HĐ Lúc sinh thời, bà nội hay lo xa. Cái gì cũng lo, thậm chí là những chuyện vu vơ, mơ hồ, không thực tế. Chẳng hạn, còn hơn 2 tháng nữa mới đến ngày giỗ ông mà bà bắt con cháu phải mang chén đĩa trong tủ ra lau chùi cho sạch. Cuối năm, chỉ mới đầu tháng chạp mà nội đã hối thúc ba trang hoàng nhà cửa, đánh vẹc-ni bàn, ghế, tủ cho bóng mới. Rồi bà giục mẹ đi mua các nguyên liệu về làm mứt tết. Không làm thì nội giận hờn, càm ràm cả ngày. Mà xăng xái bắt tay vào làm thì thật khó coi vì đảo lộn trật tự.
Tôi còn nhớ lúc cả nhà đưa tôi ra bến xe để lên thị thành trọ học. Bà nhét vào túi áo tôi một nhúm tép tỏi tươi rồi bảo: “Con đừng bỏ đi. Có nó sẽ giúp cho con trừ bùa trừa ngải. Không ai móc túi con được đâu”. Dù rất khó chịu nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn nghe lời. Bởi sợ nội giận. Chứng bệnh cao huyết áp vốn dĩ hành nội suốt nhiều năm trời nên không ai muốn sự việc nghiêm trọng hơn. Trong suốt 5 năm đại học, nội thường điện hỏi thăm nếp sinh hoạt chốn đô thành của tôi ra sao, rồi kèm theo những lời dặn dò: “Ra đường phải bỏ một ít tỏi tươi vào túi nghe chưa cháu. Người lạ có cho gì cũng đừng ăn, đừng uống kẻo bị độc, trúng thuốc mê”. Khi tôi khó chịu nói: “Cháu biết rồi, nội cứ nói mãi chuyện này”, thì nội bắt đầu lặp lại điệp khúc càm ràm đủ thứ chuyện.
Hồi tôi mới sắm được một chiếc thoại di động cũ liên kết mạng Sfone (giờ không còn), nội gọi điện căn dặn ra đường không nên nghe máy kẻo kẻ xấu cướp giật. Đợt có tin đồn người chết gọi điện cho người sống bắt hồn, nội cũng dặn dò, nói tới nói lui rằng: :”Cháu không nên nghe máy từ số lạ gọi đến kẻo bị ma bắt”. Tôi bụm miệng cười vì sự cẩn thận quá ư là mê tín của nội, chỉ biết vâng dạ cho nội vui lòng. Nói chung, điều gì không tốt từ xã hội mà nội nghe thấy, dù chẳng chính xác, có tính chất mê tín, là nội gọi điện cho tôi ngay. Bọn bạn ở chung phòng tôi hỏi: “Mày không cảm thấy khó chịu về những điều như thế sao?”. Tôi cười giả lả: “Quen rồi”.
Tôi ra trường được vài năm thì nội qua đời. Từ đấy tôi không còn nghe những lời càm ràm nữa. Về thăm nhà, thiếu dáng lưng còng tóc bạc của nội, tôi thấy nhớ và thèm được nghe những lời càm ràm cả ngày. Nhưng thời gian tàn nhẫn nào có quay lại. Mấy năm gần đây, ba mẹ tôi cũng bắt đầu có dấu hiệu như nội ngày trước. Hai đấng sinh thành cứ càm ràm vì những chuyện không đâu. Giờ tôi mới nhận ra người già thường thế. Tựu trung thì cũng vì họ thương con, thương cháu mà thôi. Nhìn những đường chân chim trên đuôi mắt và cả mái đầu bạc phơ của ba mẹ, bất giác tôi lo sợ, một nỗi sợ mơ hồ.
Trần Thái Học