HĐ Dẫu rằng vẫn sống theo khuôn mẫu lễ giáo của Khổng Mạnh, theo tinh thần đạo Nho, người Việt chúng ta vẫn có những tập tục lễ nghi riêng, và trong quan niệm hôn nhân, phải khách quan mà xét, người Việt Nam có phần cởi mở và tiến bộ hơn. Phụ nữ Việt Nam vẫn có quyền và tự do định đoạt hôn nhân và cuộc đời của mình. Sự tự do luyến ái mặc nhiên được công nhận qua chuyện Tiên Dung công chúa cùng Chữ Đồng Tử và trong câu ca dao, kho tàng thi ca bình dân Việt Nam cũng thấy vô số những bài thể hiện tinh thần tự do phóng khoáng, và quyền tự quyết của người đàn bà. Thế nhưng, trong xã hội của chúng ta từ lâu, trải qua bao nhiêu thế hệ vẫn còn cái tệ về quan niệm “cha mẹ đặt đâu, con cái ngồi chỗ đó”. Quan niệm hôn nhân cưỡng bách này có nhiều tính chất mua bán và đặt lý lên tình. Cha mẹ toàn quyền định đoạt, ngã giá, thách thức như những con buôn. Người con gái bị coi như những món vật dụng, món hàng dùng để đầu cơ trục lợi hay là những vật ôi thừa cần phải tống khứ. Vì, người ta vẫn thường quan niệm rằng “con gái là con thiên hạ” nuôi con gái như thể nuôi vịt trời…”
Do cuộc hôn nhân có tính cách mua bán, ngã giá như vậy mà nảy sinh mà một hạn người trung gian, thường gọi là “mai dong” chuyên chạy mối lái như những anh chàng mại bản, thủ lợi cả hai đàng. Có những người, nhất là hạng phụ nữ có tuổi ăn không ngồi rồi, giỏi mồm giỏi miệng, giả nhân giả nghĩa, giỏi xạo việc, chuyên nghề mối lái luôn luôn nói ra, tán vào với những nhà có con gái y như những chú lái heo. Do những cuộc hôn nhân có tánh cách mua bán – mà người ta thường gọi thêm cái tên là mại hôn – mà nhiều phụ nữ phải rơi vào vực thẳm của tình yêu và địa ngục gia đình, vào cuộc đời bất hạnh, đen tối và chán chường, không có lối thoát. Nhất là những người con gái đang có cuộc đời trong sáng và tương lai triển vọng tươi đẹp mà chẳng may gặp phải một anh chồng chẳng ra gì, bởi “gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu” và cha mẹ đặt đâu là phải ngồi đó”, thì thật là khổ biết bao.
Rất may là những cuộc “mại hôn” này rất ít diễn ra trong xã hội ta. Đây là một tình trạng nặng nề của xã hội Trung Hoa xưa. Trong quảng đại quần chúng, tại nông thôn, tinh thần cũng được phóng khoáng và người Việt Nam ta trong cuộc sống rất cởi mở – vốn dĩ dân Việt Nam là một dân tộc tự cường tự lập, có tinh thần bất khuất chống nô lệ trong hơn bốn ngàn năm lịch sử – do vậy mà không quá bo bo nô lệ vào văn hóa, lễ ghi Tàu. Đời sống tình tự của người đàn bà Việt Nam đôi khi vượt thoát những khuôn mẫu lễ giáo. Quan niệm “Tôi trung không thờ hai chúa, gái khôn không lấy nhiều chồng”, và thái độ thủ tiết của người đàn bà đã được đa số phụ nữ Việt Nam gìn giữ, thế nhưng không phải theo đuổi một cách mù quáng mà, trong nhiều trường hợp đã được áp dụng uyển chuyển.
