Thứ Tư, 27 Tháng Chín 2023
TIN TỨC Tin tức Phật sự Phát biểu Hòa thượng Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Phát biểu Hòa thượng Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Đại Ái Đạo Tỳ kheo Ni Tổ Sư Ni – Đương Lai Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Phật tác đại chứng minh.

Kính bạch chư Tôn đức Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Lãnh đạo các Ban Trị sự tỉnh, thành.
Kính thưa Hòa thượng Thích Nhật Quang – Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Đồng Nai cùng chư Tôn đức trong Ban Thường trực thành viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai.

Kính thưa Ni trưởng Thích Tịnh Nguyện – Ủy viên Ban Thường Trực Hội Đồng Trị sự, quyền Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương; Ni trưởng Thích Huệ Hương – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai cùng toàn thể chư Tôn đức Ni 45 Phân ban Ni giới thuộc 63 tỉnh, thành trong phạm vi cả nước.

Kính thưa Ngài Trần Tấn Hùng – Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Trần Quang Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; bà Lê Hà – Phó phòng An Ninh Xã hội – Bộ Công an; bà Nguyễn Hòa Hiệp – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; ông Vũ Ân Nguy – Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Đồng Nai và bác Lê Quốc Vũ – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai cùng các vị khách quý, lãnh đạo tỉnh, thành phố, các địa phương và toàn thể quý vị.

Hôm nay, trong bầu không khí trang nghiêm tràn đầy Niềm hỷ lạc những ngày đầu xuân Mậu Tuất trên mảnh đất Đồng Nai, chùa Tỉnh Hội, xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa, được sự cho phép của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và các cơ quan chức năng lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai, Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai đã long trọng tổ chức Đại lễ Tưởng Niệm Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo Tổ Sư Ni – Đương Lai Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Phật.

Buổi lễ được sự quan tâm chứng minh của chư Tôn đức Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, chư Tôn đức lãnh đạo các ban ngành huyện, Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai cùng chư vị khách quý. Vào giờ phút trang nghiêm này, xin được thay mặt Trung ương Giáo hội và chư Tôn đức Ban Chứng minh kính chúc Đại lễ Tưởng Niệm Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo thành công viên mãn.

Kính thưa quý vị, đây là lần thứ sáu Đại lễ Tưởng Niệm Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo được tổ chức. Năm nay, Đại lễ được tổ chức một cách trang nghiêm trọng thể, với số lượng tham dự đông đảo cùng tinh thần đoàn kết hòa hợp và sự phấn khởi và Niềm hoan hỷ chung của GHPGVN, Phật giáo tỉnh Đồng Nai cũng như toàn thể Ni giới trong phạm vi cả nước. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển ổn định của Ni giới trong toàn Giáo hội, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai.

Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo nhập diệt vào năm 543 TCN trước khi Đức Phật nhập Niết Bàn ba tháng tại Cao Đài Lan Nhã, thành Quảng Nghiêm, Tỳ Xá Ly. Như thế, 2.562 năm đã trôi qua nhưng rất gần đối với chúng ta, vì sao vậy? Vì mỗi lần tổ chức Đại lễ Tưởng Niệm Ngài, chúng ta tưởng Niệm đến công lao, đạo hạnh, sự giáo hóa và những nỗ lực tu tập của Ngài. Qua đó, chúng ta cảm thấy rất gần, thân thiết và rất trân trọng đối với người đệ tử xuất gia tu học Phật vì với sự lãnh đạo của Ngài qua thời gian xuất gia tu hành giới đức trang nghiêm, thanh tịnh thành tựu giới, thành tựu định và thành tựu huệ, tức là vô tham, vô sân và vô si, giữ gìn được Tám pháp kính trọng mà Đức Phật đã ban hành. Chính Tám pháp kính trọng này là điều kiện giúp nữ giới trở thành những vị Tỳ kheo Ni đúng nghĩa. Như thế, Tám pháp kính trọng mà Đức Phật chế ra dĩ nhiên sẽ tồn tại mãi mãi cho đến khi tất cả chư Ni tu hành giác ngộ và thành Phật. Tám pháp kỉnh là bức tường kiên cố ngăn chặn nước mặn, nước nhiễm ô không xâm nhập vào dòng nước trong sạch của tâm, bức tường, ngăn chặn không cho nước sạch bên trong bốn bức tường chảy ra. Tất cả công đức, thiện căn, pháp thân thanh tịnh chắc chắn sẽ được giữ và giữ mãi, không những thế còn tăng trưởng và tăng trưởng mãi cho tới khi giác ngộ và giải thoát thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ Đề, tức thành Phật, Thánh quả A La Hán trong tương lai. Qua đó, với tất cả những ý nghĩa căn bản, chúng ta tưởng Niệm tôi thấy rất gần? Vì sao? Vì ngày nay, tất cả chư Ni đang giữ gìn Tám kỉnh pháp, đang giữ gìn bức tường một cách cẩn mật không cho nước mặn, nước nhiễm ô thâm nhập vào, đồng thời không cho nước thanh tịnh vô lậu ở bên trong thoát ra ngoài để được tăng trưởng và phát triển thêm, để tâm hồn được thanh tịnh và thanh tịnh, giải thoát càng giải thoát, an lạc càng an lạc. Đó là đích cuối cùng chư Ni đã thực hiện một cách nghiêm túc dầu cách xa Tổ Sư Ni 2.562 năm. Tất cả những văn hóa Tổ Sư Ni cũng như các vị Tỳ kheo Ni đã để lại qua 522 bài kệ trong Trưởng Lão Ni Kệ của giáo lý Phật giáo Nam truyền chính là một nền văn học, văn hóa tốt đẹp của thế hệ Tổ Sư Ni trong thời Đức Phật và các đệ tử sau này của Ngài để lại. Ngày nay, tất cả các vị đã nghiên cứu, đang học tập và nỗ lực để uyển chuyển theo 522 bài kệ của các Trưởng lão Ni. Qua đó, cũng chứng minh được tất cả các vị Trưởng lão Ni dưới thời Đức Phật đã nỗ lực tu hành giải thoát, an lạc và chứng quả.

Tưởng Niệm Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo là sự thể hiện tinh thần bình đẳng tuyệt đối mà Đức Phật cũng như đạo Phật đã đề ra. Vì sao? Vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Do đó, “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành” là nói theo Kinh Đại Bát Niết Bàn, nếu nói theo Kinh A Hàm và các Kinh Nikaya, tất cả các vị Tỳ kheo Ni đều có khả năng chứng Thánh quả như sơ quả Tu đà hoàn, nhị quả Tư đà hàm, tam quả A na hàm, tứ quả A la hán và vượt lên nữa các vị Bồ tát theo giáo lý Bắc truyền hay giáo lý phát triển. Như vậy, sự bình đẳng đó được thể hiện trên sự nỗ lực tu tập của mỗi cá nhân phát triển và thành tựu Tam vô lậu học Giới – Định – Tuệ, giữ gìn trang nghiêm Tám pháp kính trọng, vì sao? Vì nếu không giữ gìn, nhất định không thể giải thoát, thành tựu Phật quả. Do đó, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nhưng phải giữ cho giới tâm được thanh tịnh mới thành tựu được Phật quả, chứng được Phật tánh. Như vậy, tất cả các vị Tỳ kheo Ni hiện đang ở đây trong GHPGVN cũng như trước kia đã giữ gìn giới pháp trang nghiêm thanh tịnh căn bản là Tám pháp kính trọng và 348 giới điều của Tỳ kheo Ni… Như thế, tinh thần bình đẳng được thể hiện qua sự tu tập giữ gìn giới pháp trang nghiêm thanh tịnh, chứng quả A la hán và thành tựu quả vị Phật tương lai. Đây là tính bình đẳng Đức Phật đã đưa ra, đề cao tất cả mọi người vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Như thế, có thể thấy tất cả chư Ni trong tương lai đều sẽ thành Phật theo lời Đức Phật dạy.

