Thứ Hai, 29 Tháng Năm 2023
Lối sống Nỗi lòng của giấy tiền vàng bạc

Nỗi lòng của giấy tiền vàng bạc

  Mua một ít giấy để đốt, thì có thể dùng nó làm tiền cho người chết. Giấy bị đốt này được gọi là “Giấy Bạc” (紙箔), “Giấy Bạc”, đó chính là tôi.

Tôi có nhiều tên gọi khác nhau: Minh phiếu (tiền âm phủ), Tích bạc (vàng mã), Hoàng tiền (tiền vàng)… đây đều là hóa thân của tôi. Ngoại trừ dòng chữ “Âm phủ thông dụng” (陰府通用) được in trên “minh phiếu”, còn những loại khác gần giống với tiền giấy thông hành hiện nay; “tích bạc” có phần thân màu xám bạc, gấp lại giống như một “nguyên bảo” (đỉnh vàng hoặc đỉnh bạc), giá trị của nó vượt qua “minh phiếu”; “hoàng tiền” là loại giấy vàng rất dày, thô, xù xì, vì vậy nói “tiền” chẳng qua là cái tên gọi nghe cho mỹ miều mà thôi.

Người hơi nghèo khổ sau khi qua đời, gia quyến của họ chỉ có thể mua một ít “tiền vàng” để đốt, đa số những người tương đối giàu có hơn họ được đốt “vàng mã” (thoi bạc). Giá trị của tiền vàng không bằng vàng mã, loại trước được ví như đô la Hồng Kông, loại sau giống như đô la Mỹ; nếu đốt, lợi ích của người đã khuất đương nhiên không thể so sánh với nhau. Làm người phân ra có giàu có nghèo, thì làm ma cũng có giàu nghèo khác biệt. Cho đến giấy bạc đốt ở dương gian, liệu âm phủ có thể dùng làm tiền hay không, đáng tiếc là tôi không thể tiết lộ thiên cơ với bạn. Vấn đề đó, trừ phi lúc kết thúc một trăm tuổi thọ bạn mới có thể biết.

Xuất thân của tôi không phải từ nước ngoài truyền vào mà là vốn có sẵn ở Trung Quốc, cũng không phải sản phẩm của Phật giáo mà là tương truyền theo phong tục dân gian. Hậu đài của tôi không phải dựa vào chính trị nước ngoài, cũng không dựa vào Tôn giáo để ủng hộ tôi. Sở dĩ tôi có thể tồn tại giữa đất trời hoàn toàn là do tâm lý của nhân dân tạo thành.
Tương truyền, vào thời Đông Hán lúc Thái Luân (蔡倫 61-121) tạo ra giấy, ông đã mất rất nhiều công sức lao tâm khổ trí mới phát minh ra nó. Nào ngờ, sau khi ông làm ra từng trang, từng trang giấy, mọi người không biết công dụng và không ai mua. Trong trường hợp khẩn cấp, trí khôn phát sinh, Thái Luân chợt nghĩ ra biện pháp hay để ứng biến, vội vàng bàn bạc với vợ, ông sẽ giả vờ bệnh rồi qua đời, nằm trên giường, đầu, tay, chân hướng về mỗi ngã Bắc, Nam, Đông, Tây rồi bảo vợ ra ngoài truyền tin chồng mình đã chết. Đợi lúc mọi người đến điếu tang chia buồn, thì đốt giấy mà ông đã sáng chế, lúc đó, ông sẽ tự hét to lên một tiếng và nhảy ra khỏi giường, nói rằng sau khi đốt giấy, đến cõi âm thì nó đã biến thành kim ngân tài bảo, Diêm Vương nhận của hối lộ, cho nên, trả ông về lại dương gian. Mưu chước của ông khá thành công, lúc đó mọi người mới biết giấy có lợi ích như thế, đều tấp nập đến mua, nhân đây mà tôi được lưu truyền cho đến nay.

