Thứ Hai, 29 Tháng Năm 2023
Lối sống Sổ hóa duyên phiêu lưu

Sổ hóa duyên phiêu lưu

  Tôi vừa từ trong xưởng giấy đi ra, thật vinh hạnh mà lại bất hạnh vì đã trở thành quyển sổ hóa duyên của nhà Phật.

Để đời sống tự do ổn định, có một vị Sư phụ đột nhiên phát tâm xây dựng một ngôi tự viện, mà kiến tạo tự viện đòi hỏi một khoảng tiền không nhỏ, vì vậy Sư phải mượn tôi để nhờ các tín đồ hỗ trợ. Ngày đầu tiên, tôi cùng hàng trăm anh em hóa duyên lên đường, qua tay người đưa thư từ bưu điện, họ gửi tôi đến một ngôi chùa Phật giáo khác. Ngôi tự viện tôi mới đến có một Thầy Giám Viện trẻ (Đương Gia Sư1) giỏi về khôi hài đang nghe giảng kinh trên lớp, vừa nhận được tôi, liền sa sầm nét mặt: “Trong chùa chúng ta cũng cần hóa duyên đấy!” Đại chúng trong phòng học đều quay lại nhìn tôi với ánh mắt khinh thường. Từ khi tôi ra đời cho đến nay, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải sự chế giễu và cười nhạo của con người. Tuy nhiên vì thể diện, Thầy Giám Viện phải xã giao một chút, Thầy giao tôi cho một cư sĩ2 và nhờ vị này thay thế hướng về mọi người quyên góp.

Cư sĩ là người có trách nhiệm hộ trì Phật pháp, tất nhiên ngoài mặt không thể khước từ, mà trong lòng ông ta lại nghĩ: “Hiện nay nơi hóa duyên rất nhiều, thật ra tâm có dư mà sức lại không đủ. Các đệ tử Phật giáo lại không biết điều, họ đem tiền hóa duyên dùng vào những nơi không cần thiết. Hôm nay chỗ này xây đại điện, ngày mai chỗ kia xây tự viện, mọi người lại không có bản lĩnh để bảo quản giữ gìn. Không phải ngôi tự viện nơi này cho bọn cường hào địa phương cưỡng chiếm, thì là chùa miễu chỗ nọ cho quân đội đồn trú. Lẽ nào chùa miễu hiện nay đã quá tải?”

Sự nhận xét của vị cư sĩ này vô cùng đúng đắn, ngày nay kinh tế Phật giáo đã đối mặt trong giai đoạn suy sụp, dựa vào vài đồng tiền hóa duyên quả thật không thể tiêu xài nó hoang phí. Tất nhiên, xây dựng chùa chiền thì có thể trụ trì Phật pháp, nhưng nếu tự viện mọc lên như rừng mà không làm các sự nghiệp khác như giáo dục, văn hóa, từ thiện… thì ngôi tự viện đó chẳng khác gì một cái xác không có linh hồn, cần nó có ích lợi gì chứ?
Cư sĩ đó mang tôi vào nhà, thở một hơi thật dài, rồi ném tôi trên bàn một cách không còn sức lực. Qua mấy ngày vẫn không ai đến hỏi thăm tôi một chút, thân tôi phủ đầy bụi bặm, giống như một người phụ nữ đánh mất tuổi thanh xuân, chịu đựng sự hờ hững, hiu quạnh, thê lương của thiên hạ. Cuối cùng một ngày nọ, có một ông quan lớn đến thăm người cư sĩ này, sau vài lời khách sáo, vị cư sĩ đã mở lời tấn công ông: “Đã lâu ngưỡng mộ Tướng quân thích làm việc thiện nên mới có địa vị phước lộc ngày nay, được người kính ái, tôi thật sự rất bội phục. Nếu ông có thể hỗ trợ Phật giáo nữa thì công đức càng vô lượng. Đây là sổ hóa duyên xây chùa, kính hy vọng ông sẵn sàng giúp đỡ về mặt tài chính.” Sau khi vị cư sĩ nói xong, đưa tay phủi tro bụi trên người tôi, cầm tôi đặt vào tay ông quan nọ. Ông ta được người khác tâng bốc cũng đành phải tiêu chút tiền, nhưng trong lòng ông không bao giờ mong muốn đâu ạ!

Tôi đã du lịch bên ngoài một khoảng thời gian, cuối cùng lại trở về trong tay của một vị Sư phụ nào đó. Than ôi! Tôi là một món đồ khiến cho mọi người chán ghét; tôi là chướng ngại vật ngăn trở những người mới bắt đầu bước vào cửa Phật. Có những lúc, sau khi các Pháp sư giảng xong một thời kinh, họ mời người nghe kinh đến gặp tôi, kinh đã nghe xong rồi, đương nhiên ít nhiều cũng được một hai quan tiền!

