Chủ Nhật, 17 Tháng Ba 2024

Thờ cúng ông Địa

Hỏi: Thờ cúng ông Địa, Thần tài, Táo quân nếu không thờ cúng những vị đó, có ảnh hưởng gì đến kinh doanh và kinh tế gia đình không?

  Trong dữ liệu của tâm thức, trải qua nhiều kiếp sống, phần lớn người Việt Nam có cảm giác rằng ông Thần tài là quan tiền bạc, hộ vệ cho ta sự giàu sang phú quý. Ông Địa tức là quan địa phương ở khu vực nhà đang sinh sống, giám sát bảo hộ cho ta về phương diện an ninh, sức khỏe và bình an. Ông Táo là người giám sát những việc thiện ác của mình, trình báo lại Thượng đế và các Thần vào những ngày cuối năm. Do đó việc thờ cúng các vị thần là giúp cho gia đình mình được thịnh vượng, đời sống tài chính và kinh tế được đảm bảo, sức khỏe và mạng sống của ta được an toàn. Ý niệm và sự khao khát về an toàn, tánh mạng, sức khỏe, gia tài, sự nghiệp, mua may bán đắt là một ước nguyện tốt cần phải được duy trì nhưng đối tượng mà ta gởi gắm vào cần phải được thay đổi.

 Phật tử thuần thành ta không cần thờ Thần tài vì hành động phước báu của ta chính là Thần tài đích thực. Noi gương theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quan Thế Âm ta gieo giống từ bi, giúp các thành phần cơ nhỡ trong xã hội vượt qua nỗi khổ niềm đau. Giúp những người đang bị ngặt nghèo do thiên tai như động đất, sống thần, lũ lụt, hạn hán, mất mùa, tai ương tật ách gây ra nghĩa là ta đang thể hiện hình ảnh của Thần tài đến với những người kém may mắn hơn mình và đó chính là bàn tay từ bi của chư Phật và các vị Bồ-tát.

Thần tài không có thật, phước báu là có thật, Thần tài tồn tại trên mê tín nhưng phước báu tồn tại trên việc làm lành và chánh kiến của ta trong phương pháp đầu tư vô ngã. Cho nên, thay vì thờ Thần tài để mong cho tài sản có mặt trong gia đình thì ta nỗ lực đầu tư các việc làm lành và không mưu cầu kết quả cho bản thân mình. Thần tài phước báu đó sẽ hộ trì cho ta đời đời kiếp kiếp. Nói cách khác, không có ông Thần tài thật mà có phước báu thật như hộ pháp, thần tài, vệ sĩ cho ta về phương diện tài chính và kinh tế.

Lương tâm của con người tốt hơn Táo quân, hai khái niệm có chiều sâu hơn lương tâm trong tâm lý học Phật giáo là tàm và quý, trong tiếng Việt là xấu hổ cá nhân và xấu hổ xã hội. Xấu hổ cá nhân là ý thức cao độ, dù những việc làm và suy nghĩ của ta có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đời nhưng không ai biết. Luật pháp bị qua mặt, nhưng ta vẫn cảm thấy day dứt khi làm việc xấu thì xấu hổ cá nhân đó là thầy của lương tâm, vì nó chính là kẻ giám sát và trừng phạt mỗi khi ta làm việc xấu. Xấu hổ xã hội là những phản ánh, những tác động trái chiều từ cộng đồng và tha nhân. Nhờ những phản ánh chân thành đúng đắn mà ta có dịp chỉnh sửa được hành vi và đời sống của bản thân mình, con mắt có thể nhìn thấy phía trước nhưng không tự nhìn thấy phía sau.