Theo truyền thuyết kể rằng, sau khi tôi được sử dụng làm tiền ở cõi âm, để tưởng nhớ cội nguồn, để hoài niệm tổ tiên, để tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và cũng để báo đáp ân đức của các bậc trưởng bối, có rất nhiều con thảo, cháu hiền đã mua tôi đốt để bày tỏ tấm lòng hiếu kính. Họ còn dùng rất nhiều giấy tết lại thành cái kho, cái nhà, rương hòm v.v… để tôi vào đó. Trên hòm rương đều niêm phong đóng dấu và có ổ khóa; trong nhà có đồng nam, đồng nữ; đình đài lầu các cột kèo đều chạm khắc hoa văn rất đẹp. Ngoài cửa còn dùng giấy làm rất nhiều nhân viên tùy tùng, tỳ nữ nô bộc hầu hạ, khi đốt tôi phải tìm các nhà sư tụng kinh.

Có một số người xuất gia, không được các Sư phụ dạy qua giáo lý nghiêm túc, cũng hùa theo sở thích người khác, hoặc làm theo ý mình. Họ quy định khi đốt kho, đốt giấy tiền vàng bạc cần phải có “Chúc Cước Phu”. Chúc là dặn dò, cước phu là người quản lý kho giấy và vàng mã. Khi hướng dẫn dặn dò họ, vị Sư phụ đó nói giống như thật: “Cước phu! Cước phu! Đi chậm từng bước và nghe theo lời chỉ dẫn của Sư tăng ta, cầm đòn gánh cho tốt, buộc chặt áo quần, trên đường phải đi nhiều nghỉ ít, nếu có hiến binh cảnh sát thẩm vấn ngươi, thì ngươi trình ra con dấu Tam Bảo niêm phong trên rương, không được phép mở loạn xạ… “. Bạn nói thử xem, những vị Sư phụ này không học Phật pháp, cùng một giuộc với nhau lại cho là theo thuần phong mỹ tục, há không phải là đang sống mà thấy ma sao?
Tôi có một số lượng tín đồ ở Đại Lục, các đô thị lớn, các thị trấn nhỏ đều có người làm kinh doanh vì tôi, người mua và người bán thật là thịnh vượng. Vì vậy, tôi gặp phải sự đố kỵ của mọi người, ai cũng nói rằng tôi là cái thứ hại người hại tiền. Có người nói: Sở dĩ Trung Quốc nghèo cùng khốn khổ nguyên nhân chính là ba thứ lửa, thứ nhất, lửa đốt pháo, thứ hai, lửa đốt nhang, thứ ba, lửa đốt tôi – giấy tiền vàng bạc. Tôi có thể được liệt vào ba thứ lửa cùng với pháo và nhang, điều này cho thấy tôi rất hùng hậu trong thế lực dân gian biết bao! Mặc cho người khác nói tôi như thế nào, phê bình tôi ra sao, nhưng tổ tông của họ lúc nào cũng phải dùng tôi để tưởng niệm. Một người khi chết đi, gia tài bạc triệu, tiền của đầy rương, họ đều bỏ lại, hàng con cháu không thể không dùng tôi để thay thế. Làm cách đó tuy ngu muội, nhưng cũng đành phải như vậy mà thôi!

Tại Đài Loan, lúc đầu cũng phổ biến tôi ở khắp mọi nơi, nào ngờ sau khi người Nhật Bản phát động chiến tranh thế giới thứ hai, lúc đó Đài Loan vẫn nằm dưới sự thống trị của họ. Họ đã ngăn cấm đồng bào Đài Loan không sử dụng vàng mã màu vàng và bạc, mà phải dùng loại giấy thô thay thế. Trên mặt giấy thô phết một chút màu vàng hoặc bạc, nói rằng giấy vàng là kính thần, giấy bạc dành cho ma, trên giấy vàng, bạc còn đóng một dấu màu đỏ nhỏ, không cần gấp xếp, khi đốt bỏ cũng không cần tụng kinh hoặc trì chú.

Lúc tôi gặp nhiều may mắn nhất, chính là trong mỗi năm có ba thời điểm: Tiết Hàn thực Thanh Minh, Rằm tháng bảy và tiết Đông chí. Nghe nói ba ngày này là lễ hội của ma, tưởng niệm người chết cũng nên trong ba ngày này. Đặc biệt là tiết Thanh Minh, mỗi nhà mỗi hộ đều sửa sang quét dọn mả mồ cho người chết và đem tôi đốt bên phần mộ. Nhiều người còn sống đều biết: Những người chết không có con cháu là điều khổ nhất hiện nay, vì mộ người khác vô cùng nhiệt náo, mà mình lại nằm ngủ cô đơn trơ trọi trong lòng đất không có người han hỏi. Vì vậy, những người còn sống ôm nỗi bất bình thay cho người chết hiu quạnh, tiếc thương than phiền thay cho họ. Trong dân ca Mạnh Khương Nữ1 có mấy câu nổi tiếng: “Tháng ba là Thanh Minh, đang lúc cảnh sắc đào hồng liễu xanh; mọi người đốt giấy tiền vàng bạc trên phần mộ, riêng mồ của Vạn Kỉ Lương2 thì vắng vẻ thê lương”.

