Chủ Nhật, 24 Tháng Chín 2023
Giáo dục Tin giáo dục Vấn đề giáo dục Ni sinh tại trường Trung cấp Phật học...

Vấn đề giáo dục Ni sinh tại trường Trung cấp Phật học tỉnh Bến Tre

Chùa Bạch Vân trụ sở phụ của trường Trung cấp

Trong những năm qua, công tác giáo dục rất được Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm. Ngoài đào tạo Tăng tài, còn chú trọng giáo dục Ni chúng nhằm đáp ứng cho nhu cầu hoằng dương Phật pháp trong giai đoạn mới. Bến Tre là tỉnh có truyền thống Phật giáo lâu đời, hiện nay vẫn đang tiếp tục đào tạo Tăng Ni tại trường Trung cấp Phật học. Bài viết sẽ khái quát lịch sử hình thành và hoạt động của nhà trường, một số thuận lợi và khó khăn của Ni sinh khi tham gia tu học. Căn cứ tình hình thực tế, đề xuất một số giải pháp mang tính tham khảo nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc ở cơ sở này.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp mà chu vị tiền bối để lại, Phật giáo Bến Tre rất chú trọng đào tạo Tăng Ni kế tục cho Giáo hội nhằm duy trì mạng mạch Phật pháp. Trước năm 1975, đa số Tăng Ni xuất gia ở Bến Tre đều ở chùa tu học cùng thầy tổ, ít được đến các trường đào tạo. Năm 1959, chùa Bạch Vân mở lớp Sơ đẳng Phật học với 36 Ni chúng theo học. Đến năm 1961 thì mãn khóa, tổ chức thi tốt nghiệp do Hòa thượng Thích Thiện Hòa (chùa Ấn Quang)-một danh Tăng của Phật giáo miền Nam thời đó làm giám khảo, kết quả tốt nghiệp đạt 90%[1]. Sau năm 1975, công tác đào tạo có một khoảng dừng và bắt đầu manh nha trở lại. Vào năm 1984, chùa Bạch Vân đã phối hợp với cơ quan hữu quan mở lớp Bổ túc Văn hóa (cấp 2, cấp 3) để phổ cập, nâng cao trình độ cho Tăng Ni và học sinh trong tỉnh. Tất cả học sinh nghèo đều được miễn học phí, kết quả có hơn 70% học sinh tốt nghiệp. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp Học viện Phật giáo khóa I tại Thiền viện Vạn Hạnh, Sư cô Thích Nữ Như Huệ trở về quê nhà, có mong muốn mở trường đào tạo, tiếp nối công việc giáo dục. Năm 1989, thành lập Ban Đại diện Phật giáo lâm thời tỉnh Bến Tre, Sư cô phát tâm mở lớp gia giáo để truyền chánh pháp cho Tăng Ni, Phật tử tại chùa Bạch Vân. Sư cô đã kêu gọi, chư Tăng, Ni có đệ tử trẻ thì giới thiệu đến chùa tu học. Đến năm 1992, Đại hội Phật giáo tỉnh Bến Tre lần thứ I diễn ra, lớp học kết thúc. Những Tăng Ni sinh đầu tiên này được giới thiệu đi học tiếp trung cấp Phật học tại trường Trung cấp Phật học tỉnh Long An và chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM). Mục đích để bồi dưỡng, nâng cao trình độ của Tăng Ni nhằm đáp ứng nhu cầu hoằng pháp và hoạt động của Giáo hội. Từ mái trường này đã có rất nhiều vị Tăng, Ni trẻ trưởng thành, tham gia tốt công tác Phật sự tại nhiều địa phương trong tỉnh. Có thể kể đến như: Đại đức Thích Xương Tâm-Hiệu phó Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bến Tre, Đại đức Thích Trung Nguyện-Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP.HCM, Sư cô Thích Nữ Như Uyên-Chánh Thư kí Phân Ban đặc trách Ni giới tỉnh Bến Tre…. Trong thời gian 1992-2009, Tăng Ni sinh có nhu cầu học tập đều được gửi sang các địa phương khác.

Với mong muốn, xây dựng một cơ sở đào tạo Tăng Ni và đại chúng ngay tại tỉnh nhà, chư tôn túc đã ra sức vận động, tạo những tiền đề đầu tiên cho việc thành lập trường. Năm 2009, Đại đức Thích Trí Thọ-Phó Trưởng Ban Hoằng pháp Tỉnh hội, tìm đề án thành lập trường Trung cấp Phật học tỉnh An Giang đưa về cho Bến Tre tham khảo. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre chỉ đạo các ban liên quan tiến hành xây dựng đề án thành lập trường, tham khảo chương trình giáo dục Tăng Ni của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương nhiệm kì II in trong tập tài liệu Giảng sư và Quản lý hành chính Giáo hội do Hòa thượng Thích Hiển Pháp biên soạn (lúc này Ngài làm Tổng Thư kí Giáo hội). Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 01/7/2009, Văn phòng Chính phủ có công văn số 665/TGCP-PG, về việc chấp thuận thành lập trường Trung cấp Phật học tỉnh Bến Tre. Tiếp sau đó, ngày 22/10/2009, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương có quyết định số 456/QĐ-BGDTNTW và UBND tỉnh Bến Tre ban hành quyết định số 2723/QĐ-UBND ngày 16/11/2009, về việc cho phép thành lập trường Trung cấp Phật học tỉnh Bến Tre. Trụ sở chính của trường đặt tại chùa Viên Minh, số 1, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 2, TP Bến Tre (dành cho Tăng). Trụ sở phụ đặt tại chùa Bạch Vân, số 138D, đường Đoàn Hoàng Minh, phường 6, TP Bến Tre (dành cho Ni).

