Thứ Hai, 29 Tháng Năm 2023
Lối sống Văn Sớ trải lòng

Văn Sớ trải lòng

  Hẳn nhiều người nhất định cảm thấy rất xa lạ với cái tên “Văn Sớ”1 của tôi, nói như vậy không phải là họ chưa từng thấy qua tôi, mà là họ không biết tên thật của tôi, nên họ đều gọi tôi là “Biểu Chương” (表章) hoặc “Hồi Hướng Thiếp” (回向帖), tên tôi chính là “Văn Sớ”. “Biểu Chương” và “Hồi Hướng Thiếp” đặc biệt vang dội tại địa phương Đài Loan; còn cái tên “Văn Sớ” này lại rất phổ biến ở Đại Lục.

Nền chính trị quân chủ cổ đại ngày xưa, nếu có một thần dân nào muốn nói chuyện với Hoàng đế, việc trước tiên nhất định phải viết “Tấu Chương” (奏章), đem ý kiến của mình trình bày trên trang giấy và chờ đến điểm ba canh năm (từ 3 giờ 48 phút đến 4 giờ 11 phút 59 giây) thượng triều, tâu lên Hoàng thượng và đợi ý chỉ của Vua. Có lẽ, cũng vì có người xem chư Phật, Bồ tát như Hoàng đế, sợ chư Phật và chư Bồ tát không thấu hiểu công đức của mình, nên họ không thể không đem nguyện vọng của mình viết trên tôi, để báo cáo với chư Phật, Bồ tát.

Vì vậy, tôi trông giống như một chiếc điện thoại truyền đạt ý nghĩa giữa người và Phật, nhưng thật đáng tiếc, cái điện thoại tôi chỉ là một cuộc gọi từ một ai đó, chư Phật và Bồ tát bên kia không có sứ giả nào phục vụ, nên trước sau không hồi đáp. Không phải đâu, pháp thân của chư Phật ở khắp pháp giới, có lẽ các Ngài không muốn làm người quản lý thu gom công đức. Bởi vì, tất cả mọi người có một định số trong mơ hồ, các Ngài không muốn đến và hỏi về những việc dư thừa này. Cho nên, tôi mới đại diện cho họ để trần thuật, không biết chư Phật và Bồ tát có thể rũ lòng thương xót nạp thọ cho chăng?

Tôi được phân ra nhiều chủng loại, loại được viết trên giấy hồng màu đỏ thẫm gọi là Văn Sớ Đản Sinh; loại viết trên giấy trắng hoặc vàng gọi là Văn Sớ Vãng Sinh. Văn Sớ Đản Sinh còn chia thành nhiều loại khác nhau như: Tiêu tai (giải trừ tai họa), Kiết tường (cầu vận may), Kỳ an (cầu bình an)…; Văn Sớ Vãng Sinh thì có ý nghĩa Siêu bạt, Tiến vong (tụng kinh siêu độ người chết)…

Nhiều người xem tôi như “hộ chiếu đi nước ngoài”, một khi trong nhà họ có người từ biệt cõi đời, họ muốn tụng kinh cầu nguyện đốt Văn Sớ, để người quá cố có thể cầm tôi đi về thế giới Tây phương Cực Lạc. Trên Văn Sớ Vãng Sinh được viết như thế này: “Cung kính dưới tòa Tam bảo, ban ra một bản điệp văn, chứng nhận cho người đã khuất; làm cây cầu nối thân sau, như là chứng cứ vãng sinh”. Điều này không phải đã nói rõ là tôi có công hiệu của giấy phép nhập cảnh để đến nước Cực Lạc cõi Tây phương hay sao?

Tôi không khâm phục hoặc tin tưởng điều gì khác, nghĩa là tôi chỉ tin một số nhân huynh làm Phật sự trong đạo tràng, bởi vì họ nâng giá trị tôi – một trang giấy cao quý như thế và họ còn có bản lĩnh như nhà ngoại giao đang bận rộn cấp giấy phép xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, tôi rất nghi ngờ, không biết họ có quan hệ ngoại giao với Phật A Di Đà hay không? Giả sử người chết cầm Văn Sớ, lúc còn sống họ không gấp rút lo liệu hàm dưỡng tư lương2 để vãng sinh, có thể khi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc họ sẽ bị chặn ngoài cổng không được phép nhập cảnh; bởi vì, bản thân tôi đối với những điều này một chút tự tin cũng không có.

