Thứ Tư, 17 Tháng Tư 2024
Lối sốngVăn học và đời sống

Văn học và đời sống

  “Ngàn năm nào có đổi thay
Văn chương thơ ngẫm đâu là tình ca,
Ngược lên Bắc, xuống Nam Tây
Nơi nơi truyền bá đạo mầu văn chương.”

Thuở xưa, từ nền văn học Ai Cập Cổ đại, cùng với văn học Sumerian đã phát triển song song với nền văn minh bấy giờ, nó được truyền bá rộng rãi, không ngừng, trải rộng khắp không gian và thời gian.

Định nghĩa về “văn học”, trong tất cả các hình thức nó có thể được coi là hồ sơ bằng văn bản, cho dù bản thân văn học là thực tế hay hư cấu, vẫn hoàn toàn có thể giải mã các sự kiện thông qua những thứ như hành động và lời nói của nhân vật hoặc phong cách viết của tác giả và hàm ý đằng sau các từ ngữ. Cốt yếu không chỉ nhằm mục đích giải trí; bên trong nó chứa thông tin về kinh tế, tâm lý học, khoa học, tôn giáo, chính trị, văn hóa và chiều sâu xã hội. Nghiên cứu và phân tích văn học đã trở nên rất quan trọng trong việc học tập về lịch sử loài người. Văn học cung cấp những hiểu biết về cách xã hội đã phát triển và các quy tắc xã hội trong mỗi thời kỳ khác nhau trong suốt lịch sử.

Xuyên suốt qua các niên đại, nền văn học du nhập đến tất cả các nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Văn học của Việt Nam từ văn học dân gian cho đến văn học viết đều tương đối ảnh hưởng đến nhau. Cũng như các nền văn học nước ngoài, văn học Việt Nam với những thăng trầm của lịch sử, văn học viết dần có được những vận hội mới, tạo được vị trí độc lập của mình sau thời gian dài văn-sử-triết bất phân. Ba dòng tư tưởng Nho-Phật-Lão trở thành nguồn cảm hứng cho văn chương học thuật. Bên cạnh đó, đời sống tích cực gần gũi với thiên nhiên của con người thời kỳ này, còn mang lại cho văn học nhiều ẩn dụ cao nhã nhưng cũng rất nhân tình.

Văn học Việt Nam những năm đầu của thế kỉ XIX đã có sức vượt trội đáng nể, điển hình ta có nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, gặp lúc biến loạn nhưng vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy thuốc mẫu mực mà còn là một nhà thơ yêu nước, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị.
Hai câu thơ được trích trong bài “Than đạo” đã đánh thức nhiều người lúc bấy giờ cũng như hậu nhân về sau:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Hai câu thơ bày tỏ một quan niệm văn chương của Đồ Chiểu. Thuyền là hình ảnh ẩn dụ nói về văn thơ và sự nghiệp văn chương. Đạo là đạo đức, đạo lí làm người. Văn chương là chở đạo, chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm – thuyền cũng chẳng đầy. Sức chứa đạo đức, đạo lí của con thuyền văn chương là vô cùng to lớn và vô tận.

“Thằng gian” là một khái niệm mang tính lịch sử. Trong chế độ phong kiến có rất nhiều kẻ ác, kẻ xấu, bất nhân bất nghĩa. Khi ngoại quốc xâm lược nước ta, “thằng gian” là biểu thị cho kẻ bán nước. Chữ “đâm” và chữ “thằng” thể hiện một thái độ quyết liệt, đầy căm thù. Câu “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” nghĩa là lấy thơ văn để đánh địch, đánh quyết liệt, đánh đến cùng thì ngòi bút cũng không mòn, không cùn, không tà, càng đánh, càng sắc.
Hai câu thơ nói lên một quan niệm văn chương “Văn dĩ tải đạo”: Văn chương có mục đích giáo dục to lớn; lấy thơ văn làm vũ khí chiến đấu để bảo vệ đạo đức, chống lại mọi kẻ thù của nhân dân. Nguyễn Đình Chiểu quan niệm văn chương nhất quán, là con thuyền “chở đạo” chở bao nhiêu đạo cũng không khẳm, cũng không đầy bởi lẽ ông đề cao chức năng giáo dục của văn chương. Sứ mệnh của văn chương nhằm giáo dục đức hi sinh, lòng vị tha, nghĩa thủy chung của con người, đề cao đạo đức, đạo lí của nhân dân và biểu hiện cho việc chiến đấu của sự nghiệp chính nghĩa.