Chánh văn:

三月裡來是清明
桃紅柳綠正當景
人家墳上燒紙箔
萬杞良的墳上冷清清

Phiên âm:

Tam nguyệt lý lai thị Thanh Minh
Đào hồng liễu lục chánh đương cảnh
Nhân gia phần thượng thiêu chỉ bạc
Vạn Kỉ Lương đích phần thượng lãnh thanh thanh.

Tạm dịch:

Đến tháng ba là tiết Thanh Minh
Đang lúc liễu, đào rộ đỏ xanh
Tảo mộ người người thiêu vàng mã
Phần mộ Kỉ Lương lại lạnh tanh.

Do đây có thể thấy, người sống tất nhiên không thể thiếu sự hợp tác của những người đang sống, ngay cả người đã chết cũng không thể thiếu người còn sống.

Còn nhớ khi mọi người đốt tôi ngoài vùng hoang dã, nhìn thấy họ đứng bên cạnh tôi, một số la gào kêu khóc, một số cúi đầu rơi lệ thì thầm, một số bồi hổi quanh quẩn bên ngôi mộ, một số thì bịn rịn không nỡ dứt đi. Khóc lóc, bồi hồi, bịn rịn, lưu luyến, bởi vì dưới mảnh đất xấu xí kia còn có người thân và người yêu của họ, dù cho ân ái tốt đẹp như thế nào đi nữa, dù cho bạn có kêu gào ra sao, thì cảnh giới giữa Dương gian và Âm phủ, bạn cũng không thể làm gì được. Về điểm này, người đời tại sao vẫn không nghĩ đến nỗi thê lương của thế gian và sự vô thường của cuộc sống? Bạn có biết: “Tất cả đều để lại, chỉ có nghiệp theo mình” (萬般帶不去,唯有業隨身) Mong mọi người trên thế gian hãy suy đi nghĩ lại về điều này!

Hiện nay có rất nhiều tu sĩ xuất gia và cư sĩ tại gia chánh tri chánh kiến, họ đã bắt đầu công việc phá bỏ tà ác và hiển dương chánh pháp. Nhiều người thiếu hiểu biết, họ rất ngưỡng mộ chư Phật3 và Bồ tát4, để tỏ tấm lòng thành tâm cung kính đó, họ đã mua rất nhiều giấy tiền vàng bạc đốt chúng trước chỗ ngồi của chư Phật, Bồ tát. Một lần, có vị Pháp sư bên cạnh nhìn thấy cảnh đó khiến cho thầy dở khóc dở cười. Để sửa chữa điểm không lành mạnh trong niềm tín ngưỡng của những người này, thầy đã dùng phương tiện khéo léo gọi một đứa trẻ lại, lấy nắm giấy bạc từ trong tay của một tín đồ đưa cho bé bảo nó đi mua kẹo ăn, đứa bé há mồm cười gượng nói: “Giấy này vô dụng, làm sao có thể mua kẹo được?”. Vị Pháp sư nói với tín đồ: “Ngay cả đứa trẻ con không cần những tờ giấy bạc này, thì Phật và Bồ tát lại cần chúng hay sao”? Người đó đã hiểu ý nghĩa lời nói của thầy một cách sâu sắc, từ đó về sau không bao giờ dám thực hiện những hành động ngu muội này nữa.

Mọi người ở đây, muôn ngàn lần đừng hiểu sai ý tôi, cho rằng đạo Phật vì phá trừ mê tín dị đoan mà loại bỏ tôi, điểm này mọi người có thể yên tâm, các bạn cứ đốt tôi cho tổ tiên của các bạn, đốt tôi cho cô hồn ngạ quỷ nhưng đừng liên lụy đến Phật giáo, những Pháp sư đó không có quyền can thiệp vào phong tục dân gian. Nếu các bạn mang tôi vào các tự viện, đốt cho chư Phật và Bồ tát, thế thì bạn đang phạm một sai lầm to lớn.

