Quang đại sư đã nói: “Ngộ vẫn còn trong vòng ấy!”
Quý hỏi tiếp:
– Vậy ngộ và chứng khác nhau ra sao?
Khương từ tốn giải thích:
– Theo chỗ tôi học hỏi thì được biết như vầy: “ngộ cũng như người đang lạc trong rừng rậm mà tìm thấy được lối ra, còn chứng là đã được thoát ra khỏi nơi nguy hiểm tối tăm rồi, an ổn ngồi trong nhà một cách vô sự.”
Khá gật đầu tiếp:
– Trong thế gian này biết bao nhiêu người tu mà mấy ai đã “ngộ” đâu, nói gì là “chứng.” Còn những điều chúng ta học được qua kinh sách, qua các bài giảng giải chỉ là kiến giải thôi. Kiến giải, nếu không dùng nó như một phương tiện để sửa đổi tự tâm thì thật ra không ích lợi gì trong giây phút tứ đại phân ly. Lúc đó, tơ lòng trăm mối, nơi nào nặng thì sa, nghiệp mới nghiệp cũ níu kéo, nợ nào mạnh thì thắng. Nhưng nghiệp vốn không có tự tánh nên tâm có thể chủ động mà chuyển nghiệp. Nếu tâm chuyên chú cảnh Tây Phương thì thần thức khi thoát ra cũng hướng cảnh Tây như nam châm hút sắt và dĩ nhiên là với sự quyết tâm cầu vãng sanh như vậy của chúng sinh, Đức Phật A Di Đà không từ bỏ ai, dù đó là kẻ đã trót gây tạo ác nghiệp nhưng biết ăn năn sám hối.
Hoàng thấy mình còn quá trẻ để nghe nói về sự chết, anh phát biểu”
– Cháu nhớ một Thiền sư đã nói:
Sống ngày nay biết ngày nay,
Còn Xuân Thu trước ai hay làm gì.
Cứ sống thật trong giây phút hiện tại, không nghĩ về quá khứ đã qua rồi, không sợ hãi tương lai vì tương lai là cái gì chưa đến. Như thế thì tâm mình được thảnh thơi hơn. Đang sống mà ngày đêm thường nghĩ đến cái chết và quên mình đang sống. Cuộc sống dù vô thường nhưng đẹp và đáng sống lắm chứ!
Khá thầm khen người bạn trẻ thông minh, anh lựa lời đáp:
– Với cậu thì tôi không lo nhưng nhóm trẻ hiện sinh mà vớ được hai câu thơ ấy của Thiền sư thì ắt họ mừng lắm vì tưởng rằng sống phóng túng buông thả, không cần lo tương lai là hợp với đạo Thiền. Nhưng thật sự không phải vậy. Bởi vì muốn có thể sống trọn vẹn cho giây phút hiện tiền, mình phải biết buông xả mọi vọng tưởng điên đảo. Niệm Phật là một phương cách buông bỏ dần những xao động lăng xăng để trở về Nhất Tâm. Trở về Nhất Tâm mới thật sự sống, còn sống như phàm phu chỉ là nửa tỉnh nửa say thật là uổng phí tháng ngày. Sống với nhất Tâm rồi thì dù thân chưa về Cực Lạc mà tâm đã an ổn vô ưu rồi, đâu đợi đến khi chết mới hưởng thú vãng sanh!
Quyền, bác phó hội trưởng, bây giờ mới lên tiếng:
– Nước Cực Lạc trong kinh A Di Đà mô tả là cõi toàn vui không khổ, dẫy đầy vàng bạc châu báu, không cần làm việc cũng có ăn; như vậy người dân nước đó chỉ lo vì hưởng thôi thì chẳng có điều chi phải lo lắng, phải đối phó. Vậy tôi xin hỏi: Cực Lạc Tây Phương khác cõi dục giới, sắc giới chỗ nào?
Hằng giơ tay xin đáp:
– Cực Lạc quốc sở dĩ được thành lập là do nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, nhằm cứu độ chúng sanh theo phương cách của riêng Ngài. Làm dân nước ấy không khác chi được vào học tại một đạo tràng vĩ đại, đẹp đẽ, trang nghiêm. Nơi đó, học chúng luôn đượm nhuần Phật pháp, vì từ tiếng chim hót, tiếng nước chảy cho đến lá cây khua động đều phát ra những pháp âm vi diệu không dứt khiến cho mọi người luôn luôn nhớ niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Nhờ hoàn cảnh thanh tịnh tuyệt hảo, nhờ Phật lực và nhất là vì sự tu trì không gián đoạn nên dần dần hành giả dứt bỏ được tam độc tham sân si, phá trừ vô minh từ thô đến tế. Tiến trình tu chứng cứ tiếp tục mãi cho đến khi ngôi vị không còn thối chuyển rồi viên thành Phật đạo. Như vậy, Tây Phương Cực Lạc là cõi để tu hành đâu giống như các cõi trời chỉ biết vui chơi hưởng thụ. Chư thiên ở cõi trời hễ hưởng hết phước thì đọa còn dân nước Cực Lạc đều sẽ thành Phật cả, mau hay lâu tùy theo trình độ, căn cơ và sự nỗ lực của chính mình.
Thu Cúc, cô sinh viên Phật tử sắp tốt nghiệp Dược khoa, rất thích thú theo dõi câu chuyện. Cô có dịp góp lời:
– Cõi Cực Lạc đầy dẫy vàng bạc, lưu ly, ngọc quý, lại không cần phải lo vấn đề ẩm thực, y phục, vật dụng… thì có lẽ người dân xứ ấy không khởi lòng ham muốn.
