HĐLời nhắn nhủ đến Tăng Ni sinh khóa XI trước thềm tốt nghiệp
Trong khoảng thời gian tu học tại Học viện, Tăng Ni sinh luôn luôn được Ban Quản viện và các Giáo thọ sư theo dõi học lực, sinh hoạt cũng như đạo đức để quyết định cấp bằng tốt nghiệp. Tăng Ni muốn được xếp hạng ưu tú, phải ưu tú về cả học lực và đức hạnh. Những người học lực tốt nhưng đức hạnh yếu, tuy học đủ tín chỉ nhưng vẫn không được cấp văn bằng. Vì trong đào tạo nhà truyền giáo Phật giáo, đức hạnh luôn được lấy làm đầu. Một người không tu hạnh, cũng không thể nào tu đức; phải do tu hạnh, đức mới thành. Cho nên, tất cả các vị phải luôn rèn luyện đức hạnh của mình.
Một đệ tử Phật chắc chắn phải có đầy đủ đức hạnh. Chính đức hạnh đó là sự thuyết phục và cảm hóa con người lâu dài. Nếu các vị chỉ chú trọng học lực, không chăm tu đức hạnh và chỉ nói suông, hoặc có thể các vị trở thành những nhà hùng biện, những người tranh cải giỏi nhưng thật không phải là những nhà tu hành, cũng như không phải là những nhà truyền giáo. Vì thế, đức hạnh cũng là vấn đề hàng đầu của Học viện. Tôi mong trong thời gian tu học tại Học viện, tất cả Tăng Ni sinh, nhất là khóa XI – khóa đầu tiên tại cơ sở 2, cố gắng trau giồi đức hạnh của mình thật nhiều để khi đủ tín chỉ, phải tốt nghiệp hạng ưu. Những ai hạng trung bình đương nhiên về học lực cũng như tu hành còn nhiều khiếm khuyết. Để biết mình còn khiếm khuyết ở đâu, các vị phải căn cứ vào bốn oai nghi. Nói rộng ra, oai nghi tế hạnh còn đòi hỏi thêm ở việc ăn uống, ngủ nghỉ,… Nếu mỗi vị xét thấy mình thiếu oai nghi và chưa tế hạnh, cần phải dành nhiều thời gian rèn luyện đức hạnh cũng như kiến thức, để khi tốt nghiệp, các vị không hổ danh là sinh viên tốt nghiệp từ Học viện.
Theo Phật giáo Nguyên thủy, sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, tất cả các Tỳ kheo đều phải lấy Pháp, Giới luật làm Thầy. Trong đó, Tứ niệm xứ là chính và người xuất gia phải luôn luôn an trú trong đó. Hễ rời khỏi Tứ niệm xứ, chúng ta dễ lạc theo ngoại đạo, tà giáo, không còn tư cách của một Tỳ kheo. Đây là pháp căn bản nhất của người xuất gia. Sau này, trong Kinh điển Đại thừa, Bồ tát đạo xuất hiện nhưng chúng ta vẫn phải tự rèn luyện pháp Tứ niệm xứ và 37 trợ đạo phẩm để luôn là một Tỳ kheo đức hạnh.
“Giới luật còn, Phật pháp còn; Giới luật mất, Phật pháp mất”, Phật giáo Nguyên thủy cố chấp vào Giới luật. Giới luật là kỷ cương của đoàn thể, mỗi cá nhân phải tôn trọng và phải luôn lấy Giới luật làm Thầy. Đây là chủ trương căn bản nhất của Phật giáo Nguyên thủy. Các nước Phật giáo Nam truyền nhờ biết tôn trọng, giữ gìn tốt kỷ cương này nên họ vẫn tồn tại và phát triển. Đây là một điểm sáng chúng ta cần phải suy nghĩ và áp dụng.
