Chủ Nhật, 24 Tháng Chín 2023
Phật học Tìm hiểu Phật giáo Sau khi người chết hỏa táng hoặc chôn thì sự tái sinh...

Sau khi người chết hỏa táng hoặc chôn thì sự tái sinh có gì thay đổi?

 Hỏi : Sau khi người chết hỏa táng( thiêu) hoặc chôn thì sự tái sinh có gì thay đổi hay không ?

Hỏa tán hay thiêu lệ thuộc vào quan niệm của người quá cố. Có một số người trước khi chết có một di chúc, di chúc ấy gắn liền với hỏa táng, thổ táng, hoặc điểu táng. Người ta di chúc như thế nào, người còn sống nếu thương và hiểu được luật nhân quả phải đáp ứng và thỏa mãn như thế đó. Việc không làm đúng theo di chúc có thể làm cho người ra đi không an tâm. Phản ứng của trạng thái không an tâm này là trạng thái chết mà không nhắm mắt, đó là phản ứng đầu tiên. Phản ứng thứ hai, khi người không thực hiện di chúc đó có mặt, hoặc người có ân oán giang hồ hoặc có thề thốt không nhìn mặt nhau có mặt thì làm cho quan tài xì máu ra, hơi làm cho hòm bị xì, vì thần thức của người đó đang còn luẩn quẩn xung quanh. Mỗi một di chúc được thực hiện sẽ giúp người kia được tái sinh dễ dàng, mặc dù lời di chúc đó có thể không đúng lắm.

Đừng bao giờ có lời cầu nguyện di chúc gì, người còn lại lo thế nào thì tùy. Không nên đòi hỏi, sau khi chết phải có huyệt mộ lớn, trống kèn, tụng kinh bao nhiêu thời. Có nhiều lời di chúc tác hại vì nếu người còn sống không làm theo ảnh hưởng rất nhiều cho người quá cố. Là con cháu, nếu cha mẹ ông bà có di chúc ráng hướng vào đó mà làm. Khi đã hứa thì nên làm, vì liên quan đến cộng nghiệp với người quá cố. Do đó, chết thiêu hay chết chôn không quan trọng, nếu họ có di chúc cần phải thực hiện. Nếu có thể giải thích được, ví dụ có người nói sợ chết chôn vì dưới nước lạnh, côn trùng cắn rỉa không chịu nổi, nếu được giải thích chết rồi thần thức không còn nữa, dù cho có ngàn con trùng ăn cũng không còn đau. Cơ thể này là cơ hội để ta cúng dường cho các loài khác không cần đốt nhang, và thân thể đó tạo ra phước báo.

Khi thiêu có thể nghĩ cơ thể trở thành tro, trở về với cát bụi, yêu cầu người thân làm tro bón phân ở cây cỏ. Bản thân sẽ có nghiệp tạo ra cho môi trường sinh thái, đó cũng là một việc làm tốt. Nếu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây Tạng và Ấn Độ yêu cầu người thân treo mình trong rừng sâu cho kên kên, quạ, chó sói, các loài thú dữ chia nhau ăn, một thân thể này nuôi sống cho nhiều loài trong vài ngày. Người Tây Tạng và Ấn Độ nghĩ rằng thân thể sau khi chết như một khúc cây vô dụng, vẫn có thể tạo ra phước báo. Do vậy, cần tâm niệm như thế nào đó để tạo ra phước báo. Tùy theo sở thích mà chọn thế này hay thế khác.

Nếu ai có kiến thức về y học nhiều, có thể di chúc thân phần này, cơ thể này cúng cho y học, y khoa muốn làm gì thì làm. Nếu mắt mình còn sáng thì giúp cho một người mù, gan còn tốt có thể giúp cho một người có nhiệt huyết, có trình độ tiếp tục sống để phục vụ. Thận và lục phủ ngũ tạng còn lại cũng như vậy, với điều kiện sau khi cúng rồi đừng nên tiếc nuối. Sự cúng dường ấy sẽ trở thành tài sản của người khác mà ta vẫn còn tiếc nuối đòi lại thì sẽ mất phước báo. Nên sau khi cúng không nên nuối tiếc ăn năn gì. Ai có tâm tánh không biết pháp rõ ràng dễ bị tác động thì đừng bao giờ phát tâm cúng. Vì khi ấy thấy thân thể vật lý này thông qua tai nạn nhất định, chưa chấp nhận sự chết nên tiếc nuối bám víu vào thân thể này. Lúc đó, đưa thân thể ta vào bệnh viện để lấy phần còn lại cho những người có nhu cầu. Lúc đó, ta tiếc nuối và nghĩ rằng người đó đang đánh đập mình, đang ăn cắp chi phần của mình. Sự tiếc nuối và sân hận diễn ra, phước không có mà còn ảnh hưởng tai hại nhiều đến tiến trình tái sinh.

Cần xem rằng mình có đủ lòng từ bi để hiến xác cho khoa học hay không. Nếu câu trả lời là không thì đừng nên làm. Nếu câu trả lời là có và dứt khoát thì đừng sợ, đừng tiếc nuối. Chết hỏa táng, hay chết thiêu, hay chết điểu táng hay hiến xác cho khoa học, thì tiến trình tái sinh có thể khác và giống tùy theo từng tình huống. Nếu là người dứt khoát vẫy tay chào với cơ thể vật lý này thì tiến trình tái sinh sẽ được diễn ra theo nghiệp lực của người ấy đã gieo trồng suốt mấy mươi năm có mặt trong cuộc đời, cộng với năng lực trong quá khứ giống nhau như vậy. Khác nhau ở chỗ lẽ ra nghiệp của người này phải được tái sinh làm người giàu sang sung sướng để hưởng những quả phúc mà mình đã làm, vì tiếc nuối vào tình yêu thương của vợ chồng, cha mẹ, con cháu, ông bà, gia tài, sự nghiệp, danh vọng, chương trình, kế hoạch, người đó sẽ phải bị đầy đọa trong tiến trình của thân Trung Ấm.

 Tức là mang thân thể tâm lý, không có thân thể vật lý, cho nên kéo dài chừng nào thì khổ đau chừng ấy. Vì thế, kinh điển nhà Phật gọi các hồn ma bóng vía chưa được tái sinh là ngã quỷ, tức là đói khát. Đói về cảm xúc, về nhận thức, về tiếc nuối, về các phương diện khác nhau. Giống và khác lệ thuộc hoàn toàn vào dòng cảm xúc buông hay không buông của người ra đi. Còn phương tiện thiêu, chôn, điểu táng, hiến xác cho khoa học không quan trọng. Quan trọng là thái độ của chúng ta đối với bốn loại hình của sự tống táng này thế nào. Là Phật tử, nên hiểu sống chết như một quy luật. Nhận biết, tận dụng tạo phước báo trong mọi cơ hội, tình huống diễn ra với chúng ta phước sẽ có, tội sẽ giảm, người sống lẫn kẻ mất sẽ được an vui hạnh phúc.

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!