Hằng gật đầu đồng ý:
– Chẳng những không khởi lòng tham của cải vật chất mà theo tôi nghĩ, họ cũng không có cơ hội để khởi lòng ái dục vì dân xứ ấy từ liên hoa hóa sanh, mang thân đồng nam cả.
Tôi biết có người vào chùa tu mà chỉ nguyện kiếp sau được thân nam; nếu người ấy nguyện sinh về Cực Lạc thì đương nhiên cũng được thân nam rồi, lại còn thoát khỏi vòng sinh tử, có hoàn cảnh tiến tu mãi cho đến khi thành tựu đạo quả; thật lợi lạc muôn ngàn trăm ức lần hơn.
Bác sĩ Nguyên vẫn tiếp tục vấn nạn:
– Tôi được biết cõi Tịnh Độ có nhiều phẩm vị khác nhau nhưng riêng đối với những người đới nghiệp vãng sanh, tuy được về cõi Cực Lạc rồi nhưng nghiệp trần còn mạnh, tham sân si còn nhiều thì làm sao họ tránh khỏi sự đọa lạc trước cảnh sung sướng đầy đủ, muốn gì được nấy?
Khá chẳng lúng túng, anh đáp ngay:
– Anh cũng biết hễ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Được ở cõi Phật, một môi trường hoàn hảo, ngày ngày được nghe pháp, được Phật lực gia hộ, được làm bạn cùng những bậc thánh thì lâu ngày nghiệp cũ cũng tiêu dần. Duy Thức Học có câu: “Bất khả tư nghì huân, bất khả tư nghì biến” mà. Sự tiêm nhiễm biến đổi con người một cách không thể tưởng tượng được, chính mình còn không biết nữa. Về Cực Lạc rồi thì dần dần chuyển phàm thành Thánh cả, làm sao có sự đọa lạc?
Bác Trần Kim đang nghiên cứu kinh điển Tiểu thừa, giờ có dịp hỏi:
– Sao tôi không thấy kinh sách Tiểu thừa nói đến pháp tu Tịnh Độ, vậy môn này có phải là do đời sau chế ra không?
Khá đã chuẩn bị cho câu hỏi này, anh đáp:
– Kinh điển Tiểu thừa không nói đến đây, vì đây là một Pháp môn Đại thừa, điều đó dễ hiểu thôi. Tông Tịnh Độ căn cứ trên ba kinh là Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ và A Di Đà. Sơ tổ là Ngài Huệ Viễn ở Trung Hoa.
Đạo hữu Trần Kim hỏi vặn lại:
– Người tu Tịnh Độ tự cầu cho mình được vãng sanh, không cứu giúp được ai, đó là tinh thần của Đại thừa sao?
– Người niệm Phật cầu vãng sanh phải khởi lòng từ bi, hay bố thí giúp đỡ, khuyến khích người cùng tu, như vậy mới có thể khế hợp cùng tâm đại từ đại bi của Đức Phật, hơn nữa, khi hồi hướng phát nguyện, hành giả luôn luôn nguyện cho mình và tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo, không chỉ nghĩ tới riêng mình. Đó là tinh thần của Đại thừa.
Trần Kim tiếp:
– Mục đích của đạo Phật là phá trừ ngã chấp, pháp chấp. Người tu Tịnh Độ tin cõi Tây Phương Cực Lạc là thật có, vậy là pháp chấp; mong về đấy hưởng sự an vui, đó là ngã chấp. Như thế có đúng với chánh pháp chăng?
Khá thích thú được chất vấn như vậy. Anh ôn tồn đáp:
– Quả thật trong giai đoạn đầu tiên, vì chưa chứng ngộ, ngã chấp và pháp chấp của phàm phu được vãng sanh vẫn còn y nguyên. Những người này phải nương vào búp sen mà tu trì, cho đến khi hoa nở mới được thấy Đức Phật A Di Đà, được nghe Phật thuyết pháp. Đến khi chứng được quả vị vô sanh, ngã pháp đều buông bỏ, như trứng gà đã nở ra, gà con được tự tại đi đứng, không cần gà mẹ ấp cũng không cần cái vỏ bao bọc che chở nữa. Bấy giờ họ trở thành những vị Bồ tát không thối chuyển, tùy nghi phương tiện mà hóa độ chúng sanh.
Bác Quyền tiếp lời vấn nạn:
– Chỉ niệm Phật thôi mà được thoát ly sinh tử, việc đó nghe dễ dàng quá, đến nỗi thành khó tin.
Khá gật đầu:
– Thật vậy, Tịnh Độ là pháp khó tin. Những Pháp môn khác phải tốn bao nhiêu là công sức mà chưa thấy chi còn người niệm Phật chẳng cần biết gì khác ngoài việc tin Phật, niệm Phật và cầu vãng sinh; dễ dàng mà kết quả lại lớn lao, vi diệu.
Nhưng nếu xét cho kỹ thì pháp tu Tịnh Độ cũng gồm đủ Bát Chánh Đạo. Trước nhất, người nguyện sinh Cực Lạc phải là người có chánh kiến, thấy rõ nỗi khổ sinh tử bức bách, thú vui dục lạc là chất độc hại người, tình cảm luyến ái là sợi dây ràng buộc. Lại thêm sự thôi thúc của nghiệp lực thường xui khiến mình làm điều quấy, việc ác nên chưa chắc kiếp sau được trở lại làm người. Vì vậy, họ hướng tâm về cõi Cực Lạc, quốc độ của Đức Phật A Di Đà mà phát nguyện vãng sanh về đó có thể xa lìa mọi khổ nạn và chấm dứt chuyện sinh tử luân hồi.