Phật giáo tiến lên một bước, có tầm nhìn khác đi nên được gọi là Phật giáo Phát triển. Vì sao gọi là “Phát triển”? Cái gì hễ dừng lại, xem như chết và bị đóng khung. Phật giáo là sự sống, không phải cái chết. Sự sống phải luôn phát triển, cả về cơ sở vật chất cũng như về tri thức. Con người còn sống cũng vậy, phải có thay đổi tiến tới. Tiến bộ, văn minh của loài người là do phát triển không ngừng. Phật giáo cũng vậy, nếu không phát triển theo sự phát triển của loài người sẽ bị lạc hậu, mai một. Đức Phật đã chỉ ra: Phật giáo tồn tại trong suy nghĩ và sinh hoạt của con người. Khi con người loại Phật giáo ra khỏi suy nghĩ của họ, tức là không còn quan tâm đến Phật giáo, Phật giáo đương nhiên sẽ suy đồi, nằm ngoài xã hội và chết đi. Vì thế, chúng ta phải luôn đi lên đồng nhịp với xã hội. Cũng theo Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy, tất cả những gì Đức Như Lai nói ra như nắm lá trong tay, những gì Như Lai hiểu biết như lá trong rừng. Lá trong rừng là sự sống, lớp này rơi rụng, lớp mới lại mọc lên, lớp mới này có thể tốt hơn lớp cũ, hàm ý Phật giáo Nguyên thủy là hạt mầm, là gốc cây, Phật giáo Phát triển là thân cây. Hạt mầm không thể muôn đời vẫn là hạt mầm.
Đức Phật nói Pháp để giáo hóa, nên Pháp của Đức Phật chính là phương tiện. Tất cả những gì Như Lai đã nói, Phật giáo Phát triển đặt ba vấn đề: Đức Phật nói cho ai nghe, nói lúc nào và nói ở đâu. Lời dạy của Đức Phật không phải lúc nào hay bài nào cũng giống nhau. Câu “Chân lý bất biến” dùng cho tất cả lời Phật dạy là không đúng. Mỗi phương tiện Ngài nói ra áp dụng cho ai và dùng nó để làm gì? Phật giáo Phát triển đã nhìn xa hơn và thấy được như thế. Hơn 300 hội thuyết pháp trong suốt 45 năm thuyết pháp của Đức Phật, đều không giống nhau. Nên tôi thường hỏi: “Ngay bây giờ, ở tại đây, nếu Đức Thế Tôn còn, Ngài sẽ nói gì với chúng ta?” Các vị có tinh thần phát triển nên nhận ra, lưu ý và suy nghĩ điều này. Cũng tương tự: “Ngay bây giờ, ở tại đây, nếu là người có trí tuệ, họ thấy gì và sẽ nói gì?” Người có trí tuệ, phải thấy mới nói và hợp với từng hoàn cảnh.
Khai nghĩa là mở. Đức Phật khai thị cho chúng sanh nghĩa là Ngài mở lối cho sự bế tắc của con người, vì Ngài là người có trí tuệ, Ngài thấy được. Ngày nay, bế tắc là gì? Trước mắt, bế tắc là ở người tu, kế đến là bế tắc của xã hội. Những người cố chấp thường nghĩ ngoại đạo là xấu, riêng Phật giáo là tốt nhất. Thực tế, Phật giáo có điểm tốt và cũng có điểm chưa hoặc không tốt. Ngoại đạo cũng vậy. Điều quan trọng là chúng ta có biết khắc phục cái xấu và phát huy cái tốt hay không. Nếu nói Phật giáo tốt, vô tình ngoại đạo nhìn vào ngay những khiếm khuyết của Phật giáo, họ sẽ cho rằng chúng ta đào tạo những con người ăn hại, vô dụng, phi sản xuất,… Như vậy, nguy hiểm vô cùng.
Thực tế ngày nay, có những người khoác áo tu nhưng không phải người tu, đi lừa dối mọi người. Cho nên, “hễ cái gì có hình tướng, cái đó hư vọng” (Kinh Kim Cang). Đức Phật và các thầy Tỳ kheo thanh tịnh quá tốt, những kẻ xấu muốn kiếm ăn nên lợi dụng chiếc áo tu. Đức Phật đã thấy được tệ nạn này và ngăn chặn nó khi Ngài còn tại thế. Vì thế, chúng ta cần phải trong sạch hóa hàng ngũ Tăng già. Đức Phật nói không phải vì ăn mà đi khất thực. Khi lập giáo khai tông, Ngài đã nói với năm anh em Kiều Trần Như: “Các thầy không được đi khất thực nữa, để một mình ta đi xin. Các thầy ở đây chuyên tu tập.” Ngài nói tu tập bấy giờ chính là tu Tứ niệm xứ. Khi thành công Tứ niệm xứ, các hành giả liền chứng được Sơ quả. Khi họ đắc quả A la hán, Đức Phật dạy mỗi người đi hoằng truyền một hướng. Dường như chúng ta đã quên mất điều này. Vì vậy, những người chưa đắc đạo vẫn ôm bình đi khất thực. Phật giáo suy đồi cũng từ chỗ đó. Thực chất đi khất thực chính là nhân duyên để giáo hóa, kết duyên với mọi người, giáo hóa, kết duyên là chính, không phải để xin ăn. Những vị thực chứng, chân tu mỗi tuần đi khất thực một lần. Nhưng trước khi đi, họ đã có định hướng rõ ràng, chính Đức Phật đã dạy rõ điều này: “Trước khi đi khất thực, các thầy phải nhập định trước, để xem hôm nay đi đâu và gặp ai, độ ai. Vì Đức Phật cũng như thế, trong thiền định Ngài luôn quán sát thấy biết người đó có duyên với mình, Ngài đến và độ được cho họ; người không có duyên với mình, Ngài cũng không thể nào độ được, huống hồ chúng ta ngày nay. Vì thế, sau này, khi các vị đi hóa duyên phải lưu ý điều này.
