Thứ Hai, 29 Tháng Năm 2023
Cảm tác Phát tâm Bồ đề

Phát tâm Bồ đề

  Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng:

“Vong thất Bồ đề tâm
Tu chư thiện pháp
Thị danh ma nghiệp.”

Nghĩa là:

Quên mất tâm Bồ đề
Thực hành các pháp lành
Đó gọi là việc của Ma.

Thật vậy, đời sống người xuất gia rộng lớn như hư không, nếu mình quên mất tâm Bồ đề, quên mất chí nguyện xuất gia, thì ma nghiệp sẽ kéo mình đi xuống.

Đại bi tâm giống trí Bồ đề
Đại trí tuệ, tịch tĩnh nhiêu khê
Bồ đề hạnh, viên thành trí sáng
Bồ đề tâm, dứt bặt nguồn mê.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Di Lặc đã diễn giải cho Thiện Tài đồng tử về hiệu năng của Bồ đề tâm trong sự tu tập để thực hành Bồ tát đạo như sau:

– Bồ đề tâm ví như hạt giống, vì nó có khả năng sanh khởi, hết thảy Phật pháp. Từ Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát cho đến Phật, trước khi tu hành đều phát khởi tâm Bồ đề. Vậy tâm Bồ đề là tánh giác, nói cách khác phát tâm Bồ đề là nhơn, thực hành Bồ tát hạnh, lập Bồ đề nguyện để thành tựu Bồ đề quả, tức Phật quả.

– Bồ đề tâm ví như ruộng phước vì nó có khả năng nuôi dưỡng các pháp lành. Khi Bồ đề hạnh, Bồ đề nguyện đã phát khởi thì Giới phát sinh, mà Giới có công năng nuôi dưỡng và phát triển tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ và tâm Xả. Như mình giữ Giới không sát sanh, không trộm cắp… là mình đã dùng tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả bảo hộ cho thân mạng, tôn trọng tài sản của chúng sanh hay bảo vệ hạnh phúc gia đình cho chúng sanh, nhờ mọi người đều giữ gìn giới cấm của Phật đã chế, nên xã hội được bình an.

– Bồ đề tâm ví như cõi đất lớn, vì nó có khả năng nâng đỡ thế gian, nhờ mình có tâm Bồ đề, giữ Giới, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm v.v… không những không vi phạm giới cấm của Phật mà còn phát huy ở mặt tích cực, là phóng sanh, bố thí, cúng dường v.v…, đó chính là mảnh đất màu mỡ để chúng ta gieo trồng thiện nghiệp, trên tinh thần “Tam luân không tịch.” Nghĩa là không thấy có người cho, người nhận lãnh và vật đem ra cho, thực hành Lục độ Ba-la-mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ), đều dựa vào sự phát tâm Bồ đề, thực hiện thì hiệu quả rất lớn.

– Bồ đề tâm ví như tịnh thủy, vì nó có khả năng thanh tẩy hết thẩy cấu bợn phiền não. Bản thể của tâm Bồ đề tĩnh lặng, do tâm định phát ra đại trí tuệ, nhờ có đại trí tuệ mà Bồ tát phát tâm lập ra Tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn…” Vì tâm của Bồ Tát lúc nào cũng nghĩ đến sự khổ đau của chúng sanh, nên các Ngài thị hiện vào đời, nhằm xoa dịu khổ lụy, tai ương cho chúng sanh. Từ đó, các Ngài chỉ ra phương pháp hóa giải phiền não, khổ đau ấy, bằng chất liệu Từ bi – Vô ngã – Vị tha.

– Bồ đề tâm ví như gió lớn, vì nó thổi khắp thế gian không bị ngăn ngại. Thật nhiệm mầu thay Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nhận ra được tâm Bồ đề, chính là tánh Giác ngộ không hình, không tướng. Xưa nay, Diệu giác, Chơn tâm, từ vô thỉ vốn trong sạch, không có vật gì tìm được trong đó, lấy chi vướng bụi? Nó thong dong, tự tại, như gió thổi khắp thế gian. Ngài trình bốn câu kệ:

“Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?”

– Bồ đề tâm ví như lửa lớn, vì nó có khả năng thiêu rụi rừng tà kiến. Bởi vì, tâm Bồ đề bản thể của nó vắng lặng, nên phát ra đại trí tuệ, thấy biết các pháp trong thế gian một cách tường tận, chính xác, do mình có Chánh kiến, Chánh tư duy, thì những tà kiến, hiểu biết sai lầm, sẽ bị thiêu rụi. Giống như ngôi nhà tối trăm năm, chỉ cần một ngọn đèn, dầu ngọn đèn ấy rất nhỏ, khi ngọn đèn được đốt lên, cũng phá tan được bức màn đen tối trong ngôi nhà kia. Do đó, khi trí huệ phát sinh thì vô minh bị đẩy lùi.

– Bồ đề tâm ví như trăng rằm, vì các pháp đều được thanh tịnh viên mãn. Vua Trần Thái Tông có hai câu thơ:

“Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.”

