Thứ Tư, 27 Tháng Chín 2023
Hành trạng chư Ni NI TRƯỞNG thượng ĐÀM hạ XƯƠNG

NI TRƯỞNG thượng ĐÀM hạ XƯƠNG

(1914 – 2001)

I. Thân thế

Ni trưởng Đàm Xương, hiệu Bản Giác, thế danh là Trần Thị Tâm, sanh năm Giáp Dần (1914) tại thôn Ngọc Đồng, Trực Thanh, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Gia đình Ni trưởng tuy Nho giáo nhưng rất ngưỡng mộ Phật pháp và đều quy hướng Tam Bảo.

Thân phụ là cụ ông Trần Đình Giáp, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Dăm. Gia đình có bảy anh chị em và mọi người hết lòng kính tin Tam Bảo, ngoài Ni trưởng ra còn có ba người em theo bước chân Ni trưởng quy y nơi cửa Phật như ngài Thích Đàm Vận – trụ trì chùa Ngọc Lâm, Trực Cát, huyện Trực Thanh, tỉnh Nam Định; ngài Thích Đàm Mậu – trụ trì chùa Thượng Thanh, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây; ngài Thích Đàm Luận trụ trì chùa Chân Tiên, số 151 Phố Bà Triệu, Tp. Hà Nội.

II. Thời kỳ xuất gia tu học

Ngay từ thuở ấu thời, chí hướng mến mộ đạo mầu đã sớm nảy sinh, Ni trưởng thường theo cha mẹ đi chùa lễ Phật, lòng mến thích cảnh Già lam, tôn sùng Tam Bảo ngày càng sâu đậm. Sớm nhận thức cõi trần gian là ảo mộng, thân người là khách, cuộc đời là bến vô thường.

Thế rồi, một hôm Ni trưởng bộc bạch ngỏ lời cùng với phụ mẫu chí hướng xuất gia đầu Phật của mình và được song thân chấp thuận. Cơ duyên đã đến, năm 13 tuổi (1927), Ni trưởng đến quy y thế phát với Nghiệp sư là Cố Sư cụ Đàm Hiền và Cố Sư cụ Đàm Nghi ở chùa Ngọc Lâm, xã Trực Cát, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Năm tháng trôi qua, Ni trưởng sống cuộc đời thanh đạm nâu sồng, ngày đêm miệt mài trong cảnh an bần lạc đạo. Sau nhiều năm chấp lao phục dịch làm tròn phận sự hầu thầy, sớm khuya nỗ lực kiên trì tinh chuyên học đạo và luôn hòa đồng với pháp lữ nên được thầy thương, bạn mến.

Năm 17 tuổi, Ni trưởng được Nghiệp sư cho đăng đàn thọ Sa-di-Ni giới tại chốn Tổ Ngọc Giả, xã Trực Đạo, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định.

Sau khi thọ giới, Ni trưởng chuyên tâm nhất ý giữ gìn uy nghi tế hạnh, tấn tu đạo nghiệp vun bồi thiện căn nơi Phật pháp. Với lòng thâm tín Tam Bảo, nên cho dù thế sự biết bao biến chuyển nhưng Ni trưởng vẫn cần mẫn tinh tấn tu tập, thời giờ khắc niệm chi công, đường giải thoát tiến tu không bao giờ xao lãng.

Năm Giáp Tuất (1933), khi vừa tròn 20 tuổi, Ni trưởng được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại chốn Tổ Tế Xuyên – Nam Định.

Với bản tính thông minh sẵn có và lòng khát ngưỡng giáo pháp Đại thừa, được gần bên thầy hiền bạn tốt, Ni trưởng mong mỏi càng ngày được học hỏi uyên thâm Phật pháp, nên mãi chuyên tâm rèn luyện.

Năm 1939, Ni trưởng được Nghiệp sư cho đi tham học tại chốn Tổ Bồ Đề – Gia Lâm. Nơi đây có nhiều Ni chúng các nơi đang theo học.

Năm 1943, Ni trưởng lại được đến tu học tại chùa Hưng Hải (Hải Dương), một chốn Tổ đã đào tạo nhiều hàng Ni chúng.

Năm 1946, Ni trưởng được tu học tại chốn Tổ Cồn, xã Văn Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đây là nơi có rất nhiều các vị Tăng Ni tu học và sau này trở thành rường cột cho Phật pháp.

