Chủ Nhật, 28 Tháng Năm 2023
Chưa được phân loại Nở hoa đạo đời

Nở hoa đạo đời

 

  Dạo gần đây, mỗi khi có dịp về Bến Tre công tác Phật sự hoặc thăm nhà, tôi hay ghé thăm chùa Từ Huệ, một ngôi chùa Ni nằm gần cầu Ba Lai, thuộc xã Tam Phước, huyện Châu Thành. Chùa tọa lạc trong khung cảnh miệt vườn đúng chất của xứ Dừa Bến Tre nên tạo cảm giác thật yên bình và rất dễ chịu, thoải mái cho khách phương xa khi đến viếng.

Tiếp chuyện với chúng tôi là hai Sư cô có khuôn mặt phúc hậu, dáng người vững chải, chắc chắn và cũng thật nhanh nhẹn. Sư cô Thích Nữ Như Uyên hiện là Trụ trì, còn Sư cô Thích Nữ Tâm Ngọc là Phó trụ trì chùa Từ Huệ. Qua lời kể lại của Sư cô Trụ trì được biết rằng: Chùa Từ Huệ được Hòa thượng Thích Thiện Ký khai sơn năm 1967, ban đầu chỉ là một cái am nhỏ để tu tập. Về sau, Ngài giao phó chùa lại cho đệ tử là Thượng tọa Thích Thanh Đạt kế thế trụ trì. Năm 2006, Thượng tọa Trụ trì, vì lý do sức khỏe, đã bàn giao chùa lại cho Sư cô Thích Nữ Như Uyên, vị Ni trẻ vừa mới tốt nghiệp cử nhân Luật cùng cao đẳng Phật học. Ngay lập tức, năm 2007, Sư cô chính thức được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre bổ nhiệm làm Trụ trì đời thứ ba của chùa Từ Huệ. Sư cô Thích Nữ Tâm Ngọc, người bạn đạo thân thiết của Sư cô Như Uyên, từ chùa Kim Sơn cùng về đây để trợ duyên công việc trùng tu, phát triển chùa Từ Huệ từ đó đến nay. Càng nghe hai Sư cô kể lại giai đoạn khi mới tiếp nhận chùa, tôi càng thấy khâm phục sự quyết tâm và năng lực tổ chức tốt của hai vị Ni kính quí này. Tuy gọi là chùa, nhưng thật ra đây chỉ là cái am nhỏ giữa khu vườn u tịch, mương vũng hoang sơ. Vì vậy, hai Sư cô đã bỏ công bỏ sức, không ngại khó khăn, cải tạo chỉ trong thời gian ngắn để chùa trở thành ngôi tự viện trang nghiêm, qui mô và khang trang như hiện nay. Tôi thắc mắc với Sư cô Trụ trì rằng: Ai đã giúp các cô mà chỉ trong ít năm chùa có được diện mạo khang trang như ngày nay? Với ánh mắt toát lên định lực sẵn có, Sư cô Như Uyên nhanh chóng trả lời với tôi rằng: Chùa có được như ngày hôm nay nhờ vào sự gia hộ của Tam bảo và hộ pháp chư thiên. Lúc xây dựng, dù mệt mỏi vì bộn bề công việc, nhưng không đêm nào cả hai cô bỏ quên thời khóa tụng kinh, đặc biệt một lòng nhất tâm cầu nguyện cho công việc xây dựng chùa được nhanh chóng thành tựu viên mãn. Câu trả lời này khiến tôi càng khâm phục sự tinh tấn cùng với niềm tin mãnh liệt của Sư cô Như Uyên và Sư cô Tâm Ngọc vào Phật pháp, nhất là trong thời điểm chùa gặp khó khăn lớn và thiếu thốn mọi thứ. Tấm gương tu học dù trong hoàn cảnh nào lẫn hạnh nguyện hoằng dương chánh pháp ở vùng quê nghèo của tỉnh Bến Tre của hai Sư cô làm sống lại trong trí nhớ của tôi một bài kinh pháp cú mà Đức Phật đã dạy:

“Tín tâm sống giới hạnh
Đủ danh xưng tài sản
Chỗ nào người ấy đến
Chỗ ấy được cung kính”.