Tưởng Niệm Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo hàng năm, tất cả chúng ta đã thể hiện được sự gắn bó từ thời xa xưa của Đức Phật cho đến ngày nay. Thời kỳ Ni đoàn luôn luôn gắn bó với Tăng đoàn dưới sự lãnh đạo tối cao của Đức Phật và được sự giáo hóa, sự giáo giới của đại Tăng. Từ đó, Ni đoàn tồn tại và phát triển qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử cũng như của các quốc gia. Đặc biệt, tại Việt Nam, Ni giới cũng đã gắn bó với các thời đại và các tổ chức Giáo hội qua các thời kỳ khác nhau. Thời kỳ nào, giai đoạn nào và xã hội nào, Ni giới cũng đóng góp hết sức lực của mình để tạo sự phát triển chung của Giáo hội, trong đó sự hòa hợp đoàn kết chính là sức mạnh tổng hợp của Ni giới. Sức mạnh đó kết hợp với sức mạnh của đại Tăng, rõ ràng đó là sức mạnh của Phật giáo Việt Nam. Khi đó, Phật giáo Việt Nam vững mạnh và càng vững mạnh, phát triển và càng phát triển, ổn định và càng ổn định hơn nữa trong hiện tại và tương lai. Sau khi thống nhất Phật giáo năm 1981, mô hình của Ni giới càng được khởi sắc. Đặc biệt, chư Ni là Ủy viên của Ban Tăng sự Trung ương gồm có: Ni trưởng Đàm Nhung, Đàm Để và Đàm Hảo cũng như Ni trưởng Tịnh Trí, Ni trưởng Diệu Không, Ni trưởng Diệu Viên, Ni trưởng Huỳnh Liên, Bạch Liên, Đàm Liên, Ni sư Diệu Đán, Ni sư Diệu Ngọc,… Như thế, đối với GHPGVN, Ni giới là một tổng thể của các hệ phái Phật giáo đang sinh hoạt trên đất nước Việt Nam và trong lòng GHPGVN gồm có Nam Tông, Bắc Tông, Khất sĩ và thậm chí cả Phật giáo người Hoa, trong thời gian qua đã tạo được sự đoàn kết hòa hợp trong ngôi nhà chung của GHPGVN. Sự kiện đặc biệt mang tính lịch sử là vào ngày 01/11/2008, Cố Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN liên tục trong 30 năm, đã ký Quyết định số 486, công nhận Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, đến nay vừa tròn 10 năm. Qua 10 năm, Phân ban Ni giới cho thấy được sự lớn mạnh và ổn định cũng như sự trưởng thành của mình trong lòng Giáo hội. Đồng thời, chứng minh được sự quan tâm đặc biệt của GHPGVN về sự bình đẳng, công bằng và giúp đỡ để cùng đồng hành cùng phát triển trong ngôi nhà chung của GHPGVN. GHPGVN rất vui mừng khi thấy được đoàn thể Ni giới phát triển đồng bộ dưới sự hướng dẫn của Phân ban Ni giới. Phân ban Ni giới Trung ương trước đây do Ni trưởng Huyền Huệ làm Trưởng Phân ban. Sau khi Ni trưởng Huyền Huệ viên tịch, Trung ương Giáo hội đã bổ nhiệm Ni trưởng Tịnh Nguyện làm Quyền Trưởng Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương, củng cố và phát triển ổn định.

Số lượng Ni giới trong toàn quốc theo thống kê là 28.756 vị và 9.756 cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường. Công việc tu học tại các trường Phật học cũng được ổn định. Các khóa An cư kiết hạ hàng năm cũng được quan tâm, hỗ trợ của Phân ban Ni giới gắn liền với chỉ đạo của Ban Trị sự, Ban Tăng sự các tỉnh thành. Qua đó, Giáo hội rất yên tâm và hoan hỷ khi thấy được toàn thể Ni giới đã làm được công việc mà trước đây đại Tăng đã đứng ra thay thế. Giờ đây, nhờ sự phân công và tự nỗ lực của Phân ban Ni giới và toàn thể Ni giới trong cả nước. 28.756 vị Ni này đã thực hiện tất cả các công việc đó, đặc biệt là đóng góp nhiều công sức trong công tác từ thiện xã hội, an sinh xã hội, làm tốt đạo đẹp đời, đem một phần nào sự an vui hạnh phúc giải thoát cho mọi người. Tổng số công tác từ thiện xã hội của Ni giới trong thời gian qua là 36.000 tỷ đồng trên tổng số 255.000 tỷ đồng của GHPGVN. Đây là một con số từ thiện ấn tượng mà Ni giới đã thực hiện trong thời gian qua. Như thế, với tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, dưới sự lãnh đạo của Phân ban Ni giới, sự đoàn kết hòa hợp của các hệ phái trong phân ban Ni giới, các công tác từ thiện, giáo dục, văn hóa, xã hội,… đã đạt được kết quả tốt đẹp.

