NI TRƯỜNG TỪ NGHIÊM
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NI GIỚI
Tổ đình Từ Nghiêm tọa lạc giữa trung tâm thành phố, thuộc quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được hình thành từ thập niên 50 thế kỷ XX. Từ ngoài nhìn vào, chùa nằm trong khu vực dân cư, gần chợ Nhật Tảo, chợ Nguyễn Tri Phương. Mặt tiền chùa quay về hướng Bắc, hướng ra đường Bà Hạt, phía Tây là đường Nguyễn Tri Phương, phía Đông giáp đường Nguyễn Duy Dương, sau chùa là hẻm hướng ra đường Vĩnh Viễn.
Chùa Từ Nghiêm, phố Bà Hạt được ghi vào quyển: “Sài Gòn Năm Xưa” của Vương Hồng Sển: “Từ Nghiêm Tự, số 415 – 417, đường Bà Hạt của nhóm Ni cô”, trong đó chùa Từ Nghiêm được liệt kê cùng chùa Ấn Quang, chùa Giác Ngộ, chùa Phụng Sơn, chùa Hưng Long, chùa Pháp Hội… trong mục “Chùa chiền”. (1) Hiện nay, chùa Từ Nghiêm cùng với Việt Nam Quốc Tự, chùa Ấn Quang, chùa Giác Ngộ, là một trong những ngôi đại tự của Phật giáo quận 10 nói riêng, của Phật giáo Thành phố nói chung. Với sự kiện tự thiêu của Phật tử NHẤT CHI MAI (pháp danh Diệu Quỳnh) năm 1967, cùng sự xuống đường biểu tình tranh đấu chống đàn áp Phật giáo của Ni chúng vào thời gian đó, nên chùa được công nhận là Di Tích Lịch Sử cấp Tỉnh, Thành phố vào năm 2009 (Quyết định số 3128/QĐ-UBND, ngày 25/06/2009).
1. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
1. 1. Kiến trúc nghệ thuật
Chùa Từ Nghiêm có tổng diện tích gần 1200m . Trước năm 1959, chùa chỉ là ngôi chùa lá nằm trong khuôn viên có vườn cây cối. Năm 1959, chùa được xây dựng lại với qui mô vốn bằng vật liệu bê tông cốt sắt, do Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện đảm trách, cũng là vị kiến trúc sư đã xây nhiều ngôi đại tự tại Sài Gòn, như chùa Ấn Quang, chùa Huê Lâm…
Đến năm 1963, công trình được hoàn thành với các hạng mục kiến trúc gồm: Cổng chùa; khối trung tâm gồm giảng đường tầng trệt và chính điện ở tầng 1; dãy bên phải là các dãy thuộc văn phòng và khách đường, phía sau là khu hậu Tổ và Ni xá.
Cổng chùa dạng tam quan với cửa lớn ở giữa và lối nhỏ cho người đi lại ở hai bên, cổng được xây dựng vững chắc bằng vật liệu xi măng cốt sắt. Chính giữa cổng chùa ghi: “TỪ NGHIÊM TỰ”. Hai trụ cổng có hàng câu đối bằng chữ hán:
慈 是 發 輝 真 實 德 (Từ thị phát huy chân thật đức)嚴 原 顕 露 大 悲 心 (Nghiêm nguyên hiển lộ đại bi tâm)
Sân chùa có tượng Quan Âm lộ thiên, được xây dựng vào khoảng thập niên 80.
Giảng đường tầng trệt có không gian rộng. Tại vách tường nhìn ra toàn thể Quá đường là nơi thờ tôn tượng đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Trước chính điện là tiền điện, tại đây có đặt lư hương lớn ở giữa, bằng xi măng, đá rửa. Bên trái là nơi lưu niệm di tích lịch sử NHẤT CHI MAI, sát tường gắn bảng đồng ghi tên 31 tổ chức chính trị – xã hội đã tham gia lễ truy điệu cầu siêu cho Phật tử Nhất Chi Mai tự thiêu ở tiền điện. Bên phải là nơi để bàn thờ phụng thỉnh các anh hùng liệt sĩ và vong nhi.
