HĐ Đời người nào khác con tàu
Sóng xô, gió giật, sông bàu ra khơi
Khổ sầu chất ngất chơi vơi
Dặm dài lối bước ngàn khơi biển trần.
Này em thương! Cho chị vài giây tâm sự nỗi buồn Covid, để dù xa cách trùng dương, vẫn nghe gió hú gọi mây về, nắng ấm tình người sẽ sâu thẳm hơn, bãi bồi miền sông nước cho nhịp sống quê mình, cha mẹ yên bình, trẻ thơ khoe áo mới.
Ngờ đâu! Tân Sửu xuân buồn, thương trường ế ẩm, cái cảnh vạn người bán, trăm người mua đã ngược dòng sinh hoạt thuở cha ông. Thậm tệ hơn, luân thường đảo ngược, chốn Thiền môn, đèn trí tuệ lu mờ, bậc uyên thâm đạo đức, kẻ chí sĩ, người tài đức mấy ai gánh vác?
Thời đại công nghiệp, óc sáng tạo thật cao siêu, đây là dấu son đáng mừng cho đất nước, dân tộc được nâng tầm cuộc sống, kinh tế phát triển, dân giàu, nước mạnh, để xứng danh:
“Quốc tổ hồn thiêng, lịch sử ngàn năm nhớ ơn người dựng nước
Giang san cẩm tú, vạn đại con Hồng cháu Lạc giữ non sông.”
Tuy nhiên, khoa học là con dao hai lưỡi, thích hợp cho giới trẻ khôn ngoan, tài trí, nhưng bế tắc với những người cao tuổi, dân quê mộc mạc. Đương nhiên, sự khó dung thông này không tránh khỏi những bất trắc, đong đo cân lường không cân đối, mà phần lớn thiệt thòi gắn kết vào ông bà, cha anh. Thế nên “im lặng là vàng” là đầu mối cho bi kịch giăng tơ:
“Con mèo ra đồng gặm cỏ
Con dê vô bếp cạy nồi
Ông già chín mươi nằm trong nôi
Con nít lên ba chống gậy đi dạo
Bà bắt ốc tụng Kinh cầu đạo
Ông thầy tu lơ lửng dưới bàu
Gái hoa niên thế phát đi tu
Ông thầy sãi tóc dài chấm đất.”
Em ơi! Dù không ngăn sông cách chợ, dịch bệnh kéo dài, nhiễm lây chưa bứng gốc, thì cảnh đói nghèo tăng mãi theo cấp số nhân. Dốc sinh tồn không đa mưu bách kế, xí nghiệp, công nhân bước sụt, bước trồi này chắc là nghèo đói phải đến nơi!
Xã hội biến dạng, chuyển mầm xấu ác cho cộng đồng, hạt giống từ bi rụng rơi như trái sung, thử hỏi sức mạnh nào kéo nổi con voi đang tụt dốc?
Tiếc quá đi thôi, Thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ, vui nhộn ngày ngào, giờ như hàng cây liễu rủ, tóc dài buông xuống lệ ngàn hàng, nhiều gia đình cùng khổ, nợ nần giăng tứ phía, xí nghiệp dừng hoạt động, tan rã công nhân, cảnh thất nghiệp biết ngày nào khôi phục lại, nếu có cũng khó mặn mà tình cảm như xưa!
Buồn hơn thế nữa, những mảnh đời gạo chợ nước sông, lề đường hàng quán mưu sinh từng ngày từng bữa “tay làm hàm nhai”, nay ngừng buôn bán, chắc quyết “Ông bần” đến viếng, “Bà chủ nợ” đến đòi, quả là nhà rách cột xiêu, cháu con nheo nhóc!
Việt Nam, Sài thành hoa lệ, hòn ngọc Viễn Đông, xưa và nay, có lắm nhà từ thiện hảo tâm chia sẻ, nhưng chỉ mới trợ duyên “con cá”, còn tương lai cuộc sống ra sao, tất cả đều đợi chờ “cần câu” từ Nhà nước dẫn lối soi đường.
Buồn ơi là buồn, tiếc nuối tháng ngày qua, còn đâu nữa tháng ngày đầy nhựa sống? Thảo nào, dù đi xa, Nguyễn Hoàng Sơn vẫn nhớ nhung da diết nơi xa xưa mình cất tiếng chào đời:
“Sài Gòn giờ vẫn nắng nôi
Tiếng xe hối hả, ngược xuôi ồn ào
Ngày vui phố rộng nhà cao
Đêm mơ lòng lại nao nao nhớ về.”
Ngao ngán quá! Với tuổi đời chồng chất, mà chuyện thế nhân Phật sự chẳng góp sức là bao, để ngày qua, tháng lụn năm tàn, nhìn lớp trẻ dẫy đầy tật xấu thói hư, chuyện gian thương phi đạo đức, người mua kẻ bán chẳng chút lương tâm, tất cả rối bời, giàu hay nghèo, người nào cũng không ra khỏi quy luật nhân quả, nên cuối cùng, ai cũng nhắm mắt xuôi tay.
Thế mới biết, từng đêm qua trang sách, triết gia Tây phương Pruton đã an ủi chúng ta đến tận cùng nỗi đau chia sẻ: “Hy vọng và kiên nhẫn là hai phương thuốc linh nghiệm, là sự đợi chờ, nghỉ ngơi chắc chắn và là cái gối tựa êm ả nhất trong lúc khốn cùng.”
TKN. Như Như