Thứ Sáu, 29 Tháng Ba 2024
Hành trạng chư NiNI TRƯỞNG thượng ĐÀM hạ MINH (1912 - 1992) - Trưởng Ni...

NI TRƯỞNG thượng ĐÀM hạ MINH (1912 – 1992) – Trưởng Ni bộ Bắc tông Quảng Nam – Đà Nẵng

I. THÂN THẾ

Ni trưởng thế danh là Hoàng Thị Bút, Pháp danh Tâm Quang, tự Đàm Minh, hiệu Minh Đức, sinh ngày 20 tháng 4 năm Nhâm Tý (năm 1912) tại xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Thân sinh là cụ ông Hoàng Nguyên Hoa – Pháp danh Tâm Chánh, thân mẫu là cụ bà Lý Thị Hợp. Gia đình có năm người con (một trai, bốn gái), Ni trưởng là chị cả

Vốn xuất thân trong gia đình khoa bảng, thấm nhuần giáo lý đạo Phật, trong gia tộc có người cô ruột xuất gia tại chùa Điệt, thành phố Vinh là Sư bà Đàm Thanh. Nhờ có nhân duyên quá khứ cùng với thiện duyên hiện tại tạo nên cơ duyên thuận lợi cho Ni trưởng xuất gia, tầm sư học đạo.

II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC

Từ thuở ấu thơ thường gần gũi Sư bà Đàm Thanh nên cũng ảnh hưởng ít nhiều tinh thần Phật giáo. Năm 17 tuổi Ni trưởng phát tâm xuất gia, mặc dù lúc bấy giờ hai cụ thân sinh luôn cần sự có mặt của các con bên cạnh, nhưng với chí nguyện xuất trần, Ni trưởng quyết tâm thoát cảnh trần duyên, tìm đến Cố đô Huế xin Hòa thượng Đệ nhất Tăng thống thượng Tịnh hạ Khiết cầu xuất gia và được Hòa thượng cho thọ Sa-di-ni tại Giới đàn chùa Tường Vân thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 43. Sau đó, Ni trưởng cùng quý Sư bà an trú tại chùa Từ Đàm, lúc bấy giờ là cơ sở đầu tiên của Ni bộ Trung phần Việt Nam.

Năm 1930, hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo, Sư bà Diệu Không cùng quý Sư bà Trung Nam bộ được sự chỉ đạo của Giáo hội Tăng già Trung phần đứng ra xây dựng Ni trường Diệu Đức, làm cơ sở đạo tạo Ni giới ngõ hầu xương minh Phật pháp. Từ đó, Ni trưởng cùng quý Sư bà miền Nam chuyển về Diệu Đức Ni Viện đảm nhận công việc Ni trường từ lúc phôi thai đến lúc hoàn thành (hiện nay Ni trường Diệu Đức đã trở thành Trung tâm đào tạo Ni của Ni bộ Trung phần). Ni trưởng đảm nhận chức vụ lo kinh tế, tài chính của Ni trường.

Năm 1944, Ni trưởng được phép của Bổn sư đăng đàn thọ Đại giới tại Giới đàn chùa Thiền Tôn do cố Hòa thượng Thích Giác Nhiên – Đệ nhị Tăng thống làm Đàn đầu Hòa thượng.

III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO

Ngoài việc chăm lo đời sống và dìu dắt Ni chúng, Ni trưởng còn được Giáo hội Thừa Thiên cử đi giảng dạy giáo lý các khuôn hội vùng sâu vùng xa trong tỉnh, đoàn sứ giả của Như Lai đã mang ánh sáng Chánh pháp đến những miền thôn dã. Phong trào chấn hưng Phật giáo mỗi ngày càng lan rộng, nhu cầu tu học của Phật tử mỗi ngày một đông. Vì lẽ đó, Giáo hội Tăng già Quảng Nam-Đà Nẵng tiếp nhận của ba thí chủ cúng một ngôi nhà và đất để kiến thiết chùa Bảo Thắng làm cơ sở Ni bộ đầu tiên của Quảng Nam – Đà Nẵng. Khi ngôi Tam Bảo hoàn thành, được quý Tôn đức Tăng già giao quyền cho Ni bộ Trung phần và dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Đôn Hậu (Viện chủ chùa Linh Mụ) Ni bộ đề cử Ni trưởng đảm nhận chức vụ trụ trì chùa Bảo Thắng vào năm 1956.

Về đây, Ni trưởng đã xây dựng nhà Đông – nhà Tây, Chánh điện trang nghiêm để quy tụ Ni chúng, hướng dẫn tín đồ, góp phần thăng hoa Phật sự tại Phố cổ Hội An.

Vào thời gian này, thành phố Đà Nẵng trên đà phát triển, đạo Phật được xiển dương, hầu hết tín nữ tại đây mong muốn có được một ngôi chùa Ni để có nơi sinh hoạt, tu học. Đáp ứng nguyện vọng tha thiết ấy, Giáo hội Tăng già Quảng Nam-Đà Nẵng cùng Hòa thượng Vu Lan và Hòa thượng Trí Giác đứng ra mua đất, chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và bàn giao cho Ni trưởng việc xây dựng Bảo Quang Ni Tự. Còn ngôi Bảo Thắng giao lại cho quý Sư bà Như Hương và Diệu Hạnh vào năm 1962.