  1. Quá trình đào tạo Ni sinh

Như vậy, sau một thời gian dài chuẩn bị và sự hộ lực của chư tôn túc trong và ngoài tỉnh, xứ dừa Bến Tre đã có một ngôi trường Phật học. Ngày 25/01/2010, trường đã tổ chức Khai giảng lớp Trung cấp Phật học khóa I (2010-2013). Tổng số học viên nhập học là 76, trong đó Ni sinh là 13. Do số lượng Ni sinh còn ít không đủ 20 người để mở một lớp nên Ni sinh phải vân tập về chùa Viên Minh để học tập cùng với Tăng sinh. Tuy nhiên, đến khi kết thúc khóa học số lượng học viên có biến động, tổng số là 52, trong đó có 14 Ni sinh. Trường thực hiện chế độ nội trú, chỉ có một số trường hợp đặc biệt mới xét cho ở ngoại trú. Trú xứ dành cho Tăng sinh tại chùa Viên Minh và Ni sinh ở chùa Bạch Vân. Sau khi khai giảng 01 năm, do chùa Bạch Vân trùng tu sửa chữa nên trú xứ Ni sinh dời về chùa Từ Huệ (xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Hiện nay, trú xứ dành cho Ni sinh là chùa Bạch Vân và Từ Huệ. Tăng Ni sinh sinh hoạt nội trú theo chương trình hàng ngày như sau: 03h 30’ thức chúng, 04h công phu khuya, 05h 45’ tiểu thực sáng, 06h 15’ chấp tác, 07h 30’ lên lớp học, 11h cúng ngọ-thọ trai, 12h chỉ tịnh, 13h 30’ thức chúng (học bài và sinh hoạt cá nhân), 16h công phu chiều, 17h Tiểu thực chiều, 19h tịnh độ, 21h tọa thiền, 21h 30’ xả thiền và chỉ tịnh. Ban Giám hiệu đã xây dựng nội quy và giao cho Giám thị của trường giám sát việc thực hiện một cách nghiêm ngặt. Tăng Ni sinh nào vi phạm một trong những điều quy định, lần thứ nhất được nhắc nhở, lần thứ hai phạt cảnh cáo trước chúng, lần thứ ba trừ điểm hạnh kiểm. Quá ba lần không khắc phục, Ban Giám hiệu sẽ quyết định buộc thôi học tại trường.

Đối tượng tuyển sinh của trường là Tăng, Ni tuổi từ 16 trở lên, trình độ văn hóa học hết lớp 7, những tu sĩ đã xuất gia nhưng chưa thọ giới phải có giấy chứng nhận xuất gia; những vị đã thọ giới rồi phải có chứng điệp giới đàn. Cơ cấu tổ chức của trường gồm các ban: Chứng minh, Giám hiệu, Giảng huấn, Bảo trợ. Ban Chứng minh gồm 10 vị tôn túc, trưởng lão do Hòa thượng Thích Hiển Pháp-Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng đầu. Ban Giám hiệu gồm 14 vị, Hiệu trưởng do Hòa thượng Thích Nhựt Tấn-Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre đảm trách, 01 trợ lý Hiệu trưởng, 04 Phó Hiệu trưởng phụ trách các lĩnh vực Học vụ, Hành chính, quản lý chư Tăng, quản lý chư Ni. Ngoài ra, còn có 02 Giám thị, 01 Kế toán, 01 Thủ quỹ, 01 Chánh Thư kí và 03 Phó Thư kí phụ trách ba nhiệm vụ Tổng Giám thị, Văn phòng, Giám thị chư Ni. Ban Giảng huấn có 19 vị, chia thành 2 Phân ban Giảng huấn chư Tăng (9 vị) và chư Ni (10 vị). Ban Bảo trợ thành lập nhằm đảm bảo cho hoạt động của trường thường xuyên và hiệu quả, thành phần gồm chư tôn đức Tăng Ni, những Phật tử thuần thành và các nhà hảo tâm, gồm 61 thành viên.

Chương trình đào tạo của trường luôn bám sát theo chương trình giáo dục Tăng Ni của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, chia thành 4 năm. Kết thúc khóa học trường sẽ tổ chức kì thi tốt nghiệp hoặc làm tiểu luận. Mặt khác, song song với chương trình tu học, các học viên còn được tạo điều kiện để học bổ túc văn hóa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bến Tre. Do đó, khi tốt nghiệp học viên vừa có bằng Trung cấp Phật học và tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Hiện nay, trường đang đào tạo Trung cấp Phật học khóa III (2017-2021),  (2013-2017), có 60 học viên, trong đó Ni sinh là 16 đã tốt nghiệp.

Tóm lại, công tác giáo dục Tăng Ni nói chung và Ni sinh nói riêng đòi hỏi một quá trình lâu dài và sự hộ lực rất lớn từ quý chư tôn đức, các mạnh thường quân. Là một ngôi trường non trẻ, mới thành lập nhưng trường Trung cấp Phật học tỉnh Bến Tre đã cố gắng đào tạo thế hệ kế thừa và hoạt động cho Giáo hội. Nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên không thể tránh được hạn chế. Tuy nhiên, với sự nỗ lực lẫn không ngừng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, toàn diện, trường Trung cấp Phật học tỉnh Bến Tre sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành trọng trách mà Giáo hội giao phó. Qua đó,

góp phần duy trì mạng mạch Phật pháp một cách hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay.

Bùi Hữu Nghĩa
Phương pháp viên Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre

 


[1] Tư liệu phỏng vấn sâu Ni trưởng Thích Nữ Như Tâm-Phó trưởng Phân ban đặc trách Ni giới tỉnh Bến Tre, Trụ trì chùa Bạch Vân, ngày 02/9/2016. Người thực hiện: Bùi Hữu Nghĩa.

 

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!