Họ tin rằng lời phát nguyện của Đức Phật A Di Đà quyết không dối gạt chúng sinh nên thường nhớ Phật, kêu gọi Ngài cứu độ bằng cách trì danh hiệu của Ngài hoặc quán tưởng hình ảnh của Ngài. Đi, đứng, nằm, ngồi, một lòng chăm chú không xao lãng công phu, không quên hạnh nguyện, không nghĩ tưởng chuyện gì khác, đó là Chánh Niệm.

Khi được chánh niệm trong lúc hành trì, họ tự cảm thấy thân tâm thanh tịnh, an ổn nên càng siêng năng không biếng trễ, đó là Chánh tinh tấn. Cho tới khi công phu đạt tới chỗ nhất tâm bất loạn thì toàn tâm là một khối vững vàng, không còn xao động vì ý thức phân biệt bên trong hay vì trần cảnh xoay chuyển bên ngoài, ấy không gọi là Chánh định sao?
Đạt được Chánh định rồi, niệm Phật với hành giả là một. Từ đấy, toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm nên mọi ý hướng suy nghĩ đều hợp với chánh pháp (Chánh tư duy) nên luôn luôn muốn làm những sự hòa vui, lợi lạc, thí xả cho người. Tư tưởng đã như thế thì những hành vi thể hiện ra bên ngoài từ lời ăn tiếng nói cho đến cách xử sự, nghề nghiệp sinh sống đâu lẽ nào không đầy đủ Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng hay sao?