Chính điện có không gian rộng rãi, thoáng mát với điện chủ là Phật Thích Ca, phía dưới tòa sen Phật Thích Ca là ba tôn tượng Tây phương Tam Thánh, hai bên thờ tôn tượng Bồ tát Địa Tạng và Bồ tát Quan Âm. Bên ngoài, thờ tượng Phật đản sinh và tượng Phật Di Lặc.
Phía sau chính điện thờ Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi, dưới chân Tổ thờ chư vị Hòa thượng hữu công Phật giáo Việt Nam. Nối liền với khối chính điện là hậu Tổ, với diện tích chừng 50m , có đặt bàn thờ Sư trưởng Như Thanh ở giữa, hai bên là ban thờ có di ảnh, bài vị các chư Ni trưởng ban Quản trị Ni bộ.
Năm 1992, chùa xây thêm 2 tầng lầu bên phải từ ngoài nhìn vào, làm khu Ni xá, dưới tầng trệt là nhà Trù, nơi để chư Ni phối cổ và lo phần ẩm thực, trai diên.
Đến năm 2009, chùa được đại trùng tu. Khu Ni xá và hậu Tổ phía sâu bên trong chùa, khu này được kiến thiết thành 6 tầng lầu, gồm tầng hầm, tầng lửng, tầng hậu Tổ nối liền với chính điện, tầng Ni xá, tầng thư viện và văn phòng của Phân ban Ni giới Trung ương; trên cùng là sân thượng, có thờ Tây phương Tam thánh, nơi để cho chư Ni nội viện tụng kinh, tọa thiền.
1.2. Các mốc lịch sử phát triển chùa
Chùa Từ Nghiêm được biết đến từ trước năm 1950, cho đến năm 1954, ngôi chùa còn là am nhỏ dạng nhà gỗ, mái lợp lá, xung quanh toàn cây cối do Hòa thượng Thích Đạt Từ (nguyên Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt) quản lý. Những năm sau này, Hòa thượng Đạt Từ giao lại cho chư Ni, nhằm hỗ trợ cho chư Ni có chỗ xây dựng thành chùa Ni, để tiện bề sinh hoạt Phật sự.
a. Phật học đường Nam Việt – Trụ sở Ni
Phật học đường Nam việt, trụ sở Tăng đặt tại chùa Ấn Quang, trụ sở Ni đặt tại chùa Từ Nghiêm. Khi ấy, Ni trường Từ Nghiêm chỉ là ba gian nhà lá, Ni chúng khoảng 40 người. Như vậy, giai đoạn khởi nguyên của chùa Từ Nghiêm vào trước sau của thập niên 50, do nhu cầu tu học cũng như lãnh thọ giới pháp của nhị bộ đại Tăng, quý Hòa thượng thuộc khối Ấn Quang, đặc biệt là Hòa thượng Đạt Từ, đã nhường ngôi Từ Nghiêm cho Ni giới, để kiến tạo thành trụ sở Ni, sinh hoạt Phật sự với Tăng bộ là chùa Ấn Quang.(2)
b. Trụ sở Ni Bộ Nam Việt
Năm 1959, Từ Nghiêm được chọn là trụ sở Ni bộ Nam Việt. Tại đây có văn phòng của Ban Quản trị, điều hành mọi tổ chức hành chính của chư Ni miền Nam, từ Bình Tuy đến Cà Mau. Ni bộ tỉnh phải liên lạc mật thiết với Ni bộ Trung ương, thực hiện các chương trình do Ban Quản trị Ni bộ đề xuất, kiểm soát việc tu học, giới đức của Ni chúng trong tỉnh mình, những yêu cầu cấp thiết về Giảng sư, Giáo thọ hoặc Trụ trì. Ni bộ Trung ương có thể bổ nhiệm nhân sự về các tỉnh. Ni bộ Nam Việt có bản nội quy Ni bộ Nam Việt do Giáo hội Tăng già Nam Việt cho phép ban hành trong Ni chúng, làm mẫu mực cho mọi hoạt động của Ni giới miền Nam.(3)
c. Trụ sở Ni bộ Bắc tông
Kể từ năm 1964 đến 1975, chùa Từ Nghiêm là trụ sở Ni bộ Bắc tông. Ni bộ Bắc tông là sự kế thừa của Ni bộ Nam Việt, nên lãnh đạo tổ chức và đường lối sinh hoạt của Ni chúng không có gì thay đổi, chỉ phát huy thêm phương diện giáo dục hoằng pháp, và đẩy mạnh các công tác từ thiện – xã hội trong thời kỳ đất nước chiến tranh.
