Viếng chùa Giác Hoa lần thứ hai, vào ngày 30/11/2017 tôi đã may mắn được Sư cô Thích nữ Nghiêm Thành, trụ trì ngôi đại tự, tiếp thân mật và có cuộc trò chuyện giàu thông tin.
Sư cô Nghiêm Thành đồng thời là Ủy viên TT Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu phụ trách Ban kinh tế tài chính, Phó hiệu Trưởng Trường TCPH Ni đặt tại ngôi chùa này. Sư cô vừa dự Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII tại Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội) về.
Đầu tiên tôi được nghe lời kể của sư cô về buổi đầu gian nan gầy dựng lại ngôi đại tự khi sự tu học không liên tục, có gián đoạn do hoàn cảnh lịch sử và nhiều lý do khác. Một Ni sinh trẻ người Gò Vấp – TP.HCM, sau những lần cùng bạn đồng học về thăm Bạc Liêu đã bén duyên nơi đây và gánh vác trách nhiệm nặng nề là cả câu chuyện dài có cả nước mắt và nhiều nước mắt, nguyên văn câu chữ Sư cô Nghiêm Thành dùng trong câu chuyện:
Xin chia sẻ tóm tắt nội dung cuộc trao đổi ngắn này:
Hỏi: Thưa sư cô, trong tư liệu đã công bố về truyền thống ngôi chùa, còn có chi tiết nào còn tính mới không ạ?
Sư cô Nghiêm Thành: Có một chi tiết thú vị dễ ngộ nhận, đấy là có hai vị Ni cùng một Pháp danh Diệu Ngọc. Vị thứ nhất chính là cô Hai Ngó và người còn lại, cũng một vị Ni thân thiết với cô hai, đấy là vị Ni về huyết thống thuộc gia tộc của sư cô (trụ trì đương nhiệm). Thông thường người ta nghĩ chỉ có một Sư cô Diệu Ngọc.
Hỏi: Thưa sư cô, công tác đào tạo Ni ở Giác Hoa được nối tiếp như thế nào, từ khi sư cô nhận trách vụ trụ trì?
Sư cô Nghiêm Thành: Thời điểm 1927 công tác đào tạo Ni ở Giác Hoa cho cả vùng Nam Bộ chính thức đi vào nề nếp và được coi như trung tâm giáo dục đào tạo Ni cho vùng. Nhưng do lịch sử và nhiều lý do, công tác ấy có gián đoạn. Khi sư cô về được vài năm, việc giáo dục đào tạo Ni cho tỉnh nhà được gầy dựng lại và ngày nay Giác Hoa trở thành một cơ sở đào tạo Ni bậc trung cấp thuộc hệ thống đào tạo thống nhất của Giáo hội.
Hỏi: Thưa sư cô, từ khi nhận trách nhiệm lãnh đạo Giác Hoa tự, một công trình có giá trị kiến trúc đặc sắc của Phật giáo vùng sông nước, việc trùng tu xây dựng được thực hiện cẩn trọng như thế nào để không tổn thương nguyên mẫu?
Sư cô Nghiêm Thành: Công việc ấy được tiến hành hết sức thận trọng và có ý thức cao.
Hỏi: Đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư trong khu vực chùa được quan tâm như thế nào, thưa sư cô?
Sư cô Nghiêm Thành: Như đã nói, do nhiều nguyên nhân, việc tu học sinh hoạt Phật giáo ở Giác Hoa không liên tục và khi sư cô nhận trách nhiệm ở đây, đời sống tâm linh của bà con khá bi quan. Nhớ chuyện vui mà đau: Khi tôi mới về, không ít bà con ở đây thay vì gọi là “sư cô” lại là… thím! Nhưng bây giờ đã đỡ nhiều, số bà con quy y khá đông đảo và tình hình trị an đã ổn định từ khu vực được coi là nóng nhất địa phương.
Kết thúc cuộc trao đổi, tôi đã viếng Giác Hoa tự, trò chuyện với các em học sinh THPT hành hương. Thêm một lần hít thở không khí không khí trong lành ở vùng đất cửa ngõ Bạc Liêu, lễ Phật và nghe vinh dự được lắng lòng cùng câu chuyện của vị Ni quê hương bản quán tận Sài Gòn về miền Cực Nam thực hiện sứ mệnh người con Phật, kế tiếp công nghiệp của vị khai sơn tạo tự.
Sứ mệnh ấy không nhẹ nhàng.
Nguyễn Thành Công (Phatgiao.org.vn)