Về mặt bang giao quốc tế, Phân ban Ni giới đã tạo được ấn tượng rất tốt khi tổ chức thành công Hội nghị Nữ giới Phật giáo Quốc tế lần thứ 11 năm 2010 tại TP.HCM. Hội nghị này được xem như một cầu nối, làm bệ phóng cho sự lan tỏa đến các nước trong phạm vi châu lục. Tiếp nối điều này, những năm sau đó, Phân ban Ni giới tiếp tục cử đoàn đại diện đi tham dự các Hội nghị kế tiếp ở Thái Lan, Myanma, Ấn Độ, Indonesia, Hong Kong. Điều này đã mở ra một chân trời mới với một tầm nhìn quốc tế mà chính Ni giới đã thực hiện. Trên tinh thần đó, Trung ương Giáo hội xem đây như là một tín hiệu đáng mừng về mặt bang giao quốc tế, cũng như mặt công tác Phật giáo quốc tế của GHPGVN mà Ni giới đã đang và sẽ đóng góp một phần lợi ích lớn cho sự phát triển và hội nhập thế giới trong hiện tại và tương lai.

Với tinh thần đền ơn, đáp nghĩa, Lễ Tưởng Niệm được các tỉnh thành luân phiên tổ chức liên tục hàng năm. Năm nay, Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai đăng cai, năm sau là Phân ban Ni giới tỉnh Tiền Giang. Qua lời phát biểu của đại diện Ni giới tỉnh Tiền Giang cũng như lời kêu gọi tha thiết của Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Trung ương Giáo hội, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ghi nhận tất cả các ý kiến phát biểu trong các tham luận được trình bày, cũng như tất cả ý kiến được phát biểu trong buổi Lễ Tưởng Niệm để cố gắng tiếp tục giúp đỡ và hỗ trợ nhiều hơn nữa để Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức thành công tốt đẹp Đại lễ Tưởng Niệm Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo vào năm 2019.
Với tinh thần và trách nhiệm đó, Trung ương Giáo hội mong mỏi Ni giới trong toàn Giáo hội hãy đoàn kết hòa hợp các hệ phái, từ Nam Tông, Bắc Tông, Khất sĩ đến Phật giáo người Hoa để cùng chăm lo các công tác Phật sự của Ni giới đã được đại Tăng phân công và qua đó, đền đáp một phần nào công đức của Tổ Sư Ni, các vị Tổ Sư Ni Việt Nam cùng các vị tiền bối hữu công cũng như chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội trong thời gian từ khi thành lập GHPGVN đến nay.

Trải qua 37 năm, Phân ban Ni giới đã góp phần công đức rất nhỏ hay rất lớn tùy theo khả năng của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển GHPGVN, Phật giáo các tỉnh thành. Trong đó, có Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương và Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự các tỉnh thành trong 63 tỉnh thành thuộc GHPGVN. Một lần nữa, thay mặt Trung ương Giáo hội và chư Tôn đức trong Ban Chứng minh, kính chúc Đại lễ được thành công tốt đẹp. Kính chúc toàn thể quý vị được an lạc trong Chánh pháp và thành tựu công đức tri ân báo ân của người con Phật.

Nam mô Công Đức Lâm Bồ tát ma ha tát.

HT. Thượng Thiện Hạ Nhơn

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!