HĐ Ấn Độ, nơi còn lưu dấu tích của Đức Phật Thích‐Ca Mâu‐Ni, đã trở thành nơi linh thiêng, thánh địa cho những người con Phật. Đã là Phật tử, hầu như ai cũng có mong muốn ít nhất một lần trong đời được viếng thăm xứ Phật, để được chiêm bái Cây Bồ Đề nơi Ngài thành đạo, Vườn Nai nơi Ngài thuyết bài Pháp đầu tiên, hay Sa‐la song thọ nơi Ngài nhập Niết‐bàn. Riêng đối với Ni giới Phật giáo, thì thành cổ Vaishali, nơi Đức Phật cho Di Mẫu Gotami và 500 người phụ nữ thuộc hoàng tộc Thích‐Ca gia nhập Tăng đoàn, là một vùng đất lịch sử ghi dấu Ni Đoàn được thành lập. Thời Đức Phật còn tại thế, địa vị của người nữ trong gia đình và xã hội rất thấp kém. Họ luôn đóng vai trò thứ yếu, phụ thuộc và dễ bị tổn thương. Đó cũng là lý do Đức Phật đã ngần ngại trong việc cho nữ giới xuất gia. Nhưng để tỏ rõ quyết tâm của mình, Hoàng hậu Gotami cùng với tùy tùng 500 vị của bà đã từ bỏ hoàng cung, đầu trần chân đất đi bộ đến thành Vaishali để gặp Đức Phật và xin Ngài cho xuất gia tu học. Nhờ sự thành tâm tha thiết, cùng với sự thuyết phục của Tôn giả Ananda. Cuối cùng, họ cũng đã được Đức Phật cho phép gia nhập Tăng đoàn và chỉ sau một thời gian ngắn đã xuất hiện nhiều vị Thánh Ni lỗi lạc. Ngày nay, Ni đoàn Phật giáo đã lan khắp thế giới, trong đó Ni đoàn Việt Nam tự hào là Ni đoàn có số lượng lớn nhất và chất lượng cũng rất đáng khâm phục, với phần đông chư Ni tham gia tích cực trong các lãnh vực hoằng Pháp, giáo dục, từ thiện, bảo vệ môi trường, v.v… Các Ni trưởng, Ni sư luôn hiện diện những nơi cần có, với tình thương và sự giúp đỡ. Ni trưởng Thích Nữ Khiết Minh, Trụ trì chùa Kim Liên, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, trong một lần đi chiêm bái thánh tích Vaishali, đã phát tâm xây dựng một ngôi bảo tháp để tưởng nhớ công ơn của chư Ni tiền bối tại nơi mà Ni đoàn đã được thành lập. Sau đó, nhận thấy nhu cầu cần có một ngôi chùa làm nơi trú ngụ cho chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam khi đến chiêm bái Phật tích Vaishali, Ni trưởng đã tiếp tục xây ngôi chùa Kiều Đàm Di Việt Nam (Vietnam Mahaprajapati Nunnery). Ngôi chùa mang hình dáng kiến trúc của Phật giáo Việt Nam, hiền hòa, duyên dáng giữa cánh đồng lúa xanh của làng quê Ấn Độ. Các Sư cô đang du học tại Ấn Độ phụ giúp cho Ni trưởng trong việc quản lý, điều hành chùa.

1. Nguyên nhân thành lập trường
Từ khi ngôi chùa xuất hiện, các đoàn hành hương đến Vaishali ngày càng nhiều hơn. Dân chúng và trẻ em thường đi theo các du khách để xin tiền. Do tấm lòng bi mẫn, thích giúp đỡ người nghèo, nên khi thấy các em nheo nhóc, rách rưới, ốm yếu kéo đến xin tiền, xin ăn, các du khách sẵn lòng phát tiền, phát bánh kẹo, quà cáp, v.v… Vô tình, việc này đã kéo theo hậu quả là các em bé không thích đi học mà chỉ thích đi theo các đoàn du khách ăn xin. Ngay cả cha mẹ của chúng cũng ủng hộ việc này, vì số tiền các em xin được có khi hơn hẳn thu nhập của cả gia đình phải cày sâu cuốc bẫm mà vẫn không đủ ăn. Xã hội Ấn Độ vốn phân chia đẳng cấp, và có khoảng cách rất lớn giữa người giàu và người nghèo. Phần lớn những người thuộc giai cấp hạ tiện thường có tâm lý an phận, không có ý chí phấn đấu, chỉ bằng lòng với kiếp sống cùng cực mà cha truyền con nối đã biết bao nhiêu đời.