 Người nào cũng có tính chủ quan, thành kiến, bảo thủ, cố chấp. Người ta đôi lúc nhìn thấy mà chưa chắc có thể vượt qua được lỗi lầm của mình. Cho nên tác động của xã hội bao gồm: góp ý, phê bình, chỉ trích trở thành những dữ liệu rất tích cực để ta trở thành người tốt đẹp hơn. Đây chính là cặp mắt lương tâm giúp cho ta trở thành người tích cực. Nếu các hành giả Phật giáo sử dụng hai dữ liệu tâm lý tích cực này, ta không nên thờ ông Táo trong nhà. Bởi vì ông Táo một năm mới làm công việc giám sát và báo cáo một lần, mà đọc sớ Táo quân dài quá Thượng đế nghe cũng mệt. Trên vũ trụ bao la này triệu triệu, tỷ tỷ con người cùng một thời điểm, nếu tất cả mọi người cùng đọc sớ Táo quân để trình tâu chuyện tốt chuyện xấu thì không thể nghe được. Cho nên, nó trở thành như một sự khủng hoảng về tiếng ồn, niềm tin đó không có dữ liệu khoa học để ta tin nhưng ý nghĩa xã hội của nó làm cho ta phải sợ rằng, có người báo cáo nên làm xấu mặc dù không ai biết và cũng không nên vượt qua. Nếu ta biết tàm và quý, thì ta chính là ông Táo quân của mình, mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi giây, mỗi khắc và tinh thần táo quân đó vô cùng tích cực.

Tâm địa của mỗi con người là một kho tàng chứa tất cả những hạt giống tốt, xấu, tích cực, tiêu cực. Nếu biết cách sử dụng những hạt giống xấu được chuyển hóa, rác trở thành hoa. Ngược lại, không biết cách sử dụng thì hoa trở thành rác. Những giá trị tích cực trở thành không có đất để phụng sự, nếu ta biết điều chỉnh, chánh tâm để sử dụng những giá trị tích cực của mảnh đất tâm. Lúc đó, tâm chúng ta chính là ông thổ địa, giám sát hết tất cả các thói quen, khuynh hướng và dữ liệu của tâm ý để điều chỉnh ta trở thành một người tốt trong xã hội. Như vậy, tu học theo đạo đức học Phật giáo, ta không cần phải tin vào các vị thần linh vốn không có, do niềm tin, do mê tín mà ra. Năm 2008 có tin rất ngạc nhiên, một công ty sản xuất thần tài bị phá sản, vì thần tài Việt Nam làm bằng chất liệu dở, mà giá cả thị trường lại cao. Người Việt Nam sử dụng hàng trong nước, nhưng nếu mua ông thần tài như thế là tiền mất tật mang, xài vài ba tháng hư. Thần tài Trung Quốc làm bằng men rất tốt, đẹp, ấn tượng, giá thành rẻ vì họ sản xuất hàng triệu ông một lúc.

 Các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam sản xuất ít nên giá thành cao. Cuối cùng doanh nghiệp đó bị phá sản vì sản xuất mà không có thị trường để tiêu thụ. Nếu ông thần tài là có thật có lẽ nhà sản xuất đó trở thành tỷ phú, không ngờ bị phá sản, cho nên ý niệm về sự làm giàu phần lớn đặt trên nền tảng của lòng tham. Madoff trùm lừa đảo vào thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, được xem là god of finance, thượng đế của tài chính. Khi bị phanh phui ra vụ lừa đảo ngoạn mục của ông, mọi người mới biết là mình đang sống trên lòng tham quá mức, mà không thấy rõ được năng lực để giải quyết thanh toán những khoản đầu tư của Madoff là không có thật. Bởi vì ông chỉ làm ăn với triệu phú, tỷ phú, những ngân hàng lớn. Nhu cầu rút tiền và sử dụng tiền của cá nhân hay tập thể không cao nên lấy tiền người trước trả tiền lãi cho người sau, lấy tiền đầu tư của người sau trả tiền lãi cho người trước trong hơn 45 năm qua không bị phát hiện.