Pháp và tài dường như đã trở thành một giao dịch trá hình, theo cách này, khiến cho bao nhiêu người mới học Phật, nghe pháp không thể đến hội trường để nghe kinh, vì kinh tế của họ không dư dả, đây là một vấn đề nghiêm trọng biết bao. Tôi thật có tội, tôi đốn bỏ bao nhiêu là thiện căn mới nảy mầm, tôi đả kích bao nhiêu là đạo tâm mới phát, công lao mà tôi hiến cho Phật giáo thật sự không gì sánh được với nghiệp chướng tội lỗi của tôi!
Trong quá khứ, tôi đích thật vì Phật giáo, vì người xuất gia đã giải quyết nhiều vấn đề nan giải, thức ăn, quần áo và nơi ở đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của tôi. Tuy nhiên, thời đại ngày nay đã khác, hoàn toàn ỷ lại con người rốt cuộc không phải là biện pháp. Trong xã hội, con trai không nuôi cha, con gái không hiếu thuận với mẹ nhiều vô số kể. Trước đây, tôi đã từng quá tự hào cho rằng Phật giáo thiếu tôi không được; nhưng ngày nay, tiếng kêu gọi đổi mới trong nhà Phật đang reo lên, nói cái gì là chư Tăng phải tay làm hàm nhai (tự lực cánh sinh), phải lao động và sản xuất, tôi mới giật mình tỉnh giấc từ trong cơn mộng si ngốc của mông lung. Từ nay về sau đời sống của người xuất gia ở các địa phương sử dụng tôi sẽ ít đi và sức mạnh của tôi có thể đang dần dần giảm sút.

Bất cứ nơi nào tôi đã đến, cũng đều từng khiến cho mọi người trông thấy mà khiếp sợ, ai mà chẳng tham muốn tiền bạc? Nếu không phải là một Bồ tát phát đại tâm chân chính, thì không ai có thể vui khi nhìn thấy tôi. Còn nhớ một lần có người đã kể một câu chuyện hài hước về tôi, anh ta nói: “Trước đây có con mãnh hổ xuất hiện trên dãy núi Thái Hành, nhiều khách thương nhân qua đường đều mang theo thức ăn cho nó. Một hôm, có vị Hòa thượng xuống núi, lúc Sư đang đi ngang qua, bỗng nhiên trận cuồng phong thổi mạnh, con mãnh hổ từ trên núi bổ nhào phía trước. Trong lúc tình hình cấp bách, Hòa thượng nhanh trí ứng biến, thuận tay ném tôi, dọa mãnh hổ quay đầu bỏ chạy như bay. Từ đó mãnh hổ rất sợ sổ hóa duyên tôi và tôi nổi tiếng đến mức không ai mà không biết.”

Còn nhớ có lần, khi tôi du hành trong một Phật Học viện3, các Tăng sinh trong đó vừa thấy tôi – sổ hóa duyên của một ngôi tự viện nào đó quyên góp xây dựng, họ không hề nhìn tôi một tí. Cùng lúc đó, quyển sổ hóa duyên tạp chí Phật giáo cũng vừa bay đến, tôi không kiềm được tiếng thở dài cho kẻ cùng số phận bất hạnh như tôi. Nào ngờ việc xảy ra ngoài ý nghĩ, những Tăng sinh này có nhiều hảo cảm đặc biệt đối với sổ hóa duyên Tạp chí Phật giáo. Một người nói: “Đây là hai mươi tệ dự bị mua một quyển từ điển, bây giờ tôi xin tặng cho Tạp chí Phật giáo!” Người khác nói: “Năm đồng Viên đại (loại tiền xu thông dụng thời Viên Thế Khải) này là do Sư phụ cho tôi tiêu vặt, đúng lúc xin quyên tặng cho Tạp chí Phật giáo nhé!”