Ni trưởng cùng hàng đệ tử ở Bảo Thắng chuyển ra Đà Nẵng và thâu nhận chúng điệu tu học. Thời gian từ 1963 đến 1966 phong trào đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng, chống lại chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và chế độ Nguỵ quyền Sài Gòn đang dâng cao, Ni sư Diệu Định (đệ tử của Ni trưởng) đã phát nguyện tự thiêu làm ngọn đuốc đầu tiên của Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng, ngọn đuốc ấy bùng cháy vào ngày Rằm tháng 4 năm Bính Ngọ (1966).

Bảo Quang Ni Tự là “hậu phương” cho phong trào yêu yêu nước của Tăng Ni và Phật tử miền Trung, Nam bộ.

Sau năm 1975, với sự quan tâm của Ni trưởng về việc tu học của Ni chúng, Ni trưởng đã sử dụng ngôi Bảo Quang – trụ sở của Ni bộ Bắc tông Quảng Nam – Đà Nẵng làm nơi An cư tập trung cho Ni giới tỉnh nhà và mở các khóa Bát Quan Trai cho Phật tử tu tập. Ngoài ra, ngôi Bảo Quang còn là nơi giao lưu của quý Sư bà, Ni sư khắp ba miền đất nước.

Ni trưởng cẩn trọng trong từng lời nói khi giao tiếp, kỷ cương trong giới luật. Đối với Ni chúng rất nghiêm, xử phạt công minh, nhắc nhở từ oai nghi tế hạnh: đi, đứng, nằm, ngồi nhất nhất đều y giới luật. Về đời thường lúc nào Ni trưởng cũng thương yêu và lo lắng cho Ni chúng từ việc nhỏ đến việc lớn, từ người gần đến người xa.

Trên đường hành đạo, Ni chúng theo học ngày càng đông nhưng cơ sở vật chất ngôi Bảo Quang không thể thâu nhận hết môn hạ, để tạo điều kiện tu học cho Ni chúng, Ni trưởng đã giúp đỡ tài chánh trong việc xây dựng ngôi Bảo Vân Ni Tự tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh và Ni trưởng đã gửi một số Ni chúng vào Nam sống tu học tại đây.

Từ bước đầu chỉ với hai ngôi Bảo Thắng và Bảo Quang đến nay đã có trên ba mươi chùa Ni rải rác trên mười một huyện thị, quy tụ hơn một trăm Ni chúng và hàng vạn tín đồ về thọ pháp với Ni trưởng.

III. THỜI KỲ VIÊN TỊCH

Sau một thời gian đóng góp công sức cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, sức khoẻ của Ni trưởng dần suy yếu thường hay ốm bệnh. Chúng đệ tử đã thỉnh Ni trưởng ra trụ ở Diệu Đức –Huế để bác sĩ Bách điều trị nhưng bệnh tình ngày một xấu đi, lại đưa vào Nam tiếp tục điều trị. Thấy bệnh không thuyên giảm, Ni trưởng quyết định trở về ngôi Bảo Quang là nơi Ni trưởng đã gắn bó suốt cuộc đời hành đạo.

Được tin Ni trưởng trở về, môn đồ đệ tử vân tập đông đủ thăm hỏi và chăm sóc; trong dịp này, Ni trưởng đã dặn dò : “Mấy con giới pháp đã tạm đầy đủ; cả đạo lẫn đời, chị em phải y theo lời Phật dạy, sách tấn cùng nhau tu học, thương yêu đoàn kết đùm bọc lẫn nhau. Trên lấy nhiệm vụ hoằng pháp lợi sanh làm sự nghiệp, dưới vâng lời dạy dỗ của quý Sư bà. Có được như thế, tôi mới an tâm về cõi Phật”.

Khi quý Ni trưởng, Ni sư các tỉnh về thăm vấn an sức khỏe, Ni trưởng nở nụ cuời hoan hỷ và nói : “Nhân duyên chúng ta đến đây tạm mãn, cám ơn quý Sư bà xa xôi đã đến thăm, tôi xin đa tạ. Để được an tâm giải thoát, nhờ Sư bà Từ Hạnh (Tọa chủ chùa Châu Phong) hoan hỷ thay tôi làm Trưởng ban Ni bộ Quảng Nam – Đà Nẵng chăm lo cho Ni chúng trong tỉnh nhà. Đệ tử xuất gia của tôi tuy đông nhưng Diệu Tâm và Diệu Cảnh là lớn, nay Diệu Tâm ở xa, tôi biết rất thương tôi, Diệu Cảnh thay thế chăm lo Bảo Quang cố gắng giữ gìn như lúc tôi còn tại thế. Sau khi tôi vãng, nhờ Giáo hội và Ni bộ đưa tôi về hầu Tổ (tại nghĩa trang Tổ đình Tường Vân) nơi mà tôi y chỉ và đắc pháp tại đây”.

Những lời thống thiết đạo tình đầy trách nhiệm của Ni trưởng; một con người trước sau, sống chết đều chăm lo cho Ni chúng. Sau mùa Phật Đản – Phật lịch 2536 vào lúc 16 giờ 15 phút ngày 18 tháng 4 năm Nhâm Thân (1992), Ni trưởng đã xả báo thân, an nhiên viên tịch giữa sự luyến tiếc mến thương của môn đồ, giữa ba hồi chuông trống Bát-nhã và giữa tiếng niệm Phật tiễn đưa Ni trưởng về cõi Phật. Thọ thế 80 tuổi đời, 58 tuổi đạo.

Tin khác

Cùng chuyên mục