Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024
Phật họcDi sản văn hóaChữ “tâm” trong Cư trần lạc đạo phú

Chữ “tâm” trong Cư trần lạc đạo phú

  Giáo lý đạo Phật đã hòa vào nguồn mạch văn hóa đạo đức của các dân tộc Việt như nước hòa với sữa. Người dân Việt Nam luôn ý thức đến cuộc sống nhân quả. Lối sống, nếp suy nghĩ về nhân quả của mỗi người có thể nhận biết qua nội tâm của họ và nhân quả báo ứng của người nào được xác định ngay trong chính tự tâm của người đó.

Nội tâm của một người như thế nào thì sẽ hiện ra ở hành vi cử chỉ tương ứng như thế đó. Chính vì vậy, cốt lõi tu tập của Thiền Trúc Lâm là “lấy tâm làm tông”. Tông chỉ này vượt lên trên tất cả sự phân biệt đối đãi về tôn giáo và ý thức hệ tư tưởng xã hội. Làm người, ai cũng phải y cứ vào tâm để rèn luyện nhân cách đạo đức. Dẫu biết rằng tâm chủ đạo sinh mạng của mỗi người nhưng không phải ai cũng biết cách sống với nội tâm một cách có hiệu quả. Sơ tổ Trúc Lâm đã trao truyền cho người đời thứ tự mười bước nhận ra tâm và làm cho tâm an nhiên tự tại qua bài phú Cư trần lạc đạo. Nội dung của bài phú Cư trần lạc đạo chính là “tiến trình liên tục để lòng điều phục nội tâm trong từng hơi thở mỗi ngày”.

Bài phú chữ Nôm Cư trần lạc đạo gồm thứ tự mười hội và được đúc kết với bốn câu:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Tạm diễn ý:

Ở đời vui với tâm bình thường, sống tùy duyên
Cảm giác đói thì ăn, thấy buồn ngủ thì đi ngủ
Báu vật vốn có trong mỗi người đừng tìm kiếm đâu xa
Tâm bình thản được trước mọi hoàn cảnh thì chẳng cần mất thời gian luận bàn về Thiền.

Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, vị Tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam đã tu chứng và cô đọng tinh hoa Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni dạy trong một chữ tâm và đã hướng dẫn cho người dân Việt Nam đương thời cũng như các thế hệ người Việt sau này có thể hiểu rành rẽ về “bản tâm thanh tịnh” của chính mình, đồng thời ứng dụng sao cho mình sống được với tâm bình thản an nhiên trong mỗi ngày. Sống được với bản tâm thanh tịnh chính là sự ngộ và nhập tâm Phật với trạng thái “Cư trần – Lạc đạo – Tùy duyên”.

Cư trần lạc đạo là thứ tự mười giai đoạn “Điều phục tâm” được gọi là mười hội.

Hội thứ nhất: Tâm tồn tại song song với thân.
Hội thứ hai: Nhận biết cho được bản tâm thanh tịnh của chính mình, tập trung chuyên nhất ở tâm để sống.
Hội thứ ba: Tâm là tánh Phật thanh tịnh tự nhiên, sống với tâm này thì sẽ không lạc vào đường mê.
Hội thứ tư: Nhận biết công đức thù thắng của tâm.
Hội thứ năm: Khẳng định tâm Phật vốn tồn tại an nhiên thanh tịnh trong mỗi con người.
Hội thứ sáu: Làm cho tâm mình thanh tịnh chính là phát tâm bồ đề.
Hội thứ bảy: Tu phước tu huệ làm kiên cố tâm bồ đề của chính mình.
Hội thứ tám: Nương các pháp phương tiện để về với chân tâm.
Hội thứ chín: Sống được với chân tâm thanh tịnh rồi thì phải bỏ ngay các phương tiện.
Hội thứ mười: Chân thật nhận biết chân tâm tánh Phật rồi, thân tâm mình hòa cùng với cuộc sống xã hội thành một thể hợp nhất ba trong một “Cư trần – Lạc đạo – Tùy duyên”.

Sơ tổ Trúc Lâm dạy hãy nhớ đến tâm, về với tâm mình, sống trong tâm thanh tịnh và phát huy hiệu ứng năng lượng từ bi trí tuệ của chân tâm để người người thân khẩu ý thanh tịnh, nhà nhà hòa hợp an vui. Sống “lấy tâm làm tông, điều phục nội tâm” chính là triết lý nhân sinh thực tiễn mà Sơ tổ Trúc Lâm đã giác ngộ và đã để lại cho hậu thế nền tảng giáo dục tự thân để vượt lên phiền não khổ đau của chính mình.

Tâm, bản thể của tâm quyết định mọi hoạt động thân khẩu ý của con người. Con người tuy sống và sinh hoạt trong hiện thực xã hội với bao nhịp điệu rộn ràng tấp nập của cuộc sống cộng đồng nhưng lòng họ luôn hướng vào trong bản thể tự nhiên thanh tịnh của chính tâm mình, bản thể thanh tịnh này chính là tánh Phật vốn có trong mỗi người.

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu được điều phối bởi công nghệ 4.0 với những tiện nghi và khó khăn mang tính siêu tốc. Trong nhịp sống toàn cầu biến động siêu tốc đó, nếp sống rèn lòng tu tâm, điều phục nội tâm của chính mình vẫn luôn mang giá trị vượt thời đại giúp con người tự tin vượt lên chính mình, bình thản tự tin làm chủ mình trong mọi hoàn cảnh. Ai biết điều phục và điều phục được nội tâm thì người đó có đời sống an lạc. Ai chưa điều phục được nội tâm sẽ luôn ở trong trạng thái phiền não đau khổ. Cuộc đời an lạc hay khổ đau quyết định bởi năng lực điều phục nội tâm của chính mình.

NS.TS. Hạnh Tâm
(HVPGVN tại TP.HCM)

Tin khác

Cùng chuyên mục