Chủ Nhật, 24 Tháng Chín 2023
Phật học Nghiên cứu Tác động của Phật giáo đến đời sống tinh thần của người...

Tác động của Phật giáo đến đời sống tinh thần của người dân Anh quốc ~ (phần 1)

 Sau khi Đức Phật thành đạo, ánh sáng giác ngộ của Ngài chiếu khắp bốn phương, hàng vạn người dân Ấn, tu sĩ và mọi tầng lớp xã hội Ấn đều thừa hưởng kết quả giác ngộ của Ngài. Đến khi Đức Phật nhập diệt, vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch dưới triều đại vua A Dục (Asoka), Phật giáo đã trở thành quốc giáo, Chánh pháp của Ngài đã có mặt trên toàn cõi Ấn Độ và bắt đầu truyền bá sang các vùng biên giới lân cận. Thật vậy, Đạo Phật lúc đầu xuất hiện như một “Vầng sáng châu Á” nhưng dần dần đã trở thành “Ánh đạo vàng của Đông Tây”, hiện hữu và bám rễ trên khắp các châu lục.

Đối với châu Âu, vào khoảng giữa thế kỷ XIX, Phật giáo đã chính thức du nhập và nhanh chóng bén rễ ở các quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Nga… Đến nay, Phật giáo hiện diện tại châu Âu gần hai thế kỷ, tuy nhiên đã tạo nên phong trào học Phật sâu rộng và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, sinh hoạt của người dân nơi đây. Điểm nổi bật trong quá trình du nhập Phật giáo vào châu Âu chính là sự đón nhận của các học giả phương Tây, họ đến với Phật giáo bằng nhiều con đường khác nhau, mục đích khác nhau nhưng cuối cùng Phật giáo đã chinh phục họ.

Nhận thấy Phật giáo tại châu Âu có những điểm đặc sắc riêng biệt, trong đó Phật giáo du nhập vào Anh quốc là một trong những dấu ấn quan trọng nhất cho con đường chinh phục nhân tâm của Phật giáo ở trời Tây. Thiết nghĩ, bằng cách nào các học giả và người dân Anh quốc đã tiếp cận Phật giáo? Phật giáo đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống tâm linh của họ? Để làm sáng tỏ những vấn đề trên, người viết mạnh dạn chọn đề tài: “Tác động của Phật giáo đến đời sống tinh thần của người dân Anh quốc” để bước đầu tìm hiểu và nghiên cứu.

Trong nội dung này, người viết muốn làm rõ ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống tinh thần của người dân Anh quốc Kinh qua ba học giả nổi tiếng, những người đã đóng góp quan trọng cho Phật giáo Anh quốc nói riêng và Phật giáo châu Âu nói chung. Bằng những con đường khác nhau, với nhân duyên và mục đích khác nhau, các học giả Anh quốc đã đến với Phật giáo và làm dấy lên phong trào học Phật sâu rộng, lan tỏa khắp trời Tây. Họ là những học giả nổi tiếng của Anh quốc như: Edwin Arnold, Rhys Davids, I.B. Horner…

Vương quốc Anh – Đất nước của xứ sở sương mù, nơi khai sinh của cuộc cách mạng công nghiệp và có nền Kinh tế chủ nghĩa tư bản phát triển hàng đầu châu Âu. Từ thế kỷ XVI-XVII, Anh bắt đầu bành trướng thuộc địa, một cuộc di dân sang Bắc Mỹ và chinh phục Ấn Độ đã diễn ra trong giai đoạn này. Từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, Anh vươn lên chiếm địa vị hàng đầu so với các nước đế quốc trong việc mở rộng thuộc địa và trở thành cường quốc châu Âu, được mệnh danh “Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn”. Chính cuộc cách mạng kỹ thuật công nghiệp và mở rộng thị trường thuộc địa của Anh đã làm phát triển Kinh tế-xã hội, thay đổi cục diện chính trị của đế quốc Anh trên thế giới. Cho đến nay, Anh vẫn là nước chủ nghĩa tư bản phát triển, đời sống người dân có mức thu nhập cao và nền văn hóa, giáo dục vào hàng bậc nhất thế giới. Điểm nổi bật chính là tiếng Anh hiện nay được dùng trên khắp thế giới và Anh đã trở thành cường quốc châu Âu (mặc dù Anh đã rút khỏi khối liên minh EU năm 2016).