Câu 1: Khi tâm lặng, trí sáng, ta thấy muôn sự, muôn vật rõ ràng, không có gì làm cho chúng ta lúng túng, lao xao, vạn vật đến – đi tự tại an nhiên, không ảnh hưởng gì đến tâm ta.

Câu 2: Không mây là không có phiền não, không có vọng động, khi phiền não lắng xuống, ta nhận được tánh biết, bấy giờ cả bầu trời thênh thang hiển hiện, chỉ có một tâm không năng, không sở, không người, không ta, các pháp đều viên mãn thanh tịnh.

– Bồ đề tâm là ngọn đèn lớn, vì nó có khả năng phóng ra những loại ánh sáng Chánh pháp. Chư Phật ra đời với hoài bão là muốn “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.” Nghĩa là Đức Phật giới thiệu tri kiến Phật của chúng sanh. Ngài đã vận dụng ngôn từ, tỷ dụ khéo léo để “chỉ” tri kiến Phật của chúng sanh, để chúng sanh biết. Hướng dẫn chúng sanh “hiểu kỹ” về tri kiến Phật của mình. Khích lệ chúng sanh sống bằng tri kiến Phật vốn có của chính mình (Kinh Pháp Hoa – HT. Thích Từ Thông).

– Bồ đề tâm ví như mắt sáng, vì nó thấy hết cùng khắp các chỗ an nguy. Đó là trí năng sáng suốt quan sát các pháp, nhận thức được thể tánh thanh tịnh rốt ráo, phẩm tính chân thật của các pháp một cách rõ ràng, đưa chúng sanh trở về hải đảo bình an của chính mình.

– Bồ đề tâm ví như con đường lớn, vì khiến chúng sanh đi vào con đường đại trí. Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Như Lai dùng ba thừa để dẫn dụ chúng sanh ra khỏi nhà lửa Tam giới đó là: Tiểu thừa, Trung thừa và Đại thừa. Cũng như ông Trưởng giả dùng ba thứ xe: Xe dê, xe hươu và xe trâu để dụ các người con mau ra khỏi nhà lửa. Ngôi nhà của ông rộng lớn mà chỉ có một cái cửa để ra vào. Ông Trưởng giả ấy dụ cho Đức Như Lai, nhà lửa cũ mục chỉ cho Tam giới (Tam giới vô an, du như hỏa trạch). Ba cõi thênh thang không ranh giới, nhưng muốn ra khỏi chỉ có một con đường duy nhất là “Bát chánh đạo” và một cửa là “Tam giải thoát môn” mà thôi, đó là con đường đại trí tuệ.

– Bồ đề tâm ví như cỗ xe lớn chuyển vận Bồ tát tâm, vì tâm của Bồ tát lúc nào cũng nhớ đến chúng sanh, luôn luôn làm lợi ích cho chúng sanh nên lập ra Tứ hoằng thệ nguyện, dựa vào Tứ thánh đế để độ sanh.

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”: Nghĩa là chúng sanh có nhiều nỗi khổ niềm đau, lâu đời chưa được hoá giải (Khổ đế), Bồ tát dùng Từ tâm để chuyển hoá những khổ đau bằng cách hướng dẫn chúng sanh quay về nương tựa ba ngôi báu.

“Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”: Nghĩa là những tập khí gắn kết lâu đời (Tập đế). Nhờ những phương pháp làm cho cấu bợn phiền não lắng xuống, tâm mình sẽ được yên, không còn bị vẩn đục, như gió lặng, sóng yên, trời trong mây tạnh.

“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”: Nghĩa là giáo pháp của Đức Như Lai được chia ra “Ngũ thời, Bát giáo” (Đạo đế). Chúng sanh nương theo đó hành trì thì sẽ được an lạc.
“Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”: Người tu thượng thừa lúc nào cũng thấy Tự tánh tức Phật tánh (Diệt đế). Do có sự giác ngộ thấy biết sáng suốt có đủ lương tri, lương năng, động tĩnh hiệp pháp, các điều tà vạy đều tuyệt dứt, nên tâm hồn được thong dong tự tại, do là chúng ta đang sống ở cảnh giới Niết bàn.

Bồ tát Di Lặc đã chỉ dạy cho Thiện Tài đồng tử về tâm Bồ đề, chính là tính giác ngộ sáng suốt.

Tự tánh xưa nay vốn tịnh thanh
Không sanh, không diệt, chẳng lợi danh
Tự tánh sạch trong không cấu bợn

Sở dĩ hôm nay chúng ta được dự trong hàng Sa môn Thích tử, là nhờ nhiều đời chúng ta đã ươm mầm Bồ đề, và được tưới tẩm bởi nhiều nhân duyên thù thắng, hạt Bồ đề ấy nay đã trổ cành xanh lá, là nhân tố để giống Phật được mãi mãi trường lưu.

TKN. Phước Giác

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!