Đại hội Ni bộ Bắc tông đã diễn ra trọng thể trong 3 ngày, từ ngày 29-31/12/1972 (nhằm ngày 24-26/11 Nhâm Tý) tại chùa Từ Nghiêm. Đại hội tổng kết được khá nhiều lĩnh vực: Tổng số chùa Ni gần 200 ngôi; số lượng Ni chúng gần 1.500 vị; Phật học viện 4 nơi: Ni trường Từ Nghiêm, Ni trường Dược Sư tại Sài Gòn, Ni trường Diệu Quang tại Nha Trang và Diệu Đức tại Huế; 30 lớp Phật pháp sơ cấp thuộc tự viện; 71 lớp trung học tiểu học Kiều Đàm; 41 ký nhi viện; 6 cô nhi viện; 12 phòng phát thuốc; 2 ký túc xá sinh viên nữ… đại hội cũng đề ra phương hướng hoạt động cho các mặt tài chính, xã hội, văn hóa, giáo dục, từ thiện, tu dưỡng, cũng như thành lập thêm các Phật học viện chuyên tu thiền tịnh, cùng việc giao lưu thăm hỏi để nối kết Ni giới các tỉnh thành.
d. Giới Trường Ni
Từ 1961 đến 2013, chùa Từ Nghiêm là Giới trường truyền thọ 3 đàn Tỳ-kheo -ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni. Từ năm 2013 trở đi, do số lượng giới tử tăng lên khá nhiều, Giới trường Từ Nghiêm không đủ sức chứa số lượng lên đến ngàn chư Ni, nên chỉ là giới trường truyền thọ Cụ túc giới cho giới tử Tỳ-kheo-ni. Chùa Kim Sơn, chùa Dược Sư là những giới trường truyền thọ Thức-xoa-ma-na giới, chùa Huê Lâm, là giới trường truyền thọ Sa-di-ni giới. Tính đến thời điểm hiện tại, tổ đình Từ Nghiêm đã trải qua 21 kỳ Đại Giới đàn.
e. Văn phòng Phân ban Ni giới Trung ương
Năm 2009, Ni giới được cho phép thành lập Phân ban Ni giới trực thuộc Ban Tăng sự của Giáo hội PGVN, Từ Nghiêm được chọn là trụ sở Văn phòng Phân ban Ni giới Trung ương Hằng năm, chùa Từ Nghiêm đều mở Hạ tập trung cho Ni giới Thành phố nói chung và Ni giới quận 10 nói riêng. Năm 2019, dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự thượng Trí hạ Quảng, khóa An cư kiết Hạ đã được diễn ra, nhất là khóa An cư kiết Hạ ngắn hạn 10 ngày của chư Tôn túc Ni trưởng, quý ngài đã quy tụ về tu chung, trao đổi kinh nghiệm tu tập, truyền trao kỹ năng hoằng pháp cho chư Ni trẻ, cũng như nối kết các thế hệ chư Ni.