Đấy là luận theo thành quả tu tập mà nói người tu Pháp môn Tịnh Độ thực hiện đầy đủ Bát Chánh Đạo; còn đối với người sơ cơ thì như ở quê ngoại tôi, người ta dạy cho nhau rằng kẻ niệm Phật cầu sinh Cực Lạc mà muốn được Phật rước thì phải tu nhân tích đức. Người tu nhân tích đức ắt phải là có Chánh ngữ rồi, họ lại không làm những điều trái với luân thường đạo lý, đó là chánh nghiệp và dĩ nhiên họ không sống bằng nghề đồ tể cũng không sát sanh hại vật để có món ăn ngon; đấy là chánh mạng. Dùng giới mà tu định, từ định sinh huệ, thật cũng không khác với đạo Thiền, phải không?

Khá dùng một mũi tên bắn cùng lúc hai mục tiêu, vừa thỏa mãn Trần Kim vừa nhằm vừa lòng bác sĩ Nguyên, vừa chú trọng thiền học.
Quả nhiên, hai người ấy kín đáo nhìn nhau rồi gật gù, ngồi im.
Nhưng bác Quyền vẫn còn thắc mắc:
– Theo chỗ tôi biết, tu Tịnh Độ có bốn phương pháp. Đó là trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và thật tướng niệm Phật. Thật tướng niệm Phật thì cao siêu quá, ít ai hiểu tới nói gì là thực hành. Riêng với ba phương pháp đầu thì tôi e rằng trái với tinh thần của kinh Kim Cang. Vì sao? Kinh dạy rằng:

Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.

Dùng sắc, thanh mà cầu Phật là tà đạo, vì chỉ dạy theo vọng tưởng, làm sao tỏ ngộ chơn như?

Khương nghe câu hỏi ấy, lấy làm thích thú, vì đó cũng là lời chất vấn của anh trước kia khi gặp thầy T.H. Khá hiểu ý con, dành cho Khương trả lời:
– Cháu xin phép nói. Về vấn đề này, bổn sư của cháu đã giảng khá kỹ càng, nay cháu xin lặp lại một cách đại lược thôi.
Phàm sự vật gì cũng có thể, tướng và dụng. Thể là bản chất thực sự của các pháp nhưng thể lại tùy theo duyên mà sinh ra tướng và dụng, ví dụ như đất sét có thể làm ra lu nước, bình bông, nồi niêu, chén dĩa, ly tách… Mỗi thứ đều có hình dáng màu sắc khác nhau và tùy theo hình tướng ấy, việc sử dụng cũng sai khác. Tuy vậy, tướng và dụng ấy không tách rời khỏi tánh thể vì ngay nơi tướng và dụng lại là tánh thể.
Cũng vậy, ngay nơi tướng phàm phu là tánh thể Như Lai nên hành giả phải nhờ tướng mà nhập tánh như Ngài Quán Thế Âm Bồ tát nhờ vào âm thanh mà trở về với tánh nghe thường hằng không đổi, đắc nhĩ căn viên thông; Ngài Đại Thế Chí nhờ niệm Phật mà được lục căn viên thông. Đó là từ tướng mà nhập tánh cả.

Pháp môn Tịnh Độ tuy không dùng phương pháp phản văn văn tự tánh như thế nhưng mà hàng ngày cứ niệm Phật, tưởng Phật thì dần dần cũng bội trần hiệp giác được. Buông bỏ cảnh trần để sống với giác tánh Như Lai thanh tịnh, đó là đúng với tinh thần phá tướng hiển tánh của kinh Kim Cang rồi, đâu có gì sai khác. Hiểu đúng theo tinh thần ấy thì không rơi vào lỗi lầm cố chấp nơi ngôn ngữ văn tự vậy.

còn tiếp

Diệu Nga

Tin khác

Cùng chuyên mục