Nếu căn cứ theo y chỉ này của Đức Phật, các thầy Tỳ kheo phải đi khất thực hết để hóa duyên cho chúng sanh, đây là cố chấp. Có những Tỳ kheo được Đức Phật cho phép đi khất thực nhưng cũng có những thầy không được đi, vì chưa oai nghi. Một Tỳ kheo phải đầy đủ 3.000 oai nghi mới được ôm bình đi khất thực. Hình ảnh giải thoát của một vị Tỳ kheo ôm bình đi, người ta nhìn thấy có thể phát tâm được. Thầy Tỳ kheo đến gần chúng ta, nhìn kỹ sẽ thấy rõ những tế hạnh, từng bước chân đi, từng cử chỉ nhỏ, vượt lên trên người bình thường. Người đó không còn tham, sân và si nữa. Người tham có cử chỉ của tham, người bực tức có cử chỉ của người bực tức, người si mê có cử chỉ của người si mê, nhưng đến gần mới thấy được một thầy Tỳ kheo đã đắc đạo rồi, không còn hiện tướng tham nữa, không bực tức, nên mấy thầy thọ giới, ta đặt ba pháp bất hoại, bốn pháp bất hoại, người ta đánh không được đánh lại, người ta mắng không được mắng lại, tức là trong lòng đã cắt được tham sân si. Oai nghi làm cho người ta khi đến gần thấy thầy Tỳ kheo đáng kính trọng hơn. Được sống chung với thầy Tỳ kheo, người ta thấy an lạc hơn. Một thầy Tỳ kheo ở chỗ nào, chỗ đó luôn luôn được bình yên, vì thầy Tỳ kheo tâm đã bình yên, cuộc sống đã bình yên, nên trí tuệ của họ chỉ đạo chỗ đó, dân chúng chỗ đó trở nên bình yên và đạo đức. Đạo đức biến thành đạo lực, lực này tác động đến con người, trong giáo hóa chúng sanh, điều này quan trọng. Một thầy Tỳ kheo đi vào làng, khi đó làm cho Phật giáo hưng thịnh. Đức Phật xây dựng mô hình này đầu tiên, Ngài đến Lộc Uyển, độ năm anh em Kiều Trần Như, độ tức là xây dựng họ trở thành những thầy Tỳ kheo có oai nghi và tế hạnh. Các vị trưởng giả tử dòng Da Xá, 50 công tử đến nhìn thấy oai nghi và tế hạnh của năm thầy Tỳ kheo tại Lộc Uyển, tâm họ cũng thanh tịnh, sáng ra. Họ nhìn thấy cuộc đời là ảo nên nguyện ở lại tu để tìm cái thật. Một trong những sai lầm của huynh đệ ngày này là thích lên mạng xem đủ thứ chuyện trên đời. Đối với tôi, tôi rất sợ điều này, vì nó đem vào tâm chúng ta bất an, mà bất an thì không còn là thầy Tỳ kheo. Hình tướng Tỳ kheo bên ngoài vẫn còn nhưng chất thì đã mất. Khi tập chúng tu nội trú như thế này để hạn chế tối đa vấn đề quan hệ bên ngoài, để tự rèn luyện đạo đức của mình. Chúng ta thấy đạo lực của năm vị Tỳ kheo đã ảnh hưởng đến 50 công tử. 50 vị này, sau mùa an cư, họ cũng đắc quả A la hán. Cha mẹ họ đi tìm con đến đây, nhìn thấy con mình ngày xưa ngỗ nghịch, ăn chơi, nhưng bây giờ thấy oai nghi, cử chỉ, tế hạnh, nên phát tâm ở lại tu. Đức Phật nói nếu các ông bà muốn tu, nên về nhà tập giữ bốn giới,đợi nhân duyên thuần thục mới nên xuất gia. Các thầy Tỳ kheo lúc đó cũng chỉ có bốn giới: không sát, không đạo, không dâm, không vọng. Bấy giờ, cư sĩ cũng chỉ có bốn