Một khía cạnh khác của đạo Phật trong hai câu thơ ấy được biểu hiện bằng tính chất nhẹ nhàng hơn.

Trong Phật giáo, chúng ta đều biết đến hình ảnh con thuyền bát nhã mang ý nghĩa cho sự sáng suốt, là cầu nối cho công cuộc đưa người mê về bến bờ giác ngộ. Đạo của thuyền là đạo pháp, đạo đức nuôi dạy con người quay về bản chất tốt đẹp. Dù có chở biết bao pháp, thuyền này cũng chẳng khẳm được, vì sự học hỏi về đạo đức cũng như học Phật pháp thì dù con số có lên đến hằng hà, nó cũng không đủ, vô tận!

Thời gian mãi cứ trôi, thuyền này đã trở thành những câu văn, câu kệ được ghi chép trong kinh sách mãi mãi lưu truyền. Văn học trong Phật giáo rất quan trọng, ngôn từ diễn đạt trong từng quyển sách có thể là xoa diệu, đánh thức hay thậm chí là một ngọn bút thép đâm nát những thói hư tật xấu trong đời người để làm ta giác ngộ, thấy rõ lẽ thường!
“Thằng gian” được ngụ ý cho bản ngã trong ta. Kẻ này rất ranh ma, xảo quyệt, nó có thể dẫn mình đi đủ cả tam đường lục đạo, không sáng suốt thì sẽ bị cuốn vào luân hồi đời đời kiếp kiếp.

Dùng đạo pháp, văn chương làm binh pháp mạnh mẽ tiêu diệt quân thù, bản ngã bào mòn thì con người mới sáng đạo. Ngòi bút sẽ vô cùng sắt bén, mãi mãi không tà khi dùng cho chánh pháp, với lập luận chặt chẽ, logic thì văn học luôn là phương tiện đưa người gần đến đạo vàng.

Ngàn năm sống vì bản ngã, ngàn năm mãi còn si mê, giờ đây nhờ con đường giác ngộ, dùng con thuyền chở đạo pháp mà thấy được ánh sáng đạo mầu.

Chúng ta thấy rõ hiện thực, trong đời sống tinh thần của mọi lứa tuổi luôn cần nơi nương tựa để từ đó an dịu, thức tỉnh mà phấn đấu. Từ ngàn xưa đã có những cây bút vàng như J.K.Rowling, Lý Thái Tông, Nguyễn Du,… đã đóng góp nhiều tác phẩm kinh điển cho nền văn học thế giới, một kho tàng tri thức được mở rộng vô biên!

Văn học Cổ đại, Trung đại, niên đại đã trải qua biết bao khó khăn, trắc trở để đến được nay, nền văn học Hiện đại, nhờ lối mòn năm xưa, thời nay biết bao nhà văn, nhà thơ đã phát triển vượt bậc.

Hiện tại với nền công nghệ 4.0 sắp tiến tới 5.0 con người đã tiến tới một cuộc sống cao cấp, tốt đẹp hơn. Mọi thứ cập nhật mau chóng, ví trong đạo pháp hay cả ngoài đời sống, ngày xưa muốn bàn luận về một vấn đề thì phải gặp mặt mà trao đổi, hay thư từ qua lại rất tốn thời gian và sức lực. Thời nay với kỹ thuật tiên tiến chỉ tốn vài giây đã có thể thảo luận cùng nhau một cách dễ dàng.

Với báo chí cũng vậy, năm 1668 tờ báo đầu tiên tại Anh đã ra đời, mãi đến năm 1865 Việt Nam ta cũng đã xuất bản tờ báo Gia Định, điều này đã chuyển tải thông tin đến công chúng một cách nhanh chóng đầy tính văn minh.

Pháp Âm là tờ báo Phật giáo đầu tiên được xuất bản ngày 31/8/1929 tại Việt Nam, sự kiện này là cột mốc, điểm khởi đầu cho lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam với tinh thần nhấn mạnh phương diện hoằng pháp – truyền bá Phật học.