Ni trưởng và các Sư cô du học sinh, khi thấy trẻ em nghèo địa phương không đi học mà chỉ đi ăn xin, một phần do cha mẹ không có điều kiện cho con đi học, cũng như bản thân chúng cảm thấy không có nhu cầu phải học, thì rất thương xót, mong muốn làm điều gì đó để giúp người dân quê nhận ra vấn đề và thay đổi quan niệm của họ về giáo dục và tương lai của con cái. Đó cũng là ý tưởng của chư Tăng các nước đang có chùa ở Vaishali như Nhật Bản, Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, v.v… Thế là, có cùng chí hướng, cùng nguyện vọng, chư Tăng Ni ở Vaishali đã cùng nhau hợp lực trong các công tác giáo dục và từ thiện. Vị Sư trụ trì chùa Nhật Bản ở Vaishali đã cúng dường đất, và Ni trưởng Khiết Minh đã tiến hành xây dựng ngôi trường tiểu học từ thiện đầu tiên, lấy tên là Trường Tiểu học Kiều Đàm Di (Mahaprajapati Primary Shool).
2. Lịch sử hình thành các chi nhánh
Trường Tiểu học Kiều Đàm Di ở Vaishali khai giảng khóa học đầu tiên vào ngày 6/10/2013, nhận các em đủ mọi lứa tuổi từ lớp mẫu giáo đến lớp 3, chia đều 11 lớp học với tổng số 350 học sinh.
Năm sau, số lượng học sinh tăng dần; thiếu phòng học nên Ni trưởng cho xây tiếp một dãy gồm 6 lớp học, để các em được học lên lớp cao hơn, và có thể nhận thêm học sinh mới.
Năm 2015, Ni trưởng tiếp tục xây thêm một tòa nhà gồm 5 lớp học, 1 văn phòng, và 1 phòng họp. Hiện nay, tổng số học sinh tại Trường Vaishali là 1.000 em, chia thành 5 lớp nhà trẻ (Nursery), 5 lớp mẫu giáo nhỏ (Lower Kindergarten), 5 lớp mẫu giáo lớn (Upper Kindergarten), 3 lớp 1, 2 lớp 2, 1 lớp 3, 1 lớp 4 và 1 lớp 5.
Ngôi trường từ thiện này đã giúp các em vượt lên số phận của mình, để trở thành những học sinh ngoan ngoãn, có hiểu biết và có tương lai tươi sáng. Chất lượng học sinh của Trường Tiểu học Kiều Đàm Di thậm chí còn cao hơn chất lượng học sinh của trường Chính phủ, và nhiều em sau khi học xong cấp tiểu học ở trường, chuyển qua trường Chính phủ, đã được đánh giá trình độ ngang với lớp 6 hoặc lớp 7.
Chi nhánh thứ hai tại Bodhgaya
Những năm gần đây, nhiều Ni sinh sang du học ở Ấn Độ tại các trường đại học khác nhau. Có người được ở ký túc xá của trường, nhưng có người không có được cơ hội đó, phải thuê nhà ở bên ngoài, vừa đắt đỏ vừa không an toàn. Trước hoàn cảnh đó, Ni trưởng Khiết Minh phát tâm xây một Ni viện cho Ni chúng đang du học tại Bodhgaya có nơi cư trú an toàn và miễn phí. Ni viện này là chi nhánh của Chùa Kiều Đàm Di Việt Nam ở Vaishali. Khi về đây, Ni trưởng lại thấy trẻ em nghèo xung quanh chùa, cũng nghèo khổ và thất học như các em ở Vaishali hay ở các vùng nông thôn khác của Ấn Độ. Vì vậy, song song với việc xây Ni viện, Ni trưởng cũng cho khởi công xây dựng ngôi trường từ thiện Kiều Đàm Di, chi nhánh thứ hai, vào ngày 20/10/2015. Tháng 3/2016, trường chính thức đi vào hoạt động với 450 em học sinh chia làm 11 lớp và đội ngũ giáo viên trẻ gồm 11 vị, dưới sự điều hành của Sư Bodhi Kundala, người Miến.
Chi nhánh thứ ba tại làng Kolhua, gần Phật tích Vaishali. Chi nhánh này được thành lập vào tháng 4/2019 trong ngôi làng Kolhua nghèo khổ. Hiện nay, chi nhánh này có 600 em học sinh và 16 giáo viên.