giới, nên gốc của giới chỉ có chừng này. Về sau, mới triển khai thành 250 giới, chi tiết hơn, nhưng Tứ Ba la di vẫn là quan trọng nhất. Nói như vậy không có nghĩa thấy người ta đắc đạo mình cũng muốn tu, cần hội đủ nhân duyên mới có thể tu được. Tu ở chùa buồn, nhớ nhà, tất cả nghiệp thức trong lòng nổi dậy. Tôi đã từng chứng kiến những đạo hữu phát tâm rất mạnh, 3 tháng hạ tu ở chùa Ấn Quang theo chư Tăng, họ muốn tu đắc đạo nhưng nghiệp còn nặng nên không thể tu. Những ngày đầu còn tinh tấn, những ngày sau yếu dần đi, ăn không nổi, ủ rũ. Vì vậy, sau này, huynh đệ độ chúng xuất gia phải nhìn thấy căn tánh và nhân duyên đủ để xuất gia mới cho xuất gia. Tôi nhớ lại 69 năm tu hành, tôi chưa độ được ai hết, chưa có đệ tử đi theo con đường tôi chọn. Học trò rất đông, còn đệ tử chưa thấy người nào đi theo con đường tôi đi, nói chi đến con đường của Phật. Độ một người xuất gia điều quan trọng là tâm của người đó và tâm của mình có giống nhau không, ý chí của người đó có giống ý chí của mình không? Người tâm chí hạ liệt không thể nào lãnh được pháp của Đức Phật. Đào tạo nên một thầy Tỳ kheo rất khó, vì vậy, huynh đệ nên cẩn trọng trong việc khuyên người tu. Chính Đức Phật cũng ngăn trưởng giả Da Xá đừng đi tu, làm cư sĩ, nửa tháng về chùa sám hối, Bố tát một lần là tốt rồi, nhìn thấy chư Tăng, học được gì thì học. Bây giờ muộn rồi, cho nên xuất gia, đi tu không khéo trở thành bêu xấu, nên kiếp này gắng tạo các công đức để làm nhân duyên cho đời sau: các vị này muốn tu, lại nghĩ bây giờ làm nhân cho đời sau:
“Thử thế phước cơ mạng vị, các nguyện xương long,
Lai sanh trí chủng linh miêu, đồng hy Tăng tú.”
Bây giờ muộn rồi, cho nên xuất gia, đi tu không khéo trở thành bêu xấu, nên kiếp này người ta tạo được một số công đức để cho đời sau. Điều này chính Đức Phật đã khuyên trưởng giả Da Xá, từ đó mới chế ra năm giới cho người cư sĩ tại gia. Ban đầu chỉ có bốn giới thôi. Sau đó, có một cư sĩ phạm giới nên Đức Phật mới thêm giới uống rượu.Người có tiến bộ nhìn qua lăng kính Đại thừa sẽ thấy được giáo lý căn bản của Phật giáo Đại thừa chính là giáo lý Nguyên thủy. Các bộ Kinh điển Đại thừa cũng từ chỗ Phật giáo Nguyên thủy phát triển lên. Chúng ta nhìn thấy nó là một chứ không phải Đức Phật nói riêng một Kinh Đại thừa này, nói riêng Kinh Nguyên thủy kia. Người theo Nguyên thủy kết tập thành Kinh điển Nguyên thủy, người theo Đại thừa kết tập thành Kinh điển Đại thừa. Cho nên cùng học một trường, một thầy nhưng sau này ra trường tùy theo trình độ hiểu biết của mỗi người mà ứng dụng vào cuộc sống tu hành cũng như truyền bá Phật giáo hoàn toàn khác nhau. Phật giáo Phát triển là như thế. Khi đã qua Phật giáo Phát triển, chúng ta nhìn lại Phật giáo Nguyên thủy sẽ thấy được tinh thần Đại thừa trong đó.