Ngày nay đã có rất nhiều tờ báo của Phật giáo đã ra đời nhằm đem giáo lý của Đức Phật, nhanh chóng được du nhập vào Phật tử, trong đó Đặc san Hoa Đàm đã và đang phát triển mạnh mẽ. Một tờ báo ngôn luận của Ni giới Việt Nam, điều này đã nói lên được tầm quan trọng của nền văn học nước nhà trong Phật giáo.

Bản thân con là một ngòi bút lông còn quá non nớt, dựa vào hai câu thơ bất hủ của ngài Đồ Chiểu đã khắc sâu việc dùng văn chương giúp ích cho đạo pháp và xã hội. Ngôn từ có thể là binh khí cũng có thể là thuốc chữa lành vết thương, tùy vào từng câu nói và mục đích của tác giả để người đọc có thể cảm nhận một cách sâu sắc nhất. Đó chính là nghệ thuật!
Luận bàn về đạo pháp hay những mạch cảm xúc muốn truyền trao đều thông qua cách thức của mỗi người. Đối với con, báo chí cũng như văn học là một công cụ giúp con người phát triển tư duy và tình cảm hơn. Đọc sách báo chính là lối sống tinh thần lành mạnh, thay vì tìm đến những lạc thú khác thì hãy cầm một quyển sách, một tờ báo mà đọc chúng, ngàn tri thức, biển kiến thức đều nằm vào đó. Một thế giới với bao điều tốt đẹp sẵn sàng ở đó, chỉ cần ta tìm đến và đọc chúng thôi.

Còn nhớ một người bạn học đã tâm sự với con rằng, mỗi khi cậu ấy gặp chuyện buồn chẳng thể giãi bày cùng ai, cậu đã tìm đến những cuốn sách, hay những tờ báo và mải mê đọc chúng, điều đó đã giúp bạn ấy chữa lành vết thương một cách nhẹ nhàng. Như vậy, việc đọc sách báo chẳng những đem lại tri thức cho bản thân mà còn là liều thuốc tâm hồn. Nó chính là cửa sổ tâm hồn, chỉ cần ta chịu mở ra mà nhìn ngắm thế giới bên trong nó thì chẳng phải quá lợi ích hay sao?

Ngày nay công nghệ phát triển, nhiều tờ báo online đã được ra đời, nhằm đáp ứng việc đọc sách dễ dàng cho người dân. Công cuộc hoằng dương Phật pháp cũng trở nên tiện lợi hơn, từ chữ viết cho đến hình ảnh và bây giờ đã có cả video kèm theo, điều này đã giúp Phật tử có được khoảng thời gian tìm hiểu đạo pháp nhanh chóng hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên truyền thống ra mắt các tờ báo giấy vẫn phải giữ, bởi vì những thứ như sách báo đều mang một ý nghĩa to lớn, hơn hết chúng được tạo ra để cảm nhận một cách chân thật nhất.
Một quyển báo, sách sẽ có ý nghĩa hơn nếu ta cầm lên đọc nó qua đời thường chứ không dùng sự ảo diệu cách màn hình mà thấu hiểu nó. Từ nhỏ con rất thích đọc sách, dùng ngón tay lật từng trang sách, mùi của giấy giúp con thư giãn, dù đã đọc biết bao lần sách online nhưng vẫn phải mua chúng về để cảm nhận sâu sắc và tình cảm hơn. Dường như khi trực tiếp cầm, nắm, nhìn, thì mới hiểu rõ được cả tâm tình của tác giả. Mỗi câu mỗi chữ là một ý nghĩa to lớn!

Báo chí xuất hiện trong nền văn học đã đem lại nhiều lợi ích cho đời sống con người, đặc biệt là trong tinh thần. Trải qua nhiều năm báo chí ngày càng phát triển, Đặc san Hoa Đàm đã gần đến tuổi thứ 10, mong rằng báo chí của thế giới, Việt Nam cũng như những tờ báo của Phật giáo không ngừng phát triển để giúp ích cho đời sống của mọi độc giả trên toàn cầu!

Cuối cùng với sự tri ân sâu sắc, con xin thành kính cảm niệm ân đức của những nhà văn học thời xưa cũng như thời nay đã không ngừng phấn đấu tạo điều kiện cho chúng trẻ được thừa hưởng ân đức lớn lao về mặt tinh thần mà quý vị đã bỏ công sức xây dựng bao năm!
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thích Nữ Chân Mỹ

Tin khác

Cùng chuyên mục