Thứ Bảy, 30 Tháng Chín 2023
Lối sống Thú đi chùa

Thú đi chùa

Lễ chùa là người ta nghĩ đến một cái gì rất thiêng liêng

 Thời bà ngoại tôi còn trẻ, nói đến lễ chùa là người ta nghĩ đến một cái gì rất thiêng liêng. Người đến chùa, dù thành tâm hay chỉ vãn cảnh, cũng phải y phục nghiêm trang, đi đứng khoan thai… Người đến chùa với ý niệm rõ rệt là hướng mình về chân thiện mỹ… Dĩ nhiên cạnh những bậc trưởng thượng cũng có kẻ hậu sinh như cô bé trong bài thơ của thi sỹ Nguyễn Nhược Pháp. Trong một lần đi chùa Hương là trái tim thơ ngây của cô liền bị trúng ngay mũi tên tình ái của chàng nho sinh, để rồi trong suốt quãng đường lúc bằng phẳng, khi mấp mô, dốc cao dốc thấp cô vẫn không thấy mệt mà chỉ tiếc sao đoạn đường quá ngắn, và những lời nguyện trước Phật đài cô đã dành cả cho cuộc tình mới chớm, với lời nguyện ước đơn sơ và rất chân thành: “Ước sao cho em lấy chàng…” (Em đi chùa Hương/ Nguyễn Nhược Pháp)

Vào cuối Thế kỷ XX, những con đường đến các đền chùa vẫn tấp nập thiện nam tín nữ. Kiểu cách ăn mặc có khác hơn, bên những bộ đồ lam, nâu còn có bao nhiêu kiểu thời trang mà đôi khi chỉ để đi dạo phố, thậm chí để đến vũ trường. Có thể điều đó lúc đầu khiến nhiều người khó chịu nhưng rồi quen dần. Ai cấm được một cô gái diện bộ đầm đi đến chùa? Ai cấm được những đôi tình nhân ríu rít tay trong tay khi bước vào Tam bảo vái lạy Phật ? Cửa chùa luôn rộng mở và cái tâm con người dĩ nhiên không phải là những bộ quần áo khoác bên ngoài của họ! Từ xưa, người Việt Nam vốn có truyền thống tôn kính thiêng liêng, đạo giáo đi vào cuộc sống, hòa nhập vào xã hội… Vào các nơi thờ cúng là nơi người ta muốn tìm đến với cái tâm, tìm sự thanh tịnh, yên lành để phần  nào rũ đi nhiều nhương chốn trần tục…

 Vào Điện đài với khói hương nghi ngút, tiếng mõ lời kinh khiến tâm hồn lâng lâng nhẹ nhõm. Và trong sự hòa nhập ấy, con người cảm thấy bản thân mình tạm thoát khỏi muộn phiền, quên đi những bon chen cuộc sống… Cũng không ít người đến chùa chỉ để nhằm mục đích vãn cảnh, để biết những “danh sư- cổ tự” vốn đã được truyền tụng từ sách vở hay trong dân gian… Họ có thói quen đi từng người một, từng nhóm một hay từng đoàn hành hương đã trở thành phổ biến. Cứ vào đầu tháng giêng, sau những ngày rộn ràng đón tết, người ta lại náo nức cùng nhau bắt đầu cho cuộc viếng chùa. Thời gian kéo dài đến rằm Phật đản mới tạm bớt đi số lượng người nhưng vẫn có những người, những nhóm đoàn nhỏ lẻ… Nhiều năm qua, các công ty du lịch cũng vào cuộc, liên tục mở những “tour” hành hương Huế- Hà Nội, hay trọn gói miền Tây, thậm chí là sang nước ngoài như Ấn Độ, Nepal… cạnh tranh lẫn nhau và họ đã có được một lượng khách không nhỏ, chứng tỏ đi vãng cảnh chùa là điểm lý tưởng đối với  rất nhiều người Việt Nam.