Bây giờ nhìn Kinh điển Đại thừa qua lăng kính Đại thừa để chúng ta thấy và ứng dụng vào xã hội. Nếu chúng ta không ngang tầm với xã hội hay không đi trước xã hội một bước thì chúng ta sẽ bị tụt hậu, không thể tồn tại được. Đây là điểm quan trọng nhất của Phật giáo Phát triển. Phật giáo Đại thừa thời kỳ đầu phát triển được Phật Báo thân trong khi Phật giáo Nguyên thủy là Phật Pháp thân, tức là Phật Niết bàn rồi. Khi Đức Phật đã nhập Niết bàn, Nguyên thủy nói Đức Phật nhập Niết bàn rồi, chúng ta phải y cứ vào pháp Tứ niệm xứ, xem đó là Phật. Nhưng Đại thừa lại nhìn theo cách khác. Khi ta tu theo Tứ niệm xứ, có cần kèm theo Giới luật không. Giới luật ở đây là để mấy thầy Tỳ kheo đi ra ngoài thôi, đây là hàng rào để ngăn giặc. Trong lúc tu quán Tứ niệm xứ, tất cả những gì trong này có dính gì đến cái này đâu, nên bỏ hết. Cho nên tinh thần Đại thừa ở chỗ không chấp Giới luật nhưng vẫn giữ giới, giới thể thanh tịnh. Trong lúc ta thực tập thiền quán Tứ niệm xứ, không còn những thứ tạp nhạp bên ngoài, nên làm gì có sát, đạo, dâm, vọng, đâu có vấn đề mua đất, cất nhà, cất chùa am,… Khi mấy thầy vận động mua đất cất chùa, Giáo hội mới đặt ra quy định chùa phải được cất hợp pháp, phải có đất, sổ đỏ, xin phép dựng bảng, phải có nguyên tắc. Tu là buông hết tất cả những thứ này. Người tu như vậy ta gọi là cắt hết cuồng tâm, tâm chấp vọng. Vấn đề sát, đạo, dâm, vọng có nằm trong cuồng tâm không? Có, nên ta cắt luôn.
Cho nên thực tu Tứ niệm xứ, tất cả các Giới luật đều bị loại ra ngoài. Cái này dính vào vấn đề Tứ niệm xứ nhưng khi rời khỏi Tứ niệm xứ, mới y Giới luật, căn cứ Giới luật. Tại sao như vậy? Ví dụ tôi muốn cất chùa, tôi phải nghiên cứu về luật tôn giáo, luật đất đai. Tôi không cất chùa nên không cần quan tâm. Nếu không cất chùa nghiên cứu những luật này làm gì, để rối thêm, làm cho cuồng tâm chúng ta sanh ra nữa. Chúng ta nên buông hết. Tất cả những thứ này đều là hư vọng hết. Cho nên, từ chỗ này nhìn qua Đại thừa, thấy cái nào có tác dụng thì ngưng, cái nào không có thì thôi, không nhắc đến nữa. Nhiều người cố chấp nói nhiều khi các Phật tử đi vào chùa, xin ở lại tu Bát quan trai, mấy thầy cũng truyền giới. Tất cả các vị đây một ngày một đêm không dâm dục giữ được không? Không nói họ cũng phải tự biết, chẳng lẽ dắt vợ, chồng vào đây. Ở đây, Tăng Ni, nam nữ cư sĩ đều ở riêng biệt, có nơi có chỗ. Chuyện này không có, đem nhét vào trong đầu, suy nghĩ họ làm gì. Cho nên vào tu các vị cư sĩ phải quên hết chuyện đời đi. Trong đây không có chuyện vợ chồng, chỉ có huynh đệ tu với nhau. Tại sao ta lại truyền cái này? Vì khi thọ giới xong đi về nhà tu nhưng phải ráng giữ tám giới. Nên quý Phật tử về đây muốn tu Bát quan trai thì tu nhưng không được truyền giới. Một ngày an lạc là ngày cắt những gia duyên ràng buộc cho thanh tịnh giải thoát theo Tăng. Cả đời tu không được, nên tu một ngày cũng tốt, để kết duyên với đạo, để sau này xuất gia. Nên nhìn Kinh điển, Giới luật, sự vật, sự việc bằng lăng kính Đại thừa là nhìn bằng trí tuệ.
Khi đọc Kinh Duy Ma Cật, chúng ta sẽ thấy điều này. Môi trường phạm giới không có, bày ra giới để làm gì để tốn công suy nghĩ.