Tận mắt nhìn thấy ​​tình huống đó, tôi ghen tị với đồng nghiệp mới đến, cũng cảm thấy xấu hổ cho mình. Cùng là một trang giấy, cùng là một cuốn sổ hóa duyên, tại sao con người lại có cái nhìn khác nhau? Qua một thoáng suy tư tôi đã đạt được Tam muội4 trong đó, sở dĩ nó được sự hoan nghinh của người là vì nó phù hợp với nhu cầu của Phật giáo hiện tại; còn tôi bị sự lạnh nhạt của người là vì tôi không thể nhận ra xu thế của thời đại!
Ở đây, tôi muốn đưa ra một lời cầu cứu nghiêm trọng: Tôi không bằng lòng hóa duyên xây cất các ngôi tự viện nữa, lại không muốn vì hóa duyên cho công việc hoằng pháp lợi sinh mà nỗ lực, cũng không muốn vì cuộc sống của Phật giáo đồ có tính cách ích kỷ mà bận rộn, điều tôi cần là hóa duyên để phục vụ cho những việc lợi ích như: mở bệnh viện, cất trường học, xây giảng đường, thành lập Phật Học viện và Tạp chí Phật giáo; bởi vì những điều này mới thật là một chủ đề tâm huyết biết bao cho Phật giáo trong hiện tại và sự tồn vong của Phật giáo trong tương lai! Nếu tôi có thể sử dụng nó một cách thích đáng cho các bậc Trưởng lão Đại đức Phật giáo, tôi sẵn sàng đem toàn bộ sức lực của mình cống hiến cho Phật giáo. Nói chung, những vị cư sĩ hộ pháp, nhìn thấy các tín đồ Phật giáo đã hiểu được đại cuộc, tôi nghĩ, từ tận đáy lòng họ càng cam tâm tình nguyện bố thí5. Đem tiền xây dựng những ngôi Phật điện, tự viện không khả năng độ chúng, không bằng dùng tiền xây bệnh viện, trường học, sáng lập sự nghiệp văn hóa Phật giáo; Đem tiền cúng dường cho cuộc sống các Tăng đồ không biết lo nghĩ đến Phật giáo, thiết tưởng nên dùng nó vào công việc đào tạo nhân tài hoằng pháp lợi sinh. Ôi chao! Đó là một viễn cảnh tươi đẹp biết bao!
Nếu có thể như vậy, tôi nghĩ mình từ đây sẽ không bị mọi người cười nhạo nữa. Mặc dù vẫn còn bị xem thường, châm biếm, chế giễu, nhưng tôi cũng sẵn sàng cam tâm chịu đựng điều đó!

Nếu tôi có thể đảm nhận những nhiệm vụ mới, thì Phật giáo nhất định sẽ hưng thịnh! Lúc đó tôi cảm thấy vui sướng và tự hào, cũng cảm thấy được vinh quang tột đỉnh, sẽ không còn ai sợ tôi nữa. Kính thưa các vị đại thiện tri thức 6trong Phật giáo thân mến, các vị hãy nói thử xem có đúng hay không?


Phần bổ sung:
Sổ hóa duyên là quyển sổ quyên góp trong các ngôi tự viện Phật giáo. Cái gọi là hóa duyên hoàn toàn không phải chỉ cho tiền bạc, mà là bồi dưỡng “nhân duyên”, kết nối duyên phận cho những sự việc tín ngưỡng, phụng sự, phục vụ, đạo tình với đối phương. Thật ra, đó là một niềm vui cho các tín đồ có cơ duyên để gieo trồng công đức. Vì vậy, hóa duyên không nhất thiết là tiền bạc, mà là có thể cảm động đến tâm ý của đối phương, cảm hóa được thiện duyên của sự hoan hỉ mới là điều quan trọng nhất.
“Chưa thành Phật đạo, trước kết nhân duyên.” Đem trái tim chân thành tha thiết giáo hóa quần chúng, sẵn sàng làm lợi ích cho thế gian và kết tạo pháp duyên thanh tịnh với người khác, đó mới là chân để của hóa duyên.

Đại sư Tinh Vân (星云大师) – Thanh Như dịch



  1. Đương Gia Sư (當家師): Chỉ cho Giám Viện, người chịu trách nhiệm về đời sống trong tự viện. Nếu Phương trượng tương tợ Đổng sự trưởng, thì Đương Gia như Tổng giám đốc, chủ yếu quản lý điều hành trong tự viện, giải quyết tài chính hàng ngày.
  2. Cư sĩ (居士): Gọi chung các Phật tử tại gia. Đồng thời, thuật ngữ này cũng được giới văn nhân nho sĩ sử dụng, chẳng hạn như Lý Bạch tự xưng là Thanh Liên cư sĩ, Tô Thức xưng Đông Pha cư sĩ, Đường Dần xưng Minh Nguyệt cư sĩ…
  3. Phật học viện (佛學院): Trường học chuyên đào tạo các Tăng, Ni của Phật giáo qua cấp bậc Đại học, Thạc sĩ với các môn: Sử Phật giáo, Duy Thức, Trung Quán, Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Thiền tông, Tịnh Độ, Luật học, Văn vật Phật giáo, Âm nhạc Phật giáo, Văn học Cổ điển, Văn học Hiện đại, Triết học trong và ngoài nước, Lịch sử học, Văn hiến học, Chính trị, Ngoại ngữ, Thư pháp…
  4. Tam Muội (三昧): Dụng ngữ Phật giáo. Còn gọi Tam Ma Địa, Tam Ma Đề. Dứt trừ tạp niệm, khiến cho thân tâm bình tĩnh, là phương pháp tu hành quan trọng, tạm mượn chỉ cho chân đế yếu lĩnh của sự vật.
  5. Bố thí (布施): Là một trong Lục Độ, nó cũng đứng đầu trong Lục Độ. Đó là ba cách bố thí trong Phật giáo Đại thừa gồm Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí…
  6. Đại thiện tri thức: Nghe tên là biết, thấy hình là quen. Chỉ cho bậc thiện tri thức có đức, dạy mọi người tránh xa điều ác, làm các việc lành, đó là con đường Bồ đề làm lợi lạc cho người và ta.

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!