  Tất cả khi lòng tham bị kích thích ở mức độ cao thì ta bị lòa mắt, lòa tâm nên không thấy rõ được đâu là tài lộc thật sự, đâu chỉ là niềm mơ ước có thể dẫn đến cầu bất đắc khổ. Cho nên khi ta phát triển được tri thức về chánh kiến, nhân quả thì con người có căn bản để quyết đoán mọi thứ trong cuộc đời, không cần đến ông thổ địa bảo hộ, bảo kê như thần hoàng, ông táo để giám sát, báo cáo, nhắc nhở. Ta không cần đến ông thần tài bởi vì ta có đủ phước báu, chánh kiến, nhận thức sáng suốt, nhất tâm bất loạn và có đủ lương tâm dưới hình thức là hổ thẹn cá nhân và hổ thẹn xã hội, để ta vượt qua những khó khăn của chính bản thân mình và xã hội. Cho nên không thờ thần tài, thổ địa, táo quân là phước báu vì thờ như thế, ta không thể nào phát triển được Chánh tri kiến. Theo định nghĩa của kinh điển nếu ai không có được Chánh tri kiến thì vĩnh viễn tồn tại trong sanh tử luân hồi. Phước báu ta đạt được về phương diện hữu lậu rất nhỏ, cho nên phát triển Chánh tri kiến là điều quan trọng nhất mà người tu học Phật cần phải phát huy.

 Đức Phật nói trong kinh Chánh tri kiến là mặt trời, sự có mặt của nó vào buổi bình minh đồng nghĩa kéo theo sự sống, làm việc, hoạt động của cả một ngày và mọi thứ theo đó mà được phát triển. Cho nên nếu được chánh tri kiến thì ta có Chánh tư duy, Chánh nghiệp, Chánh ngữ, Cánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Do đó, ta có con đường giải thoát, hạnh phúc an vui thật giá trị và tất cả kết quả chân chính do ta nỗ lực một cách thành tâm và có nghệ thuật. Chính vì thế, các hành giả Phật giáo giải phóng việc thờ phượng các vị thần linh này càng sớm càng tốt. Ông địa và thần tài là một cặp, lý do thờ như vậy là dựa theo nguyên tắc của phong thủy. Tài thuộc về kim, địa thuộc về thổ mà nguyên tắc tương sinh trong ngũ hành là thổ sanh kim, cho nên người Trung Hoa đã nắn tạo ra hình ảnh của hai ông này và ông thổ địa nào cũng bụng to. Ý không phải là ăn nhiều mà đó là sự giàu sang phú quý, tiền vào mà không ra, do ăn nhiều ra ít nên bụng to, cũng dựa trên lòng tham.

Nguyên tắc ngũ hành này không giải quyết được tất cả những sự giàu sang phú quý của ta trong cuộc đời. Ngoại trừ ta phát tâm làm lành, lánh dữ trên tinh thần vô ngã vị tha, đi tới đâu là hành động của ta mang thần tài đến với người khác. Ta trở thành thần tài gõ cửa cho cuộc đời, người nghèo, người khốn khó và khó khăn, nếu ta đi cầu ông thần trao tiền cho ta gõ cửa để tặng cho người là mê tín dị đoan, không làm nhưng mong đợi là lòng tham vô đáy, ngược hoàn toàn với chánh kiến và nhân quả mà đức Phật đã dạy. Hãy tiết kiệm tiền mua thần tài, thổ địa, táo quân vài ba năm một lần vào việc làm từ thiện, việc làm đó ta trở thành thần tài và thổ địa. Thổ địa phước báu của ta nhất là chị em phụ nữ không hút thuốc nên không sợ bị chết yểu. Ông thần tài và thổ địa không tự độ lẫn nhau được, lấy đâu độ cho con người, bởi vì tất cả mọi thứ phải diễn ra theo quy luật của nhân quả.

Cho nên, ngày đầu tiên ta phát tâm trở thành Phật tử, qua lễ quy y chính thức thì không nên thờ mẹ sanh, mẹ độ, quan thánh, đế quân, cửu thiên huyền nữ và tất cả các thần linh ngoài Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng, cha mẹ ông bà, tổ tiên. Hỏi ông thần tài là ai thì không ai trả lời được, vì không có thật, hỏi ông thổ địa là ai cũng không ai biết mặt mũi ra sao, hỏi ông táo là ai, chỉ cái lọ nồi, nếu ông táo là lọ nồi thì thờ làm chi. Cho nên ta thờ lương tâm, thờ chánh tri kiến, thờ phước báu, thờ công đức thì việc thay thế ba vị thần vừa nêu rất dễ dàng và ta sống một cách rất có ý nghĩa trong cuộc đời.

Tin khác

Cùng chuyên mục