Có nhiều trường hợp người đàn bà phải đi thêm một đoạn đường nữa, không phải vì người đàn bà kém đạo đức , kém giáo dục mà chính là theo điều kiện cuộc sống riêng tư và theo bản năng sinh tồn. Người đàn bà vẫn là một người có đầy đủ tâm trí biết sống, biết yêu. Không thể quá khắt khe áp bức người đàn bà sống trong nỗi cô đơn, lạnh lùng hoặc trong oan nghiệt mãi mãi. Khi mà người đàn bà vẫn còn điều kiện, cùng sinh lực dâng tràn và theo lẽ công bằng, người đàn bà vẫn có quyền tự do định đoạt tương lai của họ. Tại sao khuôn mẫu lễ giáo và quan niệm người đời cứ mãi bắt buộc người đàn bà phải luôn luôn hy sinh, chấp nhận sự cam chịu mà không cho người đàn bà được thụ hưởng, hay ít ra cũng là giải thoát sau những ngày tháng cam chịu? Bởi thế, với cái nhìn cởi mở của chúng ta ngày nay, chúng ta không thể câu nệ, khắc nghiệt với những trường hợp “không cam chịu” của người đàn bà.
Về vấn đề này, ông Cao Thế Dung đã nhận định trong bài “Hiện thân của người đàn bà trong văn chương Việt Nam” như sau:“…Trong xã hội Nho giáo, người đàn bà bị lu mờ và gần như tước đoạt giá trị và thân phận đã không hơn một tấm lụa đào phất phơ giữa chợ trong xã hội gò bó theo khuôn thước “Nam nữ thụ thụ bất thân”, người đàn bà hầu như trở thành thứ phụ thuộc, một công cụ của sản xuất kinh tế và sinh đẻ. Người đàn bà thúc thủ trong khuôn thước đó như đành cam chịu. Song quá nhiều trường hợp, nhất là trong thế giới văn thơ, người đàn bà tuy nhiều câm nín nhưng vẫn có đủ trung thực biểu hiện khát vọng cùa chính mình. Cái đạo lớn trong con người để thể hiện trọn vẹn qua đạo vợ chồng hay nói một cách khác, thể hiện qua sự hòa điệu cao trọng và tuyệt vời giữa Âm dương – Quân tử đạo giả tạo đoan hồ phu phụ (Sách Trung – Dung – Đạo của người quân tử khởi từ đạo vợ chồng vậy) Đạo lớn đó chỉ thật sự là Đạo của con người và là nguồn sống thực khi còn thăng hoa theo tình tự hòa điệu giữa tình yêu và thân xác.
Khi một góa phụ phải bước đi một bước nữa, điều đó cũng chỉ là sự hợp lý hợp tình và thích nghi theo cái đạo âm dương hòa điệu để lấy lại sự cân bằng cho người sống thực. Nho giáo dạy người ta phải thủ tiết tờ chồng. Người đàn bà Việt Nam một mặt vẫn tuân theo giáo điều đó, một mặt vẫn đối kháng vì “thủ tiết” cũng chỉ là cái dây xích buộc thân phận người đàn bà trong cái cột lớn của chế độ phụ hệ mà tự bản chất của nó đã bất công phi lý. Thủ tiết như thế quả là một tiêu ngữ huyễn hoặc nhằm khuyến dụ người đàn bà cam chịu và thất thân trên nỗi cô đơn. Nói là “thất thân” vì chính trong hình ảnh cô đơn, những đòi hỏi của thân xác vẫn còn ngùn ngụt bốc cháy trong âm ỉ và bóng tối. Thành ra, sự thủ tiết bỗng dưng trở thành huyễn hoặc. Ý dâm và kể cả thủ dâm trên phương diện luân lý thì tự nó đã là một trọng tội.
Sự thủ tiết trong người đàn bà Việt Nam chỉ là sự tự nguyện cam chịu để tôn thờ một tình yêu cao khiết, hay đúng hơn là để thể chấp cái trật tự của gia đình, thôn xóm trong lũy tre xanh. Nếu không cam chịu trước hoàn cảnh đơn chiếc, người góa phụ trở thành đối kháng trước thực tại ràng buộc bởi Nho giáo với những hiếu thuận và chung thủy. Xã hội Việt Nam không thiếu gì những trang nữ lưu đã một đời thủ tiết. Chúng tôi nghĩ sự thủ tiết kia, trước hết nằm trong cái truyền thống cam chịu và sống vì chồng con của người đàn bà Việt. Sự thủ tiết như thế trong tập thể quần chúng trước hết nó không phát xuất từ khuôn nắn khắt khe của Nho giáo (chỉ là một hình thức của giáo điều) những điều cứng nhắc Nho giáo nếu có ảnh hưởng thì chỉ ảnh hưởng trong một đẳng cấp nhỏ bé của xã hội (Nho gia). Trong môi trường này người đàn bà quả đã mất hết ý nghĩa đàn bà. Bởi vậy, muốn nhìn cho rõ chân dung và bản chất thực của một người đàn bà Việt Nam, việc đầu tiên là phải đi vào thế giới phong phú của văn chương bình dân trước đã vì chỉ có như thế mới dễ dàng nhận ra được nếp sống chân thực nơi thôn dã mộc mạc, tức nếp sống Việt Nam.