2. NHỮNG DẤU ẤN SÂU ĐẬM
Hơn 60 xuân thu, Từ Nghiêm từ một ngôi chùa lá đã trở thành ngôi tự viện kiên cố, trang nghiêm. Ngôi chùa là nhân chứng cho bao thăng trầm biến đổi của cuộc đời, từ khi đất nước còn trong chinh chiến, cho đến thời hòa bình. Khi là trụ sở Ni của Phật học đường Nam Việt chùa chỉ có hơn 60 chư Ni trú ngụ, đến khi Từ Nghiêm là Trụ sở Ni bộ Nam Việt, chùa có đến hơn 80 vị, trước và sau khi Đại hội Ni bộ Bắc tông, số lượng chư Ni lên đến 120 vị, có lúc chư Ni câu hội về học Hạ hơn 200 vị. Vì là giới trường Ni tại đất Sài Gòn, nên chư Ni tu trong khoảng thời gian từ 1961 đến nay, đều trở về Từ Nghiêm thọ giới tu tập, hẳn nhiên Từ Nghiêm đã trở thành Giới trường tâm linh của toàn thể chư Ni, chí ít là chư Ni miền Nam. Ngoài những dấu ấn sự kiện hoạt động Phật sự trong 60 năm, điều mà Từ Nghiêm còn lưu lại, chắc chắn là âm đức, là tình cảm của những người đã từng gắn bó, đã từng lưu dấu bước chân tu tập và hành đạo…
Cố Ni trưởng thượng Như hạ Hải (1934 – 2018), nguyên Trưởng ban Quản trị Tổ đình Từ Nghiêm từ năm 2007, Giám luật Đại giới đàn Trí Đức 2015 đã khai đạo cho giới tử: Sư vào chùa Từ Nghiêm năm 1961, tính đến nay đã gần 60 năm, nhìn thấy biết bao công đức quý Sư bà Ban Quản trị, sự nối kết của chư Ni các tỉnh thành. Sư tài hèn đức mọn, nên Sư trưởng Như Thanh dạy sao sư làm vậy. Sư trưởng chính là vị Thầy tối thượng của Ni giới, của chư Ni Từ Nghiêm. Hơn 30 năm là Quản chúng của Từ Nghiêm, nên Sư chứng kiến rất nhiều lớp Ni chúng ra vào. Những vị nào tu hành giữ gìn giới luật, thì vẫn tu đến bây giờ, còn những vị mà học giỏi nhưng xao nhãng việc giữ giới, thì phần nhiều đã hoàn tục. Vậy nên quý giới tử cần nhớ, Giới luật rất quan trọng trong đời sống thiền môn: có Giới, mới có Định, rồi mới sanh Huệ, đó là lộ trình tất yếu để Ni giới tiến tu đạo hạnh.
Nói về dấu ấn Từ Nghiêm, cố Ni trưởng chia sẻ: Sư ở Từ Nghiêm, cảm nhận được sự nối kết, sự hòa hợp, sự dấn thân của quý đại lão Ni trưởng, nhất là Sư trưởng Như Thanh. Quý Ngài đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp đào tạo Ni tài, phục vụ nhân sinh. Học được ý chí cao cả đó, 6ư chỉ nguyện là tòa sen cho Phật, nguyện làm người giữ nhà, quét vườn Từ Nghiêm cho thật trang nghiêm để là nơi cho chư Ni vân tập về tu tập và hành đạo…
Với cương vị Quản chúng Từ Nghiêm từ những năm sau giải phóng đến năm 2007, cố Ni trưởng nghiêm trì Giới luật, cũng như truyền dạy và dịch kinh sách liên quan đến Luật học, như Bồ Tát Tâm Địa Phẩm, Lược yếu Tứ Phần Tỳ Kheo Ni, Kiền độ thọ giới… Ni trưởng cũng có nhiều bài thơ cảm tác, ảnh hưởng văn phong giáo lý Bát Nhã của Sư trưởng Như Thanh, trong đó có thể kể đến bài thơ sau:
… Làm sao níu được thời gian
Cho con trẻ mãi trên đường vân du
Vân du vào cõi chân như
Thấy xưa cũng vậy bây giờ là đây
Bấy lâu xa cách mặt mày
Bây giờ nhìn lại tự ngay chính mình
Thấy Phật cùng với chúng sinh
Khác chăng là bóng với hình mà thôi
Khi mê xa cách muôn ngàn
Ngộ rồi chỉ một tấc gang không rời…”
Lúc gần viên tịch, trong tâm Ni trưởng cũng không thôi nhắc đến hai chữ “Từ Nghiêm”.
