Thứ Hai, 18 Tháng Ba 2024
Truyện ngắnTrâu cũng biết nghe... Kiều

Trâu cũng biết nghe… Kiều

  Chuyện kể rằng, hồi xưa đó, có một chàng thư sinh luôn tự phụ rằng mình sành truyện Kiều. Một lần dạo trên đường trong ngày đầu năm nhân lễ cày tịch điền, thấy một cô gái đang cày dưới ruộng mười phần xinh đẹp, anh ta bèn ướm một câu:

Đến đây hỏi thật Thúy Kiều
Có thương Kim Trọng ít nhiều hay không?

Chẳng ngờ cô gái đi cày kia cũng là một tay “chẳng phải dạng vừa đâu”. Cô mỉm cười nhìn lên, mà tay vẫn cứ đánh trâu đi tới, nói với lên:
– Anh giỏi “Kiều” đến thế kia à? Nếu thật tình anh có lòng với em thì anh cứ thử đọc một câu Kiều sao cho con trâu của em đứng lại. Em sẽ có thì giờ nói chuyện với anh.
Anh học trò mừng lắm:
– Tưởng gì chứ thế thì dễ như chơi. Cô xem đây này:
Trong vòng tên đạn bời bời
Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.
Anh học trò thét mạnh khi đọc chữ “đứng”, nhưng lạ thay, con trâu vẫn cắm cúi đi. Tưởng con trâu nghe không rõ, anh lại đọc câu khác:
Tần ngần đứng suốt giờ lâu
Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.
Con trâu vẫn không chịu nghe lời. Cô gái cười ngặt nghẽo bảo chàng trai:
– Anh thuộc “Kiều” đấy, nhưng hình như anh không thuộc về chuyện cày bừa cho lắm, nên anh không hiểu cách nói cho trâu nghe. Anh nghe em đọc đây:
Đội trời, đạp đất ở đời
Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Đông.
Quả nhiên, con trâu đứng lại ngay. Cô gái thấy chàng thư sinh ngại ngùng, bèn khuyến khích:
– Thôi, lúc nãy chỉ vì vội vàng, anh nhớ không kịp. Bây giờ, con trâu đã đứng lại, nhờ anh đọc một câu khác cho nó đi.
Anh chàng quyết tâm gỡ thẹn, liền đọc ngay:
Nàng rằng phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng quyết lòng ra đi.
Lần này, con trâu đi thật, nhưng đến đầu bờ thì đứng lại. Anh ta đọc tiếp:
Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!
Mặc dù anh cố nhấn mạnh và kéo dài tiếng “rẽ”, con trâu chẳng nhúc nhích tí nào. Anh đọc đến lần thứ hai mà vẫn vô hiệu. Cô gái vừa buồn cười, vừa thương hại mới bảo:
– Anh bảo nó rẽ, nhưng nó biết rẽ ngã nào? Vậy, bây giờ em đã cày đến chỗ này, nếu muốn nó rẽ sang bên phải, phải đọc thế này:
Trộm nghe kẻ lớn trong nhà
Ở vào khuôn phép nói ra mối giường.
Vừa nghe tiếng “tắc”, con trâu đã ngoan ngoãn quay đầu sang bên phải ngay. Anh chàng biết rõ là mình tuy chữ nghĩa làu làu nhưng không gắn bó với ruộng đồng, nên đã hai lần chịu thua. Để làm hòa với cô gái, anh cố nhớ lại trong đầu công việc nhà nông của bố mẹ anh ở nhà, rồi ngập ngừng nói:
– Phải, phải! Tôi quên đi mất! Thế bây giờ muốn cho nó đi về bên trái thì đọc câu này phải không cô: “Một vùng cỏ mọc xanh rì”?
Con trâu đang đi, bỗng nhiên như muốn quay mình trở lại. Cô gái cũng thầm khen anh chàng vừa thuộc “Kiều” vừa chân thành, liền gật đầu:
– Đúng đấy! “Đập” (đi), “họ” (đứng), “tắc” (rẽ phải), “rì” (rẽ trái). Truyện Kiều cũng có đủ chữ để dùng trong phép điều khiển trâu cày đấy anh ạ.

Chàng thư sinh lại càng thầm cảm phục cô gái xinh đẹp đang cày dưới ruộng chẳng thua kém gì mình về chữ nghĩa của truyện Kiều cả. Bởi vậy, đừng bao giờ nói rằng: “Nữ nhi thường tình” nhé!

Đàm Vũ Tri

Tin khác

Cùng chuyên mục