Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024
Phật họcDi sản văn hóaSuy nghĩ về ký ức chữ “lòng 𢚸 - tâm 心” trong...

Suy nghĩ về ký ức chữ “lòng 𢚸 – tâm 心” trong di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang nhân ngày Hiến chương Nhà giáo

  1. Chữ “lòng 𢚸 – tâm 心”
Người Việt thường sử dụng chữ “tâm”, “cái tâm” hoặc “tấm lòng” để nói về sự rèn luyện, tu tâm dưỡng tánh. Cái tâm hay tấm lòng đều chỉ “lòng thanh tịnh trí tuệ”. Tấm lòng là một khái niệm triết lý sống mang nét nhân văn đặc thù riêng biệt của người Việt Nam. Phật hoàng Trần Nhân Tông là đức vua Phật của dân tộc Việt, vị Tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Đại Việt tại rừng Trúc núi Yên Tử vào thời Trần. Quá trình hình thành và phát triển Thiền phái này đã để lại cho nhân loại, đặc biệt là dân tộc Việt Nam một di sản văn hóa tâm linh mang tên “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang – Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.”

2. Sống với “lòng” là phương pháp giáo dục tâm linh Phật giáo
Trong bài phú Nôm Cư trần lạc đạo của Yên Tử sơn đệ Nhất Tổ Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Chủ Phật thường sử dụng chữ “lòng” như một khái niệm về chân lý duy trì đời sống sinh mạng trí tuệ của con người. Chính trong tâm, trong lòng thanh tịnh của mỗi người thường có sự mầu nhiệm trong sáng. Nếu con người biết lấy Phật pháp làm gương sáng soi chiếu vào tâm mình và dùng chính lòng mình làm ngọn đèn trí tuệ soi chiếu để tự đưa mình bước đi trên con đường làm chủ thân tâm, thì họ có thể thoát khỏi những thói hư tật xấu, những suy nghĩ sai lầm của chính mình. “Biết vậy! Miễn được lòng rồi; chẳng còn phép khác… Dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác. Tịnh Độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc…”

Giáo dục giữ “lòng trong sạch” là nền tảng cốt lõi trong công tác giáo dục Phật giáo. Một nền giáo dục chú trọng đến việc tu tâm dưỡng tánh để giữ gìn đời sống cân bằng giữa giới thân huệ mạng và bản tâm thanh tịnh trong môi trường sinh thái tự nhiên. Cách sống làm chủ thân tâm không bị các hoàn cảnh lay chuyển này chính là sống Thiền, sống bằng một tấm lòng trong sạch. Khi lòng người bình thản an nhiên, hoàn cảnh xã hội có thể chuyển biến tích cực theo năng lượng bình an của lòng người.

3. Tấm lòng quay về chính nội tâm của mình với hơi thở trong hiện tại
Chiếc cầu nối làm cho tâm về với thân ta chính là hơi thở. Hơi thở của mỗi người là một thực tại sống động. Nó không chỉ là tiến trình chuyển hóa khí lực trong cơ thể mà còn là nhịp cầu đưa tâm về trong thân. Chính sự tồn tại của hơi thở mà sinh mạng con người trở thành một thực tại sống động với sự yên tĩnh mầu nhiệm mà không cần đến sự can thiệp của suy nghĩ và tư duy. “Tin xem! Miễn cóc một lòng, thì rồi mọi hoặc… nửa ngày rồi tự tại thân tâm… Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ… Nếu hiểu một tâm, thì hết phiền não…”

Nếu lòng người biết buông bỏ mọi thứ để cảm nhận từng hơi thở đang hợp nhất thân và tâm mình thì sẽ không còn cảm nhận đau khổ. Lòng người ở trạng thái “hợp nhất thân tâm” đó chính là Phật, một tấm lòng lặng lẽ trong sáng như gương soi chiếu bản chất của các sự vật hiện tượng quanh ta. Nhờ nhận biết hơi thở nên chúng ta giữ được sự bình tĩnh, cân bằng được cảm xúc, tỉnh táo trong suy nghĩ và chủ động được hành vi của mình trong cuộc sống hàng ngày với thân tâm tự tại.

Nếp sống bằng “tấm lòng, cái tâm” tự tại trong sáng này đã trở thành một giá trị văn hóa lớn của người Việt, có sức lan tỏa tích cực đến đời sống tinh thần của từng người, từng nhà, từng làng xã, khu phố. Sự bình yên trong từng khu phố, trong từng gia đình có được từ sự vững lòng an vui của từng con người. Sống tự tại thân tâm trong từng hơi thở là nếp sống thiền không phân biệt tôn giáo, tuổi tác, giới tính và giai tầng xã hội, mọi người đều có quyền được sống và thở để bảo vệ sức khỏe, cân bằng đời sống vật chất và tinh thần.
4. Tấm lòng tùy duyên hòa mình vào vũ trụ nhân sinh

Đời sống con người có mối quan hệ mật thiết với hoàn cảnh xã hội và môi trường sinh thái. Cái tâm ứng xử của con người quyết định môi trường sống của vũ trụ. Sống bằng một tấm lòng chơn thật hay sống với cái tâm chân thành là phép đối nhân xử thế cơ bản để tu tâm dưỡng tánh. “Thực thế! Hãy xá vô tâm, tự nhiên hợp đạo. Đình tam nghiệp, mới lặng thân tâm. Ðạt một lòng, thì thông Tổ giáo.” Mối quan hệ giữa con người và vũ trụ là mối quan hệ nhân duyên và tùy thuộc vào sự sanh diệt của các nhân duyên. Vì vậy, con người cần đem lòng chân chánh, sáng suốt và trong sạch để hòa nhập vào sinh mạng tổng thể của vũ trụ nhân sinh. Lối sống này là một trong những giá trị truyền thống văn hóa nhân loại mang tính giáo dục tâm linh Phật giáo Việt Nam “Cư trần – lạc đạo – tùy duyên”.

5. Những giá trị vượt thời gian
Di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang được nhìn nhận như một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển xã hội, ngôn ngữ và văn hóa của nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng. Triết lý nhân văn của Di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang chính là lối sống nhân văn sống bằng một “tấm lòng 𢚸 – cái tâm 心”. Lối sống này mang đậm dấu ấn trí tuệ giải thoát của Phật hoàng Trần Nhân Tông và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội nhân văn, văn học nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.

Qua nhiều thế kỷ, nền giáo dục chú trọng “tấm lòng 𢚸 – cái tâm 心” này đã hình thành nền văn hoá truyền thống mang bản sắc Phật giáo của cộng đồng các dân tộc Việt đang sinh sống ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Trong đó, nếp sống giữ “tấm lòng 𢚸 – cái tâm 心” trong sáng là một tình cảm đạo đức lớn, có bản sắc Phật giáo Việt Nam riêng biệt, như một giá trị văn hoá đặc thù trong hệ giá trị xã hội nhân văn của người Việt Nam và nhân loại.

Hoa Đàm

Tin khác

Cùng chuyên mục