Ni trưởng Như Xuân – Trưởng Ban Quản trị Tổ đình Từ Nghiêm, hồi tưởng: Năm 1961, tôi và sư Hải (cố Ni trưởng Như Hải) nhập chúng Từ Nghiêm, chùa lúc đó chỉ mới xây xong nền móng, Ni chúng lúc đó khoảng 60 vị. Ni chúng vừa tu vừa học, vừa làm thêm đồ chay để thêm ngân khoản xây chùa. Lúc đó chùa đang mở lớp học kinh bộ và luật học, Giáo thọ sư có Hòa thượng Thiền Định, Hòa thượng Thiện Hoa…, Sư trưởng Như Thanh, Sư bà Thanh Lương, Sư bà Huyền Huệ, Sư bà Như Chí …
Năm 1963 chùa đã hoàn công, Ni chúng dần dần câu hội về tu học. Những năm đầu mới xây dựng xong còn khó khăn, nên chùa có thêm kinh tế tự túc như phòng may, phòng phát hành kinh sách, phòng nước tương… sau giải phóng, có thêm phòng nhang. Cũng sau giải phóng, chúng luân phiên đi kinh tế mới, lãnh đất trồng trọt nông nghiệp ở Đại Tòng Lâm – Vũng Tàu, Mộc Hóa – Long An, Bình Tuy – Bình Thuận.
Nói về những vị giáo thọ thời Ni bộ Bắc tông, toàn là chư Tôn Hòa thượng uyên bác như Hòa thượng Từ Thông, Hòa thượng Chơn Lạc, Hòa thượng Thiện Nhơn, Hòa thượng Minh Thành, Hòa thượng Trí Quảng dạy kinh Pháp Hoa cho chư Ni và Phật tử… Sư trưởng dạy Duy Thức, Sư bà Tịnh Đức, Sư bà Như Quang, Sư bà Phước Hiển, Sư bà Thiền Quang… cho đến khi Giáo hội thành lập các trường Trung cấp, Phật học viện, thì chùa Từ Nghiêm chỉ mở các lớp gia giáo cho chư Ni trẻ.
Tuy chùa có Ban Quản trị, nhưng vị gắn bó với chùa là Sư bà Vĩnh Bửu (Sư bà Quản lý hay Quản viện). Đến năm 1969, Sư bà qua Nhật học thiền, năm 1972 Sư bà về nước, trụ tại chùa Thiền Đức, khoảng năm 1980, Sư bà về lại Từ Nghiêm cho đến ngày viên tịch.
Nói về dấu ấn Từ Nghiêm, Ni trưởng chia sẻ: Chùa Từ Nghiêm là trụ sở Ni bộ Nam Việt, Ni bộ Bắc tông, là đại giới trường cho chư Ni trẻ, nên chùa là nơi hội ngộ của toàn thể Ni giới, sự hội ngộ của việc tu tập, của quý Sư bà đạo cao đức trọng đã khiến cho mảnh đất Từ Nghiêm có nhiều âm đức. Những Sư bà có công sáng lập Ni bộ, cũng như gắn bó với Ni trường: Sư trưởng Như Thanh, Sư bà Diệu Kim, Sư bà Như Huệ (Sư bà Vĩnh Bửu), Sư bà Chí Kiên, Sư bà Liễu Tánh, Sư bà Như Hoa, Sư bà Giác Ngọc, Sư bà Viên Huy, Sư bà Huyền Huệ, Sư bà Tịnh Ý, Sư bà Giác Nhẫn, Sư bà Nhựt Trinh; Sư bà Diệu Hoa, Sư bà Chánh Trí, Sư bà Như Châu (Sư bà Thanh Lương), Sư bà Trí Phát, Sư bà Tịnh Hạnh… quý Sư bà nhiều lắm bây giờ có kể cũng không hết được.
