HĐ Là một giáo viên đứng lớp, nhất là với những thầy cô có kinh nghiệm, thì ai cũng muốn được xếp vào vị trí giáo viên chủ nhiệm (GVCN). Đó vừa là niềm hãnh diện (vì chứng tỏ năng lực của mình), lại là cách để giáo viên chu toàn hơn đối với học sinh. Được nhìn, giám sát, quan tâm các em học, chơi và cả khi thấy các em nằm trong tốp xuất sắc do chính mình cất công dạy dỗ thì điều đó rất là tuyệt vời. Nhưng đằng sau những hào quang ấy là nhiều gian khó, áp lực chất chồng khiến GVCN phải đau đầu.
Vị trí GVCN sẽ được Ban giám hiệu phân công (không được từ chối), nếu đánh giá giáo viên có đủ năng lực, đạt nhiều thành tích. So với giáo viên bộ môn (GVBM) thì GVCN chỉ được hưởng chế độ 4 tiết nghĩa vụ (thường GVBM dạy 17 tiết nghĩa vụ/ tuần thì GVCN dạy 13 tiết/ tuần), ngoài ra không còn gì khác. Nhưng áp lực của GVCN không sao kể hết, chung quy cũng từ thi đua mà ra. Học sinh không thuộc bài, hạnh kiểm kém, học lực kém, đánh nhau, đi trễ, ăn trong giờ học, nói chuyện trong lớp chậm đóng học phí, chậm đóng bảo hiểm, tiền khuyến học,… đều gây bất lợi cho GVCN. Và tất nhiên, GVCN sẽ bị nhắc nhở, thậm chí bị nêu tên trước Hội đồng trường. Thực sự đây là một nỗi buồn, nỗi ê chề tột cùng của giáo viên.
Câu chuyện học sinh chậm đóng các khoản phí là điều chẳng GVCN nào muốn cả. Nhưng hối thúc cũng ở mức độ, vì có nhiều phụ huynh hoàn cảnh rất khó khăn, chạy ăn từng bữa. Với vai trò là GVCN, có lần tôi đến vài gia đình của học trò mình, khi nhìn thấy hoàn cảnh éo le, tôi không thể nào buộc họ phải sớm đóng tiền học phí được. Nhìn cuộc sống khó khăn của họ làm tôi đau lắm, kêu gây bất lợi thì có thể tâm lý học trò mình hoang mang dẫn đến bỏ học. Và thế là tôi chấp nhận bị khiển trách. Đó là chưa nói học sinh mâu thuẫn, đánh nhau, thậm chí xích mích ngoài trường thì GVCN cũng bị vạ lây. Đồng ý rằng, giáo viên cũng như cha mẹ, luôn thương yêu học trò của mình, không muốn bọn trẻ có hành vi côn đồ. Nhưng GVCN không thể giám sát 24/24 và càng không có trách nhiệm về những hoạt động của học sinh khi bước ra khỏi trường, trừ các vấn đề về học tập. Nhưng GVCN vì thương học trò, lại sợ ảnh hưởng đến lớp, nên vội vàng can thiệp, cùng với phụ huynh làm hòa đôi bên. Có những lúc các em học sinh nghèo thiếu tiền đóng quỹ lớp, không tiền ăn sáng, thì GVCN cũng là người bỏ tiền túi ra để lo cho các em. Phụ huynh hiểu thì không nói gì, nhiều người chưa tìm thấy các giải pháp hợp lý thì cho rằng GVCN quá tàn nhẫn khi thúc ép học sinh nghèo đóng học phí, bênh vực học sinh giàu và coi rẻ học sinh nghèo, quản lý quá tệ khiến con em họ học lực lẹt đẹt… Đủ thứ các kiểu chỉ trích mà GVCN chỉ biết cắn răng chịu đựng.
Cũng từ vấn đề thi đua mà có thể khiến cho GVCN với GVBM dẫn đến bất hòa, “chiến tranh lạnh”, hiềm khích nhau… Nếu các em học tốt đều thì không có gì bàn cãi. Nhưng nếu có một số em học lực kém hơn các bạn, thì chuyện không dừng lại ở nội bộ lớp. GVBM sẽ phàn nàn với GVCN, nếu không tiến triển, họ lại góp ý lên Ban giám hiệu trường rằng GVCN chưa quản lý lớp đạt chất lượng. Nếu môn đó học sinh có học lực kém, thì GVMB bị hạ thi đua. Vì lẽ đó mà GVBM thúc hối GVCN một cách thái quá, trong khi năng lực giảng dạy môn học lại thuộc về GVBM. Lại có chuyện mâu thuẫn giữa GVCN với GVCN. Khi một người đạt thành tích thi đua tốt thì có vài GVCN sinh ra đố kỵ, ghen ghét; nhưng cũng có trường hợp những GVCN đứng ở “tốp cuối” bị xem thường, cười nhạo. Chia rẽ nội bộ, kết bè kết phái cũng từ đây mà ra.
GVCN như một tấm lưới vướng vào những mâu thuẫn đan xen giữa: phụ huynh, học sinh, GVBM, GVCN, Ban giám hiệu. Hoàn thành tốt trách nhiệm thì không sao, nhưng sơ sẩy một tí thì có vô vàn nỗi khổ kéo theo khiến cho GVCN luôn trong tình trạng căng thẳng và mất ngủ. Với những áp lực vừa nêu trên, mong nhà trường cũng như ngành giáo dục có những quy định “cởi trói” cho GVCN, GVBM để họ được chu toàn với công việc của mình. Tâm lý thoải mái sẽ khiến cho giáo viên giảng dạy đạt chất lượng cao hơn, học sinh vì thế, cũng tiếp thu bài tốt hơn.
Nguyễn Hoàng Duy