Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024
Phật họcTầm quan trọng của kinh NaTiên Tỳ Kheo đối với người...

Tầm quan trọng của kinh NaTiên Tỳ Kheo đối với người con Phật

  Kinh Na Tiên Tỳ Kheo là một trong số rất ít những bài kinh không phải từ nơi kim khẩu của Đức Phật nói ra, nhưng lại được đưa lên ngang hàng với những bộ Nikaya từ thời Đức Phật! Xét về ý tưởng và ngôn cú, kinh này nghiêng về bản chất của một bộ luận, nhưng vì giá trị nhận thức và nội dung rất sâu sắc, thâm thúy cho nên bài kinh được đánh giá rất cao. Nhân duyên phát khởi bài kinh thật vô cùng đặc biệt. Từ chuyện vị Tỳ-kheo với hạnh quét rác mà tâm từ bao la, vị Sa-di với đại nguyện thù thắng.… qua bao kiếp thăng trầm nay là vị Tỳ-kheo với trí tuệ thông suốt với cái tên Na Tiên (Nagasena) biện tài vô ngại. Cuộc đối đáp giữa hai vị đã mang lại cho người đọc những kiến thức, những ví dụ… vô cùng lợi ích cho việc tu hành.

Đọc qua hộ kinh, hành giả có cảm tưởng như phảng phất trước mắt những hình ảnh chân thật của một cuộc vấn đạo vô tiền khoáng hậu. Qua cách đối đáp, dễ dàng nhận thấy uy quyền cũng như sự hiểu biết của vị vua tuy có hơn người, có sự thấu suốt nhưng vẫn còn mắc trong vòng kiến chấp hữu lậu. Còn với Nagasena, trí tuệ của ngài đã là rốt ráo, thấu thiệt và sắc bén,…chính là trí tuệ vô lậu Bát Nhã. Những thắc mắc, nghi vấn,…bao nhiêu lưới bẫy mà vua giăng ra đều bị dùng gươm trí tuệ chặt đứt. Trí tuệ vô ngại của Ngài bao trùm tư tưởng của cả bộ kinh, đưa đến cho hành giả sự nhận thức chân chánh đối với vạn pháp trong ngoài. Từ những yếu tố căn bản như Danh và Sắc, Ngũ uẩn, Lục thức,… bộ kinh đề cập đến những vấn đề tâm linh thiết yếu như là thấy Phật, về tự ngã và vòng tròn sanh tử…

Bài học đầu tiên mà Nagasena tặng cho vua Milinda là bài học về tự ngã phải nhận biết cái tôi – bản ngã trong mình và vượt qua cái bóng của nó. Con người cũng vậy. Như hòa hợp các yếu tố đầu, mặt tai nũi lưỡi, cổ, gáy, vai, tay, chân, xương, thịt, nội tạng, nhan sắc, âm thanh, tiếng vọng, hơi thở ra vào, cảm thọ khổ vui, phân biệt thiện ác,…, sẽ hình thành một thực thể gọi là con người. Như vậy, Đức Phật xác định mọi hiện tượng đều có sự thay đổi, hình thành, sinh diệt trong từng sát na, không có bất cứ một thực thể nào là bất biến. Đức Phật chỉ chấp nhận một cái tôi ảo giác do tâm lý nhất thời, tức là “Bổ đặc già la” (pudgala và da). Thế nhưng, chúng sinh say mê trong đêm dài vô mình tăm tối, đắm trong ngũ dục lục tình, cứ khăng khăng cái tôi của mình và trưởng dưỡng nó một cách sai lầm mê muội. Chính cái tôi ấy thúc dục bản năng của phần “con” trỗi dậy lấn át phần “người”, khiến cho chúng sanh tạo ác nghiệp mãi không dừng, gieo nhân trong tam đồ lục đạo mà chẳng hay biết. Kinh pháp hoa đã tỏ bày. “Tam giới bất an, do như hỏa trạch”, kinh pháp cú cũng lại nói:

“Con tôi, tài sản tôi
Người ngu nghĩ như vậy
Cái tôi còn không có
Con đâu, tài sản đâu…”

Hay

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân xanh, thu hựu khô”


Vậy mà chúng sinh vẫn chìm đắm, thật là:

Đầu gió hơi men thơm quán rượu
Người say vô số, tỉnh bao người”?