Giờ những vị tu sau này, nhờ vào âm đức đó nên tu học tinh tấn. Chúng tôi từ khi được Thầy Tổ gửi vào Ni trường Từ Nghiêm tu học cho tới bây giờ, chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ rời khỏi Từ Nghiêm để đi ra ngoài Trụ trì. Từ Nghiêm trong tôi chính là Cực Lạc, là Tây phương, là quê mà tất cả chúng tôi trở về.(4)
Ni trưởng Như Thông – Phó ban Quản trị Tổ đình Từ Nghiêm, nhưng Ni chúng vẫn quen gọi Thầy Quản sự, Ni trưởng quán xuyến việc hương hỏa cho chùa, bếp núc, nhà trù, việc ẩm thực của Ni chúng.
Nói về Từ Nghiêm, Ni trưởng rất tha thiết: “Từ Nghiêm những năm mới trùng tu, thật khổ không kể xiết, Sư bà Quản viện sáng xách giỏ đi hóa duyên, chiều xách giỏ về, tối tụng kinh tu tập. Sư bà đã tập hợp được những Mạnh Thường Quân cho chùa: như vợ chồng ông bà Tố Tân, bà Đốc Cường, bà Đốc Phủ Thứ….”
Đối với Ni trưởng, dấu ấn Từ Nghiêm có lẽ là lúc mới xây chùa, những năm tháng rau dưa và những ngày tháng xuống đường biểu tình phản đối việc đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm, những ngày ấy khó khổ nhưng dễ khiến cho con người ta nhớ mãi: “… 2 giờ chiều đẩy xe ba gác qua Ấn Quang hứng nước, lượm xác mía về phơi làm củi. Trước năm 1975, quý Sư bị bắt ở tù, bị tra tấn, bị liệng mõ lên đầu… nhưng không Sư nào sợ hết… Ở trong tù tôi còn làm được vài bài thơ con cóc…”, nhìn Ni trưởng lúc cặm cụi bếp núc, đóng cái này, sửa cái kia trong chùa, hay những dòng chữ nguệch ngoạc được làm trong tù… mới hiểu hết được tình cảm của Ni trưởng đối với Tam bảo Từ Nghiêm.
Ni trưởng bảo: Nơi Từ Nghiêm này, kỷ niệm đầy nhóc… từ cây cột, cổng rào đều do chúng tôi sơn, mấy mươi năm, chùa đã thay bốn cái chảo lớn nấu cơm, đều do Như Thông sắm, liêu nhà khói cũng do tôi và Ni chúng hợp sức làm hồ mỗi ngày, tối tụng kinh xong làm tiếp, do lực của Đại chúng, cho dù có cực mà vui lắm… nhiều kỷ niệm quá, không thể kể hết được.(5)
Từ Nghiêm còn ghi dấu những vị đã tu học lúc còn học Ni, sau này đi ra hành đạo tại nơi khác. Ni trưởng Như Hảo – Trụ trì chùa Hương Quang – Đà Lạt, là vị hết lòng với Ni trường Từ Nghiêm. Mỗi lần họp chúng, họp đệ tử, Ni trưởng không quên nhắc nhở đàn hậu học về sự nghiêm khắc của quý sư bà Ban Quản trị Ni bộ “Quý Sư bà dạy chúng rất nghiêm khắc, đó chính là lò rèn luyện Giới luật, nên ai cũng thành Ni tài”. Khi Ni trưởng nhớ về Từ Nghiêm, là nhớ sự nghiêm khắc hùng tráng của quý Sư bà, nhớ trí tuệ của Sư trưởng, nhớ sự tận tâm của Sư bà Quản viện, nhớ Ni chúng trang nghiêm tu học…
Đối với Ni trưởng Nguyên Thuận, Viện chủ chùa Phước Long, dấu ấn Từ Nghiêm, có lẽ là nơi đó luôn có quý Sư bà và bạn đồng tu, về Từ Nghiêm để lạy quý Sư bà, để hàn huyên cùng Sư Hải, Sư Xuân. Vì thế nên Ni trưởng dù đã cao niên, vẫn một mình không báo thị giả, kêu taxi, xách giỏ đệm đến Từ Nghiêm, gặp được Sư Hải, Sư Xuân, nói vài câu xong về lại Phước Long.