Có thể nói, việc xâm chiếm thuộc địa của Anh quốc nói riêng và các nước đế quốc nói chung đều nhằm ba mục đích chính: 1. Truyền bá tôn giáo, 2. Giao thoa Kinh tế, 3. Mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình này đã diễn ra sự giao thoa giữa các nền văn hóa Đông – Tây, trong đó văn hóa Phật giáo cũng luôn đồng hành, đan xen, bám rễ vào đời sống của người dân phương Tây. Trước hết, để xác định niên đại Phật giáo du nhập vào châu Âu, có thể căn cứ vào ba bộ sử của Tích Lan: Bodhivamsa (Lịch sử cây Bồ đề), Dipavamsa (Đảo sử), Mahavamsa (Đại sử) có đề cập đến sự kiện vua A Dục cử phái đoàn truyền giáo đến châu Âu. Có lẽ, do sự biến chuyển chính trị – xã hội ở Tích Lan cũng như những biến động của thế giới sau hai cuộc chiến tranh nên đến nay sử liệu không còn để chứng minh điều này. Nên quan điểm trên có thể cho là giả thuyết. Mặt khác, có thể nói Phật giáo được truyền đến châu Âu chính thức từ thế kỷ XIX, khi các nước châu Âu (Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…) đã tiến hành xâm lược và cai trị nhiều thuộc địa ở châu Á. Trong quá trình này, người châu Âu đã tiếp xúc với Phật giáo và Phật giáo theo về xứ sở của họ.

Theo tác giả Elizabeth J. Harris, trong tác phẩm Phật giáo Nguyên thủy và sự chạm trán của người Anh quốc (Theravada Buddhism and British Encounter) đã nhận định: “Vào những năm 30 của thế kỷ XIX, Phật giáo có một vị trí an toàn trong chương trình giảng dạy Đại học ở châu Âu. Năm 1833, trường Đại học Anh công nhận Burnouf là Giáo sư về Pali và Sanskrit. Ông giảng dạy ở trường Đại học Pháp. Năm 1844, ông biên soạn tác phẩm Giới thiệu Phật giáo ở Ấn Độ, đã khẳng định Phật giáo chính thức du nhập vào Âu châu”. Sự kiện trên cho chúng ta thấy rằng, năm 1830, Phật giáo chỉ mới bén rễ qua cách khéo léo ẩn mình để truyền bá của Giáo sư Burnouf. Đến năm 1833, Phật giáo đã bám rễ và nở hoa năm 1844. Chúng ta có thể khẳng định: Phật giáo du nhập vào châu Âu năm 1844, tầng lớp trí thức Pháp là những người đầu tiên tiếp cận Phật giáo. Quan điểm này đã được các học giả châu Âu và Giáo thọ sư công nhận.

Như vậy, đến giữa thế kỷ XIX, Phật giáo đã chính thức truyền vào châu Âu, hình thành và phát triển đến ngày nay. Điều này cho thấy Phật giáo khởi nguồn từ phương Đông đã chuyển bánh xe pháp đến phương Tây và đạo Phật phương Tây sẽ là đầu tàu chấn hưng Phật giáo với những điều kiện xã hội, Kinh tế và khoa học tiên tiến nhất của thế giới: “Sự gặp gỡ giữa đạo Phật và phương Tây trong thế kỷ XX là một điều lợi ích lớn, không riêng cho phương Tây mà cho cả thế giới nữa. Đây là một dịp may lớn đối với đạo Phật, sẽ mang lại cho đạo Phật một nguồn sinh khí cần thiết. Đó có thể là một cuộc chuyển pháp luân mới.”

Như vậy, đối với Anh quốc, Phật giáo đã du nhập như thế nào?