Không chỉ tín đồ Phật Giáo, mà cả những người theo tôn giáo khác cũng tham dự những chuyến hành hương. Họ muốn tìm đến những ngôi chùa nổi tiếng, nhiều cảnh đẹp, từng được các danh gia, thi sỹ ca tụng… Chùa Hương xứ Bắc là một dẫn chứng. Mặc dù đường sá khó đi và muốn đi hết các cảnh chùa phải mất mấy ngày, nhưng hàng năm số người tham quan chùa Hương càng nhiều, không chỉ các tỉnh thành phía Bắc, mà khắp nước… Không chỉ những người trẻ-khỏe mà rất nhiều bậc trưởng thượng đi đứng khó khăn phải chống nạng, chống gậy… từng đoàn người đổ về chùa Hương trong cả niềm tin vào đạo pháp cũng như sự yêu thích cảnh đẹp, óc tò mò tận mắt nhìn cảnh đẹp quê hương…

 Tôi có bà bạn bán bún bò rất nổi tiếng ở quận 9. Quán bà lúc nào cũng đông khách, vậy mà lâu lâu lại thấy đóng cửa, để bà chủ có dịp đi chùa. Từ Nam chí Bắc, bà đã đặt chân đến hầu hết các danh tự, cổ tự, từ chùa Hương, chùa Thầy xứ Bắc đến Từ Đàm, Thiên Mụ Cố Đô… Rồi thì chùa Bà Đen, chùa Cầu Hội An…Bà còn tìm xuống cả chùa Dơi Sóc Trăng, thăm cả chùa Đất Sét, một cảnh quan độc đáo cách thị xã Sóc Trăng chừng 1 cây số. Đó là chưa kể bao nhiêu Đền Miếu. Cứ nghe ai nói đến chùa chiền là coi như “rà trúng đài”, bà lập tức sẽ thao thao bất tuyệt về cái chuông chùa Thiên Mụ, về suối Yến, động Hương Tích chùa Hương hay cặp đèn cầy đã cháy từ tháng 7/1970 đến nay của chùa Đất Sét.

 Điều đáng nói là bà không phải là người tu tại gia, cũng không đến nỗi quá “sùng đạo”. Ấy vậy mà cứ nghe ai đó rủ rê đi chùa là có mặt bà ngay. Trước những “ý kiến ý cò” của những người khác chung quanh, bà nói: “Mình đi chùa không phải là để “xin xỏ”, cầu nguyện Phật trời cho mình trúng mánh, buôn may bán đắt mà chỉ để cảm thấy thanh thản tâm hồn. Đôi khi mình cũng chẳng nghe tiếng mõ lời kinh trọn vẹn, chỉ đi thơ thẩn quanh chùa, có lúc ngồi ở một góc nào đó của sân chùa, vậy mà cứ thấy nhẹ nhõm tâm hồn. Hình như trên con đường đến chùa người ta đã rũ bỏ được bon chen chứ không cần bước vào Tam Bảo và Phật chính từ trong tâm con người. Đến một nơi bình an nhưng thật ra sự bình an ấy là do chính mình tìm ra!”.

Dĩ nhiên không phải ai cũng như bà bạn nêu trên của tôi. Có những người ta đi chùa để nhằm có nơi sám hối tội lỗi, để cầu xin gia đạo an khang, xin phát tài phát lộc hay “thực tế” hơn là… trúng một phi vụ đấu thầu nào đó (?). Mọi việc là do con người từ xin xỏ, quà cáp, cửa trước, cửa sau, nhưng dường như vẫn chưa đủ an tâm, họ còn phải xin đấng Chí Tôn bề trên cứu viện… niềm tin ở một quyền năng siêu phàm. Một đấng Từ bi thiêng liêng sẽ khiến họ bớt đi nỗi thắc thỏm âu lo, mặc dù có lẽ lúc tỉnh táo, họ cũng phải nghiệm ra rằng đấng thiêng liêng ấy không bao giờ lại ra tay giúp đỡ một kẻ chỉ nhằm mục đích mánh mun, cơ hội… Cho dù vì bất cứ lý do gì, thì những cảnh chùa ở khắp mọi miền đất nước chúng ta đều không lúc nào vắng khách thập phương. Và dù mỗi người đến với chùa chiền bằng một cách khác, suy nghĩ khác, thì vẫn có một điểm chung: đó là tìm sự an lành cho tâm hồn…

Nguyễn Sinh

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!