3. Ban Điều hành trường
Hiện nay, các Sư cô Thích Nữ Như Phụng, Thích Nữ Như Hiếu, Thích Nữ Đạo Trí và Thích Nữ Đạo Tuệ là những người trực tiếp điều hành trường. Các Sư cô đều đã và đang thực hiện Luận án Tiến sĩ ở Đại học Nalanda.
Ngoài ra, chư Tăng người Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản cũng là thành viên của Ban Điều hành. Đặc biệt, Sư Bodhi Kundala, người Miến, hiện là Hiệu trưởng Chi nhánh ở Bodhgaya. Các giáo viên người Ấn Độ trực tiếp dạy các em và được chùa trả lương hàng tháng. Mỗi buổi sáng, trước khi vào lớp, tất cả giáo viên đều nộp điện thoại ở văn phòng của Hiệu trưởng và chỉ nhận lại vào cuối buổi học, để họ toàn tâm toàn ý trong việc giảng dạy cho học sinh.
4. Hoạt động hàng ngày của học sinh
Mỗi buổi sáng, trước khi vào học, các em có 20 phút để tụng kinh và sinh hoạt, trả lời các câu hỏi về giáo lý Phật pháp và tập phát biểu bằng tiếng Anh. Sau đó, các em sẽ ngồi thiền trong 10 phút, và lớp học bắt đầu lúc 8 giờ 30. Mỗi ngày, các em học từ 4 đến 5 tiết (mỗi tiết 45 phút). Các môn học đều theo chương trình của Bộ Giáo dục, như các trường của Chính phủ, và bằng cấp của trường cũng được Chính phủ công nhận. Mỗi lớp không quá 40 em học sinh. Các em đem theo cơm trưa và dùng cơm ở trường.
5. Nguồn tài chánh vận hành trường
Để giúp trẻ em nghèo ở nông thôn được đi học, Ni trưởng không những miễn học phí cho các em, mà còn trang bị cho các em đồng phục, sách giáo khoa, tập vở, áo ấm, giày vớ, v.v… Để các em chuyên tâm học mà không chạy theo các đoàn du khách xin tiền, Ni trưởng đã hướng dẫn các đoàn hành hương đến phát quà cho các em ngay tại trường. Vậy là các em vừa được đi học, vừa được nhận quà cho bản thân và gia đình.
Trường không nhận được nguồn cung cấp nào từ Chính phủ Ấn Độ hay từ một nguồn chính thức cố định nào.
Kinh phí để vận hành trường do chùa Kiều Đàm Di ở Vaishali và chùa Kim Liên ở Việt Nam cung cấp, cùng với sự ủng hộ của chư Tăng Ni và Phật tử gần xa, đặc biệt là các đoàn hành hương Ấn Độ.
Ban Điều hành thường kêu gọi các đoàn hành hương giúp các em sách vở, cặp sách, đồng phục, áo len, mũ len, v.v… Với tấm lòng tri ân Đức Phật, cùng chư Tăng Ni tiền bối, Ni giới Việt Nam, đặc biệt là Ni trưởng Thích Nữ Khiết Minh, và quý Sư cô trong Ban Điều hành Trường Kiều Đàm Di Việt Nam đã không quản ngại đường sá xa xôi, cách trở, thời tiết khắc nghiệt, công việc khó nhọc, cùng với nhiều thử thách khác, vẫn luôn miệt mài trong sự nghiệp trồng người, giúp đem lại ánh sáng trí tuệ cho con em các gia đình nghèo khổ, với ước mong khi có được sự giáo dục tốt, các em có thể đổi đời, thoát khỏi cuộc sống nghèo khó tận cùng đáy xã hội, và góp phần làm đẹp cuộc đời.
Những hoạt động của Trường Tiểu học Kiều Đàm Di Việt Nam là những việc làm thiết thực để thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, và cũng là nhịp cầu để gắn kết tình hữu nghị thân ái giữa hai nước Việt Nam – Ấn Độ. Chắc chắn, hình ảnh hiền hòa, bi mẫn của chư Ni Việt Nam ở Vaishali sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân quê Ấn Độ, đặc biệt là với những em học sinh được chăm sóc, dạy dỗ trong tình thương yêu không bờ bến của quý Sư cô. Mong sao những việc làm tốt đời đẹp đạo này sẽ được nhân rộng ra nhiều nơi để chúng sanh được thấm nhuần ân đức Tam bảo, cuộc đời sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
TS. NS. Liễu Pháp – HVPGVN tại TP. HCM