Nếu tôi là Văn Sớ Đản Sinh, thì trên mặt tôi hoàn toàn là những lời cầu nguyện của người sống, hoặc các nhân huynh kinh sám vân tập hai bên, họ quỳ trước Đức Phật, sẽ mở tôi ra thay người khác tuyên đọc rằng: “Tiêu tai tăng phúc thọ, tụng kinh cầu bình an, chư Phật sinh hoan hỉ, Long thiên giáng kiết tường… Phục nguyện, Phật quang chiếu khắp, thần lực phò trì; làm cho biển phước đức vọt cao, núi tội lỗi đổ sập. Lại, cầu thiện nam tín nữ… các nạn tai không xâm phạm, trăm điều tốt ứng đủ đầy, bốn mùa không tai họa, tám tiết được an khang, tinh thần rạng rỡ, tuổi thọ miên trường, nhà ở kiết tường, người người mạnh khỏe… Người chủ trì Phật sự, Sa môn… đại diện thuật bày, kính trình dâng lên”.

Qua đó có thể thấy: Trái tim từ bi và lợi người của các vị Đại đức Kinh sám này tha thiết biết bao! Họ phớt lờ sự tồn vong của Phật giáo nhà mình và không cần biết đến tương lai của chính họ, mặc cho Phật giáo đi trên con đường diệt vong, tự hạ mình thành những tay trống âm nhạc, họ không phải mở một công ty bảo hiểm nhân thọ, mà chính là mở một nhà tang lễ Cực Lạc. Ôi! Tôi không thể không vì Đức Phật tối cao vĩ đại mà rơi nước mắt chua xót đối với những đệ tử này của Ngài!

Hiện nay, các văn kiện do cơ quan ban hành đều phải đóng “con dấu” mới có hiệu lực, đương nhiên với tôi thủ tục này cũng không thể thiếu, trên mặt tôi nhất định phải có “Dấu Ấn Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng” mới được. Tôi hoàn toàn không thích việc xấu trong nhà truyền ra ngoài, nhưng nếu không nói sự thật thì sẽ gặp phải bị người nhạo báng bởi lời nói dối quàng xiên; họ đã phải đặt một dấu chấm hỏi, tại sao các Sư phụ Kinh sám không hoằng pháp lợi sinh mà tự xưng là “Tăng bảo”; còn nếu đóng dấu Phật bảo hoặc Pháp bảo lại càng thêm bế tắc. Bởi vì, bất luận trong tất cả kinh sách của Đức Phật để lại, không hề có một câu nào nói rằng: Phật pháp tùy thuộc vào ấn tín riêng của Ngài mới có hiệu lực. Lúc Đức Phật còn tại thế, khi giao tiếp với tất cả mọi người, Ngài nhất định không cần đến con dấu để lấy tín nhiệm thu phục, thế mà ngày nay, các đệ tử của Ngài tự tạo con dấu riêng, thay cho Ngài rồi đóng trên thân thể tôi, họ có vẻ yên tâm thoải mái xem như không một chút quan trọng, tôi luôn cảm thấy rằng hành vi này là có lỗi với Đức Phật. Cho dù Ngài có “Phật Ấn” đi nữa, ở trên Hội Linh Sơn nếu Lão Nhân Gia Ngài biết các đệ tử lạm dụng “Phật Ấn” của mình như thế, thay Ngài làm giấy phép xuất nhập cảnh cho người chết như thế, thay Ngài làm bảo hiểm nhân thọ cho người sống như thế, Ngài sẽ không nén nỗi đau lòng phải cất tiếng khóc thương vì những người đệ tử bảo bối này!

Thường có một số chư Tăng hoặc cư sĩ dày công nghiên cứu giáo lý hiểu biết Phật pháp, họ đều có thái độ thờ ơ lãnh đạm với tôi, thậm chí ánh mắt họ đôi khi chạm vào tôi đều lộ ra cái nhìn chán ghét và khinh thường. Họ dường như trách tôi không đấu tranh cho Phật giáo, điều này đã vi phạm tinh thần chân chính của Phật giáo. Kỳ thật, tôi quá oan uổng, những tín đồ đó biến Phật giáo thành nghề nghiệp nên lợi dụng tôi, lợi dụng sức mạnh của một trang Văn Sớ-tôi như thế, tôi làm sao có thể lật đổ những suy nghĩ lệch lạc của họ và sửa chữa hành vi ngu si của họ. Tôi không phải là không muốn nghĩ đến: Vì tôi là một tờ giấy, tôi nên làm một số sự nghiệp văn hóa có ý nghĩa cho Phật giáo, lưu hành Tam tạng giáo điển, in ấn Tạp chí Phật giáo, nhưng các ông chủ thành lập các công ty Phật giáo đã in ấn tôi với số lượng lớn trong chùa, để tiện sử dụng khi làm Phật sự như tiến vong, cầu tiêu tai giải nạn. Đáng tiếc, tôi không bị mọi người xem là nhu yếu phẩm hàng ngày, bằng không, Chính phủ nhất định phải can thiệp vào việc đầu cơ tích trữ của họ!