Những trường hợp đã chứng tỏ rằng, giáo điều Nho giáo bất lực. Nó bất lực trước những đòi hỏi của thân xác. Bất lực trước những trắc nết. Thành ra khuôn ước giáo điều là một chuyện, những đòi hỏi của thân xác lại là một chuyện khác.Tựu chung, người đàn bà Việt Nam vẫn giữ được những bản chất cao nhã. Hầu hết truyện cổ tích Việt Nam nếu nói về tình ái ấy tuy có thể vượt qua vòng cương tỏa của danh giáo nhưng trước sau vẫn diễn tiến trên tính tự cao nhã (Chữ Đồng Tử – Tiên Dung, Trương Chi – Mỵ Nương), cho nên thật hiếm hoi tìm được một truyện nào có tính cách xiển dương tình dục và dâm loạn. Chúng tôi nghĩ rằng, người đàn bà Việt Nam thì không thể dùng cái thần hóa sinh lý của Freud để biện giải. Trong một xã hội 90% dân là sống về nông nghiệp và sinh hoạt trong khung cảnh diễn tình thơ mộng trên biểu đồ vững chắc nhất của thể thống tôn ti và chính lũy tre xanh, đền dài miếu tự, gia đình thôm xóm đã trở nên những yếu tố tăng triển và nuôi dưỡng bản chất cao khiết của tâm hồn người đàn bà Việt Nam”.
Khởi từ đầu thế kỷ 20, nền văn minh Tây phương xâm nhập vào lãnh địa Việt Nam. Nếp sống vật chất lộ liễu tràn vào như nước lũ, thay đổi đời sống của lớp gái trai thị thành. Giới phụ nữ dần dần tiến bộ hơn và được giải thoát ra khỏi khuôn khổ gia đình. Tầm nhìn của người phụ nữ cũng được rộng mở. Cuộc sống bản thân và tình yêu của người phụ nữ Việt Nam đã được đổi mới. Cho đến bây giờ, người phụ nữ Việt Nam đã tiến xa trong các trào lưu vật chất. Nếp sống ảnh hưởng Âu – Mỹ đi đứng tự nhiên, hành động mau nhanh, không mặc cảm, có khi quá lộ liễu, yêu đương, đạo đức cũ phải khó chịu. Ông Cao Thế Dung, nhận định rằng:“… Từ một nữa thế kỷ nay, trước làn sóng vũ bão của văn mình Tây Phương, người đàn bà Việt Nam đã trãi qua những biến thái lớn và dĩ nhiên trên lớp lang của nó là thảm trạng”.
Thế nhưng, dầu thế nào, chúng ta cũng tin rằng người đàn bà Việt Nam vẫn giữ được tư cách riêng của mình. Không thể nói là tất cả phụ nữ Việt Nam bây giờ đã Âu Mỹ hóa, cũng như đã không thể nói phụ nữ việt Nam thời xưa đã Tàu hóa. Bây giờ, dầu hình thức cuộc sống có thay đổi nhiều, người phụ nữ Việt nam thời nay cốt cách vẫn cón có đặc tánh riêng của dân tộc. Họ có thay đổi cách ăn mặc, cách trang sức như thế nào đi chăng nữa, mái tóc có bới lọn, cắt ngắn hay uốn quăn, chiếc áo dài tha thước diễm lệ đặc biệt riêng của người đàn bà Việt Nam vẫn được thông dụng, quý chuộng, tâm tính hiền dịu, thâm trầm và tế nhị của người phụ nữ Việt Nam cũng không thể đổi thay.