Nhìn theo Đại thừa là nhìn Báo thân của Đức Phật, cách xử sự trong từng trường hợp khác nhau. Tất cả chúng ta đều căn cứ theo cách xử sự của Ngài để tập. Báo thân của Đức Phật là hành động, suy nghĩ, lời nói của Ngài. Đương nhiên, lời nói và hành động gắn liền với suy nghĩ nên việc làm của Đức Phật có tác động tốt vào xã hội vì tư tưởng chỉ đạo bên trong rất quan trọng. Nên ta nói Đức Phật hơn mọi người ở chỗ: Tất cả chúng sanh là lời nói và hành động là do nghiệp chỉ đạo nhưng Đức Như Lai là do trí tuệ chỉ đạo. Thân khẩu ý tùy trí tuệ hành. Chúng sanh là thân khẩu ý tùy nghiệp hành, nghiệp bên trong như thế nào bộc lộ thế đấy, mình bực tức quá nên đánh đập, mắng chửi người ta,… Hành động, lời nói này do tâm bực tức bên trong mà khởi lên. Trong khi Đức Phật có trí tuệ chỉ đạo, như có người đến chửi mắng, dùng trí tuệ mà nhìn thấy do nhân duyên nên mới có chuyện này. Tất cả đều có nhân duyên, có trí tuệ sẽ thấy điều đó. Thấy rõ được như vậy nên mới thấy độ được ai thì nên đến chỗ đó. Như Đức Phật độ Vô Não trở thành A la hán, nhưng Đức Phật chỉ độ một tên sát nhân này thành A la hán, không phải độ tất cả các tên sát nhân khác thành A la hán vì Ngài có trí tuệ thấy rõ hết nhân quả ba đời, thấy thời cơ chín muồi nên Đức Phật đến độ. Chúng ta có độ được không?
Tôi thường suy nghĩ, nếu bây giờ, ngay tại đây, Đức Phật sẽ nói và làm gì? Đặt câu hỏi này, ta dùng trí tuệ để trả lời và sẽ hành động giáo hóa và hoằng pháp theo. Như thế chúng ta mới tồn tại được. Tôi nhận trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp 25 năm nên có kinh nghiệm này. Ta muốn làm người trí tuệ, ta phải học theo người có trí và xử sự theo người có trí, không xử sự theo nghiệp. Nếu xử sự theo nghiệp, nghiệp chọc tức, mình nổi khùng lên, nguy hiểm vô cùng.
Tôi từng mắc sai lầm một lần vào năm 1963. Một số Tăng Ni trẻ làm đơn xin tự thiêu. Khi mình hứng lên, người ta khích mình, mình muốn thiêu chơi, thấy người ta thiêu thân, mình cũng muốn thiêu để làm Bồ tát, làmThánh. Còn trẻ có chí lớn hay bị như vậy. Lúc đó, tôi gặp một vị cao Tăng nhắc một điều, làm tôi dừng lại: “Ông thấy quá trình tu của ông có bằng ông Quảng Đức không? Khi nào bằng ông Quảng Đức mới thiêu.” Hòa thượng Quảng Đức ít nhất cũng có 49 năm trì kinh Pháp Hoa, rèn luyện đạo lực, cho nên có một sức chịu đựng phi thường. Tôi từng chứng kiến Ngài nhịn đói suốt một tuần lễ không hề hấn gì. Trước khi tự thiêu, Hòa thượng không ăn, thử xem có đói không. Không cảm giác đói, khát, nóng, lạnh, mới tự thiêu được, trụ định được. Chưa trụ định được không nên thiêu. Từ đó, tôi mới thức tỉnh. Nếu chưa có trí tuệ phải nhờ thiện trí thức khai ngộ, chúng ta mới nhận ra được. Cho đến hôm nay, tôi còn tồn tại nơi đây là nhờ gặp được các thiện tri thức. Nếu gặp ác ma cũng tiêu từ lâu.
Cho nên, sau này chúng ta đi ra hoằng pháp nhớ cẩn thận. Đức Phật luôn luôn có trí tuệ chỉ đạo. Nếu chúng ta chưa chứng đắc, phải cần có thiện tri thức khai thị, chỉ bảo, đừng tự mãn, đừng vì bực tức mỗi lần chúng ta bực tức, cảm thấy khó chịu, biết nghiệp mình còn nặng cần phải lo chỉnh sửa lo tu. Cố gắng để sau này hy vọng có thể tồn tại và giữ được đạo lâu dài.
HT. Thích Trí Quảng