Cổ nhân đã đúc kết chân lý: “Phật pháp trường tồn nhờ Tăng, Ni hoằng hóa. Thiền môn hưng thạnh do đàn việt tín tâm”. Thật vậy, hoa đạo pháp đã nở và tỏa ngát hương ở miền quê Châu Thành từ ngày hai vị Sư cô Như Uyên và Tâm Ngọc về tiếp nhận, trùng tu và tôn tạo ngôi chùa Từ Huệ. Nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa của chùa được chính quyền, nhân dân đánh giá cao như nhà chùa đã nhận bảo trợ 70 nạn nhân chất độc màu da cam mỗi tháng, xây dựng 4 căn nhà tình thương hàng năm, trao học bổng cho học sinh nghèo vào dịp khai giảng,… Phật tử của chùa, được sự hướng dẫn tu tập từ hai vị thầy khả kính, đã thành lập Hội từ thiện chùa Từ Huệ với mục đích thực hành hạnh từ bi, tinh thần cứu khổ cứu nạn của người con Phật. Ngoài ra, họ còn siêng năng đến chùa tụng kinh với một đạo tràng khoảng 80 Phật tử, hầu hết được trang bị giáo lý một cách căn bản qua Lớp giáo lý Phật tử được mở tại chùa năm 2012. Với các đạo tràng ở nhiều địa phương khác, chùa Từ Huệ là nơi họ tìm đến, thông qua sự hướng dẫn của hai Sư cô, để tổ chức phóng sanh, hành hương đầu năm và thành tâm cúng dường mùa An cư Kiết hạ. Một chiều mưa tầm tả, cùng ngồi trao đổi dưới hiên chùa, Sư cô Như Uyên và Tâm Ngọc tâm sự rằng: Trước giờ, tâm nguyện của hai cô là làm sao đem đạo vào đời, hết lòng phụng sự đạo pháp và dân tộc, đóng góp hết sức mình cho quê hương. Những thành tựu Phật sự của chùa Từ Huệ trong những năm qua thật đáng tự hào và ghi nhận. Tâm nguyện của hai Sư cô đã giờ đã thành hiện thực. Tôi liền cảm tác hai câu thơ ngay trong sân chùa để tặng nhị vị Sư cô:

“Chuông chùa Từ Huệ ngân nga
Nhiệm mầu Phật pháp nở hoa đạo đời”.

Mỗi lần viếng chùa Từ Huệ là mỗi lần tôi được thưởng thức những món chay ngon, rất đặc trưng của xứ Dừa Bến Tre. Đó là món canh kiểm, củ hủ dừa kho, rau câu dừa,… và không thiếu được mấy cái bánh tráng nướng giòn rụm, béo ngậy. Đặc biệt, lúc nào cũng có nồi bún riêu sôi sùng sục cạnh mấy đĩa rau sạch hái trong vườn để chiêu đãi khách thập phương. Sư cô Như Uyên và Tâm Ngọc nói thức ăn ở chùa hoàn toàn yên tâm vì đều là thức ăn sạch, nguyên liệu được các cô chọn lọc kĩ lưỡng và tự tay nấu phục vụ thực khách. Tôi thì trộm nghĩ thêm rằng chắc thức ăn của chùa ngon là do tâm trong sạch, đôn hậu và thanh cao của người nấu nướng. Từ những món ăn cho đến hương giới đức, phạm hạnh của hai vị Ni ở ngôi chùa Từ Huệ đã đọng lại trong tâm tôi niềm kính phục, trân quí vô cùng! Thật là phước báu cho tôi và những ai đã từng đến viếng chùa này.

Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ rằng: Ai có về về xứ Dừa Bến Tre, nếu hữu duyên, hãy đến viếng chùa Từ Huệ một lần để cảm nhận sự an lành, mát mẻ của ngôi chùa này, đặc biệt là cảm nhận rõ lòng niềm nở hiếu khách cùng sự an lạc tĩnh tại của hai vị Sư cô Như Uyên và Tâm Ngọc.

Minh Phúc

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!