Năm 1949, tình hình chính trị ở Nam Định có nhiều diễn biến phức tạp, nên Ni trưởng theo Hòa thượng Viện chủ chùa Vọng Cung, lên chùa Quán Sứ – Hà  Nội để tiếp tục tu học.

Năm 1953, sau khi học xong, Ni trưởng trở về chùa Vọng Cung cùng với Tăng chúng tu học.

III. Thời kỳ hành đạo

Năm 1958, Ni trưởng được cử tham gia vào Ban Tuyên huấn Phật học Trung ương thuộc Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Năm 1973, Ni trưởng được Phật tử thôn Huỳnh Cung thỉnh về trụ trì chùa Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội và tu hành tại đó cho đến ngày viên tịch.

Chùa Huỳnh Cung là một ngôi cổ tự đã bị hư hại, cảnh chùa quạnh hiu. Từ ngày về trụ trì, Ni trưởng một mặt lo tu tập, một mặt lo tôn tạo trùng tu lại cảnh tự, chẳng bao lâu từ cảnh Già lam hoang sơ đã trở thành nơi trang nghiêm, điện đường ngày càng sáng đẹp; trùng tu nhà Tổ, xây phòng khách, nhà Tăng, khuôn viên đẹp đẽ.

Ni trưởng đã từng giúp đỡ che chở cho các vị Cách mạng của Đảng là cụ Hoàng Quốc Việt và nhiều cán bộ Cách mạng trong Xứ ủy Bắc Kỳ khi còn tu hành ở chùa Cổ Viễn, xã Hưng Tông, huyện Bình Lục vào năm 1938.

Năm 1947, khi ở chùa Cồn, Ni trưởng đã bị thực dân Pháp câu lưu vì ủng hộ Cách mạng 200 thùng thóc, một thuyền đinh. Sau bảy ngày tra khảo, Ni trưởng vẫn kiên định không hề khai báo, chúng đành phải trả tự do cho Ni trưởng.

Sau khi nước nhà độc lập thống nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập (1981), vấn đề giáo dục và đào tạo Tăng tài là Phật sự hàng đầu của Giáo hội. Trường Cơ bản Phật học Hà Nội (nay là trường Trung cấp) được khai mở. Mặc dù, tuổi cao sức yếu với 77 tuổi đời nhưng Ni trưởng vẫn tham gia làm giảng sư. Nhằm tạo thắng duyên cho công tác Phật sự, Ni trưởng được Giáo hội và nhân dân tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân dân huyện Thanh Trì, đồng thời là Phó Ban Đại diện Phật giáo huyện Thanh Trì.

Do những cống hiến lớn lao đối với Đạo pháp và Dân tộc, Ni trưởng được Nhà nước và Giáo hội tặng thưởng nhiều bằng khen và giấy khen.

Năm 1987, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ II, Ni trưởng đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên hàng giáo phẩm Ni trưởng.

Năm 1989, Ni trưởng được chính phủ tặng bằng có công với nước.

Năm 1990, Ni trưởng được tặng Huy chương vì Sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân. Ngoài ra, Ni trưởng còn được tặng 18 bằng khen, giấy khen của các cấp lãnh đạo từ Trung ương, Thành phố và cấp Huyện.

Cả cuộc đời Ni trưởng sống giản dị, siêng năng, cần cù, nhu hòa, nhẫn nhục. Tuy nghiêm khắc với bản thân, nhưng đối với tứ chúng Ni trưởng lại ôn hoà nhã nhặn. Ni trưởng thường dạy đệ tử hãy noi gương Tổ Bách Trượng

“Một ngày không làm thì một ngày không ăn”. Với đức hạnh khiêm cung, ái kính với mọi người, lời nói chân thành khi tiếp xúc với các tín đồ Phật tử khiến ai nấy cũng đều cảm mến kính phục.

IV. Thời kỳ viên tịch

Thân tứ đại giả hợp huyễn có cũng phải trở về không, vào ngày 17 tháng 01 năm 2001, Ni trưởng đã hiện tướng Niết-bàn, thu thần viên tịch. Trụ thế 88 năm, hạ lạp 68 mùa An cư Kiết hạ.

Nhục thân của Ni trưởng không còn nơi trần thế nhưng những công đức và hành trạng của người sẽ mãi lưu lại trong tâm tư, ký ức mọi người con Phật.

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!