Ni trưởng Mỹ Thuận nói về dấu ấn Từ Nghiêm: đó là những tháng ngày thanh xuân, những tháng ngày tu tập cùng pháp lữ đồng tu, tuy khó khổ nhưng đong đầy tình thầy nghĩa bạn: Mặc dù hoàn cảnh đất nước thời đó còn khó khăn mọi mặt, nhưng quý ngài hết lòng đùm bọc thương lo đàn hậu học, từ miếng ăn giấc ngủ đến sự học hành tu niệm. Quý sư bà rất tôn kính Sư trưởng Huê Lâm (Sư trưởng Như Thanh), mỗi khi Sư trưởng Huê Lâm về học viện Từ Nghiêm giảng dạy kinh luận, quý Sư bà lúc đó tuổi đã cao, nhưng vẫn cắp sách vào giảng đường để dự nghe Sư trưởng Huê Lâm giảng dạy (Sư trưởng chỉ dạy riêng quý Sư bà). Hình ảnh đó luôn là dấu ấn luôn khắc ghi trong Sư, tinh thần hiếu học của quý Sư bà và sự kính quý tôn trọng bậc trưởng thượng… những năm tháng gần gũi bên quý Sư bà, bên huynh đệ đồng môn, Sư cảm được sự an lạc thanh thoát của chư vị lan tỏa trong mình, thật hạnh phúc! Ước gì thời gian ấy quay trở lại…(6)
Những vị cùng thời với Ni trưởng có thể kể Ni trưởng Như Thảo, Ni trưởng Như Lợi, Ni trưởng Chơn Minh, Ni trưởng Như Tường (chùa Hòa Bình), Ni trưởng Như Tường (Như Thị Thất)…
Qua hồi ức của quý Ni Trưởng hiện đang trú tại chùa Từ Nghiêm cũng như những vị đã rời Từ Nghiêm để hoằng hóa nơi khác, có thể cảm nhận điều còn lưu lại tại Từ Nghiêm là con người và công việc, tu tập và tình cảm, hoằng hóa và nối kết…
Về con người, vị đầu tiên có công lớn trong việc thành lập Phật học Ni viện Từ Nghiêm, cũng như được toàn thể Ni bộ Nam Việt tôn kính bậc nhất là Sư trưởng Như Thanh. Người đã khởi xướng, liên kết, vận động, để thành lập Ni bộ Từ Nghiêm. Kể từ năm 1956, Sư trưởng không ngừng thực hiện các công việc từ nhỏ đến lớn để phục vụ cho công cuộc thành lập Ni bộ. Ngài khởi xướng Lễ giỗ Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, vừa là lễ tưởng niệm Thánh Tổ, vừa cũng là dịp họp mặt “ôn cố tri tân” của các thành viên Ni giới, lan tỏa tinh thần “Đại Ái Đạo” trong Ni chúng thời hiện đại.
Vị kế tiếp có thể kể đến là Sư bà Diệu Ninh (Như Huệ), hay Sư bà Quản viện (còn được gọi Sư bà Vĩnh Bửu). Khi Sư trưởng Như Thanh khởi xướng thành lập Ni viện Từ Nghiêm, Sư bà Quản viện đã đóng góp hết công sức vào việc khởi công xây dựng trùng tu, Sư bà đã tập hợp được hàng ngũ hộ pháp vững mạnh, để có thể xây dựng nên ngôi Từ Nghiêm kiên cố như hôm nay.