Bất kể người xuất gia hay tại gia, đã học Phật thì trước phải thấy rõ tự ngã là kẻ thù lớn nhất phá hoại đạo nghiệp. Càng tu, bản ngã càng phải mài mòn, như bài sám dạy.

“Tự thấy mình nhỏ thôi
Việc tu còn kém cỏi.”

Phật dạy: “Không nên chấp tự ngã này là của ta…”. Phải ý thức rằng thân này không thật, vô thường biến hoại, chợt có liền không, như kinh Kim Cang nói “Khác chi ảo ảnh, sương lồng ban mai”. Người ta tu hành phải duyệt trừ bản ngã thì mới có thể tiến tu trên đường đạo. Đức Phật từng dạy: “Ai thấy pháp là thấy Như Lai…”. Dẹp bỏ cái ngã thì mới thấy được pháp. Tuy nhiên đời không còn báo thân của Phật, nhưng pháp thân của Ngài vẫn trường tồn bất hoại trong mỗi chúng sinh.Thấy Phật – không phải là tìm cầu một linh ảnh siêu nhiên nào đó, mà chính là “thấy” được Phật tánh trong bản tâm của mình. Mỗi chúng ta đều có một “ông Bụt” của riêng mình, ở trong mình, là chân tâm bốn tánh, là bản lai diện mục, hà cớ phải tìm đâu xa xôi. Người xuất gia, tuy chưa phải là Thánh, nhưng đã nguyện bước trên con đường của chư Phật đã đi, ít nhiều trong tâm tánh cũng đã có hạt giống Bồ đề, có chất liệu Phật. Chỉ cần tinh tấn tu hành, đoạn trừ các chướng nhiễm, như vén mây mù liền thấy trăng sáng soi – Phật tánh sẽ tự hiển lộ.

Nhân gian phần nhiều vì nhu cầu tín ngưỡng muốn “thấy Phật”. Để thỏa mãn kiến chấp. Vì sao tu hành theo Phật mà không thấy chân hình Đức Phật, cho nên “Phật xi măng cốt sắt”, “Phật giấy”, “Phật bê tông”,…ra đời. Bản thân là người xuất gia, hành giả phải nhìn rõ bản chất của việc thấy Phật. “Thấy Phật” rồi, sanh tử với hành giả chỉ là thoáng qua, luân hồi chẳng còn là vấn đề nan giải. Nagasena ví dụ một bánh xe tròn, không có góc cạnh, cũng như vậy, bánh xe luân hồi cũng không có chỗ hở, nó cuốn chúng sanh xoay vần trong ba cõi sáu đường, khó mong ra khơi. “Sanh tử sự đại” người xuất gia nhất thiết phải chú ý điều này. Như gà đẻ trứng, trứng lại nở thành gà…Vòng luân hồi sinh tử cứ liên tục tiếp nối, sanh diệt tương tục trong mỗi sát na.

Chúng sanh đi trong luân hồi chỉ mang theo phước và nghiệp. Những bậc xuất trần thượng sĩ, há lại để mình lanh quanh trong sinh tử hay sao? Bằng những ví dụ, minh chứng thiết thực, sắc bén, không có bất cứ một sai sót hay kẽ hở nào, Nagasena đã khuất phục hoàn toàn vị vua ngạo mạn, giải rõ những kiến chấp sai lầm của ông và hướng ông quy y Tam bảo. Không chỉ nhiếp phục và làm lợi ích cho vua, Nagasena còn ban cho ông món quà quý nhất là trí tuệ chân thật, giúp ông thành tựu đạo quả vô thượng. Với giá trị tu tập và ảnh hưởng sâu sắc đến sự hành trù của người xuất gia, bộ kinh Na Tiên Tỳ Kheo xứng đáng được đưa vào giảng dạy trong các chương trình Phật học cũng như đào tạo Tăng Ni giúp rèn luyện những nhận thức đúng đắn và hành trù rốt ráo, ươm mầm những hạt giống Phật tương lai.

Kim Cúc

Tin khác

Cùng chuyên mục