Phật giáo Anh quốc không có lịch sử lâu dài như Phật giáo ở Ấn Độ, Trung Hoa, cũng không phát triển bền vững như Phật giáo Việt Nam nhưng vị trí của Phật giáo Anh quốc luôn quan trọng đối với nền Phật giáo phương Tây. Điểm đặc biệt, nổi bật chính là sự va chạm giữa Phật giáo với đời sống tinh thần của tầng lớp trí thức trong xã hội châu Âu bấy giờ. Kể từ đó, Phật giáo cũng bắt đầu có những bước đổ bộ đầu tiên trên vùng đất hứa Anh quốc.
Trước hết, theo quan điểm của các học giả Anh quốc, vào thế kỷ XVII, một bức tượng Phật bằng đồng đã được tìm tháy và sau đó được đưa về trưng bày trong Viện Bảo tàng quốc gia. Đến thế kỷ XXI, ngày lễ Đản sanh của Đức Phật được tổ chức trong Viện Bảo tàng của Anh. Từ đó, các học giả nhận định, Phật giáo du nhập vào Anh từ thế kỷ XVII. Người viết không đồng ý quan điểm trên. Bởi lẽ, chỉ căn cứ vào bức tượng để kết luận niên đại du nhập Phật giáo vào Anh quốc là điều vội vã. Nếu không phải là nơi xuất phát Phật giáo, ít nhất cũng phải có người chuyển bánh xe pháp tại đây. Nên nhớ rằng, Phật giáo du nhập bất kỳ nơi đâu và chỉ khi: “Nơi đó có người thuyết giảng giáo lý Phật, có người xuất gia tu theo đạo Phật. Đó mới chính là phát tích của Phật giáo.”

Cũng như thế, vào khoảng tiền bán thế kỷ XIX, học giả người Hungari A. Csoma De Koros (1784-1842), đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về ngôn ngữ và tôn giáo Bắc Ấn và đem những hiểu biết của mình để cống hiến cho người châu Âu. Năm 1842, ông viết tác phẩm nói về tôn giáo ở Ấn Độ, trong đó có đề cập đến Phật giáo. Từ đó, các học giả lại cho rằng, ông là người đầu tiên đưa Phật giáo vào châu Âu. Người viết không đồng ý với quan điểm này. Đây có thể là đánh giá chủ quan của các học giả. Nếu chỉ căn cứ vào thời gian của Koros mà cho rằng Phật giáo du nhập vào châu Âu năm 1842 là không chính xác. Chúng ta cũng có thể căn cứ vào tác phẩm của Burnouf đã được các học giả công nhận để đánh giá ngược lại tác phẩm của học giả này, khi chỉ đề cập một phần nhỏ của Phật giáo. Do đó, thuyết này chưa thể thành lập được.

Tiếp đến, cũng trong giai đoạn trên, một người bản xứ tên Brian Hodgson, nhân viên thuộc địa của Anh, đang làm việc tại Nepal. Trong 20 năm, ông đã sưu tập số lượng lớn về Kinh Phật bằng tiếng Sanskrit được chép trên lá bối và sau đó đem tặng cho các thư viện lớn của Anh, Pháp, Đức và khắp nơi trên thế giới. Đến năm 1830, ông viết một bài về Phật giáo ở Nepal đăng trên tờ Royal Asiatic Society. Từ đó, có thuyết cho rằng, ông chính là người tiên phong đưa Phật giáo vào châu Âu. Theo người viết, nếu chỉ dựa vào việc làm trên để kết luận ông đã truyền bá Phật giáo vào châu Âu thì không phù hợp. Mặt khác, với một bản Kinh bằng tiếng Sanskrit, loại cổ ngữ khó có thể phổ biến và hạn chế những người muốn nghiên cứu về nó. Chính vì thế, thật là một khiếm khuyết nếu người viết tin vào những nhận định thiếu căn cứ, thiếu khoa học này.

Minh Tuệ
Tăng sinh khóa XI, HVPGVN tại TP.HCM

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!