Người tiếp nối sự truyền trì mạng mạch Phật pháp thời bình tại Từ Nghiêm, có thể kể đến là cố Ni trưởng Như Hải, tâm huyết gìn giữ tinh thần tu tập cũng như hành đạo của quý Sư bà tiền bối. Sau giải phóng, Ni trưởng là quản chúng Từ Nghiêm nhưng kiêm nhiệm vai trò Giáo thọ luật học, Người đã truyền thọ cho Ni chúng các pháp yết ma, kiền độ thọ giới cũng như học rõ các điều giới, nhờ vậy mà Ni trường Từ Nghiêm vẫn giữ được truyền thống thiền môn: trang nghiêm mà thanh tịnh.
Về sự kiện, Từ Nghiêm cũng đã từng là dấu ấn của Phật học đường Nam Việt – Trụ sở Ni, Trụ sở Ni bộ Nam Việt, Trụ sở Ni bộ Bắc tông, đại Giới trường Ni giới, văn phòng Phân ban Ni giới Trung ương… và mới đây khóa an cư tu tập ngắn hạn năm 2019, quý Ni trưởng cựu học Ni Từ Nghiêm đã trở về tu chung, hồi ức, chia sẻ những kinh nghiệm, kỷ niệm quý báu trên lộ trình tu tập và hành đạo. Với những dấu ấn này, Từ Nghiêm có thể tự hào là trung tâm giáo dục và đào tạo Ni tài của Ni giới xưa và nay.
3. LỜI KẾT
Trải qua bao gió sương, ngôi chùa Từ Nghiêm bên trong là nơi thanh tịnh cho hàng trăm Ni chúng tu tập, bên ngoài là nơi trung tâm nhộn nhịp nhất Sài thành. Có lẽ, địa thế đó khó nơi nào có được. Càng trân quý hơn, khi nơi đây đã từng hiện diện qua những bậc trưởng lão Ni tài đức vẹn toàn, bi trí song vận không quản ngày đêm, không màng khó khổ, hy sinh thân mình cho Đạo pháp, cho dân tộc, nhất là cho đàn hậu học có nơi chốn quay về nương tựa. Từ Nghiêm mãi còn lưu lại sự cảm ứng đạo giao của người xưa và người nay.
SC. TS. Thích Thánh Tâm
Ảnh: Kim Anh
Chú thích
1. TKN. Như Đức biên soạn (2009), Lược Sử Ni Giới Bắc Tông Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 79 – 80.
2. TKN. Như Đức biên soạn (2009), Lược Sử Ni Giới Bắc Tông Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 97 – 99.
3. Vương Hồng Sển biên soạn (2004), Sài Gòn Năm Xưa, Nxb Đồng Nai, tr. 205.
4. Phỏng vấn Ni trưởng Như Xuân tại Tổ đình Từ Nghiêm, ngày 12/9/2019 lúc 7 giờ sáng.
5. Phỏng vấn Ni trưởng Như Thông tại Tổ đình Từ Nghiêm ngày 12/9/2019, lúc 8 giờ sáng.
6. Phỏng vấn Ni trưởng Mỹ Thuận vào lúc 6 giờ sáng, ngày 15/12/2019.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ni trưởng Như Ấn, NT. Như Châu (thực hiện) (2000), Kỷ Yếu Sư Trưởng Như Thanh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Tỳ-kheo-ni Như Đức biên soạn (2009), Lược Sử Ni Giới Bắc Tông Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
3. Tỳ-kheo-ni Như Hải dịch (2012), Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
4. Thích nữ Trí Hải soạn (2008), Trích Dịch Thiết Yếu Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
5. Ni trưởng Trí Hải (tự Như Hải) (2015), Kinh Pháp Hoa Du Ý, Nxb. Phương Đông.
6. Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư Trưởng Như Thanh Cuộc Đời và Sự Nghiệp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Trần Hồng Liên (2009), Sư trưởng Như Thanh với Sự Hình Thành Và Phát Triển Ni Bộ Nam Việt, trích tham luận Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới (Sakyadhita) lần thứ XI tại Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2008), Di Tích Lịch Sử Chùa Từ Nghiêm, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, (1972), Kỷ Yếu Đại Hội Ni Bộ Bắc Tông, PL. 2516.