Hiện nay, không chỉ có tín đồ Phật giáo bài xích sự hoang đường của tôi, mà ngay cả dư luận trong cộng đồng xã hội đôi khi cũng cho rằng tôi là công cụ mê tín dị đoan, số phận của tôi như thế nào, cũng chỉ có thể dựa vào thời đại và lòng người sắp xếp mà thôi!
Phần bổ sung:

Vàng mã là tiền giấy dùng để thiêu đốt khi cúng tế quỷ thần, bắt đầu từ triều đại Ngụy, Tấn, thịnh hành vào thời nhà Đường. Hình dáng của giấy tiền vàng bạc có nhiều chủng loại, loại giấy dày từ hai ba tấc đến bốn năm tấc, có hình tứ giác, loại có thếp vàng trên đó gọi là “giấy vàng” (金紙) dùng để kính bái thần linh, loại thếp bạc trên đó gọi là “giấy bạc” (銀紙) được sử dụng để kính bái tổ tiên.

Nguồn gốc của việc đốt vàng mã, theo truyền thuyết giấy vàng Dương thần do Thái Luân phát minh ra, giấy vàng Âm thần là sau khi vua Đường Thái Tông dạo chơi Địa phủ phát minh ra. Nguyên là sau khi Đường Thái Tông đảm nhiệm cho Ngụy Trưng giết Long Vương, Thái Tông thương tâm quá độ hôn mê nhiều lần, vì vậy mới sinh ra thần thoại việc Thái Tông du hành âm phủ. Sau khi Hoàng đế Thái Tông đến Âm tào Địa phủ, vua đã chứng kiến ​​thảm cảnh của nhiều cô hồn ngạ quỷ, nhân đó khi sống lại trở về dương thế, vua đại xá thiên hạ, tập hợp các bậc đạo cao đức trọng tổ chức Pháp hội siêu độ các cô hồn ngạ quỷ, đồng thời chế tạo vàng mã và đặt ra quy định đốt giấy tiền vàng bạc. Sau một thời gian dài, đã trở thành phong tục tập quán tín ngưỡng của dân gian.

Đại sư Tinh Vân – Thanh Như dịch



  1. Mạnh Khương Nữ (孟姜女): Nhân vật truyền thuyết và là một trong bốn câu chuyện tình yêu lớn của dân gian Trung Quốc. Hàng trăm nghìn năm nay, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân dưới hình thức truyền miệng. Truyền thuyết sớm nhất có thể được bắt nguồn từ “Tả Truyện”.
  2. Vạn Kỉ Lương (萬杞良): Chồng của Mạnh Khương Nữ. Trong Tả Truyện nói: Chồng của nàng Mạnh là tướng quân đã chết ngoài trận chiến vào năm 23 Tương Công thời Xuân Thu. Lúc Tề Hầu trên đường về gặp nàng Mạnh liền bày tỏ sự đồng cảm và chia buồn sâu sắc, nhưng nàng Mạnh không chấp nhận. Nàng ấy nghiêm nghị nói với Tề Hầu rằng: Nếu chồng tôi có tội thì không cần ông chia buồn; nếu chàng không có tội, thế thì ông tưởng niệm trên đường là không hợp lễ. Sau khi Tề Hầu nghe những lời này, biết mình thất lễ liền tự đến nhà Kỉ Lương ai điếu. Có thuyết khác: Vào năm thứ 4 Tề Trang Công, Tề Tập Cử, Kỉ Lương đã hy sinh khi tác chiến, Mạnh Khương nghinh tang ở ngoại thành khóc rất thảm thiết, cả thành sụp đổ vì nước mắt của nàng. Về sau, truyền thuyết cho là Mạnh Khương khóc Vạn Lý Trường Thành.
  3. Chư Phật (諸佛): Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật (giáo chủ) của thế giới này, trong mười phương thế giới có rất nhiều Phật, cho nên, tất cả Phật luôn được gọi là chư Phật.
  4. Bồ tát (菩薩): Đây là tiếng gọi tắt trong ngôn ngữ Ấn Độ, gọi đầy đủ là “Bồ Đề Tát Đỏa”, Trung Hoa dịch là “Giác Hữu Tình” nghĩa là người đã giác ngộ.

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!