HĐ Khi đặt bút viết về Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không, tâm trạng của một Ni trẻ thuộc thế hệ sau như con chỉ cảm thấy hổ thẹn với chính mình khôn cùng. Hàng vạn câu hỏi đặt ra chúng con đã làm được gì cho Đạo pháp và Dân tộc hay chưa? Vọng về cố đô Huế từ những năm đầu thế kỷ XX, người con gái thuộc hàng danh gia vọng tộc, đài các trâm anh khi món nợ hiếu tình đã trả dứt, bước chân yếu mềm của một tiểu thư khuê các đã mạnh mẽ bước lên tìm về nguồn lý không.
Khi còn là một tiểu thư, Người sống trọn vẹn cho gia đình, tròn khuôn phép của người con gái Huế và khi trở thành một nữ xuất sĩ, Người cũng đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho Đạo pháp. Đâu đó hình ảnh của Ni trưởng đã gợi nhắc lại hình ảnh của Đức Kiều Đàm Di Mẫu từ hơn 25 thể kỷ xưa. Một bức tranh hùng lực mà ngôn ngữ cũng không thể họa bày về chư Thánh đệ tử Ni, những bước chân uy dũng năm xưa đã một lần nữa sống lại nơi đất nước Việt Nam nhỏ bé của thế kỷ XX. Ni trưởng hiện thân của một người bình thường nhưng ẩn tàng một sức mạnh phi thường, là một thiên kim tiểu thư bao người mong đợi sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để trở về chân không diệu hữu. Những gì Ni trưởng làm, những gì Ni trưởng nói chỉ là Không, thế nhưng trong đó là muôn vạn điều mà hàng Ni trẻ vẫn chưa thể làm được. Một bậc thầy xuất cách đến đi tự tại trong thế giới của Không mà vô cùng diệu hữu, nguyện lăn lóc nơi cõi Ta bà để Phật pháp mãi mãi xương minh, Chánh pháp trường lưu bất diệt. Bởi vì sao?
Cười ra nước mắt khóc càng đau
Ngó lại tình đời những ngán ngao
Đạo khí lu mờ, tâm yếu luốt
Thiền môn tấp nập khách xôn xao
Giữa đời ngũ trược, ma thay Phật
Trong cõi Diêm Phù đá lộn thau
Ngắm tới nhìn lui tìm kiếm bạn
Buồn này càng thấu, thấm càng sâu.
(Buồn Đạo, 1943)
Ni trưởng chưa từng có phút giây nghĩ cho riêng mình, nếu có cũng chỉ là những phút suy tư thấy cần có trách nhiệm nhiều hơn với Đạo pháp, với Dân tộc. Phật giáo Huế trong giai đoạn này vẫn còn chìm trong bức màn tranh đấu, đối diện với muôn vàn khó khăn nên sau khi cầu đạo xuất gia, vị Sa-di-ni để tóc ấy vẫn trong hình tướng của nữ cư sĩ như Bồ tát đi vào thế gian.Cả cuộc đời Ni trưởng là tấm gương của Ni chúng bao thế hệ luôn gìn giữ Bát Kỉnh Pháp, sống hạnh khiêm cung và mạnh mẽ dấn thân, tôn vinh vẻ đẹp những người con gái của Đức Phật. Một bậc Tôn Ni đã bỏ hết tất cả tập khí của phụ nữ làm chướng ngại cho con đường tu học để đạt được đạo quả, thiết lập sự truyền thông giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau, tiếp “lửa” cho tinh thần của Ni chúng để mạnh dạn bước ra xã hội bằng trí tuệ, đem đạo vào đời bằng tinh thần và sự dũng mãnh của người xuất sĩ đại trượng phu, bỏ đi bản tính yếu đuối, tự ti của nữ nhi để xông pha trận mạc vào chốn ma quân hành đạo giải thoát. Bậc Tôn Ni phạm hạnh đã sống trọn vẹn cuộc đời của người xuất trần thượng sĩ, xứng đáng hình ảnh những người con gái của Đức Thế Tôn. Ni trưởng đã từng “Khuyên Chị Em Học Phật” rằng:
Tâm đây vạn pháp thảy dung thông
Bản tánh như như một thể đồng
Sông, núi, người, trời đều chẳng khác
Hòa đồng vạn vật ấy tâm công.
Công đức nơi tâm xứng tánh tu
Đừng theo ích kỷ tánh đui mù
Luyện tâm bình đẳng không riêng rẽ
Là gốc Bồ đề quyết chẳng ngu.
Chưa hết, Ni trưởng còn “Nhắn Nhủ Chị Em Nữ Phật Tử”:
Thắp đèn trí tuệ soi đêm tối
Lấy đức từ bi hóa cảnh đời
Nhẫn lực thắng hơn muôn lực khác
Chị em gắng bước chớ nên lùi.
Người ý thức rất rõ bản tính ích kỷ cố hữu trong người phụ nữ đã làm cho họ phải ba chìm bảy nổi với nghiệp duyên. Càng ý thức, Người càng nghiêm túc hành trì Bát Kỉnh Pháp, Người không cho đó là sự ràng buộc mà chính là cái phao giúp người phụ nữ bỏ đi tính ủy mị của nữ nhi để mạnh mẽ và vững chãi trong đôi chân tiến về phía trước cùng trái tim tha thiết cầu đạo giải thoát. Chúng ta thường quen làm với những gì chúng ta nghĩ và chỉ nghĩ những gì chúng ta làm. Những thói quen, những tập khí không thuộc về đời sống Phạm hạnh đã biến ta thành những tử thi bị đẩy ra khỏi biển Phật pháp. Ni trưởng Diệu Không là tấm gương đã nhắc nhở chúng ta điều đó. Hình ảnh của Ni trưởng một lần nữa chứng minh rằng Bát Kỉnh Pháp chưa bao giờ cũ hay lạc hậu với thời gian, ngược lại, đó là những lời dạy rất thật như quy luật của cuộc sống, đó chẳng phải là những điều răn cấm ghê gớm hay gò bó mà chính là những điều giúp ta quay lại đúng với bản chất đạo đức của một con người.
Dù phải lăn lóc ở cõi đời ô trược này, Người vẫn mỉm cười bởi khổ đau cũng chẳng hề hấn gì với người học Phật, cũng chỉ như lửa thử vàng để bản thân mình biết được ta đã sống trọn vẹn với cuộc đời này hay chưa? Nói sao hết được cái vi diệu trong thế giới Không mà Ni trưởng đã sống, đã làm và đã nói. Bình thường thôi mà ngôn ngữ bất lực không thể họa bày. Đơn giản thôi mà người đời phải lắm nghĩ suy cũng chưa thể thực hiện được.
Muôn pháp không ngoài lý Diệu Không
Không mà phải diệu mới dung thông
Cái tâm vô trú là tâm Diệu
Diệu khắp muôn phương thấy thể đồng.
(Lãnh Hai Chữ Diệu Không, 1933)
Hàng Ni trẻ chúng con cảm thấy hổ thẹn với chính mình, với Đạo pháp và Dân tộc. Nguyện bước chân này mạnh mẽ, tâm tánh không còn vấn vương, trái tim đầy nhiệt huyết để hướng về phương trời cao rộng, rõ nguồn sinh tử, thong dong nơi cõi Ta bà, hòa cùng vạn pháp thể nhập vào lý Diệu Không.
Gíac Hạnh