Tại sao có nhiều người nhiệt tình in ấn tôi như vậy? Cuối cùng vẫn là do những tín đồ đó không hiểu Phật pháp nên tín ngưỡng tôi một cách mù quáng. Họ cho rằng khi làm được một việc Phật, một công đức, dường như nếu không có tôi thay họ tuyên dương, thì Phật và Bồ tát sẽ không biết, không thể đem tên của họ ghi vào sổ công đức. Một số Tăng chúng đã giải thích sai ý định ban đầu của “Phật pháp làm cho chúng sanh hoan hỉ”, đương nhiên cũng mặc ý hùa theo sở thích của người khác. Mặc dù, có một số tín đồ Phật tử chánh tri (biết đúng), chánh giải (hiểu đúng), chánh hạnh (làm đúng) không hài lòng với tôi, nhưng tôi có tín đồ của tôi, tôi vẫn nổi tiếng như thường và được tín ngưỡng như thường.
Mỗi khi đến lễ hội mùa Xuân hay lễ hội mùa Thu, tôi lại đặc biệt may mắn. Một số tự viện không hiểu Chánh pháp đều nhiễm phải tập tục của đạo sĩ, đã viết tên thiện nam tín nữ trên mặt tôi, tùy theo số tiền đóng góp mà phân ra vài chục tên gọi khác nhau như:

“Chánh Lư Chủ”, “Phó Lư Chủ”, “Chánh Chủ Đàn”, “Phó Chủ Đàn”, v.v… Nếu dùng ánh mắt Phật giáo thuần túy để nhìn tôi, há không bị người chế giễu là mê tín hay sao?

Đem họ tên người làm công đức viết trên mặt tôi, có khi một ngày phải đọc mấy lần trước chư Phật, Bồ tát; nếu là vong linh lại có đến ba lần triệu thỉnh. Tôi nghĩ: Chư Phật và Bồ tát phải rất bận rộn khi các Ngài thực sự quan tâm đến những điều này, bạn cứ hướng về các Ngài lảm nhảm thì chắc chắn các Ngài sẽ chê trách bạn, nhàm chán bạn, bởi vì chư Phật và Bồ tát không cần mọi người dặn dò các Ngài! Nếu là linh hồn người chết, phạm tội đọa vào địa ngục, chưa kể ba lần triệu thỉnh, mà ngay cả mười lần mời gọi, không biết lão Diêm Vương có cho phép họ đến để thọ nhận pháp vị cam lồ hay không?

Trong Phật giáo, người của công văn “làm theo nguyên tắc” không nhiều, người của Văn Sớ “tiêu tai, tiến vong” ngược lại rất nhiều, tôi không muốn độc chiếm vinh dự này, tôi vẫn hy vọng các Sư phụ nên sửa chữa sai lầm nhé!


Phần bổ sung:

Văn Sớ là khi trong các tự viện tổ chức Pháp hội, đem tên của các tín chúng đã làm công đức viết lên giấy màu đỏ hoặc màu vàng để trình bày với chư Phật và Bồ tát gọi là Văn Sớ. Thông thường do vị chủ lễ Pháp hội hoặc thầy Duy Na tuyên đọc.
Văn Sớ được phân ra nhiều chủng loại, dùng giấy hồng đỏ thẫm để viết tên người sống, gọi là Văn Sớ Đản Sinh, dùng giấy màu trắng hoặc vàng để viết tên người quá vãng, gọi là Văn Sớ Vãng Sinh. Văn Sớ đản sinh có thể được chia thành các loại khác nhau như Tiêu tai, Kiết tường, Kỳ an; Văn Sớ vãng sinh thì có ý nghĩa Siêu bạt, Tiến vong.

Đại Sư Tinh Vân – Thanh Như dịch



  1. Văn Sớ (文疏): Theo nghĩa hẹp, Văn Sớ trong Pháp hội, làm Pháp sự, là văn hàm mà người dùng để cầu nguyện thần linh, là chiếc cầu nối giữa Thánh và phàm. Theo nghĩa rộng, phàm là các loại văn hàm kính Phật, kính thần, cúng tế Trời Đất, Tổ Tiên đều thuộc về Văn Sớ, nối liền giữa Trời Đất, tiên phàm, âm dương, là văn cáo chính thức phụng cúng chư Phật, Bồ tát, Thánh thần, Thiên địa Tổ tiên.
  2. Tư lương (資糧): Trưởng dưỡng. Tín, Hạnh, Nguyện của tông Tịnh Độ, là ba tư lương của thế giới Tây phương Cực Lạc.

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!