Chủ Nhật, 28 Tháng Năm 2023
TIN TỨC TP. HCM: KINH VÔ LƯỢNG THỌ DO NS. THÍCH NỮ HƯƠNG NHŨ...

TP. HCM: KINH VÔ LƯỢNG THỌ DO NS. THÍCH NỮ HƯƠNG NHŨ GIẢNG TẠI CHÙA PHƯỚC VIÊN

Sáng ngày 07/5/2023 nhằm ngày 18 tháng 3 năm Quý Mão. Tại chùa Phước Viên số 318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. NS.Thích Nữ Hương Nhũ đã có buổi thuyết giảng  “Kinh  Vô Lượng Thọ”, phẩm thứ 12 “ Ánh sáng Chiếu khắp“.Phẩm này nói về sự thành tựu của nguyện mười ba “Quang minh Vô lượng” và nguyện mười bốn “được quang minh chiếu thấu liền được an lạc”. Nguyện mười ba là “Quang minh Vô lượng”, “vượt trỗi chư Phật”. Do nguyện này được thành tựu nên “Oai thần, quang minh của A Di Ðà Phật tối tôn đệ nhất. Mười phương chư Phật chẳng thể sánh bằng”. Vốn là do đời trước lúc cầu đạo đã nguyện được công đức.“Hằng sa” là cát con sông Hằng (Gange) ở Ấn Ðộ. “Tứ duy” (bốn góc) là bốn phương ở giữa các phương Ðông, Tây, Nam, Bắc. Có lớn hay nhỏ sai khác, nên ánh sáng cũng sai biệt. Phật có đảnh quang và thân quang, “Đảnh thượng viên quang” chỉ đảnh quang.

“Do-tuần”  là đơn vị đo khoảng cách của Ấn Ðộ, là số dặm hành quân trong một ngày của bậc đế vương thời cổ. Do-tuần là bốn mươi dặm hay ba mươi dặm. Bản chú giải kinh Duy Ma của ngài Tăng Triệu ghi: “Do-tuần là tên gọi một số dặm của Thiên Trúc. Thượng do-tuần là sáu mươi dặm, trung do-tuần là năm mươi dặm, hạ do-tuần là bốn mươi dặm”.

Sở dĩ có sự sai khác như vậy là vì từ cổ đến nay giữa hai nước Ấn Ðộ và Trung Hoa, việc hoán chuyển đơn vị đo lường thường thay đổi luôn. Hơn nữa, số dặm hành quân trong một ngày chẳng phải là một hằng số, nên chẳng thể lấy nhất định một con số nào.

Các câu từ “nhất do-tuần” đến “bách thiên Phật sát” (trăm ngàn cõi Phật) là dùng các cách so sánh để diễn tả quang minh của Phật chiếu xa hay gần. Câu “duy A Di Đà Phật quang minh phổ chiếu vô lượng vô biên vô số Phật sát” (chỉ riêng A Di Ðà Phật quang minh chiếu trọn vô lượng vô biên vô số cõi Phật) diễn tả sự thù thắng độc đáo của quang minh của A Di Ðà Phật nhằm chứng minh quang minh của Phật tôn quý bậc nhất, vượt trỗi mười phương. Ðấy chính là nội dung thứ nhất của phẩm này.Tiếp đó, kinh trình bày nguyên nhân tại sao quang minh của Phật Di Ðà lại đặc biệt thù thắng nhất. Phẩm trước đã nói: “Thanh tịnh trang nghiêm siêu du thập phương” (Thanh tịnh trang nghiêm vượt trỗi mười phương), phẩm này lại bảo: “Thập phương chư Phật, sở bất năng cập” (Mười phương chư Phật chẳng thể sánh bằng). Tiếp đó lại bảo: “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (Tôn quý nhất trong các quang minh, vua trong các đức Phật). Trong pháp bình đẳng mà lại có những sự sai biệt như vậy là vì trong đời trước khi cầu đạo đã có những bổn nguyện sai khác.

Ðại nguyện thứ mười ba của Phật Di Ðà là: “Ngã tác Phật thời, quang minh vô lượng, phổ chiếu thập phương, tuyệt thắng chư Phật, thắng ư nhật nguyệt chi minh thiên vạn ức bội” (Lúc tôi thành Phật, quang minh vô lượng chiếu khắp mười phương vượt xa chư Phật, hơn cả quang minh của mặt trời, mặt trăng ngàn vạn ức lần). Bởi vậy nên “chí tác Phật thời, các tự đắc chi, tự tại sở tác, bất vi dự kế” (đến khi thành Phật, mỗi vị tự đạt được, tự tại thành tựu, chẳng thể tính trước), nghĩa là: Đến khi thành Phật, mỗi vị đều đúng như bổn nguyện mà hiện quang minh. Ðấy đều là việc tự nhiên thành tựu, chứ chẳng thể do mình muốn hoạch định hoặc an bài được.

Mười hai danh hiệu quang minh thù thắng. Mười hai thứ quang minh ấy được gọi là Thập Nhị Quang Phật, đều là những danh hiệu khác của Vô Lượng Thọ Phật, cũng chính là Quả Giác của ngài Pháp Tạng khi đã thành Phật.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy: “Đại Thế Chí, dữ kỳ đồng luân ngũ thập nhị Bồ Tát, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, nhi bạch Phật ngôn:

– Ngã ức vãng tích hằng hà sa kiếp, hữu Phật xuất thế, danh Vô Lượng Quang. Thập nhị Như Lai tương kế nhất kiếp, kỳ tối hậu Phật, danh vi Siêu Nhật Quang Phật, bỉ Phật giáo ngã Niệm Phật tam-muội”

(Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng năm mươi hai vị Bồ Tát đồng hàng với Ngài liền từ tòa đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng:

– Con nhớ trong hằng hà sa kiếp xưa kia có Phật xuất thế tên là Vô Lượng Quang. Mười hai vị Như Lai liên tục xuất hiện trong một kiếp. Vị Phật sau rốt tên là Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật, đức Phật ấy dạy con Niệm Phật tam-muội).

Mười hai vị Quang Phật trong kinh này chính là mười hai đức Như Lai trong hằng hà sa kiếp quá khứ. Kinh Cửu Phẩm Vãng Sanh A Di Ðà Tam Ma Ðịa Tập Ðà Ra Ni trong Mật bộ cũng chép: “Thị nội tòa thập nhị mạn-đà-la Đại Viên Kính Trí tượng, kỳ danh vi Nhất Thiết Tam Đạt Vô Lượng Quang Phật… Trí Lực Tam Minh Siêu Nhật Quang Phật” (Hình tượng báu của Ðại Viên Kính Trí trong mười hai mạn-đà-la ở nội tòa có tên là Nhất Thiết Tam Ðạt Vô Lượng Quang Phật… Trí Lực Tam Minh Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật); câu ấy rất phù hợp với kinh này.

“Nếu gặp được quang minh của A Di Ðà Phật chiếu đến thì sẽ giải thoát các sự ràng buộc nơi ý nghiệp, vào nhà Như Lai, rốt ráo đắc ý nghiệp bình đẳng”. Ðấy chính là ý nghĩa của câu “nhờ quang minh chiếu nên được hiểu”.

“Vô Biên Quang Phật”: Tán A Di Ðà Phật Kệ viết: “Giải thoát quang luân vô hạn tế, cố Phật hựu hiệu Vô Biên Quang, mông quang xúc giả ly hữu vô, thị cố khể thủ Bình Đẳng Giác” (Vầng ánh sáng giải thoát không ngằn mé, nên Phật lại có hiệu là Vô Biên Quang; kẻ được quang chiếu soi bèn lìa hữu, vô. Vì vậy, kính lễ đấng Bình Ðẳng Giác). 

“Vô Ngại Quang Phật”: “vô ngại” nghĩa là “quang minh không chướng ngại”; “vô ngại” là “tự tại”. “Quang vân vô ngại như hư không, cố Phật hựu hiệu Vô Ngại Quang. Nhất thiết hữu ngại mông quang trạch, thị cố đảnh lễ Nan Tư Nghị” (Mây quang minh vô ngại như hư không, vì thế Phật lại có hiệu là Vô Ngại Quang. Hết thảy hữu ngại được quang minh nhuần thấm. Do đó, đảnh lễ đấng Nan Tư Nghị).

Ý nói: Quang minh như hư không nên vô chướng ngại; do bản thể thường tịch nên diệu dụng vô cùng, tự tại vô ngại. Do quang minh chiếu trọn khắp nên hết thảy hữu ngại (hữu tình) được hưởng lợi ích của quang minh; vì vậy quang minh là “nan tư nghị” (khó thể nghĩ bàn nổi).

Chữ “Vô Ðẳng Quang Phật” trích từ bản Ðường dịch và Tống dịch, bản Ngụy dịch ghi là Vô Ðối Quang Phật; ngài Tịnh Ảnh bảo: “Phật quang không gì đương cự nổi nên gọi là Vô Ðối”. “Bồ Tát chẳng thể bằng [Phật] nên gọi là Vô Ðối”. “Thanh tịnh quang minh vô hữu đối, cố Phật hựu hiệu Vô Đối Quang” (Thanh tịnh quang minh không ai đương cự được, vì thế Phật hiệu là Vô Ðối Quang).

Vô Ðối đồng nghĩa với Vô Ðẳng (không gì bằng được); không có gì sánh bằng nổi chính là dứt bặt đối đãi. Câu kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Ngã chân Văn Thù, vô thị Văn Thù” (Ta thật là Văn Thù, nhưng không có gì là Văn Thù) đã thể hiện ý nghĩa không gì so sánh, không gì bằng được, dứt tuyệt đối đãi: Nếu ta là Văn Thù thì hóa ra có đến hai Văn Thù. Như vậy là có đối đãi, so sánh. Do đó, ý nghĩa của danh hiệu Vô Ðẳng Quang Phật rất sâu xa vậy. “Trí Huệ Quang” như sau: “Khéo chiếu các pháp nên gọi là Trí Huệ Quang”.  “Quang minh từ tâm thiện căn chẳng si của Phật phát khởi, trừ được vô minh phẩm tâm của chúng sanh nên chính là Trí Huệ”. “Phật quang năng phá vô minh ám, cố Phật hựu hiệu Trí Huệ Quang” (Phật quang phá tan tối tăm vô minh nên Phật lại hiệu là Trí Huệ Quang).  Cùng cho rằng do phá trừ vô minh nên gọi là Trí Huệ Quang, trừ sạch tâm vô minh nhơ bẩn của chúng ta, ban cho chúng ta cái lợi chân thật nên Phật Di Ðà được xưng tụng là tôn quý nhất trong các quang minh, vua trong chư Phật. Chữ “Thường Chiếu Quang”: Thường chiếu chẳng dứt nên gọi là Bất Ðoạn Quang”, “Thường quang của Phật luôn chiếu soi làm lợi ích nên chẳng đoạn”. “Quang minh nhất thiết thời phổ chiếu, cố Phật hựu hiệu Bất Đoạn Quang” (Trong hết thảy thời quang minh chiếu trọn khắp, nên Phật lại hiệu là Bất Ðoạn Quang). Trong hết thảy thời thường chiếu trọn khắp chính là ý nghĩa của chữ “Thường Chiếu”.

“Thanh Tịnh Quang” là: “Lìa nhơ nên bảo là tịnh”, ngài Cảnh Hưng bảo: “Từ thiện căn chẳng tham của Phật phát hiện và cũng trừ được hết thảy tâm tham nhơ của chúng sanh nên là Thanh Tịnh”. “Đạo quang minh lãng sắc siêu tuyệt, cố Phật hựu hiệu Thanh Tịnh Quang. Nhất mông quang chiếu tội cấu trừ, giai đắc giải thoát cố đảnh lễ”.

Như vậy, quang minh này rạng ngời, ly cấu; lại còn tiêu trừ tham trược và tội cấu của chúng sanh nên đặt tên là Thanh Tịnh Quang.

Do vậy, Thể của một danh hiệu thanh tịnh chính là chân thật Pháp Thân, gồm trọn ba thứ trang nghiêm là cõi nước, Phật, Bồ Tát. Vì vậy, trong bản Hán dịch, danh hiệu của A Di Ðà Phật được ghi là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật. Phật Di Ðà lại có mật hiệu là Thanh Tịnh Kim Cang. Theo đó mà suy, hai chữ Thanh Tịnh mang ý nghĩa rất sâu sắc.

Với danh hiệu Hoan Hỷ Quang: “Có thể làm cho người được thấy trong lòng vui thích thì gọi là Hỷ”, “Từ thiện căn vô sân của Phật sanh ra, trừ được tâm nóng giận ganh ghét của chúng sanh nên hoan hỷ”. “Từ quang gia bị thí an lạc, cố Phật hựu hiệu Hoan Hỷ Quang “An lạc” là như kinh Pháp Hoa dạy: “Thân ý thái nhiên, khoái đắc an lạc” (Thân ý thoải mái, sung sướng hưởng an vui). Phật quang khiến cho chúng sanh an vui, mừng rỡ nên hiệu là Hoan Hỷ Quang…v.v.

Kết thúc buổi thuyết giảng, đã mang lại cho toàn thể Đại chúng khóa tu thấm nhuần pháp nhũ. Đạo tràng phát nguyện y giáo phụng hành, tinh tấn tu tập để sớm hoàn thành sự nghiệp giác ngộ, giải thoát.

Hình ảnh tại buổi giảng:

